Bay trên lửa đạn

Trên tập san Revue Historique des Armées số 261 xuất bản vào năm 2010, Trung tá Philippe Roudier ghi lại lịch sử hình thành của 3 Phi đoàn 21, 22 và 23 (GAOA), là tiền thân của các Phi đoàn Quan sát VNCH về sau. Khi ấy, mỗi phi đoàn có 19 sĩ quan, 50 hạ sĩ quan và 88 binh sĩ. Cấp số 167 quân nhân tương đương với một đại đội bộ binh. Nhiệm vụ căn bản gồm: 1- Điều chỉnh tác xạ pháo binh. 2- Tải thương. 3- Chở tướng lĩnh thị sát mặt trận. 4- Thám sát và không ảnh. 5- Hướng dẫn khu trục.

Thời VNCH, 4 chức năng đầu giảm đi vì đã có trực thăng thay thế, việc điều chỉnh tác xạ đã có “đề lô” (DLO) là các tiền sát viên pháo binh đi theo các tiểu đoàn. Do đó chức năng xác định mục tiêu cho phản lực oanh kích trở nên quan trọng nhất. Vì vậy, tên gọi Phi đoàn Quan sát Pháo binh đổi thành Phi đoàn Quan sát và Trợ chiến.

Thời Pháp dùng máy bay Morane 500 ám danh “Criquet” (cào cào), là máy bay cũ Fieseler Storch của Không quân Đức trong thế chiến. Storch trong tiếng Đức có nghĩa “chim hạc”. Đặc điểm của máy bay này là chỉ cần một đường băng 65m để cất cánh và 20m để đáp xuống, không nhất thiết là nền xi-măng. Sau đó Pháp nhận thêm máy bay Cessna L19 “Bird Dog” từ Hoa Kỳ. Tuy sản xuất sau nhưng L19 cần một phi đạo dài 180m để cất cánh và đáp. Nhưng L19 bay nhanh hơn và tầm xa 853km gấp đôi “đầm già” Morane.

Trong suốt chiến tranh từ 1953 đến 1975, 469 chiếc Cessna L19 của Pháp, Mỹ và VNCH bị bắn rơi. Một con số nói lên tính chất thập phần nguy hiểm của các phi vụ L19. Cũng nói lên đức tính gan dạ của nữ phóng viên Kiều Mỹ Duyên.Trần Vũ

(*) Xem Philippe Roudier, Les Groupes Aériens d’Observation d’Artillerie en Indochine, trg 35-45, Revue Historique des Armées số 261, 2010. 

Thường thường những chiến trường càng sôi động, càng có một hấp lực lôi cuốn tôi phải đến, phải ghi nhận và phải viết. Tôi đến chiến trường bằng mọi phương tiện: máy bay, tàu thủy, xe và cả đi bộ. Nhưng thường là đi bằng đường bộ, từ phía sau trận tuyến để tiến dần vào vùng giao tranh theo những hướng tiến quân của các đơn vị đang tham chiến. Như vậy, cái nhìn của người phóng viên chiến trường bị giới hạn bởi những điều kiện tương đối an toàn nên sự ghi nhận sẽ thiếu phần trung thực. Và tôi tâm niệm mình phải có một cái nhìn khái quát hơn, những cảm xúc mạnh mẽ và sống động hơn, từ một độ cao, ngay trên lằn đạn, để ngòi bút mô tả thật đúng với những trận đánh đang ở mức khốc liệt nhất của một vùng được mệnh danh là Vùng Hỏa Tuyến. Tôi cố gắng thực hiện điều đó để đạt được cái nhìn cần thiết của một người viết phóng sự chiến trường, và đồng thời mới có cơ hội trực tiếp nhìn thấy sinh mạng của những chiến sĩ Không Quân thật như treo trên sợi chỉ trong những lần đùa với tử thần, bay trên lửa đạn.

