Hằng năm, cứ đến dịp đầu thu, lá vàng rụng ngoài đường, nhà nhà lại bắt đầu chu kỳ xoắn chân của mình lên để lo cho năm học mới của con cái, nào là áo quần đồng phục, nào là vở viết, nào là các khoản tiền đóng cho nhà trường, gồm khoản có biên bản và khoản không biên bản, nào là khoản gởi gắm thầy cô, khoản học thêm, học kèm, đóng góp xây dựng, từ thiện… Kính thưa các khoản đầu năm và cả năm! Kính thưa mùa tựu trường lá rụng! Kính thưa việc chọn trường chính quy với chọn trường tư thục, kính thưa những hàng dài người rồng rắn xếp hàng nộp hồ sơ…!

Năm học mới đã bắt đầu nhưng nhà sách vẫn than ế 

Kính thưa các đoàn rồng rắn xếp hàng

Một phụ huynh có con chuẩn bị vào trường trung học phổ thông, chia sẻ một cách khôi hài:

– Ở xứ mình, văn minh lắm, rất chi là văn minh. Mà văn minh lớn nhất có lẽ là văn minh xếp hàng!

– Xin anh chia sẻ về văn minh xếp hàng này giùm em!

– Xứ mình là vậy, những ngày sau 1975, xếp hàng rồng rắn, chen lấn để tranh nhau từng lát thịt, lát khoai, ký gạo, thậm chí chen lấn, đập nhau đổ máu đầu cũng vì vậy. Còn đi ra đường, muốn có xe buýt ra thành phố thì phải rồng rắn ngồi chờ, xe vừa trờ tới bến là chạy túa ra như một đàn vịt bị chó rượt để chạm cho được vào chiếc xe, tính theo kiểu ai chạm xe trước tiên thì có chỗ ngồi hoặc được lên xe trước. Sau này, kinh tế phát triển thì người ta xếp hàng từ một, hai giờ đêm để được ăn miễn phí, và bây giờ, xếp hàng chờ lấy nước sinh hoạt ở các chung cư, rồi xếp hàng, chen lấn vào cửa nộp hồ sơ trường công cho con. Nhưng kinh khủng nhất là con người được đặt trong trật tự xếp hàng từ lớp vỡ lòng cho đến hết cấp ba (lớp 12) nhưng khi ra đời, người ta lại chộn rộn và lộn xộn không ai bằng. Bởi mọi kiểu xếp hàng trên là sự áp đặt chứ không phải là thứ văn hóa trong máu huyết.

– Vậy theo anh, việc xếp hàng này có liên quan gì đến tâm tính và cung cách làm việc của con người bây giờ không, đặc biệt là ngành giáo dục?

– Có chứ, liên quan mật thiết lắm, vì từ nhỏ, đứng trong hàng nhưng tâm lý lúc nào cũng muốn chen lấn, bứt thoát và vượt lên trên. Đâm ra cứ nhấp nhỏm, lúc nào cũng sẵn sàng lấn lướt để chạy lên, cái tâm lý ấy từ nền giáo dục nhiễm vào máu huyết, khi ra đời cũng hành xử y vậy. Ngược lại, khi làm giáo dục, người ta cũng phát triển trên nền tảng trật tự rất lộn xộn ấy. Và kết quả thì chắc không cần bàn thêm.

Xem thêm:   Sư sãi thời... mạt pháp

– Anh có thể cho biết thêm quan điểm của mình về vấn đề dạy và học hiện nay có gì khác so với thời anh?

