Lời tòa soạn: Xuân muộn khác với nhộn nhịp trước Tết, khay mứt đã cạn, mai vàng đã úa và hương trầm đã phai nhưng mâm cúng gia tiên còn dư âm. Tết đã hết nhưng lòng người vẫn còn bâng khuâng vì những Tết tuổi thơ còn vương vấn. Con gà cúng Giao thừa của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy chính là lưu luyến ấy. 

Có lẽ có hàng tỉ câu chuyện bi hài liên quan đến con gà dịp Tết.

Ví như chuyện ông chú bà thím tôi tối Giao thừa đặt nồi luộc hai con gà cúng trên bếp than tổ ong. Cái bếp được đặt chếch cửa ra vào, gần mé cổng ra ngõ để mùi than không bay vào nhà. Trời rét căm căm, ông chú bà thím vào trong khép hờ cửa xem ti vi, thỉnh thoảng ra coi. Chừng một tiếng gà chín, bà thím để gà trong nồi ngâm thêm một chút, chỉ cài cửa bếp than để giảm nhiệt. Mười lăm phút sau ra vớt gà,  cả nồi lẫn gà đều biến mất tăm, chỉ còn chiếc bếp than lom dom trơ trụi.

Ví dụ như chuyện bà chị tôi quen, hồi nhỏ được mẹ đưa đến chúc Tết nhà cô giáo. Trong mắt bọn trẻ con thời xưa thì cô giáo khác gì nữ thánh. Ðến nhà cô đúng lúc gia đình đang quây quần ăn uống, chị trố mắt thấy nữ thánh đang gặm một cái chân gà! Nữ thánh gặm chân gà, thật không thể chấp nhận được! Thần tượng sụp đổ tan hoang trong lòng chị, từ đó chị hết hâm mộ cô giáo và cũng ghét luôn cả chân gà.

Ví dụ như chuyện bố chồng tôi ngày xưa, mỗi khi vợ con làm gà cúng Giao thừa là ông đi qua đi lại, nhắc lấy nhắc để rằng phải làm cái chân gà cho thật cẩn thận, cấm để sứt sẹo một li. Ông cần có cái chân gà trơn nuột để cúng Giao thừa xong còn đem ra… bói, xem vận hạn năm mới thế nào. Có năm sơ sẩy, cái chân gà bị sứt, ông hậm hực cả mấy ngày Tết. Mà đâu phải hỏng chân con gà này thì thịt con khác thay vào được, thời khó, “quỹ gà” có hạn. Một ngày kia con cái trưởng thành, trước Tết mang về biếu ông một xấp tiền, bảo ông muốn mua bao nhiêu gà thì mua, bói bao nhiêu chân thì bói, năm ấy ông bèn không bói nữa. Chỉ khi khốn khó người ta mới hay trông ngóng vào những điều mê tín để tìm lấy niềm an ủi.

Còn tôi có câu chuyện con gà Tết của riêng tôi.

Năm ấy tôi chín tuổi. Cách Tết chừng đôi tháng, mẹ tôi mua thêm năm con gà choai choai về nuôi, để đến Tết bọn nó lớn thịt là vừa. Thịt gà, trời ơi, chỉ nghĩ thôi nước miếng đã ứa ròng ròng. Một thứ thực phẩm xa xỉ mà chỉ dịp Tết nhất giỗ chạp mới được ăn. Này là miếng đùi ngọt lịm, cắn phập vào phần thịt thơm lừng cho chất nước hồng hồng đọng bên trong chảy tràn các kẽ răng, ôi thôi cứ sướng tê tái cõi lòng; miếng ức trắng muốt như hoa lan, miếng cánh ngậy mỡ, miếng cổ sừn sựt, miếng mề miếng tim giòn giòn…, cả con gà không bỏ đi phần nào hết.

Xem thêm:   Máy làm biếng

Mẹ cắt lông cánh, lông đuôi lũ gà để đánh dấu là lính mới, rồi nhốt vào chuồng cùng với đám gà cũ. Những năm bao cấp và đầu Ðổi Mới, kinh tế khó khăn, ai ai cũng nuôi lợn nuôi gà. Bố tôi giáo viên đại học, mẹ tôi giáo viên cao đẳng, ngoài đi dạy còn mở một hiệu may, nhưng vẫn nuôi gà để có thêm thu nhập. Nhưng tôi thấy mẹ tôi nuôi gà chẳng chuyên nghiệp gì, vì bận quá.

Ngày hôm sau tất cả lũ gà được thả ra tự do. Tôi có nhiệm vụ vãi cơm cho bọn nó sáng một lần và chiều một lần. Trời nhập nhoạng về chiều, lũ gà lục tục kéo về chuồng, và đây là thời khắc tôi rất ghét. Gần như lần nào cũng thế, cứ mỗi khi nuôi gà mới kiểu gì cũng có con bị lạc. Lần này, năm con, chỉ về có bốn.