Năm 1970, nhìn tình hình chiến sự ngày càng sôi động, tôi nghĩ đến lúc muốn có mặt tại chiến trường để viết, e rằng những phương tiện như xe cộ không còn tiện dụng. Hơn nữa, một phóng viên chiến trường mà không có mặt tại chiến địa cùng lúc với những đơn vị đang hành quân, thì những bài viết nếu không phải là sản phẩm của tưởng tượng, thì cũng chỉ là nghe kể lại hoặc dự những buổi thuyết trình của Phòng Hành quân mà thôi. Do đó, tôi nạp đơn xin phép Bộ Tổng Tham Mưu theo học một khóa Nhảy Dù. Ðơn xin của tôi được chấp thuận thì không may, một tai nạn xe cộ khiến tình trạng sức khỏe của tôi không thể theo học được. Cách còn lại duy nhất là bay trên chiến địa để trực tiếp ghi nhận những diễn biến của chiến trường và những đơn vị đang chiến đấu bên dưới.

Từ mặt trận Cao Nguyên vừa về tới Sàigòn, tôi trở ra lại miền Trung để tiếp tục tham dự chiến trường Trị Thiên. Tôi chọn Huế để viết phóng sự, một phần vì mặt trận phía Bắc của thành phố này đang tới hồi nóng bỏng, một như bị quyến rũ bởi những lời mời mọc âm thầm của đất Thần Kinh, sự cảm phục sức phấn đấu của người dân miền Trung, và cũng tựa hồ như định mệnh.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Với miền Nam và Gia Ðịnh, nơi tôi sinh trưởng, thì Huế là một vùng đất xa xôi với nhiều huyền thoại lịch sử. Huế của cung miếu, đền đài. Huế như người tình vừa kiêu sa vừa lãng mạn. Huế như đấng quân vương đến hồi sa cơ thất thế, vẫn kiêu ngạo với một thời vàng son dĩ vãng, và cả những khổ đau mà hiện mình đang gánh chịu.

Vào những ngày đầu của tháng 7, thành phố Huế đã nằm trong tầm pháo của Cộng quân. Mọi đơn vị và kể cả dân chúng đang nỗ lực phòng thủ. Cái nóng của mùa hè ở Huế thật oi nồng. Gió Hạ Lào luồn qua những khe núi của rặng Trường Sơn đưa mùi khói súng về tận sông Hương. Huế đang ở trong vùng hành quân. Xe nhà binh di chuyển vội vàng. Ðủ mặt quân binh chủng trên đường phố. Hàng ăn, quán uống rộn ràng với những đoàn xe chuyển quân tạm dừng chân giây lát. Người dân đào hầm trú ẩn ngay trong nhà. Bao cát ở chợ trời Ðông Ba bán chạy như tôm tươi. Sau khi đi thăm những đơn vị có nhiệm vụ giữ vòng đai của Huế, tôi liên lạc với Biệt Ðoàn Tiền Phương đóng ở phi trường Phú Bài để xin được tháp tùng theo những phi vụ mà Biệt Ðoàn này đang yểm trợ cho mặt trận phía Bắc của Huế. Ðó là cách duy nhất mà tôi có thể dự phần và hiểu một cách rõ ràng những giây phút hào hùng và thập phần nguy hiểm của những người chiến đấu từ trên không, của những cánh chim bằng vào ra chiến trận như trò đùa, đem mạng sống của mình treo trên lửa đạn. Những cuộc sống hào hùng đó, tôi đã được nghe nhắc đến trong lần đầu gặp Thiếu Tá Diệm, Biệt Ðoàn Trưởng Biệt Ðoàn Tiền Phương, một người trầm lặng, ít nói, thường vẫn ngậm ngùi nhắc đến những người bạn, những huynh đệ đã vĩnh viễn ra đi và những người đang làm rạng danh cho binh chủng như Thiếu Úy Nguyễn Xuân Chi của Không Ðoàn 41, Thiếu Úy Tạ Nhất Chí của Không Ðoàn 5…

Buổi sáng, nắng hè đang còn dịu, tôi ngồi nghe vị Sĩ Quan Trưởng Phòng Hành Quân của Biệt Ðoàn Tiền Phương tại Phú Bài thuyết trình về tình hình chiến trường và các nhiệm vụ yểm trợ của Biệt Ðoàn. Những dặn dò và quy luật mà tôi phải tuân theo, đồng thời phải để lại địa chỉ, điện thoại những nơi sẽ được cấp báo nếu có gì không may xảy ra cho chuyến bay này. Tôi để lại số điện thoại của người chị bà con ở Sàigòn và của một người mới quen ở Huế.

