Lời Giới Thiệu:

“Một lần qua sông Đáy” là bức tranh sống động, mô tả thật chi tiết và rõ ràng một quãng đời đầy khổ ải, buồn đau, và tủi nhục sau ngày Miền Nam sụp đổ của những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa bị lưu đày nơi đất Bắc.

Diễn tiến sự việc theo từng thời gian và không gian đã được những người trong cuộc tường trình lại một cách thật chính xác. Vì thế, đây có thể coi như một tài liệu lịch sử đáng tin cậy để lưu truyền lại cho lớp hậu sinh. 

Giết người xong, cai tù treo cổ anh lên rồi kết tội rằng anh ấy đã tự tử.

Tôi nghĩ thầm trong bụng, ở đâu bọn sát nhân này cũng áp dụng một phương cách giết người giống nhau.

Năm 1976 tôi đã chứng kiến vở kịch “tự tử” của nhân vật cựu Thiếu tá Nguyễn Hữu Ðông ở Trại 4 Liên Trại 4 Hoàng Liên Sơn.

Ông Ðông can tội trốn trại, bị cùm chân, còng tay, vậy mà cai tù đã nói rằng ông Ðông chết vì treo cổ tự tử.

Nay nhân vật Trần Hàn của Trại Nam Hà A cũng bị cùm chân, còng tay, cũng chết vì treo cổ tự tử.

Năm 1976, sau khi trốn trại lần thứ nhứt thất bại, tôi đã bị đưa về Trại 4 Hoàng Liên Sơn, bị nhốt trong cái buồng giam mà anh Ðông đã bị nhốt trước đó vài ngày.

Tôi đã bị cùm chân và còng tay, nằm ngay trên cái sàn gỗ mà anh Ðông đã nằm.

Trong phòng giam này, cái xà ngang cao lắm! Muốn treo cổ lên xà phải đứng trên ghế! Tìm đâu ra cái ghế? Tìm đâu ra sợi dây dù để làm thòng lọng?

Ngày được thả ra khỏi phòng kiên giam để về đội lao động ở Trại 4 năm 1976, bạn bè tôi đã kể cho tôi nghe rằng, cái đêm mà Thiếu tá Ðông bị treo cổ thì quạ ở đâu bay về đậu kín mái buồng giam.

Rồi cứ “Quang quác! Quang quác!” lũ quạ tranh nhau kêu om sòm cho tới sáng.

Có phải đêm qua vì anh Hàn bị cai tù giết chết mà giữa khuya tôi đã mơ hồ nghe văng vẳng, xa xa tiếng quạ gọi nhau?

Vụ án Trần Hàn là một vụ án hoàn toàn không có tang chứng, không có vật chứng và không có nhân chứng.

Anh Hàn không bị bắt quả tang khi đang tàng trữ chiếc radio.

Anh Hàn bị bắt với hai tay không; cán bộ đã không tìm thấy cái máy thu thanh nào.

Không có ai làm chứng hành động phạm tội của cải tạo viên Trần Hàn.

Trong Buồng 3 có cả trăm tù nhân bị nhốt chung với anh Hàn, nhưng không có tòng phạm nào bị bắt cả.

Trong khi đó, tên Công An quản giáo Ðội 32 đã tiết lộ nguyên nhân vì sao anh Hàn đã chết là:

“Ðêm qua cán bộ đã treo cổ người tù giữ cái radio để dằn mặt các cải tạo viên khác.”

Như vậy, đây là một vụ giết người có chủ đích của bọn cai tù.

Chuyện Thiếu tá Trần Hàn treo cổ tự tử chỉ là một màn kịch được dàn cảnh để bọn sát nhân hợp thức hóa cái chết của Thiếu tá Trần Hàn mà thôi.

Từ ngày không còn tin tức do nghe radio nữa, quân ta đành truyền tai cho nhau tin tức thế giới đã nghe được qua những lần thăm nuôi của gia đình. Mất hy vọng này, ta nuôi hy vọng khác.

Tin tức từ thân nhân qua thăm nuôi cũng có tin vui, tin buồn, tin thật và tin giả.

Có một tin vui rộ lên rằng, hiện nay trong rừng núi Bạch-Mã ở Miền Trung có một trung đoàn Việt-Nam Cộng-Hòa đang ẩn náu và chiến đấu, người chỉ huy trung đoàn này là Trung tá Hoàng Mão, một anh hùng của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh.

Tin vui này vừa qua cổng đã được rỉ tai lan truyền rộng rãi, và đã làm cho một số tù ù ù, cạc cạc vui mừng. Những người biết chuyện nghe tin, lại ôm bụng mà cười.

Xem thêm:   Dubai

Người ta cười vì thực ra, thời gian này cựu Trung tá Hoàng Mão cũng là một cải tạo viên đang bị nhốt ở Buồng 15. Hoàng Mão là bạn cùng khóa 20 Võ Bị của tôi.

Vào một ngày trời mưa, ông Hoàng Xuân Tửu vào gọi tôi ra nhà văn hóa để gặp người nữ cán bộ Công An phụ trách thăm nuôi.

Viên nữ cán bộ hỏi tôi,

– Anh có quen ai tên là Bùi Tiến Tỉnh không?

Tôi lắc đầu,

– Không!

– Vậy Bùi Tiến Tỉnh không phải là anh của anh sao?

Tôi khẳng định,

– Không!

Người nữ Công An lườm tôi một cái rồi lắc đầu,

– Mới ăn cơm tù có mấy năm mà anh đã lú đã lẫn rồi! Ðến anh của mình mà cũng nói là không quen!

