Theo quan niệm thông thường, anh hùng phải là người đã lập nên công trạng đặc biệt lớn lao, đem lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc hoặc là một nhân vật có sức mạnh siêu nhiên làm nên những điều siêu đẳng mà người phàm không ai làm được (anh hùng trong thần thoại).

Anh hùng thật thường gắn liền với những khái niệm cụ thể như: anh hùng dân tộc, anh hùng lịch sử, anh hùng cứu quốc, anh hùng thời chiến tranh, anh hùng thời hiện đại v.v. còn anh hùng “giả” chúng ta thấy hoài trong các phim bom tấn của điện ảnh Hollywood, mà nhân vật Super Man là điển hình cho kiểu anh hùng này. Anh hùng thật và anh hùng giả có điểm giống nhau là lúc nào cũng hành động một cách chủ động, thậm chí thấy trước nguy hiểm nhưng sẵn sàng hy sinh thân mình vì mục đích, lý tưởng cao đẹp mà nhân vật ấy theo đuổi. Có khi anh hùng thành công (như Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn, vua Quang Trung…) cũng có khi thất bại (như tướng Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản…) nhưng do ý chí quyết liệt sẵn sàng “đại nghĩa diệt thân” vì lợi ích xã hội, hay để cứu người khác, được người đời sau tôn thờ là anh hùng.

Phân biệt với anh hùng thật là anh-hùng-từ-trên-trời-rơi-xuống, còn gọi là bất đắc dĩ. Người Việt kể chuyện tiếu lâm về anh hùng bất đắc dĩ như sau: Một cô gái đẹp té xuống sông. Thời tiết lạnh mà sông rộng, nước chảy xiết, không ai dám liều nhảy xuống cứu cô gái đáng thương. Ðám đông đang nhốn nháo trên bờ, bỗng nghe “ùm” một tiếng, hóa ra có ông cụ nhảy xuống sông túm lấy cô gái kéo lên. Mọi người bèn giúp cụ một tay đưa nạn nhân lên bờ rồi xúm quanh tung hứng cụ, hoan hô cụ như một vị thánh vừa lập được chiến công “anh hùng cứu mỹ nhân.” Báo chí vây quanh lao nhao phỏng vấn, cụ nghĩ gì khi xung quanh trai tráng đứng đầy mà không ai dám nhảy xuống, có mỗi cụ liều mạng nhảy xuống cứu cô gái? Ông cụ vừa lập cập cởi bỏ cái áo ướt để thay áo khô cho đỡ lạnh, vừa quát: Tiên sư bố đứa nào xô tao xuống?

Chuyện kể tới đây là hết, không thấy nói sau đó ông cụ có tìm được “đứa nào” “chơi đểu” mình hay không?

Xem thêm:   Thịt lợn không heo

Mới đây, nước Mỹ bỗng dưng xuất hiện một vị anh hùng mới toanh vừa được một số người dựng lên, đó là ông George Floyd. Số là tuần rồi, tình hình thời sự nước Mỹ lại nóng lên với kết quả phiên tòa xét xử bốn vị cựu cảnh sát đã phạm tội gây nên cái chết cho ông George Floyd. Với kết luận này, trong giới người Mỹ gốc Việt có người hoan nghênh “công lý đã được thực thi”, “sát nhân đền tội” nhưng cũng có người phản đối khi cho rằng tòa đã không xem xét toàn diện các chứng cứ, buộc tội theo cảm tính, phe phái, nạn nhân chết vì sốc ma túy.

Ở đây, tôi không lạm bàn về kết luận đúng – sai của tòa án, vì tôi cũng như quý vị độc giả – không có cơ hội được “mục sở thị” tất cả bằng chứng trong vụ án để khẳng định tòa xử đúng hay sai. Nếu bốn bị cáo thấy bị oan, họ có quyền kháng án lên tòa cấp trên. Xét về cá nhân ông George Floyd thì trước đó, ông bị người chủ tiệm tạp hóa tố cáo lừa đảo tiền của tiệm, dẫn đến hành vi bắt giữ quá đà của nhân viên công lực. Nếu không xảy ra sự việc đáng tiếc nêu trên (chết người) có khi tại thời điểm này chúng ta đang ngồi đọc tin tức về ông George Floyd đứng trước vành móng ngựa với tư cách là một bị cáo trong vụ án lừa đảo. Tuy nhiên, dù ông George Floyd có phạm tội lừa đảo thật sự thì hành vi này không đáng bị xử tội chết vì ông ta không gây nguy hiểm tánh mạng bất cứ ai.

