Mơ chút ánh mặt trời

Giấc mơ người tị nạn là quay về cố hương, nhưng than ôi, quê hương chưa thật sự thanh bình, người tị nạn hưu trí ở khắp nơi trên thế giới có về Việt Nam ở được không? Nếu ở quê nhà mà câm không nói gì, thấy cảnh bất bình mà nhắm mắt làm ngơ thì không phải là con người có sự công bình, nhưng nếu thấy cảnh bất bình lên tiếng thì nhà tù mở rộng, đừng nghĩ người tị nạn bây giờ có quốc tịch Mỹ, Anh, Pháp, Úc về Việt Nam nói gì thì nói, nhà tù vẫn chờ đợi quý vị đó. (Kiều Mỹ Duyên)

Tôi đứng bên giường bệnh của Trung Tá Dương ở trại sĩ quan cao cấp tại Tổng Y Viện Cộng Hoà. Hôm nay trông ông đã khỏe hơn. Trung Tá Dương có hứa với tôi lúc nào khỏe, ông sẽ kể cho tôi nghe một niềm ước mơ của ông, một ước mơ thật là nhỏ, gần như vô nghĩa và đã hơn nửa đời người, chưa bao giờ ông nghĩ có lúc mình lại ước mơ một điều như vậy. Trung Tá Dương châm một điếu Bastos Quân Tiếp Vụ, rồi bằng một giọng rất linh động, ông kể lại cho tôi nghe những ngày khốn khổ đã qua.

Lúc 3 giờ 30 sáng hôm đó, tôi ra lệnh cho Chi Ðoàn 3/1 Thiết Kỵ di chuyển về phía Nam của Lộc Ninh. Còn tôi thì vẫn nằm tại ngã ba Bố Ðức. Khoảng 4 giờ sáng Chi Ðoàn 3/1 còn cách Lộc Ninh chừng 2 cây số, đến cua Chùm Bao thì bị mìn. Hai thiết giáp bị hư. Ðịch mới chôn mìn hồi đêm. Trời vừa sáng thì thêm một chiếc M41 bị Việt Cộng bắn cháy ngay trên bãi mìn. Cùng lúc đó, tôi được lệnh của Tướng Hưng phải về tiếp viện cho Lộc Ninh gấp. Tôi lên xe để thúc chi đoàn cố gắng vượt qua khỏi chỗ đó.

Tôi ngồi trên thiết quân vận để đốc chiến và định đi theo về hướng của Chi Ðoàn 3. Di chuyển được 2 cây số, tôi nghi thế nào cũng bị phục kích, nên ra lệnh đi vòng vào rừng cao su về phía Tây. Khi còn cách sau lưng Chi Ðoàn 3 chừng một cây số rưỡi, tôi thấy đằng trước nhiều bóng người lố nhố, chưa biết là địch hay bạn. Tôi lấy ống nhòm để quan sát thì Việt Cộng núp trong rừng, một bên hông của đoàn xe, bắn một trái B40 vào ngay xe tôi làm tài xế bị thương nặng, xe bốc cháy ngay. Tôi vừa nhảy ra khỏi xe, chúng bồi thêm một phát nữa bay nắp pháo tháp. Hai xe đằng sau tiến tới, vừa dập lửa vừa dàn ra bắn yểm trợ. Việt Cộng không dám xông ra. Chiếc thiết quân vận sau khi dập tắt lửa rồi vẫn sử dụng được. Tôi trở lại xe điều động chi đoàn phía Bắc kéo về. Lúc đó trên mặt tôi đã bị những mảnh đạn nhỏ ghim vào.

Trung Tá Dương ngừng lại một lát, đưa tay sờ lên má, tưởng như những mảnh đạn còn ghim trên mặt. Ông lại châm thêm một điếu thuốc Bastos nữa.

Chúng tôi được lệnh tấn công để chiếm đồi Lộc Tấn.

