LỜI GIỚI THIỆU:

Trong bài kế tiếp này, tác giả nhắc đến hình ảnh Hồ Điệp Tử trong vở nhạc kịch cổ điển lừng danh của phương Tây, nói về sự hy sinh và tâm trạng chờ chồng của phụ nữ Á Châu, là tiền thân của nhạc kịch Cô Gái Saigon… Mời độc giả thưởng thức sự phân tích hình ảnh Hồ Điệp Tử dưới đây qua ngòi bút của Dương Như Nguyện.   

LOẠT BÀI NHÌN LẠI HÌNH ẢNH PHỤ NỮ MỸ GỐC Á TRƯỚC THẾ KỶ 21

 Bài 3:

Từ Madam Butterfly (Hồ Điệp Tử) đến hòn vọng phu: 

phụ nữ giữa hai thế giới

Đề bạt:

Tôi, một người đàn bà Phương Ðông

đứng giữa những bức tường hỗn loạn…

Ðang kiếm tìm một lối về quê

Tôi không còn ngóng trông chồng

trên đỉnh núi cô đơn

không còn ru con nữa

Giờ đây

tôi phải chấp nhận di sản

thanh gươm của người chinh phụ

DNN 1989

Hình ảnh Hòn vọng phu trong văn hoá Việt Nam   

1

Hình ảnh cánh bướm

Tình yêu lớn của tôi trên đời là âm nhạc Madam Butterfly của Puccini. Dĩ nhiên, âm nhạc trong tác phẩm thật tuyệt vời, nhưng cũng có câu chuyện cảm động về một người phụ nữ châu Á chết vì một đàn ông Tây phương – một người không xứng đáng với nàng, cưới nàng nhưng không thật lòng, cốt bỏ rơi nàng trong tuyệt vọng với ảo tưởng chàng sẽ một ngày quay lại.

Nhưng cái nhìn của Puccini về số phận bi thảm của phụ nữ biểu tượng phương Ðông không chỉ là một cái nhìn trên sân khấu. Chiến tranh Triều Tiên, tiếp theo là cuộc chiến Việt Nam, sản sinh ra những người Mỹ lai Á “bị ruồng bỏ,” mắc kẹt trên những đường phố quê nhà. Tuy nhiên, hình ảnh cánh bướm của Puccini, ngay cả khi được trình bày bởi một ca sĩ luống tuổi, có đôi mắt kẻ viền trắng như hạt hạnh nhân nằm nghiêng, vẫn còn là niềm say mê của phương Tây đối với phụ nữ châu Á.

Hình ảnh cánh bướm, dẫu sao, trong văn chương và triết học phương Ðông, thật ra tiêu biểu những gì sâu xa hơn là sự mảnh mai và trang nhã của phụ nữ. Hình ảnh  cánh bướm là một giao tiếp của người quân tử với thế giới siêu hình – sự kết nối giữa cái “tôi” của họ và một vũ trụ huyền bí.  Trang Tử, triết gia cổ đại người Trung Hoa, học trò Lão Tử, một lần mơ thấy mình biến thành bướm. Ông viết nhiều sách nổi tiếng về triết lý vũ trụ như muốn bày tỏ về giấc mơ của mình.

Danh ca sân khấu nhạc kịch cổ điển Maria Callas, trong vai Hồ Điệp Tử, trình diễn ở Âu Châu, giữa thế kỷ 20

Trong giấc mơ Trang Tử, cánh bướm là một hóa thân được chọn để kết nối thế giới phàm tục con người với thế giới ảo, đầy tưởng tượng, một nơi mà tất cả ràng buộc trần thế không còn vương vấn, linh hồn con người giải thoát khỏi chính cái tôi, cái “ngã.” Cánh bướm do đó đã trở thành biểu tượng của những giấc mơ, tiềm thức, sáng tạo, và bí mật của bóng đêm tăm tối, chỉ được thắp sáng bởi sự giải thoát khỏi cái tôi. Phải qua quá trình tự giải thoát khỏi cái tôi thì con người mới có thể hòa nhập vào vũ trụ. Khái niệm hòa nhập với vũ trụ là nền tảng của cả Phật giáo lẫn Lão giáo – cốt lõi triết học và văn hóa phương Ðông.

Xem thêm:   Huyền thoại Hoa Tiên Ông

Cánh bướm, hay chuyện thần bí biểu tượng của cánh bướm, cũng là biểu thị hình thái nguyên thủy của nữ tính trong văn chương phương Ðông. Một nhà văn thời xưa khác cũng người Trung Hoa, ông Bồ Tùng Linh, viết cuốn Liêu Trai Chí Dị,  một cốt truyện huyền bí đầy tưởng tượng, trong đó có những mẫu  chuyện về loài vật như thuồng luồng, cáo, gấu, chồn, bướm, hoặc côn trùng, hóa thân thành “phụ nữ” để giao hợp vợ chồng với đàn ông có học hay danh giá trong mọi tầng lớp xã hội, nhiều khi là học trò nghèo không tiến thân được trong xã hội Trung Hoa.  Những “phụ nữ” này cực kỳ xinh đẹp, thông minh, thường có phép thuật và theo đuổi một thứ chuẩn mực đạo đức rất thực dụng nhưng linh hoạt, không phù hợp những giá trị Khổng-Nho giáo đang thống trị xã hội hồi ấy. Với tự do khám phá tình yêu và quan niệm cấu trúc gia đình mới mẻ, những “phụ nữ” này khẳng định nữ tính của mình và xác định  ý thức về công bình hay chính nghĩa.  Vì lẽ không hoàn toàn là con người, họ không bị xét đoán bởi những lễ nghi, tục lệ, và giá trị đạo đức của xã hội Trung Hoa.

