Thực ra, nếu nói về việc CÁM ƠN nước Mỹ và người Mỹ, đối với những người Việt-Nam tị nạn, chứ không riêng gì gia đình tôi, thì có rất nhiều điều phải cảm ơn. Tuy nhiên tôi chỉ xin đưa ra đây hai việc có thật là người Mỹ đã giúp đỡ gia đình tôi như thế nào ngay từ lúc còn ở VN, thông qua chương trình đoàn tụ gia đình được gọi là ODP, và sau đó là những phương tiện để sinh sống tại nước Mỹ.

Lần thứ nhất : Cuối năm 1980 tôi vừa ở tù CS ra đang tính tìm đường vượt biên thì được tin Chính phủ Mỹ đã ký với VN một chương trình cho phép những người Việt ở Mỹ bảo lãnh thân nhân qua Mỹ đoàn tụ. Đầu năm 1981 tôi nhận được hồ sơ bảo lãnh của cậu em vợ tôi ở Mỹ gửi về bảo lãnh cho chị ruột là vợ tôi cùng 5 cháu. Tôi rất mừng vì hy vọng nếu chương trình này được thi hành đứng đắn thì khỏi phải lo tìm đường vượt biên nữa, và sớm muộn gì thì mình cũng được qua Mỹ với danh nghĩa là anh chị em đoàn tụ, nhưng thực ra là để tránh chế độ CS độc tài, và tìm được tự do đúng nghĩa cho cuộc sống.

Phải mất một tháng để chuẩn bị hồ sơ cho cả gia đình, rất chi tiết, như sổ gia đình (hộ khẩu), chứng minh nhân dân, khai sinh, giá thú, bằng cấp v.v. Đặc biệt là giấy khai sinh của vợ tôi và cậu em ruột vợ tôi, người đứng bảo lãnh, phải có tên họ cha mẹ giống nhau. Kiểm kê lại lần chót giấy tờ đầy đủ, tôi đem tới Phường nơi tôi cư ngụ chứng nhận, xong đem lên nộp ở Quận.

Sau mấy năm chờ đợi tôi mới nhận được giấy Sở Ngoại Vụ Sài Gòn báo cho biết ngày giờ phái đoàn Mỹ phỏng vấn toàn gia đình tôi để họ quyết định cho đi hay không. Đúng hẹn, vợ chồng tôi cùng 5 người con, 2 trai 3 gái, tới gặp người phỏng vấn ở văn phòng của họ. Tại văn phòng phỏng vấn tôi thấy có hai người. Một Mỹ và một cô Việt-Nam thông dịch cùng ngồi chung một bàn làm việc. Cử chỉ đầu tiên của người Mỹ là đứng dậy chào và bắt tay vợ chồng tôi, kèm theo một nụ cười rất cởi mở.

Sau nhiều câu hỏi cần thiết qua thông dịch viên, tôi trả lời đúng bài bản. Cuối cùng cô thông dịch viên cho biết là Mỹ họ chỉ chấp thuận cho vợ chồng tôi và 3 người con dưới 18 tuổi đi thôi, còn hai người con trên 18 tuổi thì chờ khi nào tôi qua Mỹ ở rồi sẽ bảo lãnh sau; chính phủ Mỹ lúc nào cũng nhân đạo.

Nghe tới đó tôi cảm thấy mặt nóng bừng bừng, nhưng cố giữ thái độ bình tĩnh và “liều mạng” nói với cô thông dịch viên là: Xin phép cô tôi muốn nói tiếng anh với ông Mỹ này có được không thưa cô? Sở dĩ tôi phải “liều mạng” là vì thời gian đó ở VN không ai dám công khai nói là mình biết tiếng Anh hay tiếng Pháp. Cô thông dịch viên hỏi ông Mỹ ý của tôi như vậy có gì trở ngại không thì được ông Mỹ gật đầu OK ngay. Tôi thò tay móc ví đem ra hai thẻ nhân viên cũ của tôi, một thẻ làm việc cho Tổ chức IVS (International Volunteer Services), tạm dịch là “Thiện Nguyện Viên Quốc Tế” thuộc Chính phủ Mỹ, và một thẻ làm việc 7 năm cho Tổ chức USAID cũng thuộc Chính phủ Mỹ cho tới ngày 30/4/1975. (USAID là một Tổ chức của Mỹ viện trợ kinh tế cho Việt Nam Cộng Hòa) đưa cho ông Mỹ coi, rồi tôi nói tiếng Anh trực tiếp với ông ta là:

Xem thêm:   Phèng la ngọt ngào...

