1. Vị tư lệnh vùng

Là sĩ quan tác chiến can đảm và có tài, cựu Trung tướng Ngô Quang Trưởng được thăng cấp khá nhanh trong cuộc đời binh ngũ của ông. Tốt nghiệp tú tài Pháp, ông nhập ngũ năm 1953. Năm 1954, ông mãn khóa 4 Cương Quyết tại Trung tâm huấn luyện Sĩ Quan Thủ Đức. Về Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù với cấp bậc Thiếu Úy thì đến năm 1966, ông đã được thăng cấp Đại Tá Tư lệnh Phó Sư đoàn Nhảy dù rồi Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ Binh và đến năm 1971, được thăng cấp Trung tướng tại nhiệm.

Tham gia vào trung tâm quân sử Hoa Kỳ sau khi tị nạn tại Mỹ, trong cuốn sách về mùa Hè đỏ lửa 1972 vào năm 1977, cựu Trung tướng Ngô Quang Trưởng viết về những người lính VNCH rằng, “Người lính miền Nam Việt Nam bình thường, lớn lên trong chiến tranh, không chỉ gan dạ và cống hiến cho chính nghĩa mà anh ta đã chiến đấu mà còn luôn kiêu hãnh về binh nghiệp của mình và tràn ngập lòng yêu thương gia đình, đồng đội và người dân” (The Easter Offensive of 1972).

Cũng có thể xem những lời nói trên dành cho chính ông một cách khiêm cung. Bởi trong cuốn sách “Cuộc chiến 25 năm” (The 25-Year War), Đại tướng Bruce Palmer, là Tư Lệnh Lực Lượng Dã Chiến trong chiến tranh Việt Nam và từng là quyền Tham mưu trưởng Quân đội Hoa Kỳ, đã nhận xét về tướng Trưởng rằng, “ông là một sĩ quan chỉ huy tác chiến cang cường, dày dặn kinh nghiệm và có lẽ là sĩ quan chỉ huy chiến trường giỏi nhất tại miền Nam Việt Nam”.

Chưa tròn một năm sau khi mãn khóa huấn luyện, ông đã bị thương trong trận đánh với quân Bình Xuyên tại Sài Gòn. Những chiến công liên tục của ông đã giúp cho ông thăng cấp khá nhanh như nói trên. Từ năm 1970-1972, ông là Tư Lệnh Quân Đoàn 4 và được điều ra Huế làm Tư Lệnh Quân Đoàn 1 nhằm tái chiếm cổ thành Quảng Trị trong mùa Hè đỏ lửa 1972 cho đến năm 1975.

Trung tướng Ngô Quang Trưởng, kiểm tra vũ khí của binh lính trong khi cố vấn Hoa Kỳ, Thiếu tướng Frederick Kroesen quan sát tại đây ngày 17 tháng 5. Hình ảnh của © Bettmann/CORBIS 

Bà Nguyễn Tường Nhung kể rằng, năm 1966 khi bay ra phi trường Phú Bài, lúc này chỉ trên dưới 30 tuổi, bà chưa quen hai chữ “phu nhân” khi có người ra đón và chào nên còn ngường ngượng. Biết ông khi còn là một Trung Úy Dù, cái danh vị “phu nhân” của bà được đánh đổi bằng những lo âu hồi hộp mỗi khi ông hành quân, phải đưa con cái theo ông ra những vùng chiến thuật ông được giao nhiệm vụ.

Xem thêm:   Một ngày du ngoạn Nha Trang - Sông Cầu

Những ngày mới lấy nhau, ông hành quân, đánh trận vài ba tuần mới về, ở nhà bà hay những người vợ lính chỉ biết cầu nguyện cho chồng được bình yên trở về. Bà viết trong hồi ký những ngày ông còn là Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù rằng, “Anh tham gia trận chiến nhiều hơn làm việc ở văn phòng. Mỗi lần đi hai tới ba tuần mới trở lại đơn vị… Người lính trận rất ít khi được ở gần gia đình vợ con, mà người vợ luôn sống trong sự lo âu hồi hộp. Mỗi lần chồng ra đi lại lo sợ không biết có trở về hay gục ngã ngoài trận tuyến…” (Tháng Ngày Qua). Có lẽ đó là tâm trạng chung của những người vợ lính.

Nhưng sự nguy hiểm đó không chỉ đến với người lính trận mà cả vợ con họ, những người theo chồng là cấp chỉ huy được điều đến nơi nhậm sở. Năm 1968, bà là người đã sống qua cái Tết Mậu Thân khốc liệt tại Huế. Lúc này ông đã lên tướng và là Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ Binh. Khi Việt cộng bắt đầu tấn công Huế, bà kể rằng ông còn ở trong trại và tư dinh của ông bà bị bao vây, may mắn trốn thoát được tới An Cựu.