Theo nguyên tắc, chúng ta chỉ nên dùng vũ lực với một ai đó đang có hành vi gây nguy hiểm đến tánh mạng người khác mà thôi, nên sự việc ông George Floyd qua đời là một việc đáng tiếc và ông là một nạn nhân. Do đó, đòi hỏi “Công lý cho George Floyd” là việc nên làm, đương nhiên. Bất kể màu da nào cũng đều có quyền sống, quyền bình đẳng và quyền có công lý như nhau. Nhưng thổi phồng ông George Floyd thành một vị anh hùng “You are The Hero- George Floyd”, đứng chung hàng ngũ với những vị anh hùng của nước Mỹ “The Heroes of America”, sánh ngang với Christopher Columbus, George Washington hoặc Abraham Lincoln thì quả là một việc vô duyên, dị hợm, dù với bất kỳ mục đích gì. Rõ ràng, lúc sinh thời ông George Floyd chưa từng làm điều gì đem lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc để trở thành anh hùng.

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Trong một thời khắc đặc biệt, người bình thường cũng có thể đột nhiên trở thành anh hùng, thí dụ như xả thân cứu một ai đó trong đám cháy, trong bão lũ hay trong một vụ bị cướp tấn công…, nhưng ông George Floyd thì chưa từng có hành vi đặc biệt này. Ông cũng chưa từng mong muốn hoàn thiện bản thân để trở thành anh hùng, bằng chứng là ông có một bản lý lịch dài dằng dặc nhiều lần bị bắt giữ do phạm tội. Hóa ra thời nay trở thành anh hùng quá đơn giản rồi!

Chuyện xưa kể rằng: “Trang Tử câu trên sông Bộc. Sở Vương sai hai quan đại phu đem lễ vật mời ông ra làm quan. Trang Tử cầm cần câu không nhúc nhích, cũng không thèm nhìn lại, nói: – Tôi nghe vua Sở có con thần quy, chết đã nghìn năm. Vua Sở quý nó và cất trên miếu đường. Con quy đó, chịu chết để lưu lại cái xương của mình cho người sau quý trọng hay lại chịu sống kéo cái đuôi của mình trong bùn? Hai vị đại phu nói: – Thà sống mà kéo lê cái đuôi trong bùn còn hơn! Trang Tử nói: – Thôi, về đi. Ta đây cũng chịu kéo lê cái đuôi của mình trong bùn…”. Bậc triết gia như Trang Tử thà sống cực khổ, không hề mong muốn chết để được thành anh hùng cho người đời thờ phượng. Tất cả chúng ta nếu phải chọn lựa giữa chết để thành anh hùng và cuộc sống cực khổ, thì cũng không ai muốn chết để trở thành anh hùng, cá nhân ông George Floyd cũng vậy thôi.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Ông George Floyd có thể là một nạn nhân của nhân viên công lực, nhưng ông hoàn toàn không phải là anh hùng gì hết. Vậy hà cớ gì người ta phải dựng ông lên như một vị anh hùng cứu quốc thời đại mới?

Ngày nay, khi nhắc khái niệm “anh hùng”, tôi nghĩ đến một ai đó có khả năng, sức mạnh, hoặc điều gì đó có thể cứu mạng người khác, và tôi ước mình có thể làm được hoặc giống như người đó vậy. Tôi không hiểu những người đang “thổi” George Floyd thành anh hùng thì họ có muốn bản thân họ giống George Floyd hay không? Nếu trẻ con nhìn thấy những chiếc áo dành cho chúng được bày bán in hình George Floyd với dòng chữ “Rest in Power – George Floyd” thì người lớn giải thích thế nào cho bọn trẻ về cái gọi là “Power” đó? Bọn trẻ phải làm gì để noi gương “thần tượng”? Không lẽ cũng phải “kiếm” cho mình một bản lý lịch đen dài thòng các lần phạm tội bị bắt giữ, rồi chạy ra đường coi có viên cảnh sát nào đấy để sấn tới gây hấn, khiến họ nổi khùng lên bắt giữ, lăn ra chết và được đám đông phong anh hùng?

Một danh nhân (tôi quên tên) đã viết: “Ðừng tạo nên những khó khăn giả tạo vì cuộc sống vốn dĩ đã có sẵn quá nhiều khó khăn rồi”. Trả sự việc về đúng vị trí, đúng chân giá trị của nó mới là việc nên làm.

TPT