Ngày trước, phong tục Tết Xứ Quảng ngoài bánh Tét, bánh Nổ, bánh In, bánh Thuẫn, bánh Da … còn có món bánh Tổ. Đây là một trong những đặc sản Quảng Nam. Bởi khi làm bánh này, phải đổ bột vào một cái rọ giống như cái tổ chim rồi mới hấp.
Có nơi gọi là bánh Rọ, có người gọi là bánh Tổ có khi gọi là bánh Ổ. Nếu không cãi nhau về mỹ danh của loại bánh này thì không phải là người “Quảng Nôm” rồi, nên ở đây xin miễn bàn.

Ba ngồi đan rọ cho Má đổ bánh tổ
Lúc xưa, trước 1975, dịp Tết Má tôi không bao giờ mua bánh ngoài chợ mà năm nào cũng tự tay làm đủ các loại bánh để cúng tất niên, cúng đầu năm và biếu họ hàng. Cũng là dịp để vừa làm vừa dạy con gái… thế này thế kia…
Sau 1975, thời đói nghèo lên ngôi thì ngày Tết cơm không đủ ăn, áo đẹp cũng không có. Hơn nữa, trước mùa đông, Má tôi phải chạy vạy bán đồ đạc trong nhà để đi thăm nuôi người Cha đang tù cải tạo. Tết đến, nhìn ánh mắt não lòng của Má thì anh em nhà tôi đã tự hiểu…
Chỉ cần nghe loa phát thanh phường eo éo “…Mùa xuân này về trên quê ta. Khắp đất trời biển rộng bao la. Cây xanh tươi ra lá trổ hoa. Chào mùa xuân về với mọi nhà”…
Vậy là đủ, Tết tới rồi, không mai vàng pháo đỏ gì hết. Không chưng, không tét, không kẹo mứt… không bánh tráng cuốn thịt heo, không hạt dưa cắn tí tách mà thay bằng… bắp rang!
Sang xứ người, Tết nơi tôi ở, mùa xuân Atlanta luôn là mùa lạnh cóng. Má đã gần 90 cũng lọ mọ làm mấy loại bánh cúng Tết. Bánh tét, bánh chưng, bánh in… thì ngoài chợ bán đầy. Chỉ có bánh tổ là chưa hề thấy.
Dưới sự chỉ huy của Má, Ba tôi ra sau vườn chặt vài cây tre trúc, vót mỏng lại rồi tỉ mỉ ngồi đan những cái rọ, cái tổ để má đổ bánh. Nghề này Ba tôi tốt nghiệp sau hơn 10 năm ở tù.
Sau nhiều công đoạn: thắng đường, giã gừng, nhào bột, cắt lá chuối…. Ba Má tôi thức cả đêm để hấp bánh bằng cái lò gas lớn.

Ba Má bên nhau
Hai mái đầu bạc thủ thỉ trò chuyện, chắc vừa làm vừa hồi tưởng những kỷ niệm xưa, một thời vàng son của gia đình tôi dưới mái ấm ở đường Trần Cao Vân ĐN.
Những cái bánh tổ Má tôi làm ra rất khéo, rất ngon dù ở nơi này kẹo bánh hoa quả ngập tràn. Bánh dẻo, thơm mùi gừng, không ngọt lắm. Chiên vàng, kẹp với bánh tráng mè, nướng … nghe văng vẳng… “Mẹ ơi, hoa cúc hoa mai nở rồi …” hay “Xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời!….” là cả một trời kỷ niệm về ngày Xuân dân tộc lại về.
Vẫn phong tục xưa, và cũng để lưu lại một chút “Quốc hồn quốc tuý” trong ẩm thực Xứ Quảng nơi hải ngoại, Má sai tôi đem biếu các chú bác cao niên trong gia đình Quảng Nam tại đây. Bánh tổ má làm được đón chào nồng nhiệt, ai cũng thích. Có ông chú Quảng Nam … ăn to nói lớn còn tuyên bố: “Bánh ngon và đúng y hương vị quê nhà 100 phần trăm. Có một không hai!”
Thế mới biết, sau lưng sự thành công của một người phụ nữ là hình ảnh một ông chồng … biết vâng lời vợ.
Năm nay thì Má tôi đã 91 Ba còn cao niên hơn nữa. Cả hai đều đã bước vào cõi quên quên nhớ nhớ. Nhà tôi có 4 chị em gái, nhưng chỉ có cô em gái út là học được món nghề gia truyền từ Má. Học cũng khổ công, sau mấy cái Tết mới được “thành công” … không “thành gà”
Cuối năm em gái út nhà tôi tập tành làm bánh tổ đem qua để cúng Ông Bà sau là làm cho Ba Má vui.
Chúng tôi gọi là bánh TÔ, không phải TỔ…vì em tôi cải tiến, không đổ vào rọ đan bằng tre trúc, mà đổ vào cái tô, cũng lót lá chuối, cũng rắc mè lên trên mặt bánh. Như thế bánh vẫn thơm mùi lá chuối và không sợ lá bị rách mà đổ bột ra ngoài. Tai nạn này Má … bị hoài.
Gần Tết, em tôi biếu Ba Má và gia đình các anh chị mỗi người một ít. Bánh em làm nhìn đẹp hơn và cũng dẻo, cũng ngon như Má tôi làm lúc xưa.
Mâm cỗ cúng ngày Tết của gia đình tôi nơi xứ người đã có đủ các loại bánh theo truyền thống Xứ Quảng. Nhưng hình ảnh Ba Má cặm cụi bên nhau, cùng nhau làm bánh trái ngày Tết … đã khó mà tìm lại được.
Thật ngậm ngùi!

Má tôi gói bánh tét
NDAT
Atlanta chiều cuối năm