Giữa vùng đất đỏ

Tôi nhớ các học trò của tôi, trường Trung học Văn Hóa Quân Đội Quang Trung, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định, muốn vào trường học này phải là con của quân nhân. Các em học xong tú tài tình nguyện vào lính, có trò hy sinh lúc còn rất trẻ. Một học trò của tôi, mời tôi đi ăn cưới, một tuần lễ sau chú rể trở ra chiến trường. Mấy ngày sau, chú rể, chiến sĩ tử trận nơi sa trường. Cô giáo đi ăn cưới của trò tuần trước thì tuần sau đi đưa đám tang và cầu nguyện cho người ra đi về cõi Niết Bàn. Hồi đó, nghĩa trang quân đội ở Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, gần Tổng Y Viện Cộng Hòa là nơi an nghỉ của rất nhiều người lính trẻ. Nghĩa trang Biên Hòa cũng là nơi an nghỉ của các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Hình của các chiến sĩ tươi cười trên mộ bia. Sau này, khi Cộng Sản chiếm miền Nam, nghĩa trang Tổng Y Viện Cộng Hòa bị san bằng, không biết hài cốt của các chiến sĩ bây giờ ở nơi nào? Tội nghiệp cho các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc, nếu người nào được may mắn siêu thoát thì quá tốt đẹp, còn nếu người nào bị chết oan ức thì hồn còn lảng vảng đâu đây, tội nghiệp quá! (Kiều Mỹ Duyên)

Tôi đến thăm Sư Ðoàn 18 Bộ Binh vào những ngày đầu của tháng 4 năm 1973. Chuẩn Tướng Lê Minh Ðảo, Tư Lệnh Sư Ðoàn là một người rất hiếu khách, bất cứ một nhà báo hay phái đoàn nào đến thăm sư đoàn đều được tiếp đón rất niềm nở. Trong câu chuyện, Tướng Lê Minh Ðảo nhấn mạnh niềm hãnh diện của sư đoàn là người lính của Sư Ðoàn 18 Bộ Binh được trang bị bằng bốn ưu điểm: quân sự, tinh thần, khả năng và hoàn thành nhiệm vụ.

Ðiều tôi thấy ngoài bốn điểm tốt mà Tướng Lê Minh Ðảo vừa nêu lên, Sư Ðoàn 18 còn nhiều vấn đề khác rất đáng khoanh thêm mấy điểm son nữa, đó là tinh thần xã hội, vấn đề cô nhi quả phụ và tử sĩ, vấn đề lương bổng của anh em thương bệnh binh đang nằm điều trị tại bệnh xá của sư đoàn, vấn đề nhà thương, trường học cho gia đình binh sĩ… đều được những giới chức thẩm quyền của sư đoàn lo lắng rất chu đáo.

Tôi được Trung Tá Trưng, Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị hướng dẫn đi thăm bệnh xá của sư đoàn. Bệnh xá của Sư Ðoàn 18 Bộ Binh nằm giữa một vùng đèo heo hút gió, một vùng đất đỏ nắng bụi mưa bùn của tỉnh Long Khánh. Theo cấp số thì bệnh xá này chỉ có 40 giường, nhưng trên thực tế, con số đã lên đến 150 giường. Trong những khoảng thời gian cuộc chiến gia tăng, như hồi mặt trận An Lộc còn sôi động, thương binh chuyển về đây tràn ngập, bệnh xá phải để hai người nằm chung một giường.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Tôi đã đi thăm nhiều bệnh xá của các sư đoàn khác, thường thường sự tổ chức chỉ đúng như bảng cấp số đã ấn định, còn bệnh xá của Sư Ðoàn 18 lại giống như một bệnh viện dã chiến cấp vùng. Sự phát triển đã gấp bốn lần của bảng cấp số, nghĩa là có khả năng tiếp nhận một lúc khoảng 300 thương bệnh binh để điều trị.

Bệnh xá này có được thành quả như ngày hôm nay là do công lao của Y Sĩ Thiếu Tá Thân Trọng Ðàm. Ông phục vụ tại bệnh xá này từ ngày còn mang cấp Trung Úy. Theo nguyên tắc, một y sĩ ra trường phục vụ ở tiền tuyến hai năm là có thể xin về Tổng y viện hoặc một nơi nào đó gần Sàigòn, nhưng bác sĩ Ðàm vẫn gắn bó với bệnh xá nằm giữa một vùng đất đỏ cát bụi mịt mờ.

