Chưa khi nào tôi nghe tiếng xe cứu thương thường xuyên như những tháng vừa qua.  Đọc tin tức trên mạng thì gần như lúc nào cũng có cụm từ COVID-19, nhiều chuyện buồn xảy đến với bao nhiêu người khắp nơi trên thế giới.  Số người qua đời cứ tiếp tục tăng thêm nhanh đến nỗi tôi cảm giác như mình vô cảm trước những con số thay đổi liên tục mỗi ngày.

Tôi cũng hoang mang, cũng lo lắng, và cẩn thận đến mức quá đáng (theo như lời mẹ tôi nhận xét) khi phải đi chợ sáng sớm để mua vài thứ cần thiết.  Tôi cứ nghĩ trong đầu là mình không sợ con vi-rút đó, đời người ai mà không trải qua sanh tử một lần.  Thế nhưng khi đứng xếp hàng cách người đứng trước và người sau lưng khoảng cách chừng 2 mét, và khi thật sự bước vào bên trong chợ, chỉ thấy lác đác vài người vì người ta chỉ cho 10 khách vào một lượt, tôi bước đi như là đang bị theo dõi, nhìn tứ phía xem có ai đi gần mình để lập tức giữ khoảng cách.

Trước đây mỗi lần đi chợ mua nhiều đồ gấp mấy lần cũng chỉ cần chừng 40 phút là cùng, còn bây giờ thì tôi loay hoay mất gần 2 tiếng đồng hồ trong chợ.  Đúng ra tôi phải đi thật nhanh để những người khác đang chờ ở bên ngoài không phải mất thời gian vì cái tâm sợ hãi của mình.  Cái tâm lo sợ thành ra tâm ích kỷ, và đó là chuyện của gần hai tuần trước.

Mấy ngày vừa qua trời có đổ vài cơn mưa, và cơn mưa chiều nay cảm giác như da diết hơn.  Tôi được sanh ra và lớn lên ở xứ sở của những cơn mưa triền miên nên mưa đối với tôi vừa thương, vừa tội.  Và tiếng mưa là cái cớ để vọng tưởng trỗi dậy, mà vọng tưởng của tôi thì có đủ hỉ nộ ái ố của một nửa đời người để mỗi khi nhớ lại thì nghiệm ra gần như toàn là điều không hay do mình tự gây ra cho mình mà cứ tưởng là tại người khác.  Mưa cũng là giây phút hoài niệm cho tôi tự ngẫm lại mình khi được nghe những câu chuyện về những con người quên bản thân mình trong lúc dịch bệnh để người khác được bình an.  Đó là những bệnh nhân bị nhiễm bệnh nhường máy thở cho người khác có cơ hội sống cao hơn.

Xem thêm:   Hến xào xúc bánh tráng món bình dân mà thấm nhớ

Đó là những vị bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế khắp nơi ngày đêm làm việc bất chấp rủi ro lây nhiễm dịch bệnh để thực hiện thiên chức chữa bệnh cứu người.  Đó là những người tình nguyện trong cộng đồng đứng ra quyên góp khẩu trang cho các bệnh viện trong lúc thiếu hụt.  Đó là những cửa tiệm tạm thời trở thành cơ sở may khẩu trang trong thời gian đóng cửa để thực hiện quy định cách ly xã hội.

Đó là những bậc tu hành và giáo dân của mọi tôn giáo thành tâm cầu nguyện bình an mỗi ngày.  Đó là những nhà khoa học đang tận tụy thực hiện nhiều nghiên cứu để tìm ra vắc-xin ngừa bệnh trong thời gian sớm nhất.

Đó là những dược sĩ, nhân viên phục vụ ở tất cả các cửa hàng bán dược phẩm, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác ngày ngày vẫn đi làm để chúng ta vẫn còn được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu.

Đó là những người đưa thư, người giao hàng vẫn đi khắp nơi mỗi ngày để chúng ta vẫn có thể nhận thư từ hàng hóa.  Đó là những người âm thầm làm sạch thùng rác ở các khu dân cư và nơi cộng cộng để giữ gìn vệ sinh chung.