Bà theo ông ra Huế rồi về Cần Thơ, rồi lại ngược ra Huế, Huế trở thành vùng đất nhiều kỷ niệm và gắn bó với bà. Bà kể rằng Huế là nơi con út của bà chào đời, đi sinh bằng trực thăng và được bác sĩ quân y Mỹ đỡ đẻ ngay trong lều bạt nhà binh của trại đóng quân của Mỹ. Tướng Trưởng đã đặt tên con là Ngô Trị-Thiên nhằm ghi dấu thời gian trấn giữ hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 5 tháng 9 năm 2024

Không chỉ là tướng tài, Trung tướng Ngô Quang Trưởng còn được đánh giá là vị sĩ quan liêm chính, thanh bạch. Hồi ức của bà Nguyễn Tường Nhung đã cho thấy điều này qua từng giai đoạn cuộc đời. Lấy nhau vài năm, khi ông được điều về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đóng ở Sài Gòn, hai vợ chồng bà dọn về ở chung với mẹ chồng, phần thì ông là con út trong nhà và phần khác là đỡ phải thuê nhà, hành lý chỉ chất vừa chiếc xe Jeep. Bạn rủ đi học cơm Tây, làm bánh mà ngần ngại vì lương ông chỉ có 35 ngàn mỗi tháng trong khi tiền theo học một khóa đến 15 ngàn, nhờ mẹ chồng cho tiền bà mới học được.

Tướng Ngô Quang Trưởng ra tàu USS Midway, đi sau cựu Thủ tướng Kỳ sau khi Việt Nam Cộng Hoà thất thủ

Khi được điều ra Huế lần đầu làm Tư Lệnh Sư Đoàn mà nhà ông bà không có tủ lạnh, người bạn thân từ Sài Gòn ra chơi thấy không có mới gởi tặng cái tủ lạnh. Bà kể mời khách đến nhà thì tự bà xuống bếp làm món Bắc, cơm Tây đãi khách, bình dị, thân thiện, các phu nhân thuộc cấp bảo bà không như vài “phu nhân” cấp tướng khác. Ở đoạn khác, khi kể chuyện ăn uống chi tiêu trong gia đình, số tiền đưa cho người đầu bếp của gia đình lo bữa ăn cũng được cân nhắc để chi tiêu vừa đủ.

Xem thêm:   Gò Công có gì mà đi hoài?

Ở đoạn khác, bà còn kể về những ngày ông làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV, bà tiếp một phái đoàn từ Sài Gòn xuống đi dự lễ Bà Chúa Xứ, ông tỏ vẻ không vui khi nghe bà kể có đoàn xe quân cảnh hú còi mở đường. Hoặc ông bị những người thân hay bà con trách móc vì có người thân làm lớn nhưng lại không nhờ vả gì được.

Chính một người thân yêu của bà đã tử trận khi còn rất trẻ khiến bà cũng thoáng thầm trách chồng đã không giúp được gì khi đã lên tướng. Bởi ông thường bảo với bà rằng, ai cũng có mẹ cha, có thân nhân, cũng đau xót như nhau, nếu ai cũng lo cho con cháu về hậu cứ trốn tránh trận mạc thì còn ai chiến đấu, hy sinh cho quốc gia.

Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, từ nhã ý của bà Theresa Tull, Phó Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Đà Nẵng giúp mang các con ông bà thoát khỏi Việt Nam về Mỹ theo bà, các con bà được theo bà Tull sang Mỹ còn bà ở lại, đợi tin chồng. Rồi bà cũng được sắp xếp di tản sang đảo Guam trong những ngày cận khi Sài Gòn thất thủ, trong khi vẫn bặt tăm tin tức của ông.

Theo hồi ký, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ là người kể công với bà tại đảo Guam là đã đưa ông ra Đệ Thất Hạm Đội khi tướng Ngô Quang Trưởng dự định bay xuống Vùng IV gặp Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Vùng để cùng bàn việc giữ lại Vùng IV chiến thuật. Tướng Nguyễn Khoa Nam tự sát, xem như Vùng IV không còn người chỉ huy, ông đành di tản cùng tướng Nguyễn Cao Kỳ (tự lái trực thăng) ra USS Midway.

Ông bà ra đi tay trắng mang theo nỗi ngậm ngùi của một bại tướng không giữ được thành, từng đắn đo với ý định tự vẫn trên bãi biển Đà Nẵng trước khi Đà Nẵng thất thủ.

Đó là lý do những tháng năm đầu tiên trên xứ người, gia đình Tướng Ngô Quang Trưởng đã sống khá vất vả và ngoài vài năm viết lại các kinh nghiệm chiến trường cho Cục Quân Sử của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, ông đã sống rất lặng lẽ đến cuối đời.

(còn tiếp kỳ cuối)