Bệnh xá của Sư Ðoàn 18 đặc biệt thực hiện thêm được một trại sĩ quan, một trại giải phẫu và hồi sinh và một trại hộ sinh. Trung bình mỗi tháng khu ngoại chẩn khám trên một ngàn bệnh nhân. Mỗi ngày trung bình chụp hình phổi cho 100 tân binh quân dịch của sư đoàn. Phòng điện tuyến có thể chụp hình phổi, bao tử, tiết niệu, ngang với khả năng của một quân y viện.

Tướng Lê Minh Đảo – nguồn reddit.com

Mức độ bệnh nhân lên xuống tùy theo mùa và theo tình hình chiến trường. Ngoài khả năng, bệnh xá sẽ chuyển bệnh nhân về quân Y Viện Trần Ngọc Minh hay Tổng Y Viện Cộng Hoà. Nhưng bệnh xá rất cố gắng giới hạn trong vấn đề chuyển bệnh.

Các trại bệnh đều khang trang sạch sẽ. Hiện có khoảng 100 bệnh nhân đang điều trị. Giường nào drap cũng được giặt trắng tinh, đồng phục của bệnh nhân đều sạch sẽ. Bệnh xá này hầu như tự túc đến mức tối đa. Không có máy giặt, nhân viên phụ trách giặt 300 bộ quần áo và hàng trăm tấm ra trải giường mà giặt bằng tay, thì đó quả là một sự cố gắng đáng khâm phục. Bệnh xá chỉ có 34 nhân viên phục vụ cho cả trăm bệnh nhân mỗi ngày trong tình trạng thiếu thốn, cái gì cũng phải tự túc.

Ðất Long Khánh mùa mưa không thể mang dép được, mà phải dùng guốc gỗ. Bệnh xá cung cấp guốc cho anh em thương bệnh binh. Trung Tá Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị nói:

– Guốc rất cần trong mùa mưa. Chúng tôi xin thùng đạn về đẽo guốc. Quai guốc làm bằng dây dù.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Anh em cũng xin thùng đạn về đóng thành tủ sách. Tủ sách đã sẵn sàng, nhưng sách thì chưa có cuốn nào. Một bệnh nhân nói với tôi:

– Nằm dưỡng bệnh ở đây buồn lắm cô ơi. Nhìn ra bên ngoài là cát bụi và núi rừng, nếu có sách đọc thì đỡ buồn lắm. Sách là món ăn tinh thần của tụi tôi đó.

Tôi hỏi thăm anh:

– Anh thích đọc loại sách gì?

– Tiểu thuyết tình cảm, kiếm hiệp hay là sách gì cũng được. Miễn là có sách đọc cho đỡ buồn.

Tôi hỏi Trung Tá Trưng:

– Thưa Trung Tá, không có cách gì để lập tủ sách cho anh em thương bệnh binh sao?

Trung Tá Trưng lắc đầu:

– Chỉ có cách đi xin, chứ sư đoàn đâu có ngân khoản để mua sách.

Binh sĩ Sư Đoàn 18 – nguồn wikipedia.org

Sách báo quả thật là một nhu cầu cần thiết cho những người đang nằm trên giường bệnh. Thời gian nằm dưỡng bệnh, chữa thương tại bệnh xá là thời gian người lính tạm quên chiến trường, nhưng họ lại chuyển hướng suy nghĩ về gia đình nhiều hơn. Không phải bất cứ người thương bệnh binh nào cũng có gia đình ở gần để được thân nhân thường xuyên đến săn sóc, thăm viếng. Có nhiều người gia đình ở tận Vùng I, Vùng II, với mẹ già, vợ dại, con thơ, lương lính nuôi cả gia đình, có dư được đồng nào đâu để chi phí cho tiền xe, tiền ăn, tiền ở khi vào thăm người thân.

Bệnh xá nằm trong một vùng gần rừng núi nên có khung cảnh thật vắng lặng, nhất là những buổi chiều mưa, bệnh nhân ngồi trên giường nếu không nhìn ra cửa sổ thì chỉ nhìn nhau. Màu áo xanh, khuôn mặt người nào cũng xanh mướt, những tiếng rên la vì đau đớn. Tất cả những màu sắc, âm thanh và sinh hoạt buồn nản đó ngày lại ngày, khiến cho tinh thần của thương bệnh binh dễ bị sa sút. Và sách báo có thể giúp cho họ qua được những khoảng thời gian buồn nản đó.

