Nhân mùa bầu cử, lục lại bài học lịch sử về Hương-Mai Long-Nữ — tức “Dragon Lady”, người đàn bà Tàu đóng vai trò quan trọng trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm 1968 và góp phần kéo dài chiến tranh Việt Nam.

diep-vu-chennault-affair4

Anna Chennault, 1972 – nguồn: New York Times

Ðúng nửa thế kỷ trước, cũng vào tháng 10, cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc đang vào hồi cuối vô cùng quyết liệt. Vấn đề nóng nhất đối với cử tri Mỹ năm ấy không gì khác hơn là Việt Nam. Hình ảnh Mậu Thân vẫn còn chiếm ngự màn hình TV; hơn 30,000 quân lính Mỹ đã tử vong; các cuộc xuống đường biểu tình ngày càng gia tăng cường độ. Ứng cử viên đảng Dân Chủ năm đó là Phó tổng thống Hubert Humphrey (Tổng thống Lyndon Johnson quyết định không tái tranh cử vì quá mệt mỏi). Ðảng Cộng Hoà thì đề cử ông Richard Nixon, từng là Phó tổng thống của ông Eisenhower. Ngoài ra còn một ứng cử viên thứ ba là ông George Wallace.

Tuy lúc đầu ông Nixon dẫn trước khá xa, nhưng những nỗ lực kết thúc chiến tranh của chính quyền Johnson đã làm một số cử tri nghiêng trở lại phía Humphrey, buộc ông Nixon phải tìm biện pháp đối phó. Cuộc hoà đàm ở Paris lúc ấy có nhiều triển vọng thành công vì Liên Xô, vốn không ưa Nixon và muốn Humpfrey thắng, đang ép Hà Nội ngồi vào bàn họp. Chủ tịch Liên Xô Alexei Kosygin nói riêng với Johnson: “Chúng tôi tin rằng một cuộc đàm phán nghiêm túc về hoà bình rất có thể thành công nếu Mỹ ngưng ném bom.” Thấy có cơ hội, Johnson ra lệnh ngừng chiến dịch dội bom “Rolling Thunder” để báo hiệu với Hà Nội và Moscow rằng Hoa Thịnh Ðốn sẵn sàng nói chuyện.

Nghe lóm được tin này, nhờ có người của mình làm gián điệp trong uỷ ban vận động bầu cử của Humphrey, Nixon quyết định phá cuộc đàm phán Paris bằng mọi giá. Ông ta biết nếu để nó xảy ra thì dân chúng sẽ tin rằng đảng Dân Chủ có thể chấm dứt cuộc chiến, nghĩa là Humphrey có cơ thắng. Nixon bèn tìm cách liên lạc với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu để thuyết phục ông Thiệu hãy trù trừ cuộc hoà đàm, đợi cho Nixon lên làm Tổng thống rồi hãy tính. Người được chọn làm công tác giao liên tuyệt mật này là bà Anna Chennault, một phụ nữ Mỹ gốc Hoa và goá phụ của tướng Không Quân Claire Chennault.

_H

Claire Chennault (phải) cùng vợ chồng Tưởng Giới Thạch, thập niên 1940

Thời Ðệ Nhị Thế Chiến, Claire Chennault là thủ lãnh một phi đội bán quân sự lừng danh tên “Phi Hổ” (Flying Tigers),  huấn luyện phi công cho Tưởng Giới Thạch và chuyên đấu không chiến với máy bay Nhật. Bà Anna lúc ấy là một nữ phóng viên trẻ đẹp tên Chen Xiangmei (陳香梅 Trần Hương-Mai). Claire Chennault gặp cô Hương-Mai và đem lòng yêu. Năm 1947 Claire Chennault, khi ấy đã 54 tuổi, cưới Hương-Mai (nhỏ hơn mình 30 tuổi) sau khi ly dị vợ là bà Nell Thompson, mẹ của 8 đứa con của mình. Anna Chennault sanh liền cho Claire hai cô con gái. Cũng cần nhắc lại là thời xa xưa ấy tiểu bang Louisiana (quê hương ông Chennault) cấm hôn nhân dị chủng nên hai người phải làm giấy hôn thú ở Washington. D.C. (nhưng nhờ vậy mà về sau việc chia gia tài giữa 10 người con của ông Chennault không bị rắc rối.)

H2

Claire Chennault, Anna Chennault và con gái đầu lòng Claire Anna Chennault, Đài Bắc 1949

Năm 1958 Claire Chennault qua đời vì ung thư phổi. Anna bỏ Ðài Bắc mang hai con sang Mỹ sống, trong một căn hộ sang trọng trên tầng chót của khách sạn Watergate mà sau này ai cũng nghe tên. Nhờ có người chồng nổi tiếng, lại là một người đàn bà Trung Hoa trẻ đẹp giỏi tiếng Anh với lý lịch chống Trung Cộng kiên cường, chẳng bao lâu Anna Chennault trở thành một nhân vật quen thuộc trong giới tinh hoa ở D.C., nhất là với các chính trị gia đảng Cộng Hoà. Năm 1960, khi Richard Nixon ra tranh cử tổng thống lần đầu Anna Chennault đã vận động giúp Nixon lấy phiếu cử tri người Mỹ gốc Hoa. Tuy lần đó Nixon thua Kennedy nhưng ông vẫn nhớ công người phụ nữ Tàu với biệt danh “Dragon Lady” này.

diep-vu-chennault-affair1

Khánh thành văn phòng tranh cử cho Nixon ở Chinatown, NY, 1968 – nguồn: new york times

