Thiên hạ bận rộn với Covid chưa yên thì bùng lên sự kiện Mỹ và TQ thi nhau đóng cửa Lãnh sự quán, nên không mấy ai lưu tâm đến sự kiện khá đặc biệt là United Arab Emirates (Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất) lần đầu tiên phóng phi thuyền Al Amal lên sao Hỏa ngày 19 tháng 7 vừa qua…

Xe tự hành Curiosity của NASA đang khám phá sao Hỏa. ảnh NASA / JPL-Caltech / MSSS      

Cuộc đua sao Hỏa

Nếu suôn sẻ, tàu thám hiểm Al Amal ​​sẽ bay vào quỹ đạo Sao Hỏa vào tháng 2 năm 2021 và trụ trì ở đó trong vòng một năm, tương đương với 687 ngày trên Trái đất để thu thập dữ liệu cho việc “nghiên cứu”.

Phi thuyền được lắp tại Colorado Boulder, (Arizona) và phóng đi ở  Trung tâm không gian Tanegashima của Nhật Bản. Ai cũng biết, UAE ngoài việc đào dầu, hầu như nền kỹ thuật không có gì đáng kể, chưa nói đến kỹ nghệ không gian.

Ðiều này khiến người ta có thể liên tưởng đến ngành không gian Trung Quốc, khi thế giới đã chứng kiến các “đại công ty” công nghệ cao của TQ lao đao ra sao sau khi bị Mỹ cắt nguồn cung cấp linh kiện.

Ðây không phải là lần đầu Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất rình rập không gian. Năm 2009 và 2013 UAE phối hợp với Nam Hàn phóng vệ tinh lên quỹ đạo trái đất và dự trù sẽ cùng Nam Hàn đáp lên bề mặt sao Hỏa vào năm 2117.

Có vẻ cả thế giới đều rục rịch nhắm đến việc đổ bộ và thăm dò sao Hỏa. Và liệu có phải đây là nơi tranh chấp mới của con người hay không, sau khi vặt sạch khoáng sản, tài nguyên ở địa cầu.

Cũng có giả thiết sao Hỏa sẽ là nơi con người sẽ sinh sống một khi trái đất bị đại nạn hoặc nạn nhân mãn sẽ lên cao trong vài thế kỷ tới.

Xem thêm:   50 năm những người lính Mỹ

Con người cũng đã dự đoán một sự tranh giành khốc liệt, hoặc thậm chí chiến tranh ở hành tinh xa xôi này, nên trong Ðiều II của các quốc gia Hiệp ước ngoài vũ trụ có ghi rõ “Không gian ngoài vũ trụ, bao gồm cả mặt trăng và các thiên thể khác, không bị chiếm đoạt bởi quốc gia bằng cách tuyên bố chủ quyền, bằng phương tiện sử dụng hoặc chiếm đóng, hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào khác. Nói tóm lại, không ai có thể tuyên bố quyền sở hữu Sao Hỏa”.

Ðiều luật là điều luật, nhưng ai ngăn cản được sự sân si của loài người, ví dụ cột mốc ranh giới lâu đời giữa Trung Quốc và Ấn Ðộ vẫn xảy ra tranh chấp gần đây. Hoặc trọng tài quốc tế phán quyết với bằng chứng thuyết phục nhưng biển Ðông vẫn bị Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò, lưỡi trâu. Nếu Mỹ không đem hàng không mẫu hạm đến trấn áp thì chưa biết kết quả sẽ như thế nào.

Các chuyên gia NASA đang lắp ráp và thử nghiệm xe tự hành Curiosity tại phòng thí nghiệm Mars Yard ở Pasadena, California cho sứ mệnh khám phá sao Hỏa. ảnh NASA/JPL-Caltech

Sao Hỏa có gì?

Nhiều người thắc mắc, thiên hạ thi nhau trèo lên sao Hỏa, vậy trển có gì hấp dẫn?

Sao Hỏa hay (Mars) hay còn gọi là Hỏa tinh là hành tinh thứ 4 tính từ Mặt Trời trong Thái Dương Hệ. Do oxide sắt phủ đầy bề mặt nên có màu đỏ quạch, nên người xưa đặt cho là Hỏa tinh.

Sao Hỏa là một hành tinh không có sự sống, ngoài với sự tưởng tượng người Hỏa tinh như trong truyện hay trên phim ảnh.

Thực ra Hỏa tinh có một lớp không khí rất mỏng, mỏng đến nỗi nó không đủ để giảm tốc các thiên thạch lao vào bề mặt. Kết quả là mặt mũi rỗ chằng chịt, người ta đếm được có đến 43,000 vết rỗ như vậy, vết nhỏ nhất khoảng 5 cây số vuông, trong đó có những vết lõm khổng lồ rộng đến 10,000 cây số vuông, đủ nhét lọt cả châu Âu, châu Á và Úc châu.

Các kỹ sư NASA đang lắp đặt tấm chắn nhiệt đường kính 6 mét (khoảng 20 feet) cho phi thuyền, thử nghiệm để chắc chắn nó có thể chịu được sức nóng rất cao khi hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa. ảnh NASA

Sứ mệnh Hỏa tinh

Xem thêm:   Làm đẹp

Những cường quốc không gian, Nga và Mỹ đã phóng rất nhiều phi thuyền lên sao Hỏa, nhưng không phải phi vụ nào cũng thành công.