Người phi công mà tôi tháp tùng là Ðại Úy Trần Ngọc Hoàng. Phi cơ L19 có hai chỗ ngồi, tôi ngồi phía sau với mũ nghe và một chiếc ống dòm. Phi cơ cất cánh rời phi trường Phú Bài lúc 10 giờ 24 phút, Ðại Úy Hoàng nhắc nhở tôi:

– Ðây không phải là một chuyến bay quan sát khơi khơi trên cao, mà là một phi vụ yểm trợ thực sự trong vùng giao tranh.

Bay trên lửa đạn – nguồn nam ròm flickr.com 

Tôi hiểu ý người phi công. Không có một sự an toàn nào cho tôi, dù là tối thiểu như những lần quan sát chiến trường từ sau lưng những đơn vị Bộ Binh. Tôi nhủ thầm, con người sống chết có số và chuyện sinh nghề tử nghiệp cũng là chuyện thường tình mà thôi. Cũng có thể vì tôi là phái nữ và ở từ một nơi yên ổn như Sàigòn mới ra đây xa lạ nên được căn dặn kỹ càng. Như hai hôm trước, tôi xin trực thăng đi từ Ðà Nẵng ra Huế, nơi đáp sẽ là bãi đáp trực thăng trước Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh tại Mang Cá. Khi trực thăng gần đến Huế, người phi công cũng dặn dò tôi:

– Máy bay đáp xuống là cô phải chạy ngay vào giao thông hào bên cạnh, kiếm một chiếc nón sắt đội lên đầu cho chắc ăn rồi mới di chuyển vào trong doanh trại.

Tôi hồi hộp chờ đợi, và có cảm tưởng những khẩu pháo của Việt Cộng đang im lặng như một cái bẫy chờ đợi con mồi… Nhưng khi trực thăng vừa đáp xuống, tôi thấy người đón tôi vẫn chiếc mũ lưỡi trai trên đầu và điếu thuốc cố hữu trên môi, đứng dựa lưng vào xe Jeep, rất thản nhiên, cái thản nhiên của những người đã quen sống trong vùng lửa đạn.

Xem thêm:   Roma - La Mã

Hôm nay là ngày 5 tháng 7, năm 1972. Một ngày nắng thật đẹp. Những người phi công không thích sương mù. Bây giờ đang ngồi trên máy bay, tôi mới hiểu điều đó. Trời trong sáng giúp sự quan sát dễ dàng hơn. Dưới chân tôi là núi rừng, đồng ruộng. Trên đầu tôi từng đám mây trắng bay ngược chiều. Chợt nhớ lời một người phi công trẻ nào đó:

– Mỗi ngày chúng tôi bay đi trước khi mặt trời mọc, và trở về sau khi mặt trời đã lặn.

Nhiệm vụ của những người phi công lái L19 là nhiệm vụ có tầm quan trọng trong một cuộc hành quân: hướng dẫn hành quân, quan sát mục tiêu, quan sát những biến chuyển của trận đánh, phối hợp hỏa lực… Nhưng những phi công lái L19 lại là những cánh chim đơn độc, đi một mình, về một mình và đến trận địa thì cũng tự lo lấy thân mình. Nhiệm vụ muốn lo cho hoàn hảo phải bay thật thấp, dưới 2,000 bộ (600m), để quan sát cho chính xác, mà SA7 của Việt Cộng rất nhẹ, như võ khí cá nhân, có thể mang trên vai, bắn cao đến 9,000 bộ (2,700m). Như B40 biến cải cũng có thể bắn lên tới 4,000 bộ (1,200m) rồi…

Ðến 11 giờ, dòng sông Mỹ Chánh hiện ra trước mắt. Ðây là một con sông nhỏ, như một lằn ranh giữa hai thành phố Huế và Quảng Trị. Bên kia bờ phía Bắc sông Mỹ Chánh không thấy bóng dáng một người dân. Ðại Úy Hoàng chỉ cho tôi các vị trí của quân bạn bên dưới và một đoàn công voa của mình đang di chuyển. Tôi nhìn thấy rõ những đám bụi đỏ bốc lên mù mịt đằng sau mỗi chiếc xe. Chúng tôi đang cách cầu Mỹ Chánh khoảng 4 cây số về hướng Ðông. Tôi biết chỉ trong chốc lát chúng tôi sẽ đến quận Hải Lăng. Hải Lăng đằng trước mặt. Chiếc L19 nhẹ nhàng bay vào vùng đang giao tranh bên dưới.

Tiếng của Ðại Úy Hoàng trong mũ nghe:

– Chị nghe tôi rõ không?