Ðiệp vụ “Chennault Affair” năm 1968 lúc đầu chỉ là một truyền thuyết, vì Nixon và những người thân cận đã khéo giữ kín tất cả những hồ sơ liên quan đến vụ việc. Lúc ấy không ai có thể chứng minh 100% được là ứng cử viên Nixon là người đã nhờ thường dân Anna Chennault liên lạc với Toà Ðại Sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Ðốn để gây ảnh hưởng với chính quyền Thiệu. Ngay cả Lyndon Johnson, tuy đã tình nghi Anna Chennault và ra lệnh cho FBI theo dõi bà ta, vào phút chót cũng không thể thuyết phục Hubert Humphrey lật tẩy Nixon về hành động để cho một người không làm việc cho chính quyền can dự vào việc nước, lẽ ra đây là tội phản quốc chiếu theo đạo luật Logan Act năm 1799. (Mới đây đạo luật này cũng được đem ra bàn thảo sau mùa bầu cử 2016.) Tổng thống  Johnson phần vì không nắm trong tay đủ chứng cứ để buộc tội Nixon, phần vì không thể bật mí trước công chúng việc mình cho mật thám theo dõi Anna Chennault, đành phải để cho vụ này chìm xuồng, và chìm theo đó là cơ hội thắng cử của Humphrey (và có thể là hoà bình cho Việt Nam.)

Xem thêm:   Allen PAC

Tổng thống Thiệu, qua trung gian đại sứ Bùi Diễm, đã nghe lời khuyến dụ của Anna Chennault mà tẩy chay cuộc hoà đàm. Thế là Paris bất thành. Nixon lập tức vịn cớ đó để tấn công Humphrey, cho rằng đảng Dân Chủ không có khả năng đem lại hoà bình. Ðúng như Nixon dự tính, nước cờ đã được tung ra kịp thời để hãm làn sóng ủng hộ Humphrey đang lên; giờ chót Nixon thắng khít khao với 0.7% số phiếu.

Những bí mật trong điệp vụ “Chennault Affair” sau đó đã bị cất giấu trong Thư viện Tổng thống Nixon ở Yorba Linda mấy chục năm. Phải đến năm 2007, nhờ các vụ kiện cáo mà một số hồ sơ mới được bạch hoá. Trong đó người ta đã tìm ra những bút ký do chính người trợ tá đắc lực của Nixon là H.R. Haldeman ghi lại đầy đủ; có nhiều chi tiết cho thấy Nixon đã nói láo không ngượng miệng với rất nhiều người, kể cả với Lyndon Johnson, rằng ông ta không hề hay biết gì về vụ “Chennault Affair”.

diep-vu-chennault-affair

Anna Chennault với Richard Nixon và thị trưởng Đài Bắc Henry Kao, 1965 – nguồn: stars and stripes

Nhưng giờ đây chúng ta đã có chứng cứ chính Hương-Mai Long-Nữ và đại sứ Bùi Diễm đã từng gặp gỡ ứng cử viên Richard Nixon vào giữa năm 1968 để bàn việc phá hoại nỗ lực hoà đàm Paris, do điện thoại của Chennault và TÐS Việt Nam đều bị FBI nghe lén. Anna Chennault đã gọi cho ông Bùi Diễm và nói “Hold on! We are going to win!” Ý bảo ráng chờ chút nữa (đừng ngồi vào bàn đàm phán vội) vì phe ta sẽ thắng cử. Trong một cú điện thoại về Sài Gòn, ông Bùi Diễm đã nói lại với TT Thiệu rằng “Vụ này bị trì hoãn chừng nào sẽ tốt cho chúng ta chừng đó. Tôi vẫn còn đang giữ liên lạc với bên Nixon”.

Tháng 10, Haldeman ghi trong sổ tay “Thiệu đang bị áp lực mạnh từ Johnson. Hắn muốn đảng Cộng Hoà giúp. Hắn hỏi, nếu ngả theo phe ta thì ta sẽ trả công cách nào”. Vài ngày sau khi Nixon hay tin Johnson sắp sửa ngừng thả bom Bắc Việt, Haldeman ghi lại lệnh của Nixon: “Tiếp tục thúc giục Chennault nói chuyện với SVN…” Nixon còn nhờ Tưởng Giới Thạch ở Ðài Loan và nhóm China Lobby ở Mỹ giúp một tay lôi kéo cử tri Mỹ gốc Hoa, vốn nổi tiếng là cực kỳ chống cộng, để kiếm thêm một mớ phiếu nữa.

diep-vu-chennault-affair3

Bà Đặng Tuyết Mai (ngồi) và Trần Hương Mai (đứng giữa) nguồn: Schlesinger Library

Tháng 12, 1968 bà Anna Chennault, sau khi chịu đựng vô số búa rìu dư luận, đã gởi cho Tổng thống tân cử Richard Nixon một lá thư chúc mừng và xin cho mình chức vụ Cố vấn Ðặc biệt về Á Châu trong chính quyền mới. Nhưng Nixon, vô cùng khôn ngoan, đã không thuận. Trong sổ tay Haldeman chép lại lời Nixon, đại ý nói nếu đưa bà ta vào sẽ là một “thảm hoạ”, “chúng ta cần tránh xa Dragon Lady, xa chừng nào tốt chừng nấy!

Trong quyển hồi ký “The Education of Anna” (Bài học của Anna) bà Chennault tỏ ra khá cay đắng vì đã bị lợi dụng. Bà mất hồi tháng 3/2018, hưởng thọ 94 tuổi.

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

IB

Dallas, TX