Không kể các tay trộm vặt, thế giới đầy nhóc kẻ trộm, những kẻ trộm thuộc đẳng cấp quốc tế: Trung Quốc ăn trộm kỹ thuật của Mỹ, Mỹ nghe trộm điện đàm của Liên Xô, những quốc gia khác ăn trộm bí quyết biến đổi gene trong nông nghiệp Mỹ hoặc kỹ thuật sản xuất xe hơi của Nhật…
Nhưng ăn trộm một chiếc tàu ngầm to kềnh, dài cả 100 mét, gần như là điều bất khả. Vậy mà nó vẫn xảy ra….

Mô hình tàu trục vớt Hughes Glomar Explorer đang “gắp” chiếc tàu ngầm K-129
Trong những quốc gia thù nghịch với Mỹ, Nga vẫn là một đối thủ đáng gờm nhất. Nga có rất nhiều nhân tài, và khai thác tối đa nguồn nhân lực này để phát triển vũ khí.
Biết được thông tin về thiết bị quốc phòng của Nga luôn là mục tiêu của Mỹ, như câu nói “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Mất tích
Vào ngày 24 tháng 2 năm 1968, chiếc tàu ngầm ký hiệu K-129 do thuyền trưởng xuất sắc Vladimir I. Kobzar cùng 83 thủy thủ tinh nhuệ rời căn cứ Hải quân Rybachiy ở Kamchatka khuất dạng trong làn nước xanh đen.
Trong suốt hải trình, tàu liên tục liên lạc với trạm chỉ huy ở Kamchatka. Nhưng đến tuần thứ ba của tháng 3, thì mất tín hiệu. Sau nhiều nỗ lực, giới chức Liên Xô tuyên bố chiếc tàu ngầm đã bị mất tích, tọa độ cuối cùng cách Hawaii khoảng 1,500 dặm.
Vào ngày 8-3-1968 tình báo hải quân Mỹ với hệ thống dọ thám âm thanh Sound Surveillance System (SOSUS) cũng bắt được một tín hiệu bất thường, có chấn động lớn dưới biển, có thể là một vụ đánh bom hoặc một vụ nổ, cách Hawaii khoảng 1,599 dặm, đây là khu vực tuần tra thường xuyên của Hải quân Liên Xô.

Tàu ngầm K-129 (trên) và bản phác thảo (dưới)
Tìm kiếm
Hải quân Liên Xô cuống cuồng lo lắng, không rõ tàu bị đối phương đánh chìm, bị “bắt sống” hay gặp tai nạn. Nếu rơi vào tay đối phương thì nhiều tài liệu quan trọng và những bí mật vũ khí sẽ bị lộ bài. Vào tháng 4 năm 1968, Liên Xô tung một lực lượng phối hợp lớn chưa từng có, gồm các tàu ngầm, tàu quân sự và máy bay rùng rùng quần thảo vùng biển Bắc Thái Bình Dương suốt 2 tháng ròng. Cuối cùng họ không tìm ra được vị trí chiếc tàu và đành bỏ cuộc.
Tất cả hoạt động nhốn nháo của Liên Xô đều nằm trong tầm quan sát của Văn phòng Tình báo Hải quân Hoa Kỳ (Office of Naval Intelligence: ONI).
Rình rập
Các quốc gia đối nghịch luôn canh me, rình rập nhau mỗi bước chân. Năm 1970, thời còn chiến tranh lạnh với Liên Bang Xô Viết, người nhái SEAL của Mỹ dùng tàu ngầm siêu nhỏ đột nhập vào vùng biển Okhotsk, gắn máy nghe lén trên đường cáp ngầm, thu thập các cuộc gọi từ điện Kremlin trong suốt 10 năm.
Lần này, thấy một cơ hội đã đến, CIA bí mật đề ra dự án tên gọi là Arizona để “phụ giúp” truy tìm con tàu mất tích này. Tàu ngầm USS Halibut của Mỹ âm thầm lãnh nhiệm vụ. Với lợi thế về kỹ thuật, sau 2 tháng dọ dẫm, tàu Halibut phát hiện một “vật lạ” dưới đáy biển ở độ sâu 5,000 mét. Tuy nhiên, Halibut không thể lặn xuống tận nơi để “tận mắt” quan sát. Nó thả một tàu ngầm mini tiếp cận “vật lạ” và chụp 20,000 bức ảnh. “Vật lạ” được xác định chính là tàu ngầm K-129.

Tàu ngầm Halibut trên bệ đóng năm 1959
Đánh cắp
Để khám phá bí mật của quân đội Liên Xô, Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird thời Tổng thống Mỹ lúc đó là Richard Nixon đề ra kế hoạch trục vớt K-129. Đây là một kế hoạch vô cùng mạo hiểm, nếu bại lộ, phía Liên Xô sẽ phản ứng quyết liệt, và có thể bùng phát một cuộc xung đột lớn.
Theo kế hoạch, CIA sẽ thiết kế một con tàu khổng lồ, chỉ dùng một lần duy nhất cho việc “khuân” chiếc tàu ngầm về đất Mỹ. Con tàu này gắn một hệ thống gắp bên dưới. Những “cánh tay” máy này sẽ giấu kín trong lòng tàu và sẽ dùng để “gắp” chiếc tàu ngầm, giấu dưới bụng và “bò” về vùng biển an toàn.
Hỏa mù
Làm sao đóng một chiếc tàu to đùng như vậy có thể che mắt được báo giới và tình báo quốc tế? CIA tung ra một chiến dịch nhằm đánh lạc hướng dư luận, họ mời truyền thông đưa tin về một chương trình khai thác khoáng sản dưới biển do tỉ phú Howard Hughes đề xướng.
Howard Hughes là một người giàu có lập dị, trước nay ông từng có những ý tưởng điên rồ, nên tuyên bố của ông không làm ai ngạc nhiên, háo hức theo dõi. Dĩ nhiên, trong đám háo hức đó có tai mắt của tình báo Xô Viết. Chính sự công khai này, khiến nó gần như không bị nghi ngờ.
Để hỏa mù được hoàn hảo hơn, tài tử Richard Anderson được thuê để quảng bá và kêu gọi đầu tư cho dự án này. Mặt khác CIA thuê công ty Lockheed bí mật chế tạo bộ gắp khổng lồ để gắp chiếc tàu K-129.
Con tàu khổng lồ cuối cùng cũng hoàn thành, nó có tên là Hughes Glomar Explorer, nặng 50,000 tấn, dài 200 mét, dưới bụng tàu là một khoang rỗng, có hầm chứa bộ móc khổng lồ, dùng để gắp chiếc tàu ngầm, treo dưới bụng. Nhưng làm sao để thả bộ móc dài 5 cây số xuống lòng đại dương? Đó là một bài toán vô cùng nan giải. Các kỹ sư đã thiết kế một bộ ống thép 600 chiếc, mỗi chiếc dài 9 mét, có đầu vặn, ráp từng ống rồi thả từ từ xuống biển.

