Lễ Thương Khó và Phục Sinh năm nay, có lẽ đã có đến hàng triệu tín đồ trên thế giới than buồn vì không được đến nhà thờ dự lễ. Những bữa tiệc mừng, họp gia đình nhân dịp lễ Phục Sinh cũng đã đóng lại. Hẳn nhiên là tôi cũng không vui rồi. Và mặc dầu tôi vốn ít bạn bè, ít ra đường, ít có mặt ở các bữa tiệc, không cảm thấy khó chịu vì phải ở trong nhà, phải dự lễ online vân vân, nhưng tôi không thấy bứt rứt, buồn chân buồn tay gì cả. Tuy nhiên tình hình cả thế giới đều u sầu nên tôi cũng ảo não lây. Và cho đến ngày hôm qua, thì quả là lòng tôi thật sự u buồn. Nỗi buồn này càng lúc càng nhân lên gấp đôi, gấp ba, chưa thể dừng lại được. Lâu, từ lâu lắm rồi, sau khi dịch bịnh bắt đầu lan tràn, nhất là sau vài tuần nặng nề bởi các tin tức mỗi ngày mỗi nhiều, mỗi ngày mỗi lớn, tôi bắt đầu gạn lọc những thông tin trên truyền hình, báo chí, và internet để đọc, để xem. Tôi đã hoàn toàn không để mắt đến những tin tức khiến mình… tức cho dù đó là những tin từ bạn bè, người quen chia sẻ. Cũng dần dà tôi loại bớt, delete bớt danh sách những người chuyên tag vào Facebook của tôi những điều, những tin nhảm không ích lợi, nếu không muốn nói là khiến tôi bực. Cuối cùng tôi chỉ đọc hoặc nghe những tin tức từ nhà trường gửi tới, cộng thêm một số tin nói về những diễn biến trong ngày, trong tuần ở ngay thành phố mình đang sống. Vậy mà bắt đầu từ tuần trước, đến tuần này, những tin tức xoay quanh chuyện Covid-19 đang xảy ra ở ngay đây đã khiến tôi đau lòng. Thành phố tôi sống không là thành phố lớn. Dân cư khá ít mặc dầu diện tích đất rất rộng. Có lẽ vì khí hậu vùng này khắc nghiệt, mùa Ðông kéo dài quá lâu, đầu tháng Năm vẫn chưa ấm, vẫn còn những cơn bão tuyết bất ngờ, và chỉ đến đầu tháng Mười là tuyết đã lại rơi. Dân cư ở đây phần lớn là người da trắng. Có những gia đình đến từ thuở Hoa Kỳ chưa lập quốc, chưa có tên gọi cũng như chưa có hiến pháp. Tổ tiên họ di cư từ Âu châu sang, đi dọc giòng Missouri xuống nơi này và ở lại lập nghiệp. Có những người chưa từng rời khỏi thành phố này, chưa hề đi du lịch, đi nghỉ ngơi ở bất kỳ nơi nào trong lãnh thổ Hoa Kỳ nói gì đến chuyện ra nước ngoài, mặc dầu có thể xếp họ vào hàng ngũ những người có bạc triệu, có gia sản kếch sù, đất đai mênh mông.

Khoảng chừng mười lăm năm trước đây, khi tôi sang làm lễ cưới cho con gái tôi, nơi đây vẫn rất ít người Á châu, sống lác đác nơi này nơi kia, hầu như ra đường chẳng bao giờ gặp một bóng dáng đồng hương. Nếu muốn mua một chai nước mắm, một lọ tương, thì cũng phải chạy xe đến tiệm tạp hoá Việt-Hoa duy nhất nằm ở cuối thành phố. Về sau này, khi tôi đã định cư hẳn nơi này, mới có thêm một tiệm của người Lào, và một tiệm Phi Luật Tân bé tí xíu gần downtown.Hai cái tiệm Á châu, một Việt-Hoa, một Lào-Cambodia nằm cách nhau một góc ngã tư, nơi có thể đón được một số khách Việt, Hoa, Lào, và những người dân di cư từ châu Phi sang. Ðây là những người làm việc cho một cơ sở thực phẩm lớn, sản xuất tất cả các loại thịt heo, từ thịt xông khói, xúc xích cho đến thịt heo tươi. Có thể xem đây là một nhà máy làm thịt heo lớn nhất nước Mỹ, được xây dựng từ thế kỷ trước (1909) do George Morell phát triển cơ sở của ông tại Bradford – cách London 200 km – từ năm 1827. Ðến năm 1995 thì công ty Smithfield Foods mua lại John Morell & Co., với số công nhân  khoảng độ ba ngàn rưỡi người. (*)