Lúc đó pháo binh ở Lộc Ninh đã hết yểm trợ cho chúng tôi rồi. Mấy cây 105  quỵ hết vì pháo của địch. Tiểu Ðoàn 74 Biệt Ðộng Quân đã bỏ căn cứ Alpha. Chúng tôi tấn công và chiếm được hai phần ba ngọn đồi. Ðịch vẫn bám chặt. Chúng rất đông, trùng trùng, điệp điệp. Lúc đó tôi thấy đóng quân ban đêm trong rừng cao su không có lợi, nhưng không thể nào theo Quốc Lộ 13 mà về Lộc Ninh được. Nhìn tình hình, tôi biết mình đã bị vây. Sau này mới biết các đơn vị của địch lúc đó gồm Công Trường 5, Công Trường 7, Công Trường 9, một trung đoàn pháo và một trung đoàn thiết giáp.

Xe tăng của chúng không dám đương đầu với chúng tôi, chỉ dàn ra ở phía Tây Nam Lộc Ninh. Việt Cộng sợ mang chiến xa đương đầu sẽ bị bên mình có Không Quân yểm trợ tiêu diệt. Cho nên địch chỉ dùng bộ binh chận thiết giáp của mình ở phía Bắc, không cho về cứu Lộc Ninh.

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Bởi vậy, khi chiếm xong hơn phân nửa ngọn đồi, tôi thấy không thể đóng quân ở đây được, nên cho lệnh rút về ngã ba Bố Ðức. Chúng tôi còn 4 khẩu 105 ly, sau khi bắn hết đạn, tôi xin lệnh phá hủy rồi đi bọc về hướng Ðông, định đến đêm sẽ băng qua Quốc Lộ 13 để tiến về xã Lộc Thiện.

Chiều hôm trước, Ðại Úy Chi Ðoàn Trưởng bị thương ở mặt, tôi chỉ định Ðại Úy Mai Ðình Thành làm Chi Ðoàn Trưởng. Chi Ðoàn Phó lại tử thương, Trung Úy Chu Văn Tần thay thế. Chi Ðoàn của Ðại Úy Thành băng qua Quốc Lộ 13, chiếm một ngọn đồi nhìn xuống xã Lộc Thiện, nhưng sau đó bị Cộng quân chận lại. Ðịch quân tràn ngập các ngọn đồi và vây chặt một chi đoàn thiết giáp vào giữa.

Tôi hướng dẫn Bộ Chỉ Huy Thiết Ðoàn đi theo tôi về hướng Tây Nam, qua các hàng phòng thủ, địch bắn vào xe tôi nhiều phát nhưng không trúng. Anh xạ thủ của tôi bị một băng AK hớt đứt 3 ngón tay. Mấy xe đi đằng sau bắt đầu bị rối loạn hàng ngũ và sau đó thì bị thất tán. Tôi tiến về hướng Tây Nam, ở đây thấy rất nhiều hầm hố phòng thủ, hình như là hậu tuyến của địch quân. Tôi thấy dưới chân một ngọn đồi, có một tên đang nằm võng và một tên khác đang nấu nước. Hai tên này có lẽ là bệnh binh, thấy chúng tôi xuất hiện bất ngờ, mặt mày tái xanh, vừa chạy vừa té bò càng.

Chiến xa M-41 Quân Lực VNCH – nguồn Quora

Lúc đó tôi chỉ còn hai xe. Quan sát các đồi chung quanh, tôi thấy địch đã bố trí xong cả rồi, nên tôi phải đi vòng qua hướng Tây, sát với khu rừng Cấm. Gọi là rừng Cấm vì Việt Cộng cấm dân đến đây đốn cây làm củi. Tôi liên lạc với L19, xác định vị trí của tôi, để nhờ dẫn giùm mấy chi đoàn thất tán về vị trí tôi, nhưng không có xe nào ra khỏi vòng vây được.

