Dĩa Mythologies II (2024) của nhà soạn nhạc Danae Xanthe Vlasse vừa được đề cử giải Grammy cho hạng mục “Đĩa Nhạc Cổ-Điển Chuyên-Đề Hay Nhất” – Best Classical Compendium Album. Một lần nữa, Sangeeta Kaur Teresa Mai và Hila Plitmann, hai nữ ca sĩ từng đoạt giải Grammy cùng với Danae năm 2022 với dĩa Mythologies (2021), sẽ rất hồi hộp từ giờ cho đến ngày 02/02/2025, khi The Recording Academy công bố kết quả trong chương trình Grammy Awards thứ 67 tại Los Angeles.

Danae Xanthe Vlasse trong vai Medusa trên bìa album (Internet)       

Như mọi người có lẽ đã biết, Sangeeta Kaur Teresa Mai là người gốc Việt đầu tiên trong lịch sử thắng giải Grammy. Khác với lần này, năm 2021 dĩa Mythologies được đưa vào hạng mục Classical Solo Vocal – “Giọng Đơn Nhạc Cổ-Điển”. Đó là vì những người có nhiệm vụ đề cử Grammys có toàn quyền lựa chọn và thay đổi hạng mục cho các sản phẩm mà họ nhận được từ các nghệ sĩ. Họ sắp xếp bằng cách nào ta không được cho biết. Ta chỉ biết mỗi thể loại âm nhạc hay kỹ thuật của giải Grammys được chia ra làm nhiều hạng mục. Lắm khi chính tác giả cũng bị bất ngờ khi thấy tác phẩm của mình được xếp vào một hạng mục khác vào phút chót, bởi một (hay vài) lý do bí ẩn nào đó.

Chiến thắng ngoạn mục của “ba chị em” hồi năm 2022 (Internet)

Thể loại Nhạc Giao Hưởng (Classical Music) có gần 20 hạng mục khác nhau — nào là Opera, Orchestra, Solo Performance v.v. Việc được chọn đưa vào một hạng mục nào đó để được đề cử Grammy là cả một quá trình nhiêu khê đòi hỏi nhiều thì giờ, tiền bạc, sự quen biết, và không ít may mắn. Trường hợp của Mythologies II là một thí dụ điển hình. Nhà tài trợ Trịnh Hoàng Hải, phu quân của Teresa Mai, đã thuê dàn nhạc danh giá Royal Philharmonic Orchestra của Anh quốc và đưa các nghệ sĩ sang tận London để thu thanh tại Abbey Road Studios hòng tăng cường khả năng được Grammy ghé mắt.

Dàn nhạc đang tập dợt Mythologies II tại Abbey Road Studio B (Trịnh Hoàng Hải, 11/2023)

Những tưởng lần này cũng như lần trước là Mythologies II sẽ được xếp vào hạng mục Solo Vocal Performance, nào ngờ chỉ 10 ngày trước ngày công báo, uỷ ban bầu chọn cho hay Mythologies II sẽ được xếp vào mục Classical Compendium (Cổ-Điển Chuyên-Đề). Đây là một hạng mục khá mới, được đặt ra vào năm 2013 để thay thế cho Classical Crossover là hạng mục dành cho nhạc giao hưởng chơi bởi các nghệ sĩ thuộc dòng nhạc khác (như Jazz, Rock) và ngược lại. Thế là ban chiến lược lại phải đổi chiến thuật vận động.