– Con đi tìm gà mau, – mẹ cau có – của một đống tiền cứ thế này thì Tết treo nồi hết!

Một nhiệm vụ tuyệt vọng. Tôi không biết đã bị mẹ bắt đi tìm gà lạc bao nhiêu lần, và tất nhiên chẳng lần nào tìm được. Tôi chạy qua hỏi bà Báng hàng xóm cho lấy lệ, rằng bà có thấy con gà màu vàng cắt lông đuôi lông cánh chạy qua đây không. Không. Chả nhẽ lại có, ai mà bận tâm đến một con gà ranh đi loanh quanh chứ. Tôi đi ngó các bụi cây quanh nhà, với bóng sáng bóng tối bắt đầu nhòa vào nhau. Miệng tôi kêu chích chích, chẳng có con gà nào chạy ra hết. Phải thôi, nếu tôi là con gà tôi cũng chẳng chạy ra, nó biết cái đứa đang chích chích kia là đứa nào. Tôi chạy qua chuồng gà nhà bác Mão ngó thử, hàng chục con gà đang chen lấn nhau trong cái chuồng to đùng nhà bác, có thánh cũng chẳng nhìn ra được con gà ranh nhà tôi nếu nó ở trong đó thật.

Tôi không dám về nhà, mẹ sẽ cáu nhặng lên dù lỗi không phải ở tôi. Tôi đi qua những bụi cây to và xa hơn, chích chích vào trong vùng bóng tối chừng như thăm thẳm sau đám lá cành um tùm. Rồi tôi đi xa nữa, ra phía cánh đồng sau nhà, đứng thơ thẩn cô đơn trên bờ ruộng. Tôi thôi chích chích. Bóng tối đổ dần đầy không gian rộng lớn. Ngoảnh lại phía ngôi nhà mình, khung cửa sổ mở ra đồng đã sáng ánh điện. Rồi tôi lại nhìn ra khoảng không xam xám, tim tím bao la trước mặt, gió chiều hi hút, lòng thấy buồn mênh mang. Tôi chẳng giận mẹ, chẳng giận con gà. Cuộc sống khốn khó sớm dạy cho lũ trẻ như tôi lòng cảm thông, nhẫn chịu, không đòi hỏi. Nhưng nỗi buồn hoang không tên cứ vời vợi trong lòng cô bé tuổi vừa lên chín.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Tôi cứ đứng như thế không biết bao lâu, chờ đợi một tiếng gọi. Thể nào rồi mẹ cũng ló ra sau nhà, “Thủy ơi, về đi!”, lúc ấy tôi mới đi về.

Lũ gà yên ổn cho đến Tết, mẹ bán bớt mấy con, giữ lại con gà mái đang đẻ trứng và mấy con để ăn Tết. Tôi háo hức chờ đến tối Ba Mươi được cắn ngập răng vào miếng thịt gà thiên thần của tuổi ấu thơ.

Tối Ba Mươi lạnh cóng, cả nhà ăn một bữa tất niên linh đình. Giờ đây ăn đủ thứ ngon lạ đắt tiền nhưng chẳng có được cái cảm giác sung sướng rụng rời của cái thời đói kém đó.

Sau bữa tối, chị tôi rửa bát, mẹ tôi với tôi làm thịt một con gà sống cúng Giao thừa. Mười giờ đêm thì mọi thứ đã tươm tất, con gà cúng được cất vào chạn bát chờ đến lúc bày ra sân tế đất trời thời khắc thiêng liêng. Cả nhà lên nhà ngồi uống trà ăn kẹo xem ti vi đợi Giao thừa, riêng đứa em nhỏ đã lên giường ngủ trước lát mới gọi dậy.

“Cách!” Một tiếng động khá to vang lên ở bếp. Mẹ bật dậy “Thôi chết rồi!” và lao ngay xuống bếp, mấy bố con lao theo. Ðiện vừa bật sáng, một con mèo mướp to tướng mắt xanh lè hoang dại phóng vụt từ trong chạn bát ra. Hình như mẹ đã cài chạn không kỹ. Con gà cúng đã bị gặm gần trụi cái phao câu và một phần cánh nham nhở, trông rất tức cười. Nhưng mẹ không cười nổi. Bố hô lên:

– Còn một tiếng nữa Giao thừa, phải làm con gà khác, mau lên! Mẹ nó đi bắt gà với bố. Hai đứa đun nước.

Bố mẹ hối hả ra chuồng bắt con gà mới. Tôi vội vàng nhóm bếp đặt siêu nước lên, trong khi chị tôi chẻ củi và đi lấy xoong nồi.