Tôi định tìm đường chạy vòng qua Lộc Thiện để hướng về phía Nam của sân bay Lộc Ninh, nhưng đi được một đoạn thì đã thấy Cộng quân giăng hàng đón chúng tôi và vây lại. Tôi cho lệnh phá máy truyền tin, lấy gạo sấy mang theo, tập trung lại còn 24 người cả Biệt Ðộng Quân và Thiết Giáp. Chúng tôi bỏ xe, hướng vào rừng tìm đường mà tránh sự truy kích của quân địch. Chúng tôi lẩn tránh trong rừng một ngày, một đêm. Ðến 6 giờ sáng ngày 7 tháng 4 thì bị lọt vào lực lượng trừ bị của Cộng quân cách Lộc Ninh chừng 3 cây số, và bị chúng bắt giữ.

Trung Tá Dương kể chuyện rất mạch lạc, như những sự việc vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Thỉnh thoảng ông dừng lại, châm điếu thuốc rồi kể tiếp.

Chúng tôi bị trói hai tay đằng sau lưng bằng dây kẽm. Chúng thẩm vấn qua loa rồi bảo tôi gọi Ðại Tá Vĩnh ra đầu hàng. Một lát sau chúng bảo với tôi là Ðại Tá Vĩnh cũng đã bị bắt rồi. Chúng mở dây kẽm cột tay cho tôi, hai cổ tay đã sưng húp. Chúng bắt tôi cởi giày ra, tôi nói không có giày, tôi không đi chân trần được. Chúng cho tôi mang giày nhưng tháo dây buộc giày ra. Như vậy lại càng khó đi hơn nữa.

Ði mất một ngày và một đêm, chúng đưa tôi đến một trại giam gần Quốc Lộ 7, cách Snoul chừng 10 cây số về phía Tây Nam. Ðến trại này, tôi bị cùm hai chân vào một cái cùm gỗ. Cùm làm bằng hai tấm gỗ dày, mỗi tấm có khoét hai hình bán nguyệt. Tôi và một anh lính Biệt Ðộng Quân khánh thành bộ cùm của trại đầu tiên. Anh lính này nói với tôi, chúng nghi em là sĩ quan nên nhốt chung với Trung Tá.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Mỗi ngày chúng lôi tôi lên một cái chòi nhỏ để thẩm vấn về tình hình Lộc Ninh. Bị thẩm vấn suốt ngày từ sáng tới chiều, nên tối đến, khi trở về trại, xỏ chân vào cùm xong, nằm ngã xuống đất là ngủ thiếp đi, mặc cho muỗi rừng và kiến cắn đầy cả mặt mũi, chân tay.

Hai hôm sau có một toán khác bị dẫn đến nhốt chung. Sáng ngày mồng 10, chúng đưa Ðại Úy Trúc, Tiểu Ðoàn Phó Tiểu Ðoàn 74 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng và tôi ra Quốc Lộ 7, ngay Mimot, và đưa vào doanh trại của Bộ Tư Lệnh Dã Chiến của Công Trường 5. Chúng lại thẩm vấn về tình hình quân sự và bắt tôi đi trong rừng cao su để quay phim.

Ngày hôm sau thì Ðại Tá Vĩnh được giải tới. Bốn hôm sau nữa, chúng đưa Ðại Tá Vĩnh, Ðại Úy Trúc và tôi lên xe jeep, xe của Trung Cộng, giải về trại giam phía Tây Bắc Mimot. Chúng dùng dây xích, xích cổ ba chúng tôi lại với nhau.

Bị xích ở trong trại này chừng một tuần lễ, chúng bắt đầu tuyên truyền và dụ hàng. Dụ chúng tôi vào Phong Trào Liên Minh Dân Chủ của Luật Sư Trịnh Ðình Thảo thì sẽ cho làm thành viên và đời sống sẽ khá hơn. Chúng tôi chẳng có ai đáp ứng, nên sau đó, cứ chừng 2, 3 giờ sáng, chúng lại kêu lên thẩm vấn. Hai ba tên cán bộ thay nhau thẩm vấn một người. Thẩm vấn xong lại dụ hàng, nhưng không có kết quả.

