Nói nào ngay những người làm văn nghệ hồi xưa hay chịu ảnh hưởng của nhau. Thấy cái tứ hoặc cái tích nào hay hay là chôm về làm của mình rồi vẽ rắn thêm chân.

Như tuồng cải lương ‘Ðời Cô Lựu’ của soạn giả Tư Trang, tức Trần Hữu Trang, có Hội đồng Thăng thì sau đó cũng có người em song sinh, nhưng khác cha khác mẹ là: ‘Tiếng hò Sông Hậu’ của soạn giả Ðiêu Huyền với Hội đồng Dư. He he!

Hai ông soạn giả nầy đều theo ‘Vi Xi’. Mà trong chế độ độc tài toàn trị của CS, tuồng hát nào đã được đảng bật đèn xanh cho hát, soạn giả không bị đánh cho lên bờ xuống ruộng thì mình cứ ‘nhái’ theo, cứ ‘cóp’ theo đó mà làm cho nó an toàn trên xa lộ đấy thôi!

Bằng tự ên mình sáng tác mà không chịu ‘cọp dê’ ai thì soạn giả vừa viết vừa dòm chừng coi mấy quan văn nghệ như Trường Chinh, Tố Hữu xem xong có mặt mày trợn ngược, sùi bọt mép hay không?

Kinh nghiệm đau đớn của các văn nghệ sĩ từng viết cho Nhân văn Giai phẩm như: Phan Khôi, Hữu Loan, Quang Dũng, Trần Dần, Phùng Quán…bị đảng lấy roi ra quất túi bụi còn sờ sờ ra đó.

Thử hỏi người sống nhờ vào ngòi bút của mình, ai mà không rét vì sợ bể nồi cơm? Sợ phải đi câu cá trộm ở Hồ Tây để kiếm sống như nhà thơ Phùng Quán. Sợ phải về Thanh Hóa đi thồ đá kiếm cơm như nhà thơ Hữu Loan của ‘Màu tím hoa Sim’…

o O o

Trái lại trong chế độ VNCH, dẫu mới tập tễnh trên con đường dân chủ thì cái tự do sáng tác nó ‘phẻ’ hơn nhiều. Ðể chứng mình cho cái nhận xét nầy của tui là cuộc đời của soạn giả Quy Sắc.

Soạn giả Quy Sắc. (1924-2010) tên thật là Nguyễn Phú Quý. Vì là tên Quý, nên khi sáng tác bài ca vọng cổ hay soạn tuồng cải lương, ông có nghệ danh là soạn giả Quy Sắc.

Cái nghệ danh đặt theo kiểu nầy hồi xưa trong giới nghệ sĩ cải lương có rất nhiều. Ngoài Quý là Quy Sắc, chúng ta còn có soạn giả Ðiêu Huyền (1915-1983) vì ông tên thật là Phạm Văn Ðiều.

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Còn bên nghệ sĩ trình diễn thì chúng ta cũng có Hương Huyền (Nguyễn Văn Hường, thân phụ của nữ nghệ sĩ Thanh Hằng bên Úc) và Hương Sắc (Nguyễn Văn Hướng) là hai anh em ruột.

Cái nghệ danh nầy cũng bám sát theo thời thế lắm nhe! Dạo đầu thì nghệ danh thường lấy thứ trong gia đình cộng thêm cái tên do cha mẹ đặt hay tên của quê hương mình. Như: Cô Ba Bến Tre, Cô Ba Trà Vinh, Cô Năm Cần Thơ… Còn nếu già già hơn một chút là Bà Năm Sa Ðéc (vợ của ông Vương Hồng Sển)!

Rồi ông Út Trà Ôn với dàn đệ tử là: Út Nhị, Út Hậu rồi Út Hiền…

Bên nữ thì có Út Bạch Lan, người được soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà xưng tụng là ‘Sầu nữ’.

o O o

Có bằng Thành Chung, thầy Nguyễn Phú Quý tình cờ dạy kèm cho Juliette Nga, lúc đó 13 tuổi, con gái của bà Bầu Thơ, chủ đoàn hát Thanh Minh. Vài năm sau, Juliette Nga trở thành nữ nghệ sĩ lừng danh Thanh Nga. Còn thầy Nguyễn Phú Quý thành soạn giả Quy Sắc.

Quy Sắc hợp soạn cùng soạn giả Kiên Giang tuồng: ‘Người vợ không bao giờ cưới’ “Ngày mai đám cưới người ta. Tại sao Sơn nữ Phà Ca lại buồn?” (Hai câu thơ lục bát nầy là của nhà thơ kiêm soạn giả cải lương Kiên Giang).

Và cũng chính vở tuồng nầy đã đưa nghệ sĩ Thanh Nga, năm 1958, lúc mới vừa 16 tuổi, lên đài danh vọng do đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm của ông nhà báo Trần Tấn Quốc.

o O o

Soạn giả Quy Sắc cũng như nghệ sĩ Tấn Tài – hoàng đế dĩa nhựa, vốn là thầy giáo; sau bỏ nghề khỏ đầu trẻ để theo nghiệp cải lương.

