- Chiếc mặt nạ cười
Anh Tâm với tôi không là chỗ thâm tình. Biết anh trước 1975, vì tôi là bạn của Trương Gia Diệu Trữ, khi Trữ kết hôn với anh Nguyễn Xuân Hoàng thì quen những người bạn thân có tên tuổi với anh Hoàng như Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Nhật Duật, Ðặng Phùng Quân, Cao Huy Khanh… Hình như ngoài việc đều là những thầy giáo dạy triết, họ còn là những người bạn đánh xì phé (trừ anh Cao Huy Khanh). Không kể những lần loáng thoáng thấy những nhân vật này khi tôi từ tỉnh lẻ có dịp vào Sài Gòn, đi ngang qua quán La Pagode.
Cuốn “Văn Chương và Kinh Nghiệm Hư Vô” của Huỳnh Phan Anh là cuốn sách mà tôi, đứa học lớp 12 ban Toán, thích nghiền ngẫm (trong những tác giả hiện sinh thời bấy giờ, tôi thích Andre Camus hơn J.P. Sartre, một phần có lẽ vì văn phong dịch của Bùi Giáng khi chọn dịch Le Malentendu của Camus gần với chúng tôi hơn).
Sau 1975, giữa bao nhiêu biến thiên của cuộc sống, trong lúc những cuốn sách của nhà tôi bị tịch thu hay bày bán trên vỉa hè, cuốn sách này vẫn còn được tôi giữ lại đến giờ vì những dòng của Huỳnh Phan Anh viết trong đó liên quan ít nhiều tới nghề đạo diễn sân khấu mà tôi tình cờ trôi vào. Ví dụ như đoạn sau đây, anh viết trước khi nhắc đến vở kịch nổi tiếng En Attendant Godot của Samuel Beckett: “…sự im lặng không là hình thức hư vô hoàn toàn. Với tôi, với con người, im lặng bao hàm một thái độ. Im lặng không là khoảng trống trống rỗng trong đó con người không bám víu vào đâu. Tôi chỉ có thể im lặng trước một lời buộc tội, một biến cố hay một hoàn cảnh nào đó. Hiểu thế thì im lặng chính là chờ đợi để phát biểu hay tự nó là một phát biểu. Im lặng là từ chối lên tiếng nói, đó cũng là một cách nói, một hình thức nói. Nhận định trên đây đưa đến xác nhận thân phận con người là nói, là phát biểu, nghĩa là nó không thể có lựa chọn nào khác hơn. Mọi chọn lựa bao hàm một cách-thế, một lập trường, ngay khi người ta chọn im lặng.” (1)
Ở môi trường kịch, ngoài những giá trị cao của những đoạn kịch không lời, chúng tôi còn tìm hiểu cách khai thác “diễn ngược”- cao thủ diễn hài phải biết đỉnh cao của Hài là Bi và ngược lại, nghe nhân vật nói, phải thấu hiểu rằng còn có dòng lời ngầm đằng sau những âm thanh, đôi khi ngược hẳn ý nghĩa của những lời thốt ra.
Đám cưới Huỳnh Thanh Tuyền – Ảnh: tác giả cung cấp
Khoảng những năm 1985, chúng tôi mở được một câu lạc bộ sân khấu thể nghiệm ở con đường gần nhà anh. Tôi nhớ có lần mời anh Tâm đi xem vở đầu tiên mang tên Dư luận quần chúng của Bungari. Trong đó, cô nhân vật chánh đang diễn đột nhiên nói, thôi, tôi không diễn nữa vì vở kịch này vô lý quá, tại sao bao nhiêu đề tài thú vị hơn ở cuộc sống quanh ta mà không ai dám đem vô kịch. Cuộc nổi loạn của cô chỉ vài phút thì bạn diễn nhắc có người của Hội đồng duyệt ngồi bên dưới, cô đành phải trở lại vai diễn. Trong mấy phút ngắn ngủi đó, tôi đã cố chêm vào đoạn kịch câm Mặt nạ của Marcel Marceau về anh chàng bán mặt nạ, tháo ra đủ mặt hỉ, nộ ái, ố, đến chiếc Mặt Nạ Cười cuối cùng bị dính chặt vào da mặt, tháo mãi không được và đến khi tháo được cũng là lúc xuôi tay, ngưng thở.
