Thập niên 1980 rất nhiều người Việt đến Đông Đức, Tiệp Khắc, Bulgaria … chủ yếu là lao động hợp tác, học tập… Hiện nay cộng đồng người gốc Á lớn nhất tại Cộng hòa Séc là người Việt, là dân tộc thiểu số thứ 14 tại quốc gia này.

Du khách đến với Karlovy Vary     

Phố cổ Praha

Hơn 25 năm sau, năm 2019, tôi đến thăm khi Cộng hòa Liên bang Czechoslovakia (Tiệp Khắc) đã chia thành 2 quốc gia: Cộng hòa Séc (hơn 15 triệu dân) và Slovakia (hơn 5 triệu dân) vào năm 1993 … Từ Berlin sang thủ đô Praha gần 350 cây số. Theo lịch trình, gia đình chúng tôi có 5 ngày ở Praha (Thành phố của hàng trăm chóp nón và Thành phố vàng). Năm 1992, Unesco công nhận trung tâm của thành phố là Di sản thế giới. Trong đó điểm đến mà chúng tôi sẽ ở lại một đêm…thăm thành phố Karlovy Vary. Thành phố có nhiều suối nước nóng, nhiều điểm spa thu hút khách. Trước đó, chúng tôi đổi tiền euro sang tiền koruna tại Berlin do Cộng hòa Séc và một số ít nước khác trong Liên minh châu Âu, không dùng đồng tiền chung euro. Lúc ấy, tỷ giá 1 đồng euro bằng 25 koruna. Tại đây nếu đổi từ 1,000 euro trở lên sẽ không mất lệ phí nhưng nếu dưới 1,000 euro…lệ phí sẽ là 20% – 25%!

Bên trong Trung tâm Thương mại Sapa

Sáng hôm sau, chúng tôi chỉ ăn nhẹ tại khách sạn để còn tìm … món ăn Việt. Ở đây có hai cái chợ của người Việt. Một là chợ Holesovice-Praha 7 (cộng đồng Việt ở đây gọi là chợ Con Bò), hai là Trung tâm Thương mại Sapa. Tìm được đến chợ Con Bò thì mới hay chợ bị giải tỏa từ mấy tháng trước. Các nhà hàng, sạp bán hàng ở đây vắng tanh, chỉ còn vài bảng hiệu chỏng chơ. Chặn mấy cháu bé đang chơi rượt đuổi hỏi thăm. Té ra các cháu là người Việt chính gốc. Nói tiếng Việt rất sỏi dù sinh ra tại Séc. Hỏi thăm vì sao chợ vắng vẻ thế này, một cháu trai nhanh nhảu: “Chợ dời lên chợ Sapa hết rồi ông ơi! Bố mẹ chúng cháu cũng dọn đi cả rồi!”. Thế là chúng tôi tìm đến chợ Sapa…Trung tâm Thương mại Sapa thành lập năm 1999 là khu chợ Châu Á lớn nhất tại Séc do người Việt làm chủ. Ở đây bán không thiếu các mặt hàng, từ quần áo, giày dép, quán ăn, chè cháo đến các dịch vụ cắt tóc, làm nails … Hầu hết người bán từ miền Bắc, Bắc Trung Bộ Việt Nam. Chúng tôi chọn quán phở Tùng để ăn sáng. Quán rộng, sạch, đẹp, khách bản xứ khá đông. Ăn xong, chúng tôi đi dạo quanh chợ, mua vài hộp chè thập cẩm. Tính ra chợ ở đây nhỏ hơn nhiều so với Trung tâm Thương mại Đồng Xuân, Berlin.

Một góc phố cổ Praha

Lúc ấy, trời sắp vào Thu, khách du lịch từ các nơi đến Praha rất đông. Các con phố đi bộ trong khu phố cổ rộng thoáng, sạch sẽ, kín là người!  Những điạ điểm thu hút khách du lịch là quảng trường Phố cổ, nhà thờ Đức Mẹ, nhà thờ Thánh Nicholas, lâu đài, các khu Thánh đường cổ kính và nhiều công trình nổi tiếng, trong đó có Tháp Đồng hồ Thiên văn, là một biểu tượng của thành phố Praha được xây dựng từ thế kỷ XV… nay vẫn còn hoạt động. Du khách xếp hàng chụp ảnh dưới chân đồng hồ rất đông.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Và đặc biệt cây cầu cổ Charles, một kiệt tác kiến trúc thời Trung cổ, còn có tên cầu Đá, cầu Praha, bắc ngang sông Vltava, xây dựng từ năm 1342 có 16 nhịp, được trang trí bằng 30 bức tượng Thánh. Có đến 18 cây cầu bắc qua sông nhưng cây cầu Charles vẫn được nhắc đến nhiều hơn hết. Người Việt Nam thì gọi là cầu Tình (Chắc là nơi hẹn hò của những đôi tình nhân).

Đồng hồ Thiên văn được lắp đặt năm 1410. Đồng hồ cổ nhất thế giới vẫn còn hoạt động

Thành phố Karlovy Vary

Từ thủ đô Praha, đến thành phố Karlovy Vary hơn 170 km, gần 2 tiếng đi bằng xe hơi, nổi tiếng về suối khoáng (13 suối chính, khoảng 300 suối nhỏ). Karlovy Vary là nơi tổ chức Liên hoan Điện ảnh quốc tế thường niên đã 60 năm qua; thành phố được dùng làm phim trường vì phong cảnh rất đẹp…Nhiều nhà thờ Thánh, quảng trường, bảo tàng, công viên … là những điểm nên ghé. Ngày đầu tiên chúng tôi dạo bộ, mua vài món đồ lưu niệm. Đường rộng, xe ngựa chở khách du lịch xuôi ngược. Dưới hồ vịt bơi quanh …Chim bồ câu dạn dĩ. Khung cảnh thật nên thơ, thanh bình!

Du khách đến cầu Charles

Thành phố hơn 600 tuổi, lộng lẫy, với những kiểu nhà rất đẹp, trải từ chân núi lên đến sườn và có cả nhà gần trên đỉnh núi, với nhiều màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Đây là nơi thu hút khách du lịch đứng thứ 2 sau thủ đô Praha. Năm 2021, thành phố này trở thành một phần của Di sản thế giới được Unesco công nhận với tên gọi “Các thị trấn Spa lớn của Châu Âu”. Trong Thế chiến thứ hai, phát xít Đức chiếm thành phố này, dân ở đây nói tiếng Đức. Năm 1945, kết thúc chiến tranh, Karlovy Vary trở về với Tiệp Khắc, vẫn rực rỡ sắc màu.

Một số tượng trên cầu Charles

Bài & ảnh LKD