Xin lỗi ông, trong hồ sơ nộp xin đoàn tụ tôi quên không khai và không có những thẻ này kèm theo hồ sơ, vì trong mấy tháng đầu năm 1975 chiến sự Việt Nam bộc phát mãnh liệt quá nên tôi thường xuyên phải di chuyển nhiều nơi, thành ra bị thất lạc mãi sau này mới tìm thấy. Thực ra thời gian đó tôi là nhân viên đang làm cho Mỹ (USAID) nên đã có danh sách và mật hiệu do Sứ Quán Mỹ ở Sài Gòn ấn định địa điểm trực thăng tới đón di tản, nhưng vì lịch di tản lúc đó bất ngờ thay đổi nên trực thăng không tới đón được. Ngoài ra, tôi cũng còn là một quân nhân, rồi công chức của Chính Phủ VNCH trước khi chuyển qua làm việc cho hai tổ chức này, và cũng đã phải đi học tập cải tạo như những người quân nhân, công chức VNCH khác. Hiện nay gia đình tôi đang gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, chúng tôi không ai có việc làm, không có nhà ở mà phải đi ở nhờ. Các con tôi không thể đi học vì quá thiếu thốn. Vậy nếu ông chỉ chấp thuận cho vợ chồng tôi và 3 người con đi thôi thì còn 2 con tôi ở VN với ai? Chắc chắn là chúng sẽ gặp khó khăn vô cùng, rồi chúng có thể làm bậy. Xin ông xem xét lại.

(Xin mở dấu ngoặc ở đây đúng ra là tôi đã phải GIẤU những giấy tờ làm việc cho Mỹ đi vì sợ đem ra cho mấy ông cán bộ cộng sản nhận hồ sơ thì chắc chắn là sẽ không có lợi.) Ông Mỹ lắng nghe tôi nói, coi xong hai thẻ nhân viên của tôi do Mỹ cấp rồi nhìn thẳng tôi nở nụ cười đáp:

Ông là một người khôn ngoan (You are a wise man). Lẽ ra tôi không được phép chấp thuận cho hai người con ông trên 18 tuổi đi, vì theo luật của Chính Phủ Mỹ thì chúng đã trưởng thành nên phải tự túc. Nhưng nay nhân danh lòng nhân đạo của nước Mỹ, tôi chấp thuận cho gia đình ông gồm 7 người đều được qua Mỹ đoàn tụ với người anh em của gia đình ông. Xin chúc mừng ông.

Cô thông dịch viên nhìn tôi cũng cười và nói: Anh nói được tiếng anh sao không cho em biết trước? Tôi đáp: Xin cô thông cảm, tôi đâu dám qua luật lệ nhà nước. Ông Mỹ đứng dậy bắt tay chúng tôi xong cho biết ngày giờ hẹn tới Sứ Quán Mỹ Sài Gòn lấy Visa.

Xem thêm:   Rau càng cua

Đó là lần thứ nhất tôi phải hết lòng cảm ơn nước Mỹ, cảm ơn người Mỹ nhân đạo.

Lần thứ hai: Khi tới Mỹ, dĩ nhiên tôi phải cư ngụ tại nhà người bảo lãnh là em ruột vợ tôi. Tuy nhiên, ở Mỹ một gia đình 7 người lớn bé mà cư ngụ trong một mái nhà thì rất chi là khó khăn và phức tạp chứ không như ở Việt-Nam, vì thế sau gần một năm được người em giúp đỡ, tôi đã tìm hiểu luật lệ di trú và những quyền lợi người nhập cư được hưởng, tôi làm đơn xin nhà Housing. Thời gian này tôi cũng may mắn gặp được Mục sư Vinh là một người rất tình cảm, chuyên đi giúp những người VN mới tới Mỹ xin các loại giấy tờ tuỳ thân và các loại trợ cấp của Chính phủ như SSI, Foodstamp, nhà Housing v.v.

Mục sư Vinh đã hướng dẫn tôi đi xin Foodstamp và nhà Housing rất chu đáo. Việc xin Foodstamp không có gì trở ngại, nhưng xin nhà Housing thì khi phỏng vấn Sở An Sinh Xã Hội cũng lại từ chối không cho hai người con tôi trên 18 tuổi được ở chung. Lý do thứ nhất là gia đình quá đông (7 người), chính phủ không có nhà Housing nào có đủ số phòng cho 7 người cùng ở. Thứ hai là vì hai em trên 18 tuổi kể như đã trưởng thành nên phải ở riêng. Mỗi em phải làm một đơn riêng biệt, rồi chính phủ sẽ cấp cho các em nhà Housing mỗi em một căn với đầy đủ tiện nghi cần thiết.