Chúng thay đổi phương pháp tuyên truyền. Mỗi ngày, vào buổi trưa, chúng bắt tất cả anh em chúng tôi tập trung lại ngồi nghe đài của Việt Cộng khoảng 45 phút. Chúng tôi ngồi nghe mà đầu óc thì cứ nghĩ chuyện đâu đâu, nên chúng bắt nghe hôm nay, ngày mai phải tóm tắt lại. Nhưng rồi chẳng ai nhớ gì để mà trả bài.

Một cánh tay của Trung Tá Dương không cử động theo ý muốn được vì đang chuyền Dextrose. Khi kể lại những ngày tháng bị đày ải trong lao tù, đôi mày của ông nhíu lại vì vẫn còn xúc động.

Ðến tháng 7 chúng mới cho mỗi người một cái võng. Tối ngày 26 tháng 7, tới giờ đi ngủ, tôi lấy ống tre, chổi quét nhà và mấy khúc gỗ bỏ vào võng, đắp chăn lại, để khi lính gác đi kiểm soát, chúng tưởng tôi đang ngủ. Ngụy trang xong, tôi bò ra khỏi trại và tìm đường vượt ngục. Mới đi vòng vòng chừng được 400 mét, thì đụng đầu với một toán đi hội họp đâu về và bị chúng bắt lại, xích chân nhốt thêm 3 tháng 2 ngày nữa.

Tôi phải nhiều lần xác nhận việc vượt ngục là chỉ một mình tôi làm, không có liên quan đến người khác. Nhưng sau đó, chúng giải Ðại Tá Vĩnh và Trung Tá Nguyễn Văn Thông, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 53 Pháo Binh, mới đến sau này đi qua làng khác. Còn lại một mình tôi, tôi nghĩ thầm, chắc không bao giờ có ngày về nữa.

Những ngày bị xích và nằm một mình trên võng trong trại giam giữa rừng núi âm u, bệnh sốt rét hành hạ từng cơn. Những lần thức giấc giữa đêm khuya, chung quanh chỉ toàn một màu đen tối và những âm thanh ghê rợn của núi rừng, làm cho tôi cảm thấy mình đang sống trong một địa ngục. Tôi sợ nhất là những chiều mưa rừng. Rừng núi đã âm u, lạnh lẽo, khi một cơn mưa đổ xuống, ánh sáng chỉ còn là những vệt mờ phản chiếu trên màu xanh của lá rừng, gây nên một cảm giác như chung quanh mình cái gì cũng xanh xao, lạnh lẽo và có vẻ ma quái…

Đại tá Nguyễn Công Vĩnh (trái) trong một buổi tiệc với TT Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân – nguồn người Việt

Suốt một thời gian dài sống trong cảnh âm u của rừng núi như thế, bỗng nhiên tôi thấy ánh mặt trời thật là quý. Tôi ao ước buổi sáng được đứng giữa cánh đồng trống, nhìn mặt trời đang lên, sưởi ấm mình trong ánh nắng ban mai. Và đó là một ước mơ nhỏ của một người tù như tôi.

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Tháng 8 năm 1972, những người bị bắt được hướng dẫn làm phiếu tù binh, lăn tay và chụp hình. Chúng tôi đoán chắc có biến chuyển gì đây. Ai cũng hy vọng vì mọi người đã kiệt quệ vì bệnh sốt rét rừng, phù thủng và ghẻ lở. Nhưng những hy vọng của chúng tôi dần dần trôi đi theo ngày tháng.

Mãi đến chiều ngày 20 tháng 3 năm 1973, trại giam ra lệnh cho chúng tôi gom đồ đạc cá nhân, tập trung lại để di chuyển đi nơi khác, trại biên phòng số 27. Sau đó lại dẫn về gần Mimot, phía Bắc của Thiện Ngôn, cách Tây Ninh khoảng 8 cây số, trong một khu rừng tre, có làm sẵn một cái chòi để tạm trú.