Chị tôi giữ cánh và chân gà cho mẹ cắt tiết. Mỗi khi cắt tiết gà mẹ luôn nói, “gái cắt tai, giai cắt cổ, tao hóa kiếp cho mày”. Nhưng không hiểu sao lần này mẹ nói nhịu thành “gái cắt giai, tai cắt cổ”. Và có thể đó là lý do mà con gà chưa ngỏm hẳn. Trong lúc mẹ đang quay đi cất bát tiết thì nó ngóc dậy, dáo dác đi quanh với cái đầu ngoẹo sang bên, trông kỳ dị vô cùng.

– Gà chạy, anh ơi!

Mẹ hoảng hốt kêu bố xuống. Bố sập cửa bếp chính vào, con gà giật mình lảo đảo phi qua cửa sau ra vườn.

Khoảnh vườn bé nhưng có nhiều lối thoát, con gà mà chạy được thì nguy to. Hồi đó nhà nào cũng thả gà tự do cho đi kiếm mồi chứ không quây rào kín như bây giờ, bọn gà quen đàn quen nhà cứ tối đến tự biết về chuồng. Cho nên “gà chạy bộ” lúc nào cũng ngon xuất sắc. “Mẹ nó đứng đây, hai đứa ra kia!” Bố có mấy năm kinh nghiệm chiến trường, phân công vị trí đứng cho từng người. Không khí căng như dây đàn. Tim tôi đập cuồng loạn. Ánh điện từ bếp và nhà hắt ra lỗ chỗ sáng tối. Con gà ngoẹo có vẻ còn khá khỏe, nó đi lung tung từ chỗ này sang chỗ kia. Bố khoát tay về phía góc vườn có rào chắn, bốn người từ từ khép vòng vây…

Xem thêm:   "20 ngày tại Mariupol"

Con gà bị tóm lại và đưa về đúng vị trí của nó trong nồi nước sôi. Bố tôi lẩm bẩm với con gà, “Mày thông cảm, ở đời ai mà chả là thức ăn của ai đó.” Mẹ tôi và chị tôi thoăn thoắt vặt lông gà, thời giờ như vàng ngọc. Chỉ còn ba mươi phút nữa.

Mẹ khéo léo dùng con dao nhỏ mổ phía bụng sau con gà. Gà cúng phải mổ moi mới đẹp, chứ mổ phanh là hỏng bét. Tôi thấy mồ hôi ròng ròng trên trán mẹ. Sau khi làm gà sạch sẽ, mẹ dùng sợi lạt mềm buộc cổ con gà để đầu nó nghếch lên trong tư thế “nghinh xuân”. Mẹ lại dùng một chiếc đũa ngáng qua lưng nó để nâng hai cánh lên tạo dáng “tung bay”. Rồi mẹ thả con gà đã tạo kiểu vào nồi nước. Ðến đây cả nhà đã thở ra được một chút. Nhưng nồi luộc gà không thể để lửa thật to cho nhanh được mà vẫn phải để lửa vừa cho gà không bị toác da. Bố bày sẵn mâm cúng ra sân với rượu, chè bánh chưng, vàng hương, hoa quả, chỉ thiếu con gà. Bánh pháo được treo sẵn mái hiên. Mẹ canh bếp và liên tục nhìn đồng hồ.

Còn mười phút. Hai chị em tôi nín thở. Còn năm phút. Bốn phút. Mẹ hối hả vớt gà ra cái rổ to cho ráo nước, gỡ cái đũa trên lưng gà, rồi cởi cái lạt ở cổ. Mẹ đặt con gà vẫn còn nóng giãy sang một cái đĩa mới, gài bông hoa hồng đỏ vào cái mỏ đang há, rồi mang thẳng ra sân. Ðúng lúc ấy, phía xa bắt đầu có tiếng pháo nổ giòn.

Bố thắp hương trên bàn thờ tổ tiên trong nhà và mâm cúng trời đất ở ngoài sân. Mấy mẹ con sung sướng vỡ òa như vừa hoàn thành một công cuộc vĩ đại.

“Con muốn thử châm pháo không?”, bố hỏi. Tôi gật, đây là lần đầu tiên tôi được châm pháo. Cầm lấy mồi lửa bố đưa, tay tôi run run đưa vào chỗ dây ngòi. Tạch tạch, đùng, đoàng, tiếng nổ đanh rền sảng khoái ở hiên nhà tôi hòa vào âm thanh rộn ràng khắp khu xóm nhỏ.

Con gà chễm chệ trên mâm cúng, vẫn đang bốc khói nghi ngút, đôi cánh dang ra như sắp bay lên trời đêm Giao thừa vời vợi.

Nửa giờ sau hương tàn, cả nhà xúm lại quanh con gà thụ lộc. Em tôi cầm miếng ức gà trắng ngần mềm mượt, tôi và chị tôi mỗi đứa một cái còng vàng ươm ròng mỡ. Cả nhà hỉ hả ôn lại thời khắc bão tố trước phút Giao thừa.

Cho đến giờ, đấy vẫn là con gà Giao thừa ngon nhất trong đời tôi.

NHDT