Lời giới thiệu: Hồi ký “Ngày Ta Bỏ Núi” đã được viết cách đây 16 năm. Nhưng khi phổ biến, nó đã bị cắt xén và che giấu nhiều điều. Tác giả Thiếu tá Vương Mộng Long đã bỏ công nhuận sắc lại toàn bộ bài viết này. “Ngày Ta Bỏ Núi” với đầy đủ chi tiết từng ngày, từng sự kiện diễn ra trong suốt cuộc lui binh, kể cả những bí mật mà trước đây bị che đậy và giấu nhẹm.
Nhiều kỳ – Kỳ 2
Nhớ lại lần đầu, 6 năm trước, tôi và người bạn cùng đơn vị đi đón em gái anh ta lúc học sinh Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột tan trường.
Sau đó mẹ tôi từ Hội-An vào gặp bố mẹ cô ta; mẹ tôi xin cô ta về làm dâu họ Vương. Bây giờ nàng đang bị kẹt trong vùng đạn lửa, một nách ba đứa con thơ, lại thêm bụng mang dạ chửa.
Tôi ngồi thừ người trước cửa hầm trú ẩn của tiểu đoàn trưởng. Tôi không cảm thấy cái lạnh của sương đêm. Trời sáng lúc nào tôi không hay.
Vừng dương bắt đầu le lói. Lại thêm một ngày.
Bên tôi là những cây hoa móng tay.
Mấy ngày rồi không ai tưới, hoa lá đã vàng vọt úa màu.
Bên những cây hoa này, hai đứa con gái tôi đã đứng chụp hình. Con tôi cũng chỉ xấp xỉ cao cỡ những cây hoa đó.
Sau Noẽl 1974 tôi đã đón vợ tôi và hai đứa con gái lớn lên tiền đồn này chơi vài ngày. Hai đứa bé suốt ngày chỉ quanh quẩn bên những cây hoa móng tay.
Chợt những bông hoa móng tay trước mắt tôi như mờ dần đi. Một giọt nước mắt nóng rơi trên mu bàn tay. Ðầu óc tôi phừng phừng.
Hai bàn tay tôi xoắn vào nhau, giày vò lẫn nhau. Tôi muốn đập phá, la hét, kêu gào để trút bỏ niềm đau đớn, phẫn uất đang nung nấu tâm can.
Nước mắt cứ tiếp tục lăn trên má, qua môi, xuống miệng.
Tôi oán trách ông Trời; tôi oán trách Ðại tá Tất; tôi oán trách Tướng Tường; tôi oán trách Trung tá Dậu; tôi tự oán trách tôi.
Chuẩn úy Lê Văn Phước (Ban 3) len lén đến bên tôi. Phước đưa cho tôi cái khăn bông ướt,
– Bình tĩnh lại Thiếu tá! Ðài BBC nói Ban Mê Thuột thất thủ rồi! Ðánh nhau nhanh như vậy chắc là ít người chết. Nhà hai bác ở xa khu quân sự, hy vọng chị và các cháu không hề hấn gì.
Cái khăn ướt làm mặt tôi bớt nóng. Tôi đứng lên bước hững hờ xuống khu pháo binh cũ, hướng Bắc của bộ chỉ huy tiểu đoàn.
Từ đây tôi có thể nhìn thấy một vùng rừng rậm xanh rì trải dài về hướng chân trời.
Xa lắm, nơi chân mây hướng Ðông Bắc là Ban Mê Thuột, nơi đó có gia đình tôi, gia đình của những người lính Kinh, Thượng, Jarai, Rhadé, Bana dưới quyền tôi.
Hai ngày dài buồn thảm nối tiếp trôi qua, tôi không nghe được tin tức gì của Ban Mê Thuột.
Chiều 15 tháng Ba dân chúng từ buôn Bù-Binh hướng Nam, nối đuôi nhau đi về Ngã Ba Kiến-Ðức. Gùi sau lưng, con trước ngực, họ từng đoàn lếch thếch qua mặt đồn tôi đóng, để về Nhơn-Cơ.