Tỉ phú Howard Hughes, người đồng ý cho CIA mượn tên để tạo ra một chiến dịch hỏa mù
Căng thẳng
Mất đến 4 năm, mọi thứ mới hoàn tất, ngốn hết 350 triệu đô la (gần $ 3 tỉ ngày nay). Tất cả đã sẵn sàng nhưng không ai dám chắc là nó có thể diễn ra suôn sẻ.
Mùa Hè năm 1974, sau 6 năm chuẩn bị, tàu Hughes Glomar Explorer ra khơi tiến về mục tiêu. Mọi chuyện diễn ra khá êm thắm và tinh thần của thủy thủ đoàn phấn khích cho đến khi nhận được tin báo, tàu Chasma của hải quân Liên Xô đang bám đuổi. Vài ngày sau tàu hải quân Liên Xô bắt kịp. Họ lạnh lùng cặp sát tàu Glomar và cho một trực thăng bay sang dọ xét. Tất cả thủy thủ tàu Glomar căng như dây đàn khi máy bay trực thăng của Liên Xô quần đảo nhiều vòng.
Nếu phía Liên Xô biết được kế hoạch của tàu Glomar, chắc chắn hậu quả sẽ khôn lường, nhất là tàu Glomar không trang bị vũ khí. Sau đó, tàu Chasma mở kênh liên lạc, hỏi về mục đích của tàu Glomar, các thủy thủ ca bài khai thác khoáng sản đã thuộc lòng. Tin này đầy trên truyền thông, báo chí mà phía Liên Xô chắc chắn đã nắm rõ nên bỏ đi. Mọi người thở phào!
Ra tay
Lúc này, thủy thủ đoàn bắt đầu hành sự, những chiếc móc khổng lồ được chậm rãi hạ xuống, và các ống thép cẩn thận nối lại. Thỉnh thoảng vẫn có một vài con tàu quân sự của Liên Xô lảng vảng qua lại. Những lúc bóng tàu Liên Xô xuất hiện, thủy thủ đoàn lại hồi hộp chờ đợi. Sau một tuần lặng lẽ ráp nối, móc và các ống thép đã chạm đến đáy biển. Nhưng phải một tuần sau, mới điều chỉnh được bộ móc ôm vào xác chiếc tàu ngầm.
Chiếc tàu ngầm nặng 2,700 tấn, dài 100 mét nhúc nhích sau 5 năm phủ đầy bụi bặm được cẩn thận nhấc lên từng li một. Thủy thủ đoàn căng mắt theo dõi màn hình, một số dớn dác theo dõi tàu của Liên Xô.

Tàu trục vớt Hughes Glomar Explorer, nặng 50,000 tấn, dài 200 mét đang trực chỉ đến địa điểm thi hành nhiệm vụ.
Sứ mạng bất thành
Mọi việc đang tiến hành trơn tru thì thình lình, một chiếc móc bị gãy, khiến chiếc tàu ngầm mất thăng bằng nghiêng sang một bên, đung đưa dữ dội và gãy làm đôi, một nửa chìm trở lại xuống đáy biển.
Xem như kế hoạch thất bại một phần! Khi tàu Glamor về bến thì CIA lập tức bàn kế hoạch quay trở lại vớt nốt phần kia. Tuy nhiên không rõ tại sao tin trục vớt bị bại lộ, CIA nhận ra tin đồn xuất phát từ văn phòng của tỉ phú Howard Hughes. Báo chí khắp thế giới đăng tải rùm beng. Kế hoạch Arizona phải hủy bỏ. Để giảm “căng thẳng” với Liên Xô phía Mỹ cho biết họ không tìm thấy gì đáng kể ở phần tàu ngầm được trục vớt, chỉ có 6 xác thủy thủ. Các thủy thủ này được Hải quân Mỹ thủy táng theo đúng nghi thức.
Sự thật?
Phía Liên Xô cho rằng Mỹ đã lấy được ngư lôi có đầu đạn hạch nhân, sách mã và máy mã hóa cùng thiết bị mật mã cũng như sách giải mã. Phía Mỹ thì khăng khăng các tài liệu quý giá nằm trong phần thân tàu còn lại. Đến nay, tọa độ của tàu K-129 được CIA giữ bí mật, ngoài Mỹ không ai biết đích xác nó nằm ở đâu. Do vậy, việc Mỹ làm “nhẹ tội” bằng cách thú nhận là hiện vật thu lượm không đáng kể liệu có đáng tin?

Phần trục vớt của tàu K-129 đã về đến Mỹ
TY