Đó là những tấm lòng nhân ái đóng góp tài thí cho các quỹ cứu trợ khẩn cấp, quỹ nghiên cứu y học, và quỹ giúp đỡ người nghèo đang bị chật vật hơn trong thời gian dịch bệnh.  Và tôi biết còn nhiều nhiều lắm những trái tim ở khắp mọi nơi dành tình thương yêu san sẻ với người khác bằng nhiều cách trong khả năng của mình.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (11/28/2024)

Tiếng mưa rơi chiều nay thôi thúc tôi viết lại kỷ niệm về Bà ngoại của mình mà mấy hôm rồi tôi cứ ấp ủ mãi trong lòng.  Hơn bao giờ hết, tôi cảm nhận sự quý giá của bát cơm nóng và ly nước đầy lúc này.  Các món ăn chay do mẹ tôi nấu cứ làm tôi nhớ quay quắt hình ảnh Bà ngoại mặc bộ đồ màu tối sậm ngồi riêng một mình với bát cơm chay mà thức ăn là quả chuối chín với muối rang hoặc là ly chè đậu xanh mua ở bà bán chè trước nhà.

Bà ngoại tôi là người duy nhất trong gia đình ba thế hệ sống chung có “khả năng” ăn chay theo cách mà nhiều cô, chú, bác trong nhà thường cười không hiểu sao Bà có thể ăn được kham khổ như vậy.  Bà thường dâng hoa sen, hoa huệ, hoa lay ơn cúng Phật vào ngày Rằm, Mồng Một và Lễ Tết.  Mấy bữa trước tôi có nghe mẹ tôi kể Dì tôi bỗng dưng phát bệnh mà cơ thể cảm giác “đau hơn đau đẻ”.  Tôi buộc miệng nói: “Mạ nói Dì ăn chay vài bữa đi, hoặc là giảm bớt các loại thịt tươi màu đỏ“.

Tôi biết điều này đâu phải là cách chữa trị vì tôi không biết gì về y học.  Tôi cứ thắc mắc không hiểu ngày xưa sao Bà ngoại tôi có thể ăn chay một tháng nhiều ngày đều đặn và đơn sơ như vậy trong khi mấy dì mấy cậu của tôi đôi khi khó cưỡng lại ý thích thưởng thức tô bún bò đậm đà vị béo mặc dù biết rõ mình bị cao huyết áp và cao mỡ trong máu.  Tôi không có ý phê bình hay nhận xét về thói quen ăn uống.  Tôi cũng không có ý định phân biệt giữa ăn chay và không ăn chay vì mỗi tôn giáo đều có cách thực hành đức tin khác nhau và mỗi người nếu theo một tôn giáo nào đó đôi khi cũng có cách hành đạo khác nhau.  Tất cả những điều khác nhau về hình thức đó suy cho cùng đều hướng về một bầu trời thương yêu và một mặt đất bình an chung cho loài người và muôn loài khác.

Xem thêm:   Khi tiền bỏ chạy

Giữa những âu lo mùa đại dịch, tôi viết lại kỷ niệm về Bà ngoại của mình vì kỷ niệm đó, trong những ngày thử thách tinh thần này, cứ làm tôi rưng rưng khi bưng chén cơm nóng với món nấm khô Shiitake xào.  Loại nấm này được trồng và sấy khô ở vùng đất nông nghiệp hiền hòa ở tận tiểu bang Oregon xa xôi.  Món chay mà tôi được ăn bây giờ so với quả chuối chín với mấy hạt muối rang ngày trước của Bà ngoại tôi có thể nói là khác xa nhau về hình thức, nhưng điều tương đồng mà tôi cảm nhận được chính là sự bình an hiện hữu trong thâm tâm như lúc Bà ngoại tôi ngồi im lặng một mình với bát cơm chay.  Sự bình an ấy cứ theo tôi trong những khoảnh khắc nhớ về Bà với hình ảnh đầu đội nón lá tay cầm hoa sen đi chợ về.  Sự bình an ấy giúp tôi bớt lo sợ trong những ngày dịch bệnh này, và sự bình an ấy là điều tôi muốn được san sẻ với những người mà Bà tôi mang nặng sanh thành và nhọc công nuôi dạy, trong đó có mẹ tôi.

Cơn mưa vẫn trút nước xuống lòng đường, còn lòng tôi thì ướt sũng nhớ ngày Bà ngoại mình trả hết nợ trần, để lại cho con cháu của Bà hoài niệm bình an về đóa sen trang nghiêm trên bàn thờ Phật, bát cơm trắng ngọt hương chuối chín và đức tin sâu dày…

Tâm Nguyên

(Cali, ngày 10 tháng 4, 2020 – storyonsat@gmail.com)