Không rõ vì lý do gì, gần tối đoàn người dội ngược trở lại. Tôi cho đám dân tị nạn này tạm nghỉ qua đêm trong cái nhà tranh Câu Lạc Bộ của tiểu đoàn, sát chân đồi, bên lề đường.
Sáng sớm 16 tháng Ba, trung đội tuần đường của Ðại Ðội 1/82 vừa tới đầu khúc cua chữ “S” cách Kiến-Ðức hơn ba cây số thì đại liên 12.7 ly “choang choác!” nổ giòn.
Ông Thượng sĩ Y Ngon Near bị phòng không bắn chết nơi đầu dốc. Trung đội tuần đường tháo chạy ngược về hướng Kiến- Ðức.
Từ giờ này Tỉnh Lộ 344 đoạn Kiến-Ðức, Nhơn-Cơ bị cắt.
Xác ông tiểu đội trưởng Y Ngon Near bị bỏ rơi nằm chình ình giữa lộ.
Ngay lúc đó, pháo địch từ hướng Tây Bắc nã khoảng gần 100 viên đại bác 105 ly trên đồi Kiến-Ðức.
Lúc đạn địch rơi, tôi đang thăm khu dân tị nạn để hỏi han họ lý do tại sao họ không về Nhơn-Cơ chiều hôm trước.
Bây giờ thì rõ ràng rồi: địch chặn đường!
Lúc này, Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân báo cáo rằng chiến xa địch đang từ hướng Phước-Long tiến về Bù-Binh, nơi ông đang đóng quân. Liên đoàn cho lệnh ông Mẫn rút về với tôi.
Tối đó Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân được tôi chia cho phần nhiệm vụ phòng thủ mặt Ðông của Ngã Ba Kiến-Ðức, án ngữ hướng về Nhơn-Cơ.
Ðêm 16 tháng Ba năm 1975, Trung tá Liên đoàn trưởng ra lệnh cho Thiếu tá Mẫn nỗ lực vượt qua nút chặn của Cộng Quân để về phòng thủ quận Nhơn-Cơ.
Suốt ngày 17 tháng Ba năm 1975, đạn 12.7 ly nổ rền trời nơi khúc quanh có xác Thượng sĩ Ngon. Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân không tiến được bước nào.
Ðêm xuống, con cáo già Khóa 2 Ðồng-Ðế là Hoàng Ðình Mẫn cho đơn vị chui lòn trong rừng, đánh một vòng rộng về hướng Nam, xa hẳn vùng Việt-Cộng đóng chốt để tìm đường vào phi trường Nhơn-Cơ.
Ông Mẫn đã khôn khéo tránh né đụng độ, và đã hoàn thành nhiệm vụ bắt tay được Thiếu tá Khánh, Quận trưởng Kiến-Ðức ở Căn Cứ Nhơn-Cơ buổi sáng ngày hôm sau.
Mờ sáng 18 tháng Ba năm 1975, súng cối 82 ly của địch từ hướng Tây lại tái pháo kích vào Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân. Từ tuần lễ nay, đồi Bù-Row bỏ ngỏ. Ðịch đã quay lại chiếm lĩnh cao điểm này. Từ đây, DKZ 75 của chúng liên tục đánh phá khu trung tâm đồi chỉ huy của tiểu đoàn. Thêm vào đó, đạn đại bác 105 ly từ đằng xa phía Bắc, nã không ngừng trên nửa ngọn đồi hướng Bắc, nơi những ụ súng pháo binh đã bỏ hoang từ khi pháo đội 105 ly của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh rút đi.
“Oành! Oành! Oành!”
Ðạn 75 ly theo nhau tóe lửa trên lô cốt Ðông và khu vực quanh cái cây khô cao nghệu giữa đỉnh đồi.
Cây cổ thụ này cao lắm, đứng xa cả cây số mà người ta còn nhìn thấy nó. Nó tồn tại từ khi cơ ngơi của Chi Khu Kiến-Ðức mới được xây dựng lên. Chiến trận nổ ra thì nó trở thành cái mốc cho địch quân điều chỉnh pháo.
