Tháng Mười 1968, Tổng thống Thiệu bỗng dưng từ chối tham dự cuộc hoà đàm Paris khiến đồng minh của VNCH bị lúng túng. Lyndon Johnson tình nghi ông Thiệu đi cửa sau với ứng cử viên tổng thống Richard Nixon của đảng Cộng Hoà trong một âm mưu phá hoại cuộc đàm phán. Báo chí đặt tên cho điệp vụ này là Chennault Affair.

Đã có vô số sách báo viết về vụ này; cách đây vài năm báo Trẻ cũng có đăng một bài [1]. Nhưng những thông tin gần đây nhất của tác giả George Veith, dựa theo các cuộc phỏng vấn một số nhân vật VNCH từng tham gia đàm phán tại Paris, thì sự thật không như mọi người suy diễn.

Câu chuyện xoay quanh một người đàn bà người Mỹ gốc Tàu ở Washington tên Anna Chennault. Người chồng quá cố của bà, Claire Chennault, là một người đàn ông từng lãnh đạo nhóm phi công Flying Tigers (Phi Hổ) thời Đệ Nhị Thế Chiến tại Trung Hoa và là cố vấn không quân cho Tưởng Giới Thạch. Danh tiếng Claire Chennault lẫy lừng đến độ khi Hồ Chí Minh và các đồng chí Việt Minh được nhóm OSS của Mỹ tuyển mộ để giúp lấy thông tin về quân Nhật, một trong những điều kiện ông Hồ đưa ra là phải cho ông vài bức ảnh của Chennault với chữ ký để ông ta dùng làm bằng chứng là Việt Minh được Mỹ ủng hộ.

Tổng thống Thiệu gặp Tổng thống Nixon trên đảo Midway, 1969 (HUM Images)    

OSS là tiền thân của cơ quan tình báo CIA. Các hồ sơ đã được CIA bạch hoá cũng xác nhận họ từng thu nạp Hồ Chí Minh và gọi ông bằng mật danh Lucius [2]. Chính vì vậy mà trong bài diễn văn tại đại học Columbia mới đây tại New York, tân Tổng Bí Thư Tô Lâm mới tuyên bố rằng Hoa Kỳ là thế lực nước ngoài duy nhất đã có mặt bên cạnh Việt Nam khi Việt Minh cướp chính quyền vào ngày 2-9-1945 tại Ba Đình. Nhưng chuyện đó hãy dành cho dịp khác.

Xem thêm:   Bacharach & Todd

Trở lại với mưu thuyết Chennault Affair, tương truyền ông Nixon đã mượn bà Anna Chennault làm môi giới với đại sứ VNCH ở Mỹ lúc bấy giờ là Bùi Diễm để khuyên ông Thiệu hoãn hoà đàm, đợi bầu cử tổng thống Mỹ xong hãy tính. Lúc bấy giờ Lyndon Johnson không tái tranh cử vì quá mệt mỏi bởi chiến tranh, song nếu hoà đàm diễn ra – và có khả năng dẫn đến ngưng chiến, thì cơ hội thắng của ứng cử viên Dân Chủ Hubert Humphrey sẽ tăng. Do đó Nixon muốn chặn trước.

Kết quả cuộc bầu cử thì ta đã biết. Nixon thắng Humphrey sát nút. Chiến tranh Việt Nam tiếp diễn. 5 năm sau mới có Hiệp định Paris. Thêm vài chục ngàn lính Mỹ tử vong cùng với không biết bao nhiêu triệu sinh mạng của người Việt…

Tướng Claire Chennault (Wikimedia)

Tuy nhiên, vai trò của bà Anna Chennault trong mùa bầu cử 1968 vẫn được giữ kín tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon. Đúng 50 năm sau một số tài liệu mới được phép khui ra. Căn cứ theo đó, ngay sau khi ông Johnson ra lệnh ngưng ném bom miền Bắc vào cuối tháng 10 để khuyến khích Bắc Việt ngồi vào bàn thương nghị, cố vấn của Nixon là John Mitchell đã gọi cho Anna Chennault để bày tỏ sự lo ngại của đảng Cộng Hoà về ảnh hưởng của quyết định này. Hai ngày sau bà Chennault gọi cho ông Bùi Diễm (được FBI nghe lén theo lệnh ngầm của Johnson), nhờ đại sứ chuyển lời cho ông Thiệu rằng “sếp của tôi có một thông điệp cho tổng thống… Ráng chờ thêm chút nữa, phe chúng tôi sắp thắng [cử].”

Từ chứng cứ ấy, TT Johnson nghi rằng bà Chennault đang làm việc cho Nixon (lúc bấy giờ chỉ là một thường dân) để khuynh đảo chính sách quốc gia – một trọng tội chiếu theo đạo luật Logan Act. Nhưng sau này bà Chennault kể lại rằng chữ “sếp” (boss) của bà đây ám chỉ John Mitchell chứ không phải Nixon. Đại sứ Bùi Diễm cũng lặp lại nhiều lần rằng chính quyền Thiệu không hề có thoả thuận nào với Nixon nhằm phá hoại Paris cả.