Tuy nhiên, để tuyên dương loại phụ nữ mới xuất hiện này, Bồ Tùng Linh đã lồng các nhân vật của mình bằng hình ảnh loài bò sát, cáo chồn, chim, gấu, ngay cả thực vật, hay cánh bướm, có khi là con ong hay những con côn trùng khác, hoặc đơn giản là những hồn  ma. Tiểu thuyết trở thành công cụ để bình thường hoá các phụ nữ không bình thường này, nhằm thay đổi đời sống qua cách vẽ ra một chân trời hoang tưởng. Tác phẩm của Bồ Tùng Linh vẫn còn nổi tiếng đến hôm nay cũng như thời  đại của ông, không những trong các nền văn hóa nói tiếng Hoa mà còn ở những nước láng giềng như Việt Nam. Chỗ đứng của nó trong văn học Á Ðông, dẫu còn tranh biện, thực sự không thể chối cãi.

Trang Tử, hình ảnh trong cổ thi, và giấc mơ kẻ sĩ hoá bướm

2

Định kiến về cánh bướm hay phức hợp mặc cảm tự kỷ

Xem thêm:   Pháp khí

Ý nghĩa triết học, tinh thần, và nữ tính của hình ảnh “Cánh Bướm” trong văn chương phương Ðông, tuy nhiên, lại ít được biết đến ở phương Tây. Qua âm nhạc của Puccini, phương Tây làm quen với việc xem hình ảnh Hồ Ðiệp Tử tiêu biểu cho nữ tính Á Ðông, tôi gọi đó là “Ðịnh kiến cánh bướm” hay “phức hợp mặc cảm” (một loại ám ảnh tự kỷ). Bài viết này là một cố gắng khám phá mô thức này, nhìn lại và sử dụng các ví dụ từ văn chương và nghệ thuật biểu diễn đương đại nước Mỹ trong thế kỷ 20:

– khi có sự kết hợp trao đổi giữa hai khối văn hóa Âu và Mỹ sau Thế chiến Thứ hai, khi Nhật đã đầu hàng với sự tàn phá cuả bom nguyên tử từ Mỹ;

– khi vấn đề căng thẳng chủng tộc và sự bình đẳng về quyền làm người trở nên tiên quyết ở cường quốc như Mỹ và Âu Châu;

– và khi cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản – cộng sản, đem đến những rối rắm phức tạp giữa Âu Mỹ và Á, cùng với những cuộc chiến tranh “đại diện” đẫm máu xảy ra ở Á Châu (tạm dịch chữ proxy war, thí dụ như chiến trường Triều Tiên và Việt Nam), lại qua chiến trận Trung Ðông và thảm kịch 9/11 mở màn cho chiến tranh tôn giáo;

– và sau cùng là việc tạo dựng một thế giới mới về tin học trước thềm ngưỡng cửa thế kỷ 21.

Thế giới ma quái qua hình ảnh phụ nữ trong tranh, dựa trên câu chuyện BỨC HỌA TRÊN TƯỜNG của Bồ Tùng Linh.

Tất cả những dữ kiện lịch sử xuyên thiên kỷ ấy bắt buộc tạo nên sự thay đổi về cách sử dụng nhân tố toàn cầu, đem lại những điều kiện mới “ắt có mà vẫn chưa đủ” về cách nhìn phụ nữ và Châu Á.

Xem thêm:   Chiếc ghế gỗ đu đưa

Trước những bối cảnh khá nhiễu nhương đó, tôi quay lại ý nghĩa triết học, tinh thần, và ngay cả nữ tính phiến diện của hình ảnh “Cánh Bướm” trong văn chương phương Ðông, qua đến “cánh bướm triết lý vô giới tính,” rất truyền thống ở phương Ðông lại ít được biết đến ở phương Tây.  Hãy so sánh những “motif” này với thực trạng của thế kỷ 20, thế kỷ của cấu xé, tranh thủ, đọ sức, thử lửa, nhưng lại là bước sửa soạn cho thế kỷ 21 –  chúng ta, những khuôn mặt phụ nữ của cội nguồn Châu Á, đang tiến hay lùi?

Xem tiếp bài 4

Nhìn lại hình ảnh phụ nữ gốc Á trong văn chương và sân khấu nghệ thuật hiện đại của Âu Mỹ, thế kỷ 20.