Ngày mới tới đây tôi đã có ý định hạ nó xuống, nhưng bận rộn hết việc này tới việc khác, tôi đã quên đi.
Hầm chỉ huy của tôi có hai mái bằng bao cát, lớp trên đã bị bắn sập, đất cát đang tuôn ào ào vào các lỗ châu mai.
Tôi quyết định tụt xuống ngã ba Quốc lộ 14, tạm trú trong cái hầm nhỏ khoét sâu vào vách núi bên Tỉnh lộ 344.
Vừa phóng nhanh ra cửa, tôi vừa ngoắc tay ra dấu cho hai người lính đang ngồi gác đôi,
– Xuống đường!
Như cái máy, Binh nhì Ðức Xì Ke ào lên án ngữ cái cầu thang, còn Binh nhì Ba Rỗ thì kè sát sau lưng tôi, rồi lấy cái thân to lớn của nó che chở cho tôi rời khu chỉ huy sở của tiểu đoàn.
Xuống tới đường, tôi lập tức hạ lệnh cho toán đầu bếp của Câu Lạc Bộ,
– Kéo cổng Ðông! Gài Claymore!
Hiện thời địch đã chiếm lĩnh vùng đồi thấp giữa Nhơn Cơ và Kiến Ðức. Hướng Ðông lại là khu vực tôi dàn quân mỏng nhất. Cấp thời chỉ có cách gài thêm mìn và huy động nhân viên Câu Lạc Bộ tăng cường phòng thủ với tiểu đội cận vệ.
“Xèo! Oành!”- “Xèo! Oành!”
Nghe tiếng rít của đạn bay, tôi lấy làm lạ, vội giơ tay bịt lỗ tai rồi buột miệng,
– Ủa! 122 ly?
Kinh nghiệm cho tôi biết, xưa nay địch chưa bao giờ dùng hỏa tiễn 122 ly hay 107 ly để đánh phá các mục tiêu có diện tích hẹp như các tiền đồn hay căn cứ hỏa lực.
Vậy mà giờ này, trước mắt tôi đúng là 122ly! Không sai!
Trái hỏa tiễn thứ nhất và thứ nhì đã bay ngang qua đầu tôi, rồi rơi trong rừng cây hướng Nam.
“Xèo! Oành!”
Trái thứ ba rơi ngắn hơn, nên cắm trên mặt Tỉnh lộ 344, tóe lửa, khiến cho đất, đá bay rào rào!
Một mảnh hỏa tiễn chém đứt lìa cái cột chính của Câu Lạc Bộ, làm cho mái tranh sụm xuống.
Kế đó, cách tôi chừng hai thước, Binh nhì Ðức Xì Ke đang ôm ngực, đầu chúi về phía trước rồi nằm giãy đành đạch trên mặt lộ.
– Thiếu tá ơi! Thiếu tá ơi…
Tôi chưa nghe trọn tiếng kêu từ miệng thằng em thì nó đã chết rồi!
Binh nhì Ðức Xì Ke là một tân binh vừa hết bệnh nghiền sau một tuần nằm trong chuồng cọp. Hết bệnh chích choác, Ðức Xì Ke được tôi cho về tiểu đội cận vệ trám chỗ của thằng Thon chết trận Ðạo Trung. Vậy mà chưa được bao lâu, thằng Ðức Xì Ke đã sớm đi theo thằng Thon…
Lúc này từ khu gia binh bỗng có nhiều tiếng trẻ con đua nhau khóc ré lên thật thảm thiết. Tôi vội chạy lại coi có gì xảy ra không thì một chị vợ lính chui ra đường nắm áo tôi khiếu nại,
– Thiếu tá ơi! Hầm trú của tụi em bị mấy người Thượng chiếm chỗ rồi! Tụi em và mấy cháu không biết chạy đi đâu mà núp pháo kích!
Tôi hỏi,
– Có ai bị thương không?
– Dạ không!
