Những chuyện xảy đến cho tôi trong chuyến đi này, không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Chuyện muỗi chích chỉ là thương tích ngoài da, còn chuyện trầm trọng là chuyện xảy ra sau một lần hớt tóc. Tiệm nằm ngay đầu ngõ vào nhà bạn tôi. Vỏn vẹn ba ghế. Suốt giờ mở cửa, hai khung cửa sổ lá sách lúc nào cũng mở bung. Chiếc quạt máy mở tối đa công suất, gắng sức xua bớt cái nóng.

Sau khi hớt xong mớ tóc nhú dài, anh thợ huơ tay xoa nắn đỉnh đầu và hai thái dương tôi. Ðiệu nghệ đủ cho tôi lim dim tơ lơ mơ… Tiếp đến là phần mát-xa và thoa kem dưỡng da made in China, đắp mặt nạ mặt. Sau cùng “đỉnh của đỉnh”, là màn lấy ráy tai. Anh thợ, soi đèn, thọc que nhôm vô lỗ tai khượi khượi, móc móc, ngoáy ngoáy. Nhồn nhột. Thốn gây gấy. Cảm giác như có loài côn trùng đang mò mẫm màng nhĩ. Chợt, nhói một cái. Tôi nẩy người, bật tiếng:

“Ðau, em!”

Anh thợ vội vã rút que ra, ngoáy que gắn bông gòn vào sâu lỗ nhĩ, làm sạch.

Vài ngày sau, tôi cảm nhận điều bất thường. Tai phải tôi thường xuyên nhói đau và rỉ nước. Cuối cùng tôi phải nhờ bạn chở tới bác sĩ tai mũi họng. Ông bác sĩ là giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Phan Rang, rà máy soi thì thấy tai tôi mưng mủ. Ông dùng máy hút sạch mủ, tẩy trùng, nhét bông gòn tẩm thuốc đỏ bít màng nhĩ, cho thuốc kháng sinh, dặn dò, sau hai ngày rút bông gòn, sau năm ngày trở lại tái khám. Ông dặn thêm, tôi phải giữ lỗ tai khô ráo, khi tắm tránh làm nước vào lỗ tai, và tuyệt đối không được tắm biển.

Tôi tuân lời ông dặn. Mỗi chiều được bạn chở ra bãi Bình Sơn hóng mát, trong khi chờ bạn đá banh xong, tôi lẩn quẩn tìm nhặt vỏ sò, vỏ ốc. Chán, tôi dọ dẫm xuống biển, chỉ nhúng chân, rửa rún và ngực đỡ ghiền. Biển Bình Sơn không có sóng lớn, không sợ nước vô lỗ tai.

Tới hẹn tái khám. Soi màng nhĩ, thấy đã khô ráo, nhưng còn để lại một lỗ nhỏ. Kệ, không sao, chưa điếc. Coi như “vết thương của đời tôi”sau lần trao duyên lầm lỡ cùng anh thợ hớt tóc, đưa lỗ tai cho anh ngoáy…

Tượng Phật kết bằng hoa bất tử trong chùa Ve Chai.   

-oOo-

Ðức Trọng là một huyện thuộc tỉnh Lâm Ðồng, nằm trên cao nguyên Di Linh, cách thành phố Ðà Lạt gần ba mươi cây số. Từ Ninh Thuận, Phan Rang đi Ðức Trọng thăm người anh kế và bà chị dâu, tôi và bạn phải vượt đèo Sông Pha, tên cũ là Ngoạn Mục.

Xem thêm:   Tạp ghi dòng vụn vỡ

Thuở nhỏ, tôi đã qua đây một lần, từ Ðà Lạt đi Nha Trang, trong một kỳ nghỉ hè cùng ba má và anh chị em. Trong trí nhớ tôi, đèo Ngoạn Mục là cung đường dốc hẹp, khúc khuỷu, hiểm trở. Vài nơi, gẫy gập như cánh tay gấp. Bên này vách núi, bên kia vực sâu, thấp thoáng tuyến đường uốn lượn ngoằn ngoèo bên dưới. Rừng cây gần, xa xa núi thấp và mây che. Khác với đường đèo Sài Gòn – Ðà Lạt, rừng nơi đây không thấy gốc thông nào. Như đồng bằng đã có lần lặng lẽ chia tay cùng cao nguyên bằng ngôn ngữ của rừng cây.