Câu hỏi đặt ra là đi dạy học, tiền lương lãnh đều đều mỗi tháng, sống phẻ re như con bò kéo xe! Mà tại sao hai ông Quy Sắc và Tấn Tài bỏ cái rẹt cái nghề ‘khỏ đầu con nít’ để theo kiếp cầm ca bấp bênh hơn rất nhiều?

Xem thêm:   Kế Sách

Theo tui đoán mò, nó có ba lý do: Một là họ có tâm hồn nghệ sĩ. Là nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu, làm kép chánh mỗi khi xuống vọng cổ mấy em rụng rún hết ráo thì khoái ơi là khoái?

Hai là: Ðêm nay tuồng nầy làm áo vũ cơ hàn, quần áo rách tả tơi thì đêm mai lại được làm Vua hô: “Quân bây” là trong hậu trường nó dạ rùm hết ráo thì không khoái lắm ru?

Ba là: má tựa vai kề (quá đã) với cô đào chánh sắc nước hương trời mà không sợ má bầy trẻ làm khán giả đang ngồi coi ở hàng ghế thượng hạng không nổi cơn ghen, lột guốc phang vô mặt mình bất tử!

Ðó là nghề kép chánh! Còn nghề soạn giả dẫu không có cơ hội chường mặt ra sân khấu như kép Thành Ðược, Hùng Cường, Minh Vương, Minh Phụng…  để mấy em bán cá ở chợ Cầu Ông Lãnh chết mê chết mệt thì có cái khác nó bù vô. Cái khác đó là soạn giả nào nặn óc ra, sáng tác được tuồng nào ăn khách, hát cả tháng trời mà bà con đêm nào cũng ùn ùn tới coi, là vô mánh.

Tác quyền được chia tới 5% tiền bán vé. Hát nhiều đêm là tiền càng nhiều. Hát ở rạp Nguyễn Văn Hảo, thủ đô Sài Gòn, hết ai đi coi thì đi về các tỉnh. Hát xong mà được các hãng dĩa nhào vô thu thanh, in dĩa ra bán toàn cõi Ðông Dương, tới cả bên Miên, Lào thì lại càng vô mánh.

Tuy nhiên, cũng có những ngày mưa, gánh hát phải trả giàn, nghệ sĩ và soạn giả đành lãnh phân nửa (lương đờ mi) hay một phần tư (lương cà phê)! Nhưng ít khi xui tận mạng như vậy lắm!

Nghề soạn giả buộc phải đọc nhiều sách, học thêm nhiều cái mà nhà trường chưa dạy. Soạn giả học ở trường đời nhiều gấp bội hơn học ở nhà trường!

Bảo Huân

o O o

Ðêm nay quê người, Melbourne, tháng Sáu, trời lạnh lắm; vì đã chuyển sang Ðông. Trầm ngâm bên ly rượu đỏ, tui nhớ về nghệ sĩ Thanh Hương (1936-1974) con của nghệ sĩ Năm Châu (Nguyễn Thành Châu).

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Tuy cuộc đời ngắn ngủi nhưng nghệ sĩ Thanh Hương cũng để lại cho chúng ta một giọng hát bất hủ trong bài vọng cổ “Cô bán đèn hoa giấy” của soạn giả Quy Sắc do hãng dĩa Asia phát hành.

Và cũng nhờ bài vọng cổ nầy mà vào cuối thập niên 1950, trên tờ báo Tiếng Dội của ông Trần Tấn Quốc, nghệ sĩ Thanh Hương được độc giả bầu là: “Ðệ nhất nữ danh ca”.

O o

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang! Ngày 30, tháng Tư, năm 1975, Cộng sản Bắc Việt tràn vô thủ đô Sài Gòn của chúng ta. Ðám Tuyên huấn ngoài Hà Nội chủ trương rằng: “Cải lương miền Nam không khuyến khích”.

Vậy là các hãng dĩa bị tịch thu, các gánh hát bị giải tán, tất cả các tuồng sáng tác trước 1975 bị cấm trình diễn. Các soạn giả cải lương bị cấm hành nghề.

Soạn giả và nghệ sĩ cải lương miền Nam lâm vào cảnh đói khổ cùng chung với cả nước VNCH. Soạn giả Quy Sắc phải bán luôn cả tư trang để sống cầm hơi. Kiếp con tằm là phải nhả tơ. Mà muốn nhả tơ thì ít ra phải có dâu cho tằm ăn chớ?

Rồi suốt 45 năm nay, Cải lương cứ ngắc ngoải, cứ thở hơi ra mà chưa chịu chết. Cải lương chưa chịu đi chầu ông bà ông vải là vì sáu câu vọng cổ là cái hồn dân tộc, cái tâm tình của người dân Lục tỉnh quê mình!.

o O o

Nhớ chiều xưa, trước ngày vượt biển, bên mâm rượu cùng bằng hữu văn nghệ nghe em ca cái bài: “Cô bán đèn hoa giấy!”

“Hỡi cô bán đèn giấy hồng, năm nay cô đã có chồng hay chưa?”

“Ðèn hồng đã có người mua, má hồng đã bị nắng mưa phai rồi.”.

45 năm ngày mất nước, đêm nay, quê người nghe lại bài năm cũ, giọng ca xưa, kỷ niệm tràn về như sóng làm lòng tui thiệt bùi ngùi quá mạng đó bà con ơi!

ĐXT