Đầu mùa Xuân 1918, “cuộc chiến tranh để chấm dứt mọi cuộc chiến tranh” đang sắp sửa đến hồi kết. Nhưng những nấm mồ của người nằm xuống chưa kịp xanh cỏ thì thiên nhiên lại giáng thêm cho nhân loại một thảm hoạ khiến nhiều người thiệt mạng hơn cả vì đạn bom. Tên chính thức của nó là Đại Dịch 1918, nhưng thiên hạ vẫn quen gọi nó là “Spanish Flu”.

Cuối tháng 5, 1918, báo chí ở Tây Ban Nha bắt đầu tường thuật về một dịch cúm ở trong nước mà họ gọi là “French Flu” vì nghĩ rằng nó đến từ Pháp. Lúc ấy Tây Ban Nha là quốc gia trung lập trong Ðệ Nhất Thế Chiến nên truyền thông báo chí có thể đăng tin tức thoải mái mà không bị nhà nước kiểm duyệt như ở Ðức, Pháp, Mỹ v.v. Vì lẽ đó nhiều người lầm tưởng dịch bệnh này đến từ Spain, nhất là khi chỉ một tuần sau lại có tin nhà vua Alphonso XIII của họ cũng bị nhiễm bệnh.

Binh lính mắc bệnh dịch được chữa trị trong một nhà thương quá tải ở Mỹ. ảnh: royston leonard / mediarunworld.com     

Trước đó, khoảng cuối năm 1917, các bác sĩ quân y tại trại lính và bệnh viện dã chiến ở Étaples (Pháp) đã phát hiện có một dịch cúm đang lây lan giữa các binh sĩ. Étaples là một trạm trung chuyển lớn; mỗi ngày có đến cả trăm ngàn binh lính di chuyển ngang qua đây. Ngoài bệnh viện nơi thương binh đủ loại được điều trị (kể cả nạn nhân của vũ khí hoá học), Étaples còn có cả một trại nuôi heo và gà riêng. Ðồng thời trại được cung cấp thực phẩm từ các làng thôn quanh vùng. Bởi vì virus H1N1 là biến thể của một loại tế khuẩn đến từ gia cầm, khoa học gia ngày nay phỏng đoán rất có thể virus dịch bệnh này phát xuất từ đây, nhưng rất tiếc vẫn không có chứng cứ 100%.

Biểu đồ tử vong của Đại dịch 1918. Đợt 2 vào mùa Thu là thời điểm nguy kịch nhất. nguồn: CDC

Cơn dịch xảy ra trong ba đợt. Ðợt thứ nhất vào mùa Xuân 1918 tương đối nhẹ. Số người mắc bệnh không nhiều và hầu hết đều khỏi bệnh sau vài ngày. Nhưng đến mùa Thu năm ấy virus quay trở lại với tốc độ và cường độ mãnh liệt hơn trước. Khác với đợt đầu, trong lần trở lại con tế khuẩn H1N1 đã biến thể và trở nên cực kỳ độc hại. Nó tấn công vào đường hô hấp khiến cho phổi người bệnh bị đầy chất nhờn, không thở được. Ngoài những triệu chứng thường thấy của bệnh cúm như nóng sốt và mỏi mệt, da nạn nhân trở màu tím bầm và họ có thể chết chỉ trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Một đặc điểm nữa là người chết đa số ở lứa tuổi 20-40, tức tuổi còn đang sung sức. Ðiểm này rất khác biệt với các dịch cúm trước đây với tỉ lệ tử vong cao nhất nơi trẻ con và người già. Ðến cuối năm 1918 đầu năm 1919 đợt thứ ba xuất hiện, nhưng không nhiều người chết bằng. Ðến mùa Hè 1919 thì cơn dịch chấm dứt. Gần một nửa dân số trên thế giới đã bị nhiễm.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Ðầu tháng Giêng năm 1918 bác sĩ Loring Miner, làm việc tại trại lính Fort Riley ở Kansas, đã báo động với cơ quan PHS (Public Health Services) về một ca cúm bất thường. Ngày 4 tháng Ba, ca thứ nhì xuất hiện. Chỉ trong vòng vài ngày, hơn 500 lính Mỹ đã bị lây nhiễm. Một tuần lễ sau dịch bệnh lan lên tới New York. Nhưng rồi cơn dịch bỗng nhiên tự thuyên giảm.

Một bệnh viện gần quân trại Fort Riley ở Kansas năm 1918. nguồn: CDC

Sang tháng 8, 1918, virus H1N1 tái xuất hiện cùng một lúc tại Brest (Pháp), Boston (Mỹ), và Freetown (Sierra Leone). Lần này nó lan nhanh đến khắp nơi trên thế giới. Gần như nước nào cũng có người nhiễm bệnh ngoại trừ Bắc cực và Nam cực. Cơ quan Y Tế Quốc Tế (WHO) ước lượng tỉ lệ tử vong của Ðại Dịch 1918 vào khoảng 2-3% trong số người bị nhiễm, trong khi bệnh cúm bình thường chỉ gây chết người khoảng 0.1%.

