Làm chủ nhà hàng Việt Nam duy nhất ở cái tỉnh lẻ miền Bắc Mỹ này trong 6 năm qua, có lẽ điều chị hãnh diện nhất là hàng năm tặng cho khách những chiếc bánh tráng miệng “vận may” (fortune cookies) đặc biệt vào dịp Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Ðán, lễ Tình Yêu (Valentine’s Day) và lễ Giáng Sinh. Ðó là những chiếc bánh có gắn những câu chúc mừng bằng hai ngôn ngữ Việt và Anh như “Tân Xuân Vạn Hạnh”, “Mừng Chúa Giáng Sinh” và “Ngày Tình Yêu Hạnh Phúc” chị và nhân viên chế biến và nấu nướng tại nhà hàng thay vì những chiếc bánh mua ở đại lý, với những câu thường lệ như: “May mắn sẽ đến với bạn”, “Cánh cửa sẽ mở rộng cho bạn”, “Bạn sẽ luôn luôn khoẻ mạnh” v.v. Mỗi lần thấy khách nở nụ cười ngạc nhiên, thích thú khi đọc những mảnh giấy rút ra từ những chiếc bánh “vận may” này chị cảm thấy hạnh phúc lây với họ và thầm cám ơn Chúa đã cho chị cơ hội tạo niềm vui cho tha nhân.

Vâng, chị xem đây là một sáng kiến “có một không hai”, rất đáng hãnh diện của chị. Nhưng hôm kia, một anh khách hàng người bản xứ đã làm cho chị phục lăn, phục sát đất qua một sáng kiến không những độc đáo mà còn thật là dễ thương nữa.

Ðó là anh chàng Dale, một vị khách quen thuộc của nhà hàng hơn hai năm nay. Dale thường đến dùng cơm chiều với Anna, cô bạn gái tóc nâu, hiền hậu của anh ta, hai lần một tuần vào thứ Năm và Chúa Nhật. Anna thích món “bò lúc lắc”, Dale thì trung thành với “gà xào sả ớt”. Trăm lần như một, hai người “gọi riêng nhưng ăn chung”. Họ cùng nhau chia sẻ hai đĩa thức ăn, coi bộ tương đắc lắm.

Xem thêm:   Sau Tết, còn lại gì ...

Nhưng, trưa Chúa Nhật ấy Dale phá lệ. Anh ta đến nhà hàng một mình làm chị ngạc nhiên, thầm hỏi, chuyện gì đã xảy ra cho hai người? Anh ta còn ngồi nán lại cho đến khi nhà hàng đã vắng khách mới đến quầy trả tiền làm chị càng thêm thắc mắc, định hỏi, “Anna khoẻ chứ? Hôm nay nàng bận công chuyện hay sao mà không đến?” Chị vừa mới mỉm cười, chưa kịp hỏi thăm, Dale đã trịnh trọng trao cho chị một hộp plastic nhỏ, có hai chiếc bánh “vận may”. Anh ta nở một nụ cười thật tươi, nhờ chị mang hai chiếc bánh này ra bàn, thay vì bánh của nhà hàng, khi Anna và anh dùng xong buổi cơm chiều hôm nay, khoảng sáu giờ. Anh ta sẽ dùng nó để ngỏ lời cầu hôn cùng Anna.

Bảo Huân

Chuyện chỉ có thế thôi mà nó làm cho chị thật sự xúc động, nhớ sao là nhớ cái ngày xa xưa ấy. Ừ, hôm đó Chúa Nhật, xem lễ xong hai đứa đến Hang Ðá Ðức Mẹ đọc kinh như thường lệ. Rồi thay vì ra về, bỗng dưng anh kéo tay chị đứng lại, nhìn chị bằng  cặp mắt đắm đuối và với đôi môi ấp úng anh nói: “Xin Ðức Mẹ  chứng giám, anh thật lòng yêu em và anh muốn đưa ba má anh đến nhà, gặp ba má em, xin phép cưới em làm con dâu của ông bà, làm vợ của anh.” Kỷ niệm đẹp ấy, tuy đã gần hai mươi năm rồi nhưng sao chị cảm thấy như mới xảy ra hôm qua và nó làm cho chị ngẩn ngơ, bất động, quên luôn vị khách trẻ tuổi đang đứng chờ.

Xem thêm:   Nhẫn

“Chị có thể giúp tôi trong việc này chứ?” Câu hỏi làm chị giật mình, lúng túng trả lời:

“Ðược!… Ðược chứ!… Lẽ dĩ nhiên là được… Ðây là… là một sáng… sáng kiến quá dễ thương! Chúc… chúc mừng anh chị!”

Dale mỉm cười, sung sướng thố lộ:

“Cám ơn chị. Tôi học ‘mánh’ này không đâu xa, chính ở nơi này! Hơn chục lần trước đến đây dùng cơm, khi ấy tôi đã có ý định cầu hôn với Anna nên tôi kín đáo để dành các chiếc bánh ‘vận may’, không cho nàng biết. Tôi làm bể hết bảy, tám chiếc bánh mới lấy ra được mảnh giấy và nhét lời cầu hôn của mình vào hai chiếc bánh này đó chị!”

Trưa hôm ấy, nhân viên nhà hàng ai cũng vào cuộc, bàn tán, phỏng đoán, thậm chí còn đánh cá về lời cầu hôn của anh chàng Dale nằm trong hai chiếc bánh “vận may”. Nó là gì nhỉ? “Em là vận may của đời anh.” hay là “Anh yêu em, anh xin cưới em.” hoặc “Sống mãn đời với anh, em nhé!”…? Chị chỉ mỉm cười, không có ý kiến, vì trong tâm tư của chị lúc bấy giờ, chị chỉ thấy đôi mắt của anh trong giây phút không quên ấy mà thôi. Trải qua cuộc bể dâu, đổi đời 1975 với biết bao khó khăn, khổ cực, nhờ ơn Ðức Mẹ chở che, đôi mắt ấy vẫn còn đắm đuối với chị, tình yêu của anh chị vẫn sắt son như thuở nào.

Xem thêm:   Cãi trời

ĐAD