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Phần lớn những người di dân đến thành phố này, nếu không có trình độ chuyên môn và nhất là không biết tiếng Anh thì thường xin vào làm việc ở nhà máy này. Có thể nói lương ở đó khá cao và không đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Nhưng ngược lại thì phải làm những công việc nặng nhọc, hôi hám và phải đổi ca cũng như trực đêm. Một số người da trắng tôi quen, bảo thà đi làm chỗ lương thấp vẫn hơn. Riêng phụ huynh học sinh lớp tôi năm nay đã có đến bốn cặp làm việc tại đó vì họ chỉ mới định cư ở Hoa Kỳ một, hai năm, tiếng Anh gần như không biết. Có rất nhiều lần họp phụ huynh học sinh của lớp chúng tôi, những em có cha mẹ đi làm ở nhà máy này đều vắng mặt. Hoạ hoằn lắm họ mới đến, và thường là với một người thông dịch, hay một người rành tiếng Anh hơn.

Khi nạn dịch xảy ra tràn lan tại Mỹ, vào gần cuối tháng Ba, (26/03)  có một số công nhân ở cơ sở này đã bị nhiễm virus Covid-19, dương tính. Theo tờ báo địa phương Angus Leader, cho biết người này đã bị cách ly mười bốn ngày và nhà máy bảo có thể trở lại làm việc sau khi hoàn toàn hồi phục. Cho đến ngày 11/04 sau khi thống đốc tiểu bang ra lịnh, nhà máy mới bắt đầu tuyên bố đóng cửa ba ngày để tẩy rửa và diệt khuẩn. Con số nhiễm virus lúc ấy là 80. Giám đốc nhà máy hứa sẽ trả tiền lương cũ và tiền lương tạm thời cho những người nhiễm bịnh không đi làm được. Ða số những công nhân này đều làm ở khâu đóng gói thịt. Và tính cho đến ngày 20/4, nhà máy đã có hai ca tử vong, số lây nhiễm là 748 người (positive), chưa kể 143 người có tiếp xúc gần gũi với họ, và không thể biết được bao nhiêu người chưa thử nghiệm.

Xem thêm:   Hổ Trướng Khu Cơ & danh tướng Đào Duy Từ

Trường hợp lây nhiễm đã xảy ra nhanh như vậy tại cơ sở thực phẩm  này theo điều tra của cơ quan chính phủ cho biết là khi những công nhân đang làm việc tại nhà máy có triệu chứng như sốt và những dấu hiệu nhiễm dịch khác, đã được cho về nhà, nhưng họ được phát một xấp thông tin (informational packets) về dịch bịnh chỉ viết bằng tiếng Anh – trong đó có những trang mà ngay cả người có trình độ tiếng Anh trung bình cũng không thể hiểu thấu đáo – nên họ đã không tuân thủ những gì cần làm. Cũng không đi xét nghiệm ngay. Người xin về nhà vì cảm thấy mệt hôm trước, hôm sau vẫn trở lại làm việc như bình thường. Trong khi đó những tờ rơi (flyers) được dán trên bảng thông báo và trước cửa nhà máy lại có những thông tin về dịch rất qua loa, như thể cho có.

Khi bị điều tra, ban giám đốc đã không chịu thừa nhận về việc nhà máy không đưa ra những hướng dẫn và thông báo kỹ lưỡng cho công nhân, vì cho rằng có đến hơn bốn mươi ngôn ngữ đã được sử dụng. Tuy nhiên ban điều tra cho biết tiếng Anh chỉ là một trong mười ngôn ngữ được nói nhiều nhất ở đó. (While English is one of “the top 10 languages,” so too are “Spanish, Kunama, Swahili, Nepali, Tigrinya, Amharic, French, Oromo and Vietnamese.” Nguồn NBC). Và phần lớn những bảng an toàn vệ sinh khác đều được dịch ra năm thứ tiếng khác nhau.