– Rõ.

– Chị nhìn qua phía bên phải, bên trong Quốc Lộ 1, xe tăng của Việt Cộng đó, chụp hình đi.

Người phi công cho máy bay đảo nhiều vòng trên cao để quan sát tổng quát tình hình bạn và địch, đồng thời liên lạc với những đơn vị bên dưới để biết yêu cầu của họ. Tôi vừa quan sát, vừa chụp hình, vừa lắng nghe cuộc đối thoại của những đơn vị Dù và Thủy Quân Lục Chiến với máy bay của tôi:

– Hotel, Hotel, đây Sóng Thần, nghe rõ không, trả lời.

– Tôi nhận bạn 5/5. Có gì cho đi.

– Việt Cộng đang nằm trên gò mả, xem giùm tôi, trả lời.

– Chờ một chút.

– Nhờ bạn quan sát chính về hướng Ðông, Tây Bắc điểm đã cho.

– Bảo Phong, đây Chung Sơn gọi.

– Tôi đưa nón sắt đến cho bạn đó. Bạn hướng dẫn tôi, trả lời.

– Tôi đã tới ngay nhà thờ mà chưa thấy bạn.

– Hoa Ðào, đây Tiêu Lương gọi.

– Ðánh giùm tôi cách 100m, nghe rõ không, trả lời?

L 19 tại phi trường Đà Nẵng – nguồn pinterest

Nhiệm vụ của Ðại Úy Hoàng thật đơn giản nhưng thập phần nguy hiểm. Nguy hiểm là vì bên dưới gặp khó khăn, mới nhờ trên không giải quyết giùm, và nơi nào mà Dù và Thủy Quân Lục Chiến gặp khó khăn, là nơi đó đang đong đưa một lưỡi hái của tử thần.

Qua ống dòm, tôi thấy một ngôi nhà thờ nhỏ nằm trong vùng giao tranh, trên gác chuông và những cao điểm khác, những ổ súng của Cộng quân đã cầm chân các đơn vị Dù và Thủy Quân Lục Chiến một cách hữu hiệu. L19 phải dùng trái khói để đánh dấu những vị trí đó cho phản lực đánh.

Ðại Úy Hoàng ra hiệu cho tôi biết phi cơ sẽ xuống thấp để làm nhiệm vụ. Tôi thật sự hồi hộp trong giây phút này, vì đây là lần đầu tiên tôi theo máy bay ra tận giữa hai lằn đạn của một cuộc giao tranh mà hai bên đang cố gắng đẩy lui đối thủ và giữ từng tấc đất.

Chiếc L19 xuống thấp rất nhanh bên phần đất của các đơn vị bạn rồi bay thẳng về phía địch. Tôi nhìn rõ bằng mắt những chiến sĩ Dù và Thủy Quân Lục Chiến đang tấn công bên dưới như xem phim trên màn ảnh. Họ tiến tới chậm và khó khăn vì hỏa lực của Cộng quân từ các cao điểm. Chậm nhưng vẫn anh dũng tiến và tiến tới không ngừng. Ðại Úy Hoàng đã cho máy bay vào phần đất của địch. Máy bay bay sát trên ngọn cây và những họng súng phòng không bắt đầu chuyển hướng nhắm vào chiếc L19.

Xem thêm:   Mua phi cơ riêng

Chiếc máy bay nhỏ bé khi thì lượn lờ trên cao như đùa giỡn, khi thì để thả trái khói cho thật chính xác, đã phải lao xuống thật thấp, xuyên qua những lằn đạn, rồi phóng lên cao và lại nhào xuống như vậy nhiều lần. Những giây phút đó mới thấy sự phối hợp nhịp nhàng, hữu hiệu của Không Quân. Trong khi chiếc L19 cố gắng xuống thấp, đến gần để ghi dấu vị trí địch bằng trái khói, thì đằng xa, những chiếc phản lực đang đảo vòng, gầm thét thị uy. Và khi chiếc L19 vừa cất mình lên cao nhường chỗ, thì những chiếc phản lực như những con diều hâu đã thấy mồi, lao xuống mục tiêu như một mũi tên. Ðịch thừa hiểu L19 chỉ đâu, phản lực đánh đó, nên hầu hết các ổ súng đã châu lại nhả đạn vào chúng tôi cùng một lần.