Hàng đầu, từ trái: Robert Thies (pianist), Teresa Mai (soprano), Danae Vlasse (composer), Hila Plitmann (soprano), Jeffrey Atmajan (orchestrator); Hàng sau: Trịnh Hoàng Hải (producer), Gerhard Joost (sound engineer), Dr. Emilio D. Miller (music producer)), Kit Wakeley (producer) trước Abbey Road Studios, nơi ban Beatles từng làm mưa làm gió. Không có Omar Najmi (tenor) trong hình (Facebook Sangeeta Kaur)

Best Classical Compendium Album được Grammy định nghĩa là một album thuộc thể loại nhạc cổ điển về một đề tài nào đó, mà phải có ít nhất 51% là nhạc mới, được soạn trong vòng 25 năm trở lại. Những album thắng giải trước đây thường là các tác phẩm dựa trên những nhạc sĩ cổ điển như Bach, Hindemith v.v. được thể hiện lại và phát triển thêm theo hướng hiện đại. Trong khi đó thì Mythologies II là một tác phẩm mới hoàn toàn của nhạc sĩ Danae Xanthe Vlasse. Vì vậy cho nên khi nghe tin Mythologies II được liệt vào hạng mục “Cổ-Điển Chuyên-Đề” ai cũng lo nó sẽ bị loại ở vòng ngoài vì các ứng cử viên kia đều là thứ dữ, đến từ các dàn nhạc nổi tiếng trên nước Mỹ.

Danae Vlasse làm việc với pianist Robert Thies tại Studio Hill của Teresa Mai và Trịnh Hoàng Hải tại Austin, Texas. (Facebook Danae Vlasse)

Cần nói thêm là sự cạnh tranh giữa những nhạc sĩ danh tiếng rất là quyết liệt. Với những mối quan hệ sẵn có, nhạc của họ thường được đưa vào những hạng mục nơi họ có đông đảo ủng hộ viên để có thể bầu cho nhạc phẩm của mình. Cho nên việc một dĩa nhạc bị thay đổi hạng mục vào giờ chót, thậm chí vào phút chót, cũng là một hệ quả không mấy hay ho trong cuộc đua vào Grammy, rắc rối không thua gì các cuộc bầu cử chính trị. Nhưng, nói gì thì nói, không ai có thể biết trước mình sẽ được đề cử hay không.

Teresa Mai và Trịnh Hoàng Hải cùng kỹ sư âm thanh Gerhard Joost (giữa) ngay sau khi hay tin Mythologies II được đề cử Grammy (Facebook Sangeeta Kaur)

Cho dù có vận động cách mấy thì chuyện được đề cử vẫn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố nằm ngoài sự tiên liệu hay kiểm soát của các nhà sản xuất. Song việc ai cũng phải làm là đưa sản phẩm mình đến với công chúng, quảng bá nó bằng mọi cách để tạo sự chú ý cần thiết. Nếu những người trong ban bầu chọn được nghe tận tai, thấy tận mắt, thậm chí nếu có cơ hội gặp gỡ giao lưu với nghệ sĩ thì xác suất được đề cử mới cao. Bằng không thì chẳng khác nào bán một món hàng mà không quảng cáo.

Teresa Mai và Hila Plitmann công diễn lần đầu bài “Andromeda” từ dĩa Mythologies II trong chương trình “Dòng Chuyển Của Âm Thanh” tại Allen, Texas, hồi tháng 4/2024 (Bảo Huân/TRẺ)

Nhưng nói cho cùng, yếu tố tiên quyết để được đề cử hay thắng cử vẫn là phẩm chất của dĩa nhạc. Nó phải hay cái đã; những thứ khác tính sau. Mythologies II kể lại câu chuyện thần thoại Hy-Lạp về nữ thần rắn Medusa, về công chúa Andromeda và mẹ là hoàng hậu Cassiopeia, về người hùng Perseus và hành trình hồi hương của Odysseus sau 20 năm lìa xa quê xứ Ithaca. Dưới sự điều khiển tài ba của nhạc trưởng Michael Shapiro, dàn giao hưởng Royal Philharmonic cùng các nghệ sĩ đã dựng lên một bức tranh tuyệt đẹp bằng âm nhạc, xứng đáng được nằm trong 5 album hay nhất thuộc hạng mục “Cổ-Điển Chuyên-Đề”. Xin gởi lời chúc mừng đến Mythologies II và mong sẽ có tin vui vào tháng Hai năm tới.

Ba chị em – Hila Plitmann, Danae Xanthe Vlasse, Teresa Mai (Facebook Hila Plittman)