Nhiều kỳ – Kỳ cuối

Tôi ra lệnh cho Binh 1 Nguyễn Thiên gắn cái ăng ten 7 đoạn vào máy truyền tin để liên lạc với Núi Chư Xang. Vừa nghe tiếng tôi, anh Ðàm đã không giấu nổi nỗi vui mừng,

– Cám ơn Trời Ðất đã che chở cho chú! Tối qua anh mới nhận được lệnh “Stop” chú lại, đừng đi về hướng Tây nữa. Bên trái trục dọc ZA… là vùng hành quân của Lực Lượng Ðặc Biệt Mỹ ở trại Plei Djereng. Anh gọi khan cả cổ mà không nghe được tiếng chú trả lời!

Tôi cười,

– Không sao! Không sao!

Ít phút sau tôi được lệnh gom quân sẵn sàng để trực thăng Hoa-Kỳ tới đón.

Trưa Mùng Mười tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1969 Ðại Ðội 1/11 về tới bãi trực thăng bên hông Chợ Biển Hồ.

Cư dân Biển Hồ còn đang ăn Tết muộn.

Trong sân nhà thờ, lũ con nít chen vai nhau xem cái đầu lân múa may.

Trên sân chợ, nhiều người, lính và vợ lính, xúm quanh những cái chiếu xóc dĩa và bầu cua, cá cọp.

Không có ai đón chúng tôi về.

Sau khi cho anh em lau chùi vũ khí, chia phiên canh gác và xuất trại, năm sĩ quan của đại đội tôi gồm có Trung úy Vương Mộng Long, Thiếu úy Trần Dân Chủ, Thiếu úy Nguyễn Hữu Vy, Thiếu úy Ðinh Quang Biện và Chuẩn úy Ðàm Quang Hạ Long theo chân nhau leo lên chiếc Jeep của đơn vị rồi rồ máy, nhắm hướng Pleiku.

Nơi chúng tôi ghé đầu tiên sẽ là Quán Kim Liên trên đường Hoàng Diệu.

Tôi quen nhà Kim Liên này từ cuối năm 1966, khi mới chân ướt, chân ráo từ Ðà Nẵng thuyên chuyển vào đây.

Ông cụ, bà cụ thân sinh ra chị chủ quán có tám người con, hai trai, sáu gái.

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

Chị Liên, chủ quán Kim Liên là người con thứ ba. Chồng chị làm nghề Thông dịch viên cho Mỹ.

Vừa thấy mặt tôi, chị Liên đã vội quay mặt vào trong nhà lớn tiếng gọi,

– Bà ngoại ơi! Cậu Long về rồi!

Một cụ bà Bắc Kỳ, đầu quấn khăn vành dây chạy ra nắm tay tôi,

-Thằng này đi đâu mà mất tăm mất tích mấy ngày Tết? Mẹ để dành cho mày hai cái bánh chưng và một cái giò lụa mà mãi không thấy mày về, mẹ lo quá!

Tiếp đó là bé Lân, con gái út của bà cụ bưng ra một mâm bánh chưng, chả lụa, dưa hành.

Lân lí nhí,

Phần của anh đây!

Ðang lúc đói lòng, không khách sáo, năm anh em chúng tôi cầm đũa mà chẳng chút ngại ngùng.

Khách của quán kem Kim Liên đa phần là lính và công chức. Nhiều người thường xuyên ghé đây nên quen nhau. Một anh bạn giáo viên sà xuống bàn tôi gợi chuyện,

– Nghe nói mấy ngày nay Tiểu Ðoàn 11 chạm nặng trong Plei Blang 3. Yên chưa mà các anh đã về ngồi đây rồi?

Tôi lừ mắt để bốn ông sĩ quan dưới quyền tịnh khẩu, rồi cười,

– Không có chi! Ðánh nhau chưa tới một ngày là tụi Việt-Cộng đã bỏ chạy mất tiêu rồi!

Mùng Một Tết Mậu Thân năm ngoái, chính tôi là người đã chỉ huy đơn vị Biệt Ðộng Quân xuất phát từ mái hiên của Quán Kim Liên này để tái chiếm cái doanh trại Ðịa Phương Quân bị Việt-Cộng chiếm trên đầu con dốc cách Kim Liên chưa đầy hai trăm thước.

Và sau đó, máu từ vết thương trên ngực tôi đã đọng thành vũng trên đường Hoàng Diệu này.