Trong số 35 người, Ðại Tá Vĩnh bị bệnh nặng, đi không nổi, cũng chẳng ăn cơm cháo gì được. Ðến lúc này, Việt Cộng mới cho chúng tôi biết là chúng tôi sẽ được trao trả vào ngày 23 tháng 3. Ngày 21 lại di chuyển sang một trạm khác. Ngày 22, chúng tôi được xe của chúng chở về Thiện Ngôn lúc 2 giờ đêm. Vì di chuyển lui tới cực khổ, đến hôm đó Ðại Tá Vĩnh bị mê man. Chúng sợ ông chết, nên cho nằm trên băng ca.

Ðến Thiện Ngôn, toán chúng tôi được dẫn vào một cái chòi mới cất lên cách đường cái chừng 50 mét. Lúc thì chúng bảo các anh sẽ được trao trả vào ngày 24, lúc thì nói là ngày 25. Chúng tôi nôn nóng, đếm từng giây từng phút, cầu mong cho mọi chuyện suôn sẻ, đừng có gì trục trặc để sớm về với anh em đồng đội, với gia đình, vợ con.

Nhưng sáng ngày 23, chúng bảo các anh chuẩn bị để đến sân bay Thiện Ngôn. Khi đến sân bay, chúng bắt toán của tôi đi chầm chậm để dàn cảnh quay phim. Băng ca của Ðại Tá Vĩnh được đưa lên trực thăng trước. Còn tôi với Trung Tá Thông thì chúng bắt đứng ở dưới để chụp hình. Bỗng có ai kéo mạnh tay tôi và đẩy lên trực thăng. Anh Thông cũng được đẩy lên và trực thăng cất cánh ngay. Tôi chưa biết ai đã đẩy hai anh em tôi lên máy bay như thể cướp người vậy, khi quay lại mới thấy Ðại Tá Ðắc đã ngồi sẵn đó, vừa thấy chúng tôi là ông cho bốc lên ngay.

Trực thăng hạ xuống Tây Ninh chừng 10 phút. Ðại Tá Tỉnh Trưởng hướng dẫn các phái đoàn xã hội và tôn giáo của tỉnh Tây Ninh ra đón mừng tại phi trường. Vì Ðại Tá Vĩnh vẫn mê man, nên chúng tôi không rời trực thăng. Sau đó chúng tôi được đưa thẳng vào Tổng Y Viện Cộng Hoà để điều trị.

Kết thúc câu chuyện, Trung Tá Dương thở dài một cái như muốn chấm dứt sự xúc động. Ðôi mày của ông cũng hết nhíu lại để hồi tưởng. Tôi hỏi:

– Bây giờ Trung Tá có những ước vọng gì cho đời sống cá nhân của mình không?

Trung Tá Dương lắc đầu:

– Thật tôi chẳng có ước vọng gì. Bây giờ vẫn muốn tiếp tục ở trong binh chủng Thiết Giáp. Tôi có vợ với 4 con. Con lớn nhất 15 tuổi, nhỏ nhất là 5 tuổi. Gia đình tôi hiện vẫn ở trong trại gia binh ở Long Xuyên. Suốt những năm trong quân ngũ, tôi đã phục vụ khắp bốn vùng chiến thuật, tôi vẫn ao ước gom được chút tiền còm mua cái nhà nhỏ ở Sàigòn cho vợ con về đây sinh sống, nhưng đã bao năm nay, tôi chưa lo gì được cho vợ con tôi hết.

Mấy hôm sau tôi trở lại thăm Ðại Tá Vĩnh, Trung Tá Thông và Trung Tá Dương để tặng báo thì các vị này đang sửa soạn để chuyển qua trại An Dưỡng ở Gia Ðịnh. Riêng Trung Tá Dương lại trở bệnh nặng, nên vẫn nằm ở trại cũ và tiếp tục chuyền Dextrose.

KMD, 1973

Số tới

Nhớ rừng