Tôi thở ra, rồi la lớn,
– Thôi! Nếu hầm trú ẩn đã bị dân chúng chiếm, thì tất cả mọi người chỉ còn cách nằm úp mặt xuống sát đất tránh pháo. Chắc cũng không lâu nữa thì yên! Ráng chịu đựng đêm nay, mai tôi sẽ xin trực thăng chở gia đình các chị và các cháu ra Gia- Nghĩa.
Lúc này pháo của địch vẫn tiếp tục rơi trên đồi chỉ huy, nhưng không thấy thêm trái 122 ly nào cả.
Sáng nay tôi không cho lệnh phản pháo tức thời như vẫn làm thường lệ khi bị địch pháo kích. Tôi cùng toán hộ tống chạy thẳng lên đỉnh ngọn đồi hướng Tây do Ðại Ðội 2/82 trấn giữ. Từ đây tôi có thể chấm chính xác 3 vị trí cối 82 ly và nơi phụt khói 75 ly của địch. Tôi cho trung đội Pháo Binh Biên-Phòng đang ở với tôi và Pháo Binh Diện Ðịa Nhơn- Cơ mười phút để lột vỏ 400 quả đạn và chuẩn bị yếu tố tác xạ trên bốn vị trí tôi đã chấm.
Ðại Ðội 2/82 được lệnh di chuyển tiến đánh hai khẩu cối 82 ly đặt gần, ngay sau lưng một ngọn đồi trọc hướng Tây.
Ðại Ðội 2/82 đang thiếu đại đội trưởng. Trước Tết Dương Lịch, Ðại đội trưởng Ðại Ðội 2/82 là Trung úy Võ Hữu Danh, khóa 25 Võ Bị, khai bệnh sốt rét, phải đi nằm nhà thương, nên Ðại Ðội 2/82 tạm thời do Chuẩn úy Gấm cầm đầu.
Trung úy Trần Văn Ðăng, Sĩ quan Tiếp liệu của tiểu đoàn xin tôi cho anh chỉ huy Ðại Ðội 2/82 trong lần ra quân này.
Tôi ái ngại,
– Chú nghĩ sao mà xin đi đánh cú này?
Ðăng nghẹn ngào,
– Vợ con em ở hậu cứ. Hậu cứ mất rồi. Em còn gì đâu? Thiếu tá cho em trở lại đại đội cho quên chuyện gia đình.
Tôi tần ngần,
– Ừ! Cậu đã muốn thế thì tôi cũng okay! Thôi đi đi!
Tôi đứng trên đồi nhìn theo bóng dáng cao gầy của Ðăng đang lẫn vào rặng cây xanh.
Hồi 1969-1970, khi tôi còn làm Ban 2 và Trinh Sát Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân thì Chuẩn úy Trần Văn Ðăng là Trung đội trưởng ở Tiểu Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân dưới quyền một anh bạn cùng khóa của tôi.
Khi tôi nhận chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân thì Ðăng đang là Trung úy Ðại đội trưởng của Tiểu Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân. Ngày đó anh có gặp và xin tôi nhận anh về làm việc với tôi, tôi từ chối vì đơn vị tôi đã đủ sĩ quan đại đội trưởng.
Sau đó Trung úy Ðăng bị thương, đứt một khúc ruột, chờ ra Hội đồng Y khoa để chuyển sang bộ binh, làm Thương Binh Loại 2 Yểm trợ.
Ðăng lại gặp tôi và tình nguyện làm sĩ quan tiếp liệu tiểu đoàn cho tôi để anh còn được tiếp tục ở lại phục vụ binh chủng Biệt Ðộng Quân. Lần này tôi chấp thuận.
Ðăng xin xuất viện về làm việc dưới quyền tôi đã được gần một năm.
Khi cánh quân của Ðại Ðội 2/82 báo cáo còn cách mục tiêu gần hai trăm mét thì tôi cho lệnh pháo binh khai hỏa. Ðạn đi! Mỗi mục tiêu một trăm quả hỗn tạp.
