Chàng từ khi vào nơi gió cát

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi

Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi

Chinh phu tử sĩ mấy người

Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn?

Dấu binh lửa, nước non như cũ

Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương

Phận trai già ruổi chiến trường

Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về

Tưởng chàng trải nhiều bề nắng nỏ

Ba thước gươm, một cỗ nhung yên

Xông pha gió bãi trăng ngàn

Tên reo đầu ngựa, giáo dan mặt thành

Áng công danh trăm đường rộn rã

Những nhọc nhằn nào đã nghỉ ngơi

Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai

Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây. 

(Chinh Phụ Ngâm Khúc-  Đặng Trần Côn)

Ðà Lạt đó, đất của những rừng thông ngàn năm thì thầm với gió. Ðất của suối, của hoa và của những người con gái hai má đỏ hồng. Và ở đó, cũng là nơi xuất thân của những người trai luôn luôn tâm niệm nam nhi chí tại bốn phương, lấy hình ảnh oai hùng của kẻ gác ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo làm biểu tượng. Nhắc đến Ðà Lạt là có cả ngàn điều để nhớ, trăm điều để thương.

Con đường dốc quanh co, với hai hàng thông trồng dọc hai bên đường, một đầu là khu phố Hoà Bình, trái tim của Ðà Lạt, một đầu là quân trường nổi tiếng, trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, nơi đào tạo những người luôn lấy hình ảnh của bốn chữ Tang Bồng Hồ Thỉ làm lý tưởng, cái biểu tượng hào hùng đó cũng là một trong những nghi thức không thể thiếu trong ngày mãn khóa: sinh viên thủ khoa của khóa, trước lễ đài, một chân quỳ gối, một tay cầm cung, một tay giương tên, bắn đi bốn hướng. Những mũi tên bắn đi từ những người trai Võ Bị đó, đã có nhiều mũi bắn vào tim giai nhân bốn phương. Gần nhất là những người con gái đôi má đỏ hồng của Ðà Lạt. Người đến, đến từ muôn phương, người đi, đi về vạn nẻo, để lại nhiều thiên tình sử trong cái thành phố nhỏ bé này…

Con đường từ phố Hoà Bình, một khu phố nhỏ, dễ thương, lúc nào cũng có hình ảnh của những đôi tình nhân khắp nơi đến. Ðến tìm cái lạnh co ro, tìm sự gần gũi nhau hơn trong bầu trời sương mù của Ðà Lạt. Con đường đổ xuống bên dưới chân phố, bọc theo hồ Xuân Hương, với cà phê Thủy Tạ, với những chiếc Pédalo lượn lờ trên mặt nước, đưa đôi tình nhân vào cõi mộng mơ. Qua khỏi hồ Xuân Hương, con đường bắt đầu có độ dốc cao dần, rồi đến nhà ga, cũng là Trạm Hàng Không Dân Sự. Qua khỏi nhà ga, một đường rẽ lên Trại Hầm, vùng đất của những trái mận no tròn, chỉ nhìn qua là muốn cắn ngay. Một đường cứ đi tiếp, sau chừng bốn, năm cây số đã vào địa phận của trường Võ Bị Ðà Lạt. Quanh co qua những khu trồng rau xanh mướt, bên phải là hồ Than Thở. Chỉ nghe tên thôi cũng đủ tưởng tượng được cảnh hồ đẹp và buồn đến đâu. Qua khỏi hồ Than Thở, với những khúc lượn vòng trên những đồi thông là đến cổng trường. Một mối tình nào đó, bắt đầu sự gặp gỡ có thể trong quán cà phê, hay tại một gian hàng hoa trong chợ Hoà Bình, hoặc ngay trên những con đường phố Ðà Lạt, để hẹn hò bên hồ Xuân Hương, đưa nhau đến đổ lệ bên hồ Than Thở, rồi chia tay nhau tại nhà ga, và biệt ly, nhớ nhung từ đây… Tất cả diễn ra trên con đường đó, và con đường có thể giản dị mà đặt tên: Con Ðường Tình Sử.