Ðể dễ so sánh, tỉ lệ tử vong của dịch SARS bên Trung Quốc năm 2003 là 10%, của dịch Ebola ở Phi Châu năm 2014 là 25%-90% (tuỳ khu vực). Nhưng hai trận dịch ấy không lan ra toàn cầu như Spanish Flu. Chỉ trong vòng 24 tuần lễ, con virus 1918 đã giết nhiều người hơn HIV/AIDS trong 24 năm. Ở Ấn Ðộ, số người chết là 17 triệu – khoảng 5% tổng dân số. Ở Nhật, số người mắc bệnh lên đến 23 triệu, với gần 400,000 người chết. Anh quốc chết 250,000 người; Pháp chết 400,000…

Vì thiếu hụt đàn ông do chiến tranh và bệnh dịch, đàn bà phải cáng đáng nhiều công việc hơn trước, đẩy mạnh phong trào nam nữ bình quyền. nguồn: library of congress

Tỉ lệ tử vong tại các đảo quốc vùng Thái Bình Dương như Tahiti, Samoa, Nam Dương… đều rất cao. Tại Tân Tây Lan, cộng đồng người Maori bị nhiễm nặng gấp tám lần người da trắng. Ở Mỹ, các bộ lạc người da đỏ cũng có tỉ lệ tử vong cao hơn người Mỹ trắng. Trong các bộ lạc người Inuit của tiểu bang Alaska, có nơi chết gần 70%. Nhưng nhờ vậy mà vào thập niên 1990 các nhà nghiên cứu cuối cùng cũng tìm ra được con tế khuẩn H1N1 của Ðại dịch 1918 – nó nằm trong phổi một người Inuit chôn cách đây cả trăm năm nhưng vẫn được khí hậu băng giá ướp giữ.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Tuy tỉ lệ tử vong của Ðại dịch 1918 tương đối thấp so với SARS hay các loại dịch khác, nhưng vì có quá nhiều người bị nhiễm bệnh nên số người chết cao hơn mọi trận dịch từ trước tới nay (trừ cơn đại dịch khủng khiếp Black Death vào thế kỷ 14 giết gần 50% dân Âu Châu), và cao hơn cả số tử vong trong Ðệ Nhất Thế Chiến. Hiện tượng này có nhiều lý do:

Một tiệm hớt tóc ở Berkeley, California. Để bớt lây bệnh, chính quyền khuyến khích người dân mang khẩu trang và sinh hoạt ngoài trời hơn là ru rú trong nhà. nguồn: national archives

Thứ nhất là do chiến tranh. Hàng triệu binh lính đã di chuyển đến khắp mọi nơi, nhất là bằng tàu bè hay xe lửa là nguồn gây nhiễm dễ nhất. Thứ nhì là các phương tiện giao thông vào đầu thế kỷ 20 như xe hơi, xe điện, xe tram v.v. làm cho công chúng dễ truyền bệnh cho nhau hơn mà không hay biết. Thứ ba, y học thời bấy giờ chưa khám phá ra thuốc trụ sinh hay chủng ngừa nên chỉ biết phòng chống bằng những biện pháp cổ truyền như cách ly, giữ vệ sinh cá nhân, thiêu xác người chết v.v.

Nhưng có lẽ bài học lớn nhất là các cơ quan truyền thông thời đó đã giấu diếm thông tin, hoặc đưa tin không chính xác, khiến người dân trong nước không biết sớm để ngăn ngừa. Ðến như Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson, khi sang Pháp năm 1919 để điều đình ngưng chiến cũng bị lây bệnh mà đâu mấy ai hay.

TT Mỹ Woodrow Wilson tham dự hội nghị đình chiến tại Paris, 01/1919. nguồn: library of congress

Một trăm năm sau, thế giới một lần nữa đối diện một cơn dịch có vẻ cũng nguy hiểm không kém. Con coronavirus lần này đến từ Trung Quốc – một quốc gia có truyền thống kiểm duyệt truyền thông báo chí chặt chẽ. Do vậy lúc đầu rất khó cho các nhà nghiên cứu trên thế giới tìm hiểu đích xác nguồn gốc cơn dịch.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Nhưng ngày nay, nhờ có Internet và mạng xã hội, mọi người đều dễ dàng tiếp cận các nguồn tin bán chính thức để tha hồ mà … đoán mò. Vô số thuyết âm mưu cũng như tin giả đã được tung ra, lây lan khắp thế giới với tốc độ ánh sáng. Do tâm lý thương-ghét cũng như nhẹ dạ của con người, COVID-19 không đơn thuần là một vấn đề y tế và sức khoẻ nữa mà còn là một vấn nạn xã hội và kinh tế đậm chất địa chính trị.

Không như Ðệ Nhất Thế Chiến nơi các phe đối nghịch có thể nhìn thấy mặt nhau, trận địa lần này là không gian mạng. Các tay cao thủ đều nằm trong bóng tối, vũ khí của họ là Twitter, Facebook, fake news v.v. Mục đích của họ là gì ta khó biết, nhưng giống như một trăm năm trước, chưa thấy ai chế ra vắc-xin để trị các loại virus thông tin này. Chỉ có mỗi cách là tự tritự trị.

Tự tri là tìm hiểu và kiểm chứng những điều đáng nghi trên mạng xã hội. Các website như Snopes hay Politifact là những địa chỉ khả tín có thể giúp ta kiểm tra tin giả. Còn tự trị là tránh xa những trang mạng cực đoan – cả thiên tả lẫn thiên hữu, để đừng bị chúng nhiễm độc. Ðồng thời ta cũng nên tránh gây nhiễm cho người khác bằng cách không đăng lại hay chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng. Bằng tinh thần tự giác và sự cẩn trọng cần thiết, chúng ta sẽ vượt qua được cơn “dịch giả” này.

IB

Dallas