Và chỉ năm phút sau khi đạn rơi, tiếng M16 nổ rộ như pháo ran, chêm vào là những tiếng M 79. Khói súng và bụi che mờ một nửa ngọn đồi.
Thoáng chốc, hai khẩu cối 82 ly đã đổi chủ, từ Trung Ðoàn E271/ T10 của Quân Khu 6/ Cộng-Sản Bắc Việt sang Ðại Ðội 2/Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân/Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa.
Tôi chợt nghe AK và đại liên nổ rền trong thung lũng.
Tôi hỏi Ðăng,
– Ê! Delta! ngoài tiếng AK còn tiếng đại liên. Ðại liên của cậu hay của địch vậy?
(Danh hiệu truyền tin của Trung úy Ðăng là Delta.)
– Của tụi nó đó Thái Sơn! Em đâu có đem theo M 60!
Tôi cho lệnh Ðại Ðội 2/82 rút lui,
– Delta đây Thái Sơn! Cuốn gói! Ðừng về đường cũ! Hãy theo hướng ba ngàn hai trăm! Tôi với thằng An Bình đón cậu trên đường. Tôi lặp lại! Ba ngàn hai trăm! Nghe rõ chưa?
– Ba ngàn hai! Nhận 5!
Nếu trở về đường cũ thì Ðại Ðội 2/82 sẽ phải qua một cái thung lũng, và hai khẩu đại liên địch không để cho họ dễ dàng rút về an toàn trên đoạn đường gần 2 cây số rừng lau.
Ðại liên địch cứ nổ giòn, đạn lửa đan chéo nhau trong thung lũng. Tôi nghĩ địch bắn hoảng, bắn tiều, chứ chúng chẳng rõ Biệt Ðộng Quân đang ở chỗ nào!
Tôi chấm vị trí hai khẩu đại liên địch và giao cho Ðại úy Ngũ Văn Hoàn, Tiểu đoàn phó. Ông Hoàn và Thượng sĩ Năng, trưởng khẩu 81 ly sẽ rót cối vào đầu chúng!
Từ hướng Bắc, đạn đại bác 105 ly địch lại rơi tới tấp trên đồi chỉ huy của tiểu đoàn.
Với đại bác 105 ly thì vô phương! 105 ly của khối Cộng đã bắn dài hơn 105 ly của ta, mà súng của ta lại đặt sau hậu quân. Hai khẩu đại bác 155 ly của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh tăng cường cho tôi đã bị Tiểu Khu Quảng-Ðức đòi lại từ hai tuần lễ trước.
Hiện thời, không súng nào của tôi với tới được vị trí súng của chúng.
Thôi! Cứ để cho nó tác oai tác quái, chưa hề hấn gì!
Nửa giờ sau tôi và An Bình (An Bình là danh xưng của Trung úy Trần Văn Phước) cùng một trung đội thuộc Ðại Ðội 3/82 tiếp xúc được cánh quân đầu của Trung úy Ðăng. Ðại Ðội 2 đã hoàn tất nhiệm vụ mà không bị tổn thất nào. Thẩm quyền Delta là một trong những người đi đoạn hậu của Ðại Ðội 2/82.
Tôi thấy Trung úy Ðăng vừa thở, vừa cười hì hì khi leo lên mặt Quốc lộ 14.
Vừa gặp mặt tôi Ðăng đã oang oang,
– Có ngay hai khẩu 82 ly cho Thái Sơn đây!
Sau lưng Trung úy Ðăng là hai anh lính Thượng đang hì hục vác 2 cái nòng súng cối 82 ly. Hai ông lính Jarai hớn hở khoe,
– Cái ông Thiếu tá ơi! Tụi Việt-Cộng này đánh nhau dở lắm! Chưa chi đã bỏ súng mà chạy! Dở hơn mấy thằng đánh nhau với mình ở Trà-Ku nhiều!
Tôi cười,
– Mấy hôm nữa tụi mình lại về Trà-Ku. Mấy chú có nhớ Trà-Ku không?
(còn tiếp)