Sinh viên Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt 

Ðoạn đường từ hồ Than Thở đến cổng chính của trường là một đoạn đường rất đẹp. Ðường tráng nhựa êm ái, chạy quanh co trong những đồi thông thật thơ mộng. Một trạm kiểm soát trước khi vào cổng chính mang tên cổng Thái Phiên. Cổng chính của trường nhìn ra đồi núi chập chùng. Cổng sau của trường, cổng Lý Thường Kiệt, ngõ ra khu phố Catina, một khu phố nhỏ mang tên một khách sạn lớn ở đây, khách sạn có từ thời Pháp thuộc. Một cổng phụ nối liền với trại gia binh của trường là cổng Mê Linh. Trường Võ Bị nằm trên một khuôn viên rất rộng. Từ cổng Thái Phiên đi vòng qua cổng Lý Thường Kiệt cũng phải mất gần mười lăm phút lái xe. Ngoài ba cổng chính trường còn có nhiều cổng không tên khác mà chỉ có sinh viên sĩ quan và Quân Cảnh 302 của trường biết mà thôi. Từ những cổng không tên đó, trong một đêm sương mù phủ xuống dày đặc, có những sinh viên sĩ quan đa tình, liều lĩnh lén rời trường để đến một nơi nào dưới phố, dưới một mái nhà, có người con gái đang ngồi trong khung cửa chờ mong. Những sinh viên sĩ quan dám đi qua những cổng không tên đó, thường thường đã là niên trưởng. Chứ các Cùi mới năm thứ nhất thì còn ‘cùi’ lắm, khó lọt mắt xanh của người đẹp. Mà không có người đẹp chờ mong, thì chẳng lẽ liều lĩnh trốn ra khỏi trường chỉ đến dốc Duy Tân uống một ly sữa đậu nành nóng rồi lại trở vào hay sao? Và để tiếp nối truyền thống đó, khi các niên trưởng gần đến ngày ra trường, cũng vui vẻ bàn giao lại cho đàn em những cổng không tên này, để rồi bao nhiêu mối tình đã nở và biết bao con tim đã héo mòn. Một người con gái kể cho tôi nghe chuyện tình của nàng, một Chinh Phụ Ngâm Khúc của người con gái mới hai mươi hai tuổi tròn.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

. . .

Buổi chiều từ trường về, Quyên nhận được thư Nguyên. Phong bì đóng dấu Bưu Ðiện Nha Trang, chứ không gửi qua Quân Bưu. Anh chàng lại trốn ra phố Nha Trang chơi rồi, Quyên nhủ thầm.

Sinh viên Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt dạo phố – nguồn Flickr

“Quyên của anh,

Ngày mai, thứ hai, anh làm lễ mãn khóa ở trường Dù. Ðúng ra còn nợ trường này một saut nữa, nhưng saut cuối cùng để dành nhảy về trường mẹ. Sáng thứ ba, lúc 10 giờ, em đến ngoài cổng Mê Linh, nhớ mang theo ống dòm. Người nhảy xuống đầu tiên là Trung Tướng Chỉ Huy Trưởng. Người thứ nhì là anh: Thủ Khoa Khóa Dù. Em đứng chỗ nào cho dễ thấy, anh sẽ đáp ngay trước mặt em. Gặp nhau sau. Thương nhiều.”