Hướng dẫn đi thăm các trại bệnh, Thiếu Tá Y Sĩ Thân Trọng Ðàm nói với tôi:

– Chúng tôi có 5 trại bệnh, nhưng chỉ 2 trại có tivi. Tội nghiệp bệnh nhân nào nằm điều trị tại các trại không có tivi, buổi tối buồn lắm.

Các trại bệnh cách nhau khá xa, nếu gặp mùa mưa, đất đỏ biến thành bùn rất lầy lội. Vì vậy ban đêm, thà bó gối ngồi trên giường tán gẫu với nhau còn hơn lặn lội qua xem ké tivi, bước nhằm vũng bùn thì chỉ nhấc được bàn chân lên, còn đôi guốc đã dính sâu dưới lớp bùn, không thấy đâu mà moi lên được.

Ðến trại bệnh có tivi, tôi thấy một cái tivi nhỏ đặt trong một chiếc hộp bằng gỗ gắn trên tường, nắp hộp có ổ khoá. Tới giờ xem tivi, phải có nhân viên trách nhiệm mở khoá. Xem xong đóng nắp hộp và khoá lại cẩn thận. Khi trở về phòng khách của Bộ Tư Lệnh, tôi nói về chiếc hộp đựng tivi cho Chuẩn Tướng Lê Minh Ðảo nghe. Ông nói:

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

– Ai cho bất cứ gì cũng quý lắm. Tôi vẫn nói với anh em trong sư đoàn là ai cho gì cũng nhận. Một chai xì dầu cũng hữu ích cho một gia đình binh sĩ vậy.

Những chiến sĩ Sư Đoàn 18 Bộ Binh VNCH bắn hạ T-54 của cộng quân tại chiến trường Xuân Lộc, tháng 4/ 1975 – nguồn Facebook

Sư Ðoàn 18 Bộ Binh có một nghĩa trang nằm ở An Lộc. Những ngôi mộ ở đây chôn không ngay hàng thẳng lối. Nghĩa trang này không chỉ riêng cho những tử sĩ của Sư Ðoàn 18, mà còn có các đơn vị khác nữa. Trước khi Sư Ðoàn 18 rút đi, anh em trong sư đoàn lấy ván của thùng đạn, dùng sơn viết tên họ, đơn vị của những người đã vĩnh viễn đi vào lòng đất mẹ để làm mộ bia, những tấm mộ bia thô sơ được dựng lên bởi tình đồng đội rất là thắm thiết của những người còn tiếp tục chiến đấu.

Chuẩn Tướng Lê Minh Ðảo nhắc chuyện An Lộc với giọng thật ngậm ngùi:

– Anh em chết ở An Lộc được bọc trong poncho. Tôi nhớ chuyện anh lính Dù đang đào hố chôn bạn thì trúng đạn pháo kích gục ngay xuống hố của mình vừa đào xong. Bác sĩ Châu chạy xe ngang qua, thấy anh này còn thoi thóp, ông ngừng xe lại để cấp cứu, rồi ông cũng bị trúng đạn pháo mà chết bên cạnh xác anh lính Dù.

Tôi cho anh em trong sư đoàn sửa sang lại nghĩa trang này trước ngày rút đi. Và hôm sau, trên đường di chuyển, khi đi ngang qua nghĩa trang, mọi người đều cúi đầu, nhớ đến ngày nào còn bạn bè đùa giỡn bên nhau, còn chiến đấu bên nhau, bây giờ rút đi, để lại một số nằm đây yên nghỉ. Mọi người, từ lính đến quan, ai cũng cúi đầu lặng lẽ bước đi. Ba lô và súng đạn không làm nặng đôi vai của người chiến sĩ, mà một sự mất mát nào đó làm tâm hồn họ trĩu nặng.

Tôi được xem mấy tấm hình của nghĩa trang này. Nghĩa trang rất rộng, những ngôi mộ nằm không thành hàng lối, mộ bia tấm lớn, tấm nhỏ. Tướng Lê Minh Ðảo nói tiếp:

– Tôi có vẽ sơ đồ của nghĩa trang và lập danh sách của tử sĩ gửi về Bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị và một bản lưu ở sư đoàn để sau này khi đã yên, đường bộ đi được, thân nhân của các tử sĩ muốn đến thăm viếng hay cải táng có thể tìm được dễ dàng.

Tướng Lê Minh Đảo (X) tại mặt trận Xuân Lộc 1975 – nguồn Quoro

KMD, 1973

Số tới

Cuộc chiến Miền Tây