Xem thêm:   Sài Gòn còn mãi tuổi xuân

George Veith, chuyên gia nghiên cứu chiến tranh Việt Nam và có đến 4 quyển sách về đề tài này, cho rằng mọi người đã hiểu ngược vấn đề. Veith cho rằng chính quyền Sài Gòn đã lợi dụng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ để gây ảnh hưởng với đồng minh của mình ở Á Châu. Sau khi phỏng vấn một số nhân vật VNCH có mặt tại Paris, Veith phát hiện hai lỗ hổng trong mưu thuyết Chennault Affair.

Anna Chennault cùng TT Nixon và Henry Kissinger trong phòng Bầu Dục, 04/1971 (Oliver Atkins, Nixon Library)1

Thứ nhất: Phải 2 ngày sau bà Chennault mới gọi ông Bùi Diễm để trao lại thông điệp lẽ ra rất quan trọng từ John Mitchell. Không những vậy, nếu nó thực sự đến từ Nixon thì cố vấn an ninh quốc gia Walt Rostow đã biết và sẽ ngay lập tức có biện pháp trừng phạt chiếu theo luật Logan.

Thứ nhì: Trong cuộc gọi ấy ông Bùi Diễm đã không đáp lại câu nói của bà Chennault. Quan trọng hơn nữa là trong các cuộc điện đàm sau đó giữa ông với chính quyền Sài Gòn – mà người Mỹ chắc chắn theo dõi sát, hoàn toàn không thấy nhắc đến câu nói này. Nếu có thì Rostow đã được thông báo. Bùi Diễm nói với George Veith trong một cuộc phỏng vấn rằng lúc đó đối với ông, câu nói của bà Chennault “không có ý nghĩa gì và cũng chẳng làm thay đổi tình hình.”

Sự thật là bà Chennault có cố gắng thuyết phục ông Thiệu đừng tham dự hoà đàm Paris. Nhưng người bà dùng để trao đổi thông tin không phải là Bùi Diễm mà lại là Nguyễn Văn Kiểu, anh của ông Thiệu, lúc bấy giờ là tham tán tại toà đại sứ VNCH ở Đài Bắc. Còn người không muốn thấy Paris xúc tiến không phải là Richard Nixon mà là … Tưởng Giới Thạch! Họ Tưởng tiên đoán Lyndon Johnson không chỉ sẽ bỏ rơi miền Nam cho cộng sản mà còn sẽ bỏ rơi luôn Đài Loan cho Trung Cộng. Vì vậy nên ông ta muốn VNCH phải chiến thắng bằng mọi giá.

Đại sứ VNCH Bùi Diễm và TT Johnson tại Bạch Cung, 1967 (AP)

Theo tin tình báo, ông Kiểu đã thu xếp cho bà Chennault gặp gỡ ông Thiệu trong một cuộc họp bí mật tại Vũng Tàu để trao lại thông điệp này từ tổng thống Trung Hoa Dân Quốc. Theo đó, họ Tưởng khuyến khích ông Thiệu hãy cưỡng lại áp lực từ Johnson, và bày tỏ hy vọng Nixon sẽ thắng cử.

Xem thêm:   Chợ trên muôn nẻo đường

Về phía VNCH, ông Thiệu cũng có lý do để không hoà đàm. Thứ nhất là vì cuộc đàm phán song phương giữa Sài Gòn và Hà Nội đã thất bại; thứ nhì là VNCH đã không ngăn cản được sự tham dự của phe MTGPMN tại Paris. Trong một buổi phỏng vấn hiếm có sau chiến tranh, ông Thiệu bác bỏ ý kiến cho rằng ông đã bị phe Nixon lợi dụng.

Sau 1975, cựu đại sứ Bùi Diễm nói với tác giả Neil Sheehan rằng không có lý do gì để chính quyền Thiệu phải “bày ra một âm mưu phức tạp.” Căn cứ theo những gì họ biết được về tình hình bầu cử và chính trị ở Mỹ, “Nixon thắng cử sẽ tốt hơn cho VNCH vì ông Thiệu nghĩ Nixon cứng rắn hơn với cộng sản, trong khi Humphrey có vẻ lung lay.”

Tưởng Giới Thạch và phu nhân cùng Claire Chennault tại Đài Bắc, c. 1940 (Wikimedia)

IB

Nguồn: George Veith, tác phẩm “Drawn Swords In A Distant Land: South Vietnam’s Shattered Dreams” (2021)

[1] https://baotreonline.com/van-hoc/something-anything/diep-vu-chennault-affair.baotre

[2] https://www.cia.gov/readingroom/print/1909364