Thư Nguyên lúc nào cũng vậy, ngắn gọn và đùa cợt. Thủ khoa của khóa Dù! Thật là cứng đầu, nói mãi không chịu nghe. Ba mẹ đã hăm rồi, ra trường mà chọn mấy cái binh chủng đồ bông, đồ rằn để miệt mài ngoài chiến trận là đừng hòng gả con gái cho. Ba đã có lần nói thẳng với Nguyên: ‘Sống ở đời, khôn ngoan là ai sao mình vậy. Học đủ để ra trường là được rồi. Ra trường sẽ gửi gắm về làm ở thành phố cho an nhàn tấm thân, lại có thì giờ lo cho vợ con sau này’. Nguyên cười, dạ dạ, rồi những lời khuyên bảo cũng như nước chảy qua đá trên thác Cam Ly.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Nhớ lần đầu tiên gặp Nguyên, Quyên không hiểu tại sao sau này mình lại thương được người đã làm mình tức đến khóc được. Buổi sáng thứ Bảy đó, Quyên và em trai đi phố mua sắm mấy thứ lặt vặt, rồi hai chị em vào Mê Kông uống nước. Buổi sáng cuối tuần nào khu phố Hoà Bình cũng đầy bóng dáng những sinh viên sĩ quan Võ Bị trong bộ đại lễ bốn túi mùa đông, dáng người thẳng, bước chân vững chãi, nụ cười, ánh mắt tự tin. Buổi sáng hôm nay trời Ðà Lạt thật đẹp, nắng rực rỡ trên những cành Mimosa đang bắt đầu nở hoa vàng. Khu phố nhỏ bé này có vẻ ồn ào hơn, vì hôm nay là ngày được ra phép đầu tiên của một khóa Võ Bị vừa xong thời gian huấn nhục, mới làm lễ gắn Alpha tối hôm qua. Lần ra phép đầu tiên cứ như là cọp sút chuồng, mấy anh chàng sinh viên sĩ quan vừa hung hăng, phá phách, vừa mang cái nét thật ngố trong bộ đại lễ mặc lần đầu. Tóc của mấy chàng còn ngắn đúng kiểu mẫu, cử chỉ cứng nhắc, nét mặt nửa ba gai, nửa còn khớp vì bị hành tận mạng trong những ngày huấn nhục vừa qua. Họ phá phách như là một truyền thống. Trường dễ dãi cho lần ra phép đầu tiên sau ngày lễ gắn Alpha, miễn là không quá trớn. Nguyên ngồi bàn kế bàn Quyên, cùng với mấy người bạn đồng khóa. Họ ăn uống, cười nói có vẻ thỏa thích với những giây phút tự do ngắn ngủi, rồi bắt đầu tìm những mục tiêu để phá. Mục tiêu của họ là những chàng trai híp-py, tóc để dài như con gái. Thanh niên Ðà Lạt đã quen với truyền thống này rồi. Hễ cuối tuần mà có khóa Võ Bị nào vừa làm lễ gắn Alpha, ngày mai được ra phép là họ tránh không xuống phố, để ‘văn’ và ‘võ’ khỏi đụng nhau lôi thôi. Hoàng kẹt đi với chị nên đành chịu trận. Quyên ngồi im không nói gì, cho đến khi một người trong bàn của Nguyên đòi qua cắt tóc Hoàng thì Quyên phản ứng ngay. Quyên lấy bút, nhìn bảng tên trên ngực áo của anh chàng này, giọng thách thức:

– Anh dám làm không?

Sinh viên Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt diễn hành trong Lễ Mãn Khóa – nguồn Flickr

Nguyên nãy giờ chưa dự phần, vội đứng lên ngăn lại:

– Thôi thôi, mình đi phố chơi, đừng chọc bà chằn này nữa.

Quyên tức muốn phát khóc, trợn mắt nhìn thẳng mặt người vừa gọi mình là bà chằn. Vầng trán rộng, nét mặt cương nghị lẫn chút bướng bỉnh, dáng người dong dỏng cao và thẳng. Vài tuần nữa bớt cái nét ngố của một anh Cùi vừa mới gắn Alpha thì coi cũng được, Quyên nhủ thầm, nguýt dài một cái, đuôi mắt quét rụng cả mấy búp hoa của cành Mimosa chưng trên quầy.

Làm như có duyên có nợ gì đó, những tuần kế tiếp họ lại đụng đầu nhau trong phở Tùng, rồi trong cà phê Thủy Tạ.. Và một buổi sáng thứ Bảy, mẹ bảo Quyên ra chợ mua vài ký mận để về Sài Gòn biếu bà con. Lựa mận xong, Quyên đang loay hoay không biết thế nào để bê mấy bao mận nặng trĩu này ra xe lam, thì một bàn tay đỡ nhẹ:

– Tôi mang giùm cô về tận nhà.

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Và không cần biết Quyên có đồng ý hay không, Nguyên vẫy taxi. Quyên cũng không hiểu sao lúc đó mình lại thụ động như vậy. Riu ríu lên xe và để cho Nguyên mang mấy bao mận vào tận nhà, chào bác trai, chào bác gái, tự nhiên như quen biết đã lâu ngày.