Sang những năm 90, thỉnh thoảng được gặp anh Tâm ở những nơi đầy “dân giang hồ” của thế giới phim, kịch… hay quán bia “Trống Ðồng”, anh lại chọn sự im lặng là “ngôn ngữ” chính để trao đổi. Hiếm hoi, khi cất cái tiếng nói rặt Nam Bộ của mình, anh Tâm cũng chỉ hỏi thăm về cô em gái của tôi là Minh Phượng, một diễn viên hài nổi tiếng lúc bấy giờ. Khuôn mặt anh Tâm khi ngậm miệng, thường là một nét cười mỉm, khá giống chiếc Mặt Nạ Cười của Marcel Marceau. Lại nhớ những dòng anh viết: “…Ngôn ngữ chỉ hé mở cho thấy nỗi bất lực của con người hay chính ngôn ngữ đã trở thành bất lực, thừa thãi phi lý vì kinh nghiệm cái chết đã thoát khỏi tầm tay con người. Ngôn ngữ không là thực tại từng phút từng giây sống động mà là nghĩa địa của nó. Chính vì vậy khi tôi nói, hư vô là nội dung đích thực của lời tôi nói, đó cũng là cách báo hiệu cho chính định mệnh của tôi. Bóng hư vô hiện giữa ngôn ngữ và chính tôi: với ngôn ngữ tôi tự ly khai với chính tôi, cái tôi sống động. Tôi gọi tên tôi, ngôn ngữ đó là sự phủ nhận cái tôi thực. Tôi chỉ còn là sự có mặt khách quan, vô bản vị, thể hiện trên một ý niệm về tôi…”. (2)
Mấy ai biết vết thương nào nằm phục bên trong tim não của anh, và của nhiều người nữa, những người tuy mang tiếng cũng có những sáng tác cái gọi là tác phẩm, nhòa lẫn trong những mưu sinh, cùng các tối sáng phận người quanh mình, khi mà “…ngôn ngữ đã trở thành bất lực, thừa thãi phi lý vì kinh nghiệm cái SỐNG – chớ không phải cái CHẾT– đã thoát khỏi tầm tay con người…”
- “…kinh nghiệm hư vô chính là kinh nghiệm của con người.” – Huỳnh Phan Anh
Ai đã sống những năm cuối thế kỷ trước, chắc không quên bước chuyển của toàn cầu trong giai đoạn gọi là “đổi mới”. Khi khối xã hội chủ nghĩa mà Liên Xô làm thủ lĩnh sụp cùng với những nước Ðông Âu (1985-1991), nhiều ký giả nước ngoài ưa kiếm những người có dính líu tới văn học nghệ thuật để hỏi về cái mốc chuyển đổi trong sự sáng tạo của mình. Tôi thành thật trả lời, với tôi, sự kiện khiến tôi chựng lại trong sáng tác không phải là cái mốc đó mà chính là sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Thử nghĩ coi, trước đó, từ cấp trung học, tôi được học tất cả loại triết học trên thế gian này, kể cả triết học Marx; còn sau 1975, đậu vào khoa đạo diễn, khi tốt nghiệp chỉ có hai điểm chính là chuyên ngành đạo diễn cùng điểm thi chính trị, mà trường chỉ dạy độc một loại triết học tên là triết học Marx-Lenin.