Ðại Úy Hoàng đang cố gắng xuống thấp hơn để ghi dấu một ổ súng phòng không của địch. Ðã bao lần tôi thấy rõ là phi cơ sẽ trúng đạn, nhưng rồi vẫn tránh được. Vừa bị một tai nạn xe trầm trọng năm ngoái, sức khỏe của tôi chưa được bình phục, nên sau một hồi phi cơ bay lên, nhào xuống, gan ruột tôi cảm thấy nhộn nhạo. Và lần này, khi tôi vừa kịp thấy một màn lưới lửa từ dưới đất xẹt lên hướng máy bay chúng tôi, Ðại Úy Hoàng đã nhanh nhẹn đưa phi cơ ngược lên trời như một mũi tên để tránh. Sự thay đổi độ cao và áp suất bất ngờ đó làm cho tôi không còn cố gắng hơn được nữa.

Những người dân bị thương được di tản bằng máy bay tại sân bay Phú Bài đến bệnh viện Đà Nẵng vào ngày 25 tháng 4 năm 1972. Ảnh của ENNIO IACOBUCCI / AFP qua Getty Images)

Trước khi ngất đi, tôi còn nghe văng vẳng tiếng của người phi công hỏi tôi:

– Chị Duyên! Chị Duyên, nghe tôi rõ không, trả lời?

Tôi muốn nói: ‘Ðại Úy cứ tiếp tục phi vụ’, nhưng hình như tôi không nói được. Tôi biết lúc đó máy bay của tôi chỉ mới thực hiện được 48 phút bay, và tình hình bên dưới làm cho Ðại Úy Hoàng trong một lúc hình như quên mất sự hiện diện của tôi trên máy bay.

Khoảng 15 phút sau, tôi có cảm giác như máy bay đang ở trên một mặt phẳng, không còn nhào xuống rồi vút lên như trước nữa và tiếng người phi công lại vang lên trong mũ nghe:

– Chị Duyên, chị Duyên, chị tỉnh lại rồi phải không? Ngả về đằng sau, nhắm mắt một lát cho khỏe.

Tôi dùng ngón chân ấn nhẹ lên chiếc nút dưới sàn tàu:

– Cứ bay hết giờ nghe Ðại Úy.

Tuy nói vậy, nhưng bay đến phút thứ 150 thì tôi lại muốn ngất đi như trước. Chiếc mũ bay vẫn chụp trên đầu, nên trong trạng thái mơ màng, tôi còn nghe những lệnh lạc, những lời gọi khẩn cấp, những câu cự nự nhau và cả những tiếng chửi thề. Có những câu nói chưa trọn đã im bặt, có lẽ bởi một viên đạn nào đó… Tôi biết mình đã phí mất những giây phút quý báu này. Sau một phi vụ dài hai tiếng rưỡi với L19, những dự tính tháp tùng bay theo khu trục A37 và phản lực F5 của tôi đã tan theo mây khói vì tự hiểu sức khỏe của mình không thể nào theo được.

Phi cơ trở về lại phi trường Phú Bài, một số những người quen biết trong Biệt Ðoàn đến chúc mừng tôi bình yên sau những giờ bay nguy hiểm trên chiến trận. Ðại Úy Hoàng vừa rời phòng lái là vội vã đi ăn cơm trưa. Ăn xong lại lên máy bay bay tiếp. Một phản lực cơ của ta bắn cháy 3 chiến xa của địch, Ðại Úy Hoàng được lệnh bay đến chụp hình. Người phi công lần này vai mang máy ảnh có gắn télé (zoom), ông vẫy tay chào và nói:

– Bắn cháy chiến xa thì phải chụp hình chứ để người ta không tin.

Từ phi trường Phú Bài, tôi xin vào Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương Huế nằm tĩnh dưỡng một vài hôm trước khi tiếp tục loạt phóng sự cho chiến trường Trị Thiên. Trong quân y viện, đêm đêm không ngủ được, tôi nằm lắng nghe và đếm từng chuyến trực thăng tải thương về. Cứ mỗi giây, mỗi phút, bao nhiêu người đã hy sinh cho đất nước?

Làm một việc gì với tất cả nhiệt tình của mình, thì cuối cùng cũng có một phần thưởng, dưới bất cứ một hình thức nào.

KMD, 1972

Số tới

Trên Vùng Trời Trị Thiên