– Thời của tôi, tôi được học trong nền giáo dục cũ tức giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, tuy thời gian ngắn ngủi chỉ học tới lớp 11 thì lịch sử thay đổi, nhưng tôi thấy rằng con cháu bây giờ thiệt thòi. Vì sao chúng thiệt thòi ư? Vì chúng nó không được giáo dục trên nền tảng Nhân Vị, Dân Tộc và Khai Phóng. Đó là nền tảng cơ bản của giáo dục thời trước. Cái nền tảng này khiến cho giáo dục có được thiên lương của nhà giáo và không bao giờ bị biến thành thứ kỹ nghệ kiếm tiền. Bất kỳ ngành nghề nào cũng có thể biến thành kỹ nghệ, trừ ngành giáo dục, đương nhiên các ngành như thầy thuốc, luật sư hay nhà báo cũng không được phép kỹ nghệ. Nhưng mà các ngành này đều từ giáo dục mà ra, nên chỉ cần giáo dục có thiên lương thì các ngành khác sẽ có thiên lương.

– Hiện tại, Bộ Giáo dục Việt Nam đang có dự tính cho giáo viên dạy thêm một cách chính thức trở lại, anh thấy chuyện này ra sao?

– Thì tôi cũng đang nói về chuyện ấy đó, tức là kỹ nghệ, một khi giáo viên cật lực mài bảng để đào tiền từ học sinh thì làm gì còn thời gian để nghiên cứu, chiêm nghiệm, làm gì còn thiên lương nữa, mọi thứ trở thành kỹ nghệ. Sẽ bế tắc thêm thôi!

Có khó cũng phải sắm cho con bộ đồ mới trước năm học

Mòn mỏi học thêm, học kèm, học phụ đạo…

Hiếm có xứ sở nào mà nền giáo dục lại bận rộn một cách điên cuồng như Việt Nam, sáng học, trưa học, chiều học, tối học, khuya học, sáng sớm mai lại học. Đứa trẻ bị giày vò, đè nén và quay cuồng trong câu chuyện học, học, học nữa, học mãi cho tới 12, rồi đại học, rồi thất nghiệp, chạy xe ôm Grab. Ở Việt Nam hiện nay, nếu vào được lớp 10 trường công là một việc hết sức kỳ vĩ, nhưng học xong 3 năm trung học phổ thông thì xem như đã xóa mù chữ và đủ tư cách để xin vào làm công nhân trong các khu công nghiệp. Và, tốt nghiệp đại học thì đầy rẫy ngoài đường. Một người vừa tốt nghiệp đại học luật xong, hiện đang chạy Grab, yêu cầu giấu tên, chia sẻ:

Xem thêm:   JO Paris 2024 – một Thế Vận Hội thành công ngoài mong đợi (kỳ 3)

–  Nói tới cán bộ xứ mình thì ông nào bà nào cũng có bằng cao học hết, đụng tới là tiến sĩ, thạc sĩ, thậm chí có ông có bà là Phó Giáo sư. Nhưng mà đưa bài toán lớp 9 giải không ra, đưa bài văn lớp 10 viết lủng củng. Mà họ cỡ vậy thì chắc chắn mình học mài mòn đũng quần rồi đi xe ôm là cái chắc.

– Ủa, mình thực học, mình phải có giá trị của mình chứ anh?

– Đúng, chính xác là vậy, mình có giá trị lao động chân chính nên mình chạy xe ôm. Công việc dành cho người chân chính bao giờ cũng là công việc mà bọn bất lương cảm thấy kham không nổi hoặc ngửi không vào. Chính vì vậy, những cử nhân học hói trán như tụi tôi mới có công việc chân chính như chạy Grab, làm shipper, phụ hồ, bán vé số, bốc vác thuê … Xã hội này, nói cho cùng nó rất là công bằng và thoải mái, có gì đâu, há há! (cười).

– Anh có thể chia sẻ một kỷ niệm nào đó về thời đi học trung học của mình không?