Tôi còn nhớ năm 1980, tôi có điểm chuyên môn cao nhất lớp nhưng tới môn chính trị tôi phải thi lại. Dĩ nhiên, thi lại khó bị rớt vì mọi người bày tôi cứ lấy sách chép nhiều chữ vô là có điểm vì thầy giáo môn đó chuộng lượng hơn chất. Loại triết học nào đi nữa thì các thắc mắc của tôi chưa bao giờ được giải đáp thỏa đáng (thật ra khi đưa ra những loại câu như “quy luật cạnh tranh sẽ thúc đẩy chất lượng”, trong đó đã bao hàm câu trả lời là mọi thứ độc quyền sẽ không thể đem đến cái kết đẹp hay).
Huỳnh Phan Anh và con gái – Ảnh: tác giả cung cấp
Sau biến cố chung 1975, những người trong giới sáng tạo trước thời điểm đó thường có những bước ngoặt khôn lường. Ai biết được, nhà văn Huỳnh Phan Anh, tức Huỳnh Thanh Tâm, thầy giáo dạy triết kiêm hiệu phó trường Trung học Nguyễn Trãi, quận Tư phải cùng vợ vất vả nuôi heo? Ai biết được anh Phạm Ðình Thống (tức Phạm Chu Sa, người viết bài “Huỳnh Phan Anh: Văn chương và kinh nghiệm hư vô” đăng sau khi anh Tâm mất) từng chạm mặt tôi ở chợ trời mua bán thuốc tây? Ai biết được một trong những bạn thân của anh Tâm từng bị tù vì vượt biển, cuối cùng rồi cũng sang tới Mỹ bằng máy bay. Một bạn thân khác của anh Tâm lên nông trường sản xuất, định học sinh ngữ để đi dạy lại nhưng từ nghề phụ, mở sạp bán báo phụ vợ, góp tay vào Việt hóa tờ Tin nhanh World Cup Italia 1990 thành công, rồi trôi vào nghề báo, lãnh chuyên mục thể thao, vài năm trước đã cho lưu hành trên mạng tập “Việt Nam-Hồ sơ hậu chiến 1975-2010”, nói về số phận kỳ lạ của 7,000 người từng trải qua cuộc chiến ở cả hai phía.
Tôi còn gặp một kịch tác gia nổi tiếng trước 1975 phải mang những cuốn sách kịch tiếng Pháp quý báu đi bán rồi mưu sinh bằng cách viết cho người khác ký tên; một điêu khắc gia phải nhốt những bức tượng mỹ nhân khỏa thân của mình vào một góc, xây một bức tường chắn lại, rồi hằng ngày cứ phải ngắm tượng qua bức tường gạch dầy.
Tôi còn được nghe kể từ chính miệng một nhân vật cực kỳ nổi tiếng (của nhiều lãnh vực: văn, thơ, nhạc, kịch và cả triết) của miền Bắc khi ông đang ở mấp mé bờ sanh tử. Ngay sát những ngày sau 30 tháng 4 năm 1975, ông đang ở miền Nam, tình cờ chứng kiến cảnh một người mẹ Việt Nam, dang tay, phơi ngực trước họng súng của đứa con thắng cuộc với hy vọng ngăn chặn cái chết phi lý của đứa con thua cuộc trong giây phút hòa bình, não ông lúc ấy trắng xóa, không nhớ cả mình đang là một chính ủy đầy quyền uy, chỉ mang máng chắc nhà mình đâu đó ở hướng Bắc, bèn túc tắc đi ngược từng chặn, từng chặn, với sự giúp đỡ của những người dân hiền lương, và trí nhớ ông chỉ phục hồi, nhớ được mình là ai khi về tới Hà Nội.
Những năm đó, anh Tâm không chọn hướng xuống tàu, mà sau này con gái anh cho biết anh rất thương cha, cha mất xong, anh còn phải thay ông lo mồ mả ông bà (cũng như tôi, từ chối mọi rủ rê vì thương bà mẹ gốc tù Căn Bà Rá của mình). Thế nên con trai đi, rồi người vợ đầu cùng họ với anh, chị Như Ngọc, và các con gái đi, anh vẫn kiên gan ở lại.