Tới đây tôi lại một lần nữa bị… nóng mặt. Tất nhiên tôi cũng phải bình tĩnh trình bày với bà phỏng vấn là phong tục Việt-Nam chúng tôi gia đình nào mà con cái chưa làm gì ra tiền thì đều phải ở chung để nuôi nấng nhau. Nhưng ở nước Mỹ luật lệ như thế thì khó khăn cho chúng tôi quá. Vậy bà có cách nào giúp chúng tôi được không? Bà phỏng vấn tôi là người Mỹ gốc Mễ trả lời: Xin lỗi ông, tôi biết. Nước Mexico của chúng tôi hiện giờ cũng vậy, vì nghèo nên gia đình dù ít hay nhiều người gì thì cũng phải ở chung cho tới khi bất cứ ai tự túc được mới ở riêng. Nhưng tôi không dám làm việc ngoài luật lệ của nước Mỹ, xin ông hiểu cho.

Một lần nữa tôi lại thực sự lúng túng nhưng rồi cũng ráng nghĩ ra một ý kiến là xin bà này cho tôi gặp Manager hoặc Director để trình bày thêm, “năn nỉ” thêm thì hy vọng may ra họ có cách giúp. Theo lời xin của tôi bà phỏng vấn vô phòng trong hỏi ông Giám Đốc Quản Lý nhà Housing, xong bà trở ra cho tôi biết ông Giám Đốc đồng ý và hẹn sáng mai 10 giờ sáng tới gặp ông ta.

Trên đường trở về nhà, theo thói quen, mỗi khi làm việc gì khó khăn tôi đều cầu nguyện Thượng Đế phù trợ giúp cho được thuận buồm xuôi gió.

Xem thêm:   Cách ăn vận của người Sài Gòn

Đúng 10 giờ sáng hôm sau, vợ chồng và 5 người con tôi tới Sở Xã Hội, được ông Giám Đốc tiếp vui vẻ. Sau khi nghe tôi ngỏ lời cảm ơn chính phủ và nhân dân Mỹ đã có chương trình cho người thân của chúng tôi ở Mỹ bảo lãnh thân nhân ở VN qua Mỹ đoàn tụ. Chúng tôi rất vui mừng và sung sướng được ở nước Mỹ, một quốc gia đứng đầu thế giới về mọi mặt: Tự do, dân chủ, nhân quyền. Riêng quốc gia VN chúng tôi đã chậm tiến, nghèo khổ, lại bị 30 năm chiến tranh tàn phá từ Bắc chí Nam nên thiệt hại và mất mát rất nhiều. Nào là vợ mất chồng, cha mẹ mất con, anh em mất nhau, nhà cửa bị tàn phá vì bom đạn v.v. Vì thế quê hương làng xã chúng tôi đều phải mang những vết thương, vết sẹo đáng sợ, không những vết thương, vết sẹo ở ngoài xã hội mà còn những vết thương vết sẹo làm tan nát trong lòng người dân chúng tôi mà chưa biết đến bao giờ mới hàn gắn lại được. Ngày nay chúng tôi được tới đây với tất cả lòng nhân đạo của nước Mỹ, người Mỹ, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Các con tôi sẽ được đi học, sẽ làm việc và sau này sẽ đóng góp tài năng cho xã hội Mỹ ngày thêm giàu mạnh.

Nói xong tôi đưa ra 5 giấy chứng chỉ học sinh của các trường con tôi đang học để xin ông Giám Đốc cứu xét hồ sơ xin nhà Housing của gia đình tôi 7 người được ở chung một nhà. Giữa lúc này không hiểu sao vợ tôi tự nhiên lấy khăn lau nước mắt làm cho ông Giám Đốc cũng tỏ ra cảm động. Ông ta liền cho gọi bà phỏng vấn viên vô rồi hai người trao đổi với nhau về trường hợp của tôi khó giải quyết. Cuối cùng họ cũng chấp thuận hứa giúp cấp nhà Housing cho chúng tôi nhưng với điều kiện là phải chờ tìm ra nhà rộng rãi cho 7 người ở, và các con tôi phải cam kết đi học đầy đủ.
Một tháng sau bà phỏng vấn mời tôi lên Sở Xã Hội nhận nhà Housing với 4 phòng ngủ. Tôi vô phòng ông Giám Đốc để cám ơn sự ưu ái và tận tình của ông ta đã giúp gia đình tôi toại nguyện. Tôi còn nhớ ông ta bắt tay tôi thật chặt rồi ôm hai vai tôi nói: Trong nhiều năm làm việc ở đây gia đình ông là trường hợp duy nhất tôi cứu xét cho 7 người ở chung một nhà Housing. Xin chúc mừng ông.

Đó là hai lần thật đặc biệt mà chúng tôi không những chỉ phải cảm ơn nước Mỹ và Người Mỹ thôi mà còn mãi mãi MANG ƠN họ đã giúp đỡ chúng tôi. Đồng thời, tôi cũng không quên cảm ơn Thượng Đế đã đáp lời cầu nguyện của tôi mà ban ơn may mắn cho gia đình tôi vô cùng tốt đẹp. God bless America and God bless Americans.

DHL
Lakewook, CO