Năm 2007, lần đầu một robot tự vận hành tên Spirit của Mỹ đã lấy được mẫu, phân tích thấy sao Hỏa có chứa nước.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA : European Space Agency) với 17 quốc gia thành viên; dự tính phóng robot tự hành ExoMars lên khảo sát địa chất vào năm 2022. ExoMars có gắn máy khoan, có thể khoan sâu đến 2 mét phân tích và gởi dữ liệu về trái đất. ESA cũng hy vọng sẽ đưa người lên Sao Hỏa vào khoảng 2030 – 2035.

Ðưa người lên sao Hỏa không phải là một ý tưởng mới mẻ. Năm 2004,  Tổng thống George W. Bush đã ra kế hoạch chế tạo tàu Orion đưa người trở lại Mặt Trăng trong thập niên 2020 và kế tiếp là đưa người lên Sao Hỏa vào năm 2037.

Nga và Trung Quốc cũng đứng ngồi không yên, dự án MARS-500 hợp tác giữa Nga và Liên minh châu Âu (ESA) và Trung Quốc sẽ nghiên cứu về điều kiện sống của con người trên sao Hỏa, đây là một đối trọng với sự gia tăng mật độ thăm dò sao Hỏa của Hoa Kỳ.

Sau UAE vài hôm, ngày 23-7 phi thuyền  Thiên Vấn 1 (Tianwen-1) của TQ cũng rời bệ phóng lên quãng đường 55 triệu km với hy vọng đến đích.

Như vậy, riêng trong tháng 7, có 3 quốc gia là  Mỹ và Các Tiểu vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) và TQ phóng tàu lên sao Hỏa.

Xem thêm:   Tem & Người thời Đông Dương

Ðiều này dễ hiểu, vì đây là thời điểm sao Hỏa gần với trái đất nhất.

Trước đó, năm 2011, TQ cũng phối hợp với Nga phóng phi thuyền Huỳnh Hỏa 1 (Yinghuo-1) nhưng thất bại.

Hoả tiễn Proton để phóng phi thuyền ExoMars (2016) của Nga lên sao Hỏa

Cuộc đua thầm lặng

Ðến nay, trên thế giới có gần 60 phi vụ thăm dò sao Hỏa, trong đó chỉ có gần phân nửa là thành công.

Nga là quốc gia rục rịch sớm nhất: từ tháng 10-1960 đến tháng 11-1962 các phi thuyền mã số 1M No.1, 1M No.2, 2MV-4 No.1, Mars 1 và 2MV-3 No.1 đều thất bại.

Ngày 5 – 11 – 1964, Mỹ phóng phi thuyền Mariner 3, không thành công.

Ngày 28 – 11 – 1964, phi thuyền thứ 2 tên Mariner 4 hoàn thành sứ mệnh. Sau đó 2 ngày, ngày 30-11-1964, Nga phóng thành công phi thuyền Zond 2, nhưng hệ thống liên lạc với trái đất bị tiêu tùng.

Liên tiếp đến năm 2001, Mỹ và Nga thi nhau phóng phi thuyền lên Hỏa tinh, nhưng tỉ lệ thành công của phi thuyền Mỹ mỗi ngày một dày và cao hơn.

Năm 1998, Nhật cũng nhảy vào cuộc chơi lần đầu với phi thuyền Nozomi nhưng thất bại.

Tháng 6 năm 2003, ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) phóng thành công lần đầu tiên phi thuyền Mars Express vào quỹ đạo sao Hỏa.

Cứ đà này, việc thăm dò sao Hỏa vẫn còn tiếp tục trong nhiều năm tới và danh sách những quốc gia tham dự sẽ ngày một dài hơn.

Các kỹ sư đang lắp ráp phi thuyền Al Amal

Mục đích là gì?

Ðến nay thì hầu hết các quốc gia đều trả lời khám phá sao Hỏa là tìm hiểu thêm về cội nguồn, sự sống trên trái đất, vì sao Hỏa là một người anh em gần với trái đất nhất trong Thái Dương Hệ.

Elon Musk, chủ nhân của SpaceX trong một cuộc phỏng vấn, nửa đùa nửa thật rằng anh sẽ về hưu trên sao Hỏa. Ai đó có thể ngầm hiểu rằng, việc đưa con người lên sinh sống ở sao Hỏa trong tương lai là nằm trong dự tính.

Sau sao Hỏa, sẽ đến sao Kim, sao Mộc, sao Thổ… sẽ lần lượt được thăm viếng và chiếm hữu. Dĩ nhiên không phải bây giờ, nhưng những thế hệ kế tiếp, nếu loài người còn tồn tại.

Và việc Hoa Kỳ ra mắt Lực Lượng Quân Ðội Không Gian (United States Space Force) gần đây có phải là sự công bố chính thức cho những kế hoạch đã hình thành từ rất nhiều năm trước?

Một mô hình nhà ở trên sao Hỏa do NASA phác họa

TA