- Về với hư vô & để lại
Những ngày cuối thế kỷ trước, nói về anh Tâm, ai cũng nói anh ấy sắp rời Việt Nam, người bảo lãnh là con của chị Như Ngọc. Ðược biết mãi đến khi con trai của anh và chị Dung được mười lăm tuổi, anh mới đồng ý ra đi mà ai cũng biết vì con. Hiếm ai được gặp anh trong giai đoạn này trên “đất trích”, ngay cả tôi trong những lượt hối hả ghé qua San Jose thăm hai người bệnh là Diệu Trữ và anh Hoàng. Nghe anh Hoàng kể, và đúng như anh Phạm Chu Sa viết, anh Tâm qua Mỹ ẩn cư để chữa bệnh. Mới đây, được nói chuyện với Huỳnh Thanh Tuyền, con gái anh, Tuyền cũng cho biết ba con qua đây rất nhớ Việt Nam cùng những người bạn mới cũ ở đó.
Năm 2007, được thấy bút danh Huỳnh Phan Anh ký dưới bài “Hành trình của tác phẩm” trên mạng, những dòng chữ của anh lại đánh động việc sáng tác (thật sự cho mình) trong tôi: “Nhà văn là kẻ qua nhịp cầu của tác phẩm mình, tìm đến người đọc. Nói một cách nào đó, hắn viết trong ám ảnh của người đọc. Ám ảnh của người đọc có phải đó chính là sự thật ghê gớm nhất trong những phút cô đơn tuyệt đối của con người sáng tạo. Hắn tự hỏi, ai là kẻ sẽ đọc ta? Cũng như Nguyễn Du đã từng tự hỏi, “bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”. (3)
Mộ của Mẹ, chị, và em của Tuyền – Ảnh: tác giả cung cấp
Rồi năm nay, tháng 8 năm 2020, anh Tâm ra đi lúc cả trái đất này đang lao đao vì cơn đại dịch chưa tìm ra vaccine và cách thức khống chế. Ðược biết đám tang của anh khá đơn giản vì chỉ được cho phép 25 người dự. Xuân Hương, người thường giúp anh mang bản thảo về Việt Nam cho Mai Sơn kể, khi Hương cùng các thân hữu định mang hoa tới viếng, Tuyền nói các cô chú nên để tiền đó dùng vào việc thiện nguyện thì đúng ý ba của con hơn.
Ðể chuẩn bị bài viết này, tôi nhờ anh Vũ Trọng Quang giúp cho tôi được nói chuyện trực tiếp với Huỳnh Thanh Tuyền. Tuyền kể rất cám ơn cô Dung, người vợ sau của ba đã thay cả nhà con, ở cạnh và chăm sóc ba trong những ngày còn ở Việt Nam lẫn khi sang Mỹ.
Tuyền kể chuyện, năm 1981, mẹ cùng chị và em của Tuyền, xót ruột người con trai đầu đi trước một mình ở xứ người mà quyết ra đi. Tuyền lạc mẹ nên đi chuyến khác và vẫn một lòng tin mẹ cùng chị em mình thất lạc đâu đó. Cho mãi đến năm 1997, tình cờ đến Hòa Lan, Tuyền được gặp anh trai của một cô cùng đi chuyến với mẹ, mới biết ba người thân của mình vĩnh viễn không về vì chuyến đó chỉ có một người độc nhất sống sót. Ba và các cô không nỡ dập tắt hy vọng của con gái nên biết từ lâu mà không dám nói.
Ðiều kỳ diệu là mấy chục năm sau, khoảng 2005-2006, cha đã sang Mỹ, Tuyền đã lập gia đình (nhờ sự thúc hối của cha), mới biết ở vùng biển Gò Công có người lượm được tấm thẻ căn cước của mẹ trong túi áo, đặt trên bàn thờ của họ, nay tìm đến địa chỉ ghi trong đó, báo cho gia đình biết. Mấy dì của Tuyền về Gò Công, hốt được nắm cát ở khu vực mà dân cho biết nơi đó là mồ chôn tập thể của cả chiếc tàu bị đắm, mang về lập mộ cho mẹ, chị và em của Tuyền, được nằm cạnh mộ ông bà ngoại và các cậu ở Trà Vinh.