Tôi và bạn khởi hành từ chín giờ sáng. Tới Ðức Trọng sau mười hai giờ trưa. Thổ nhưỡng nơi đây tương tự Ðà Lạt, mát mẻ dễ chịu. Nhà của anh chị tôi nằm cách trung tâm thương mại huyện Ðức Trọng vài cây số. Nhà này cách nhà kia một luống đất. Ngọn núi thấp bên kia đường, có những sáng mây giăng lãng đãng. Kề bên là thửa đất đỏ trồng bắp. Sáng nào, ra hiên ngắm cảnh, thấy chuồn chuồn liệng cánh nghiêng ngả, là biết xế trưa hôm ấy thế nào trời cũng mưa. Mưa Ðức Trọng thỏ thẻ, rụt rè như tình nhân chuyện vãn chuyện lứa đôi. Ðêm Ðức Trọng êm ả như một pho kinh.

Một nửa ngày trong một tuần ở Ðức Trọng, chúng tôi vượt đèo Prenn, đi Ðà Lạt…

… Giở đọc lại tiểu thuyết “Vòng Tay Học Trò”, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đã dùng Ðà Lạt làm bối cảnh truyện. Với cô giáo Trâm. Với cậu học trò Minh mới lớn. Với những tình tiết bóng bẩy, lãng đãng hiện sinh Sagan.

Và những cảnh tiết sắc sảo. Chẳng hạn về một cơn mưa:

“… Những cây thông sau đường rừng oằn oại chuyển mình răng rắc. Gió chạy dài theo lòng thung lũng hẹp lún sâu giữa hai rặng đồi thấp, hú lên từng hồi như những loạt còi ma quái dị. Nước chảy ồ ồ từ những bậc đá cao bên kia đường xuống cống thấp lẫn với tiếng phần phật của cành thông sau nhà đập xuống mái. Tất cả tạo nên những tiếng động kinh dị như tiếng yêu ma đang đánh nhau dữ dội trong bóng tối một đêm mưa lớn đầu mùa.

Tuyến đường đèo Sông Pha, tên cũ là Ngoạn Mục

Một Ðà Lạt trong ý thức Nguyễn Thị Hoàng. Trong cảm nhận tôi, là một Ðà Lạt khác. Là giấc ngủ no đầy, không mộng mị quàng xiên, cạnh cha và người anh kế, trong ngôi nhà nghỉ mát số 7 đường Trần Hưng Ðạo. Là chuỗi âm thanh bầy én núi giòn giã gọi thức mỗi sáng. Là những chiều trở lạnh, ra ban-công nhìn xuống hồ Xuân Hương bảng lảng sương mù. Là tạp hương căn bếp gia đình người quản gia ngai ngái khứu giác, mùi bông cải xào, tỏi phi và nước mắm …

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Vài ba hình ảnh, thanh âm cùng mùi hương của Ðà Lạt đầu thập niên một chín sáu mươi còn vướng trong ký ức tôi, qua lần trở lại ngắn ngủi này, đã bị tráo trở hoàn toàn. Như những biến chứng sau một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, đã đắp lên diện mạo thành phố này chiếc mặt nạ hóa trang, khoác lên những trang chữ hoa mộng, kiều diễm một “Vòng Tay Học Trò” thuở nào, tấm áo diêm dúa, hào nhoáng công nghệ digital.

Thời tiết Ðà Lạt trở mình nóng nảy. Không còn cơn nắng trưa se se lạnh. Không còn hình ảnh những người đàn ông lịch lãm trong quần tây, áo vét mỏng, và những phụ nữ nhu nhã trong chiếc áo dài trơn, khoác áo len trên đường phố. Không còn những dáng người đi đứng khoan thai, ăn nói nhỏ nhẹ. Hết rồi những đường dốc thưa thớt giao thông, những quán xá rụt rè thực khách tới đi. Ðâu rồi những ngôi nhà ngói đỏ, tường vôi úa màu thời gian, lẩn khuất sau cổng gỗ, vòm cung hoa giấy rực sắc, hiên nhà lủng lẳng những giò lan rừng rũ nhánh, hoa đơm chi chít? Và những con dốc lặng lẽ ngóng đợi bước chân người đi về. Thay vào đó là những ngả đường đèn xanh đèn đỏ, tắc nghẽn giao thông trong phố chính. Và những hàng quán chật ních người và xe gắn máy chắn lối phía trước, chừa vỏn vẹn một lối hẹp, cho khách lách người vào trong. Ðà Lạt bây giờ, trong những ngày cuối tuần, du khách khắp nơi đổ về, vội vã qua lại, chuyện vãn ồn ào như một ngày hội lớn.