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Mới trải qua một cái Tết Mậu Thân thôi, người dân Pleiku đã sợ lắm rồi! Tôi không muốn đồng bào tôi sợ hãi thêm.

Vì thế, tôi không muốn nói cho người dân Pleiku biết Pleiku vừa thoát một đại họa giống như Tết Mậu Thân vừa rồi.

Vì thế, tôi không muốn kể cho người dân Pleiku biết chuyện một trung đoàn Cộng Sản đã nằm sát nách Pleiku và sẵn sàng ào vào thành phố.

Nếu ngày Mùng Năm Tết năm Kỷ Dậu (1969) mà tôi không tình cờ chạm trán với chúng, khiến cho chúng bị bại lộ tung tích, phải vội vàng tháo chạy, thì có lẽ giờ này Pleiku đã lâm vào cảnh đổ nát điêu tàn, nhà cháy, đạn bay.

Pleiku sẽ lại tái diễn cảnh xác người phơi đầy đầu đường, cuối phố.

Ít bữa sau, nhân dịp đi họp để nhận lệnh tăng phái cho Không Kỵ Hoa-Kỳ, tôi được gặp mặt ông Trưởng Phòng 2 Quân Ðoàn II và được biết rằng, sở dĩ quân đoàn ra lệnh cho đại đội tôi đeo theo dấu vết Trung Ðoàn E 24 Cộng-Sản là vì thượng cấp tin tưởng khả năng của đại đội tôi, dù phải đương cự với một trung đoàn Việt-Cộng thì chúng tôi vẫn có thể cầm chân địch ít nhất vài giờ.

Tuy đơn vị tôi đi đơn độc, nhưng lúc nào cũng có một toán tiền sát pháo binh, hai tiểu đoàn bộ chiến và một phi đoàn trực thăng của Sư Ðoàn 4 Mỹ sẵn sàng nhảy xuống nếu tôi chạm địch.

Tới lúc này tôi mới biết, bộ chỉ huy hành quân đã dùng đại đội tôi như một con mồi nhử cho Trung Ðoàn E 24 của Mặt Trận B3 Cộng-Sản lộ diện để quân Mỹ nhảy xuống bao vây và tiêu diệt.

Có điều ngoài dự trù của bộ tham mưu là chúng tôi không đem theo nồi niêu, không khói lửa, không lều võng, mọi người lại bấm bụng nhịn thuốc lá suốt thời gian di hành, nên chúng tôi cứ đeo sát sau lưng mà địch không hay. Ðịch đã không lộ diện, quân Ðồng Minh không cần nhảy xuống đánh nhau, nhưng nhờ có những tin tức chính xác do tôi báo cáo mà Sư Ðoàn 4 Hoa-Kỳ đã có những Box bom B52 đánh chận đầu địch thật là hiệu quả.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 18 tháng 4 năm 2024

Sau này tôi được biết trong chiến dịch Xuân Kỷ Dậu 1969, Trung Ðoàn E 24 của Mặt Trận B3 Cộng-Sản đã bị pháo đài bay B52 Hoa-Kỳ đánh bom trúng đội hình, bị xóa tên và giải thể.

Hai tuần lễ sau ngày Ðại Ðội 1/11 chạm địch tại Plei Blang 3 tôi ghé Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân thăm Thiếu úy Duyên.

Tại Ban Tài-Chánh của liên đoàn, tôi chứng kiến cảnh ông Thượng sĩ Ðăng phát hướng viên, vừa đếm tiền, vừa hằn học với một chị quả phụ,

Thôi nhé! Tôi mong rằng đây là lần sau cùng, chị Hoàng Thị Ðại Liên gặp tôi để lãnh tiền tử đấy nhé! Tôi làm nghề phát lương từ khi Vùng 2 bắt đầu có Biệt Ðộng Quân tới giờ. Chị lãnh tử tuất lần này là lần thứ ba. Từ nay chị đi đâu thì đi! Chị lấy lính gì thì lấy! Ðừng lấy lính Biệt Ðộng Quân nữa!

Người đàn bà mặc đồ tang, nức nở khóc,

Tội nghiệp em lắm Thượng sĩ ơi! Em đâu có ngờ. Nếu biết cớ sự này, em đâu dám lấy chồng? Em chỉ thương lính Biệt Ðộng Quân thôi! Em không thương lính gì khác cả! Nếu không cho em thương lính Biệt Ðộng Quân thì em biết thương ai đây?

VML

(Seattle, Xuân 2020)