Khi thống đốc tiểu bang Kristi Noem tuyên bố dịch bịnh đã xuất phát từ chỗ làm việc, nhưng ban giám đốc của nhà máy lại đổ lỗi cho tình trạng sống của công nhân đã khiến việc lây lan xảy ra. Họ cho rằng đó là do hậu quả có “quá nhiều người làm việc cho nhà máy đã sống cùng trong một cộng đồng, trong một khu chúng cư, một căn hộ”!

Việc không thể đọc và hiểu được những “gói thông tin” về bịnh dịch nói gì, đã khiến công nhân nhà máy gặp nguy hiểm với đại dịch, mà cũng khiến cho đội ngũ các nhà dịch tễ học, vệ sinh công nghiệp gặp khó khăn khi đến quan sát và kiểm tra nhà máy. Do thiếu khả năng Anh ngữ, nên có rất ít người cung cấp thông tin cho ban điều tra.

Ðiều đau lòng nhất là theo báo cáo của CDC (trung tâm dịch tễ), khi người đầu tiên nhiễm dương tính vào ngày 24/3 mà mãi cho đến ngày 14/4 nhà máy mới đóng cửa. Trong khoảng thời gian đó, ban giám đốc nhà máy còn hứa nếu từ ngày 1/4 đến ngày 1/5, công nhân nào không bị nhỡ việc vì bịnh hoặc trễ việc, sẽ được lãnh thêm một ngân phiếu có tên gọi “tiền thưởng có trách nhiệm”(responsibility bonus) là 500 đô. Ðồng thời ngoài tình trạng đưa thông tin sơ sài, nhà máy còn không lập thêm thiết bị an toàn nào khác cho công nhân. Ngoài ra còn có hằng trăm nhân viên làm theo giờ (có thể xem như công nhân không biên chế tại Việt Nam) đã phải hoặc chọn sự nguy hiểm cho tính mạng khi đi làm, hay sẽ nghỉ mà không có lương.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Rất nhiều người đã trách tại sao sống ngay tại xứ này mà không chịu học tiếng Anh, hay có bao nhiêu đâu mà cũng lao đầu đi làm vân… vân. Là một người tị nạn, đến một đất nước xa lạ với hai bàn tay trắng, không hiểu ngôn ngữ bản xứ trong một thời gian dài, tôi hiểu rất rõ tại sao những công nhân này đã chọn việc đi làm là ưu tiên hàng đầu, tại sao nhiều người phải sống chung trong một căn hộ nhỏ, và tại sao họ không để thì giờ đi học tiếng Anh. Câu trả lời là vì họ nghèo, người thân của họ ở quê nhà còn nghèo hơn đang cần sự giúp đỡ của họ. Họ đã làm tất cả những gì có thể làm để tương lai thế hệ đi sau khá hơn, để người thân họ đỡ chết thảm vì cơ cực và nghèo đói. Hiện nay trên nước Mỹ có rất nhiều nơi, nhiều người ủng hộ cho việc reopen, mở cửa lại trong khi đại dịch vẫn lan tràn, con số tử vong ở đất nước này vẫn nhiều nhất thế giới. Người ta vẫn xuống đường đòi “liberty” trong khi bịnh viện đã và đang có những bác sĩ, y tá, dược sĩ đi làm trở lại dầu họ đã về hưu từ vài năm trước. Bộ trưởng tài chánh   Thomas Schäfer của tiểu bang Hesse, Ðức đã tự tử vào ngày 28/3, nữ bác sĩ phòng cấp cứu Lorna Breentại Mahattan, Hoa Kỳ cũng đã quyên sinh vào Chúa Nhật vừa qua vì không chịu nổi áp lực của dịch bịnh.

Với nỗi đau, tôi cầu nguyện cho những người nhuốm bịnh tại nơi đây, tôi cầu nguyện cho thành phố, tôi cầu nguyện cho những người đang làm việc ngày đêm ở bịnh viện.

HN

(*) Hiện nay chủ nhân của Smithfield là Hong Kong-based WH Group, là công ty chế biến thịt heo lớn nhất thế giới, cũng có những cơ sở khác ở Wisconsin, Missouri and Pennsylvania, Hoa Kỳ. Hai cơ sở tại Hoa Kỳ đã đóng cửa vì nhiễm dịch.