Sáng hôm đó, tôi ngỏ ý muốn thử món bánh mì xíu mại, được giới sành điệu cho là đặc sản Ðà Lạt. Quán nằm trong một ngõ hẹp, nhóm chợ sáng. Phải vất vả một lát, bạn và anh tôi mới gởi được xe và lách vào trong quán. Một cảnh tượng bừa bộn chưa từng thấy. Thực khách ngồi ăn xúm xít, chen chúc sát vai trên ghế nhựa con, bàn nhựa thấp, sàn xả đầy giấy, loại giấy tái chế biến xấu, cưng cứng, hoàn toàn không thích hợp cho việc chùi miệng sau bữa ăn. Chúng tôi bốn người phải đứng chờ một lát, mới có chỗ trống. Gọi bánh mì và bốn chén xíu mại. Hầu bàn nhanh chóng mang ra bốn chén con, thấy có hai viên xíu mại, hai miếng chả Huế, vài miếng bì heo và nhiều hành lá xắt nhuyễn. Hai viên thịt bằm trắng nhễ nhại, nêm nếm đơn giản, luộc chín, hoàn toàn không có hương vị của món “xíu mại trần” mà tôi đã từng được ăn ở Sài Gòn, Chợ Lớn. Chả Huế chẳng có hương vị gì đặc biệt. Da heo sần sật vậy thôi. Và nước dùng lõng bõng như thể nước lã được gia vị bột nêm và bột ngọt. Không ngon. Không, mà là một trò chế biến bịp bợm, lường gạt khẩu vị thực khách.

Trước ngôi nhà nghỉ mát thời thơ ấu, số 7 đường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt.

Cho tới lúc này, tôi vẫn không hiểu ra, tại sao nghệ thuật ăn uống tại thành phố nổi tiếng thanh lịch lại “xuống cấp” trầm trọng tới như vậy.

Xem thêm:   Tạp ghi dòng vụn vỡ

Chúng tôi, nhất là tôi, ra về trong thất vọng. Tôi tiếp tục ngỏ lời, muốn thử một lần cho biết hương vị cà-phê Tùng. Lại vất vả chạy tìm. Quán nhỏ, nằm trong góc phố gần chợ Hòa Bình. Cũng không còn một chỗ trống. Chúng tôi lại đôn đáo tìm một quán cà-phê có bàn trống nằm ven bờ hồ Xuân Hương. Phải chạy giáp vòng hồ, mới tìm ra một quán cà-phê lịch sự và yên tĩnh. Cà-phê nhạt, nhưng được cái hầu bàn phục vụ vui vẻ, lễ phép.

Xong bữa sáng thổ tả, tôi nhờ anh dẫn đường về lại ngôi nhà nghỉ mát thời ấu thơ. Trông cảnh, lại nhớ bạn những ngày hè tuổi thơ, con của ông bà quản gia. Nhớ Lượng với vành môi sứt, chắp vá vụng về. Nhớ Liên gầy gò như cây tăm tre. Nhớ những lần đi rừng, chui đường hầm, sợ ma, sợ rắn. Nhớ những lần lượm mót khoai lang tây, câu cá hồ Xuân Hương, hái bông cây xăng đầu đường, bị rượt chạy đổ mồ hôi đêm lạnh … Ngôi biệt thự và khu vườn cỏ phía trước trông vẫn như xưa. Có điều, mọi thứ dường như nhỏ hơn và được chăm sóc tươm tất hơn trước. Cũng đúng thôi, vì ngôi nhà bây giờ đã được tân trang thành lữ quán tên Ming. Trưa hôm đó, quán đóng cửa. Tôi tần ngần tạo dáng cho bạn chụp một tấm ảnh. Rồi bỏ đi.

Trên đường về, chúng tôi ghé lại viếng chùa Linh Phước, còn được gọi là chùa Ve Chai, vì tập thể kiến trúc chùa sau khi xây xong, toàn thể tường vách được đắp lên những mảnh vụn ve chai, chén sành, chén kiểu, kỹ thuật và màu sắc lạ mắt. Chùa tọa lạc một nơi thị tứ, nhộn nhịp, lao xao. Chúng tôi vào lễ Phật, cúng dường, chụp ảnh rồi ra về.

Ðà Lạt, lần trở lại này, chỉ nhiêu đó thôi. Những thử nghiệm ngoại cảnh và thức ăn đã để lại tâm tư tôi đôi chút buồn phiền. Kẻ xa nhà lâu năm, ngày ghé lại chốn cũ, thấy ra quang cảnh và con người đã không còn như xưa.

Những ngày sau đó, tôi tự dặn lòng, hãy cố quên đi những chuyện mắt thấy tai nghe, và những gì đã trôi qua cổ.

Thôi đành!

Trước chùa Linh Phước, còn gọi là chùa Ve Chai, Đà Lạt

NND