Tang bồng hồ thỉ – nguồn sông thao

Bốn năm trôi qua. Ðối với những người con gái đã yêu người trai Võ Bị, bốn năm, mỗi ngày tính bằng một tuần. Như vậy, bốn năm rút lại còn được bao nhiêu ngày? Và mỗi ngày gặp nhau được bao nhiêu giờ?

Rồi Nguyên làm lễ mãn khóa. Chàng vẫn là thủ khoa của khóa. Vẫn giữ truyền thống của người theo nghiệp võ tự ngàn xưa. Trong lễ mãn khóa, chàng đã giương cây cung bắn bốn mũi tên ra bốn hướng, để biểu tượng chí tang bồng hồ thỉ của kẻ nam nhi. Rồi chàng rời Ðà Lạt như một mũi tên rời dây cung, để lại cho Quyên khắp mọi nơi, mọi nẻo trong cái thành phố nhỏ bé lạnh lẽo đầy sương mù này, đâu đâu cũng là kỷ niệm…

Những gì Quyên mong đợi bây giờ là những bức thư ngắn ngủi, từ những địa danh xa lạ gửi về. Thư mới nhận hôm qua cũng ngắn như một bức điện tín:

“Quyên của anh,

Vừa chiếm lại Quảng Trị. Trận đánh thật khốc liệt, giành nhau từng tấc đất. Xong rồi. Ngày mai xin 12 giờ phép, phóng xe vào Huế ăn tô bún bò cho biết cay đến đâu và nhìn xem nữ sinh Ðồng Khánh đi học qua cầu Trường Tiền đẹp như thế nào. Mong em luôn luôn vui vẻ.

Thương nhiều.”

Quảng Trị 1972 – nguồn Flickr

Nguyên đi biền biệt. Gót giày hành quân của chàng giẫm qua không biết bao nhiêu là địa danh. Mỗi năm được về phép mấy ngày, chia ra cho gia đình ở Sàigòn vài ngày, cho Quyên ở Ðà Lạt vài ngày, còn lại cho bạn bè. Nguyên được thăng cấp rất nhanh bởi những chiến công vẻ vang. Những hoa mai trên cổ áo của Nguyên là do chính tay Quyên thêu trong những lần Nguyên về phép. Cứ mỗi lần thêu thêm một hoa mai cho Nguyên là lòng Quyên lại trĩu nặng thêm một ít. Một câu nói nửa đùa nửa thật của người bạn học cùng lớp, mà mỗi lần nhớ đến, đã làm cho Quyên cảm thấy chới với như người mất đà vì bắt hụt vào chiếc bóng:

– Lấy chồng Võ Bị thì chớ có lấy thủ khoa. Thủ khoa nào của Võ Bị cũng sớm được tổ quốc ghi ơn…

Bước vào Võ Bị là Nguyên đã chọn con đường binh nghiệp. Suốt bốn năm miệt mài rèn luyện cả văn lẫn võ. Nguyên hãnh diện với sáu chữ: Sinh Viên Võ Bị Ðà Lạt. Nguyên muốn mình xứng đáng với niềm hãnh diện đó, trong trường, ngoài quân sự và văn hoá, Nguyên học quyền thuật, kiếm thuật, học cỡi ngựa, chơi đàn, nhảy đầm rất đẹp, pha cocktail rất ngon. Ra trận, Nguyên đánh giặc rất gan lì. Tất cả để giữ cái truyền thống của hai chữ ‘Ða Hiệu’ mang trên vai. Và luật của tạo hoá là như vậy: truyền thống càng hào hùng, định mệnh càng khắc nghiệt.

Quyên biết mình chỉ là sợi tơ, không thể nào buộc nổi một cánh chim bằng với hào khí đang còn ngất trời. Chỉ còn biết chờ, chỉ còn biết đợi. Ðợi chờ cho đến ngày chim bằng mỏi cánh, hoặc là…

Quyên không dám nghĩ đến. Không dám ích kỷ mong muốn Nguyên dừng chân bằng một sự hy sinh quá lớn. Mà thật sự thì Nguyên đã hy sinh, hy sinh cả một tuổi thanh xuân của chàng cho chiến trận, hy sinh cả một tình yêu như mật ngọt trong khung trời Ðà Lạt mộng mơ này, để lăn mình vào nơi gió cát…

Hết

KMD, 1972