– Ồ nhiều lắm, mà nói tới là đụng tiền à. Từ học phí chính quy, rồi học phí học thêm, các khoản lệ phí khác. Một nhà có chừng hai đứa con đi học thì cha mẹ khóc ròng, nhất là nhà nông và công nhân, chết đói, khổ lắm. Mà đau đớn là lỡ sinh ra trong gia đình nhà nông hoặc công nhân thì suốt kiếp cũng làm chừng ấy thôi, vì có học giỏi rồi thì cũng như tôi thôi. Nhiều lắm, tụi nó có chân có chống hết rồi, có đâu tới mình, con vua thì được làm vua í mà.

Không biết phải bán bao nhiêu bao lúa mới đủ đóng các khoản trong năm học

– Anh vẫn chưa kể một kỷ niệm cụ thể?

– Hồi đó mình nhiều kỷ niệm lắm chứ, đang thi học kỳ, bị đuổi ra khỏi lớp vì chưa đóng học phí. Lên đại học cũng có lúc từng bị vậy, nhìn chung, ở xứ mình bây giờ, nghèo thì đừng nghĩ tới chuyện đi học, đau đầu lắm, mà có đi học thì chẳng qua đi lấy buổi để nhà trường họ được cái chuẩn phổ cập xóa mù chữ thôi chứ họ có để tâm gì đến kiến thức của mình đâu. Lên lớp 12 mà không biết gì về toán lớp 9 cũng là bình thường, vì họ muốn phổ cập xóa mù chữ đạt chỉ tiêu 100% thôi. Còn muốn tiến xa, muốn có kiến thức thực thụ thì phải học thêm, học kèm.

Xem thêm:   Phố cổ Yaletown & Gastown

– Có phải vì vậy mà anh từng tốn tiền học thêm?

– Không phải đâu, học thêm là thứ nghĩa vụ, là loại hình thuế trá hình mà học sinh phải đóng cho thầy cô giáo. Mình cũng học thêm, nhưng không học kèm.

– Nghe thứ nghĩa vụ anh nói thấy ớn thiệt!

– Xứ này mà cô nói tới giáo dục, mà ớn, thì có lẽ ớn cả ngày cũng chưa hết ớn đâu!

Chị H., một Hiệu phó trường tiểu học ở Quảng Ngãi, chia sẻ:

– Nói tới chuyện năm học mới, tức là nhắc tới một chu kỳ mới của phong trào. Hiệu trưởng của tôi vốn là cán bộ phong trào, tức là một Bí thư đoàn thanh niên Cộng sản xã lên làm Hiệu trưởng. Tình trạng cán bộ đoàn lên làm hiệu trưởng cũng khá là nhiều, họ có đảng, lên lãnh đạo, còn mình có chuyên môn, làm tay sai vặt cho họ, vậy thôi.

– Cô làm Hiệu phó được bao nhiêu năm rồi và cô thấy sau này có gì khá hơn trước không?

– Tôi làm Hiệu phó cũng được gần 30 năm chứ ít chi đâu, cũng sắp hưu rồi đây. Nhưng tôi thấy sau trước chi cũng vậy à, trước cô Hiệu trưởng cán bộ phong trào này là một cô Hiệu trưởng cán bộ tăng cường.

– Hiệu trưởng cán bộ tăng cường là sao cô?

– Cô Hiệu trưởng cũ vốn là một nhân viên thú y, cán bộ thú y thời bao cấp, trại chăn nuôi còn ăn nên làm ra, cô biên chế ở trại chăn nuôi. Sau này phá bỏ cơ chế hợp tác xã, trại chăn nuôi phá bỏ hàng loạt, cô được cơ cấu, chuyển sang làm Hiệu trưởng tiểu học, cô vừa làm vừa học thêm cái bằng sư phạm tại chức. Cô đó có khá hơn cô cán bộ đoàn, từ chuyên môn cho đến nhân cách. Mà thôi kệ, thời thế thế thời thời phải thế rồi.

Lời của cô Hiệu phó này, chắc cũng nói lên được ít nhiều bản chất, cơ cấu và chuyên môn ngành nghề trong giáo dục Việt Nam.

Bài và hình UC