Tuyền còn kể nhiều chuyện nữa về cuộc sống với cô ruột, không mẹ cha bên cạnh, cô đã cố học hành, đi làm, dành dụm mua được nhà, về Việt Nam thăm ba rồi bảo lãnh cả nhà của ba sang. Tuyền cũng bay sang Paris với ba năm1999, khi anh Tâm có một chương trình văn hóa lưu trú ba tháng ở Pháp. Tuyền khoe, niềm vui trước khi mất, ba còn được thấy hai cháu ngoại lớn lên khỏe và hứa hẹn đầy tài năng. Một trong hai cháu thường đánh đàn piano cho ông ngoại nghe.
Tuyền và anh Tâm ở Paris, Nov 2011 – Ảnh: tác giả cung cấp
Sự ra đi của nhà văn Huỳnh Phan Anh khiến tôi, độc giả trung thành của anh, thỉnh thoảng nhớ lại những gì anh viết và ngẫm lại xem rồi mình sẽ mang gì vào cõi hư vô. Nếu chỉ được giữ lại một câu trong suốt bao năm qua lại giữa văn học và biểu diễn, có lẽ tôi sẽ giữ câu mở đầu trong bản thảo của vở nhạc kịch Tiên Nga (mà tôi chỉ là một trong các tác giả). Tôi đã để Nguyễn Ðình Chiểu mở đầu bằng câu: “Tôi là một người cầm bút mù, nhìn thấy bằng ánh lương tri cháy rực trong tim bạn, mực tôi dùng là máu kiên cường của những người vô danh lặng thầm nằm xuống”.
Một lần được xem vở diễn đó, nghe tiếng vỗ tay sau từng câu của những khán giả trẻ khi bài “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc” được nghệ sĩ Thành Lộc cùng các diễn viên xướng lên, tôi nghĩ khi soạn ra bài đó, cụ Ðồ Chiểu – người vẫn bị vài sĩ phu Bắc Hà cho là văn chương của ông “đơn giản” quá – không dè những gì mình viết đã khiến đau thốn tâm can của những người thưởng ngoạn cách xa biết bao, từ không gian đến cả thời gian.
Trong “Hành trình của tác phẩm”, Huỳnh Phan Anh viết: “Câu hỏi thốt lên trong vô vọng. Như hành trình của sự sáng tạo kia, trong cô đơn và vô vọng, vô vọng tìm đường ra khỏi đêm thâu, nhìn thấy ánh sáng mặt trời, bởi đêm của tác phẩm là vĩnh cửu của đêm, là vô hạn của bóng tối, là đêm không đợi ngày, là bóng tối không hẹn hò cùng ánh sáng. (4)
Tôi lại nghĩ, nếu đã có những hành trình của sự sáng tạo xảy ra trong cô đơn và vô vọng như anh nói, thì hành trình của cuộc đời anh không đến nỗi như vậy, nhất là khi tôi được nói chuyện với cô con gái – mà như kiêm luôn con trai – của anh. Bởi tôi chợt vui mừng nhận ra, chính cuộc sống của những con, cháu ruột thịt của anh, mà Huỳnh Thanh Tuyền là một, sẽ là những tác phẩm đầy hy vọng của anh.
Ðiều chắc chắn là, những tác phẩm ấy không hề mang hơi hướng cô đơn và vô vọng trong thế giới hư vô của văn chương.
NTMN
(1) & (2)- “Văn Chương và Kinh Nghiệm Hư Vô” của Huỳnh Phan Anh.
(3) & (4)- “Hành trình của tác phẩm” của Huỳnh Phan Anh