Tôi nhíu mày,

– Tôi không có anh có chị thì nói là không có anh có chị, chứ lú với lẫn cái gì?

Nghe thế, người nữ Công An lại hỏi,

– Có phải anh là người quê Hải Hưng không? Anh Bùi Tiến Tỉnh ở Hải Hưng tự xưng là anh của anh đấy!

Tới lúc này tôi mới vỡ lẽ, chợt nhớ ra, người có tên là Bùi Tiến Tỉnh chắc là ông anh con cô con cậu của tôi ở Hải-Dương. Ngày xưa, khi tôi di cư vào Nam thì anh ấy còn bé lắm.

Tôi gật gù,

– À! Chắc anh Tỉnh là con bác tôi. Tôi ở trong Nam, anh ấy ở ngoài Bắc chưa thấy nhau bao giờ, nên không nhớ ra, cán bộ cho tôi ra gặp anh ấy đi!

Người nữ Công An nhìn tôi rồi lắc đầu,

– Người ngoài Bắc nhỏ tuổi hơn thì nhớ họ, nhớ hàng, người trong Nam lớn tuổi hơn lại chẳng thèm nhớ ai!

Tôi buột miệng nói cho qua,

– Ðúng rồi! Người trong Nam lớn tuổi hơn nên lẩm cẩm!

Quả thực tôi lớn lên ở trong Nam, đến người cùng quê còn không thấy, huống chi họ hàng thân quyến còn ở ngoài Bắc.

Anh Bùi Tiến Tỉnh là con ông Bùi Văn Ðệ, anh ruột mẹ tôi. Người Nam gọi anh của mẹ là cậu, còn ở ngoài Bắc lại gọi là bác.

Bác Ðệ có hai vợ, người con gái lớn của bác cùng tuổi với tôi, còn anh Tỉnh là người con thứ nhì. Anh Tỉnh nhỏ hơn tôi sáu tuổi. Ngày tôi di cư vào Nam thì anh Tỉnh mới lên sáu.

Anh Tỉnh sinh ra và lớn lên trong thành phố Hải Dương nên không bị nói ngọng, nhưng giọng anh vẫn cưng cứng, tôi nghe không quen.

Anh Tỉnh thân hình vạm vỡ và cao hơn tôi một cái đầu.

Anh tôi ôm tôi, rồi khóc như mưa,

– Ngày chú ra đi thì anh còn bé tí đâu biết gì? Nếu đất nước cứ chia đôi thì suốt đời anh em không thấy nhau. Vậy mà giờ đây anh được gặp em. Anh mừng quá sức. Ðúng là ông giời có mắt!

Anh tôi đúng là hiện thân của một công nhân chân chất thật thà.

Cổ nhân có câu “Một giọt máu đào, hơn ao nước lã!” quả là không sai.

Tôi là người không có anh chị, bố tôi lại mất sớm, nên vòng tay siết chặt của anh Tỉnh đã cho tôi cái cảm giác thật là ấm áp khi lần đầu được một người anh ôm ấp, vỗ về.

Anh tôi kể hết chuyện này sang chuyện nọ, nào là ông nội, bà nội của anh, tức là ông ngoại, bà ngoại của tôi thương nhớ mẹ con tôi ra sao, rồi ông bà tôi chết năm nào. Hết chuyện canh tác ruộng đất, anh nói qua chuyện xây nhà xây cửa, chuyện lụt lội hàng năm, rồi tới chuyện anh cưới vợ sinh con.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Tôi cứ ngồi yên mà nghe anh tôi tâm sự, cho tới lúc anh tôi cầm tay tôi rồi nhỏ giọng,

– Chiến tranh quả là quá tàn khốc! Anh rất muốn em trả lời anh một thắc mắc, em có vui lòng không?

– Anh cứ hỏi.

– Em là người suốt đời đánh trận. Vậy em có bao giờ chôn một bộ đội Miền Bắc xâm nhập tên là Hải không?

Tôi phì cười vì câu hỏi quá ngây thơ,

– Sau một trận đánh thì số người chết có khi cả chục, có khi cả trăm, ai công đâu mà lục xác, tìm tên tuổi từng người. Ủa! Mà Hải là ai vậy anh?

– Em Hải là con dì Muối, Long quên rồi à?

Tôi chỉ nhớ mang máng, bà Muối là vợ hai của bác Ðệ nhưng không biết bà Muối có người con là anh Hải, tôi hỏi anh Tỉnh,

– Vậy anh Hải là em khác mẹ với anh? Anh Hải chết ở trong Nam à?

– Em Hải nhỏ hơn anh hai tuổi. Hải bị gọi đi nghĩa vụ. Nó đi B và đã hi sinh trong trận Pơ lây me năm 1974. Em có biết Pơ lây me ở đâu không?

Tôi chột dạ khi nghe tin một người anh con cô con cậu của tôi đã chết trên chiến trường mà tôi đã tung hoành trong nhiều năm.

Tôi cầm tay anh Tỉnh,

– Biết! Tôi biết Pleime ở Pleiku, Pleiku ở Cao Nguyên Trung Phần Việt-Nam Cộng-Hòa.

Anh tôi chợt ngước mắt lên trời, rồi gật gù,

– Cốt nhục tương tàn! Chắc ngày đó em không biết rằng trong đoàn quân vào Nam để đánh nhau với em lại có người anh con cô con cậu của em! Ðiều đáng buồn là em Hải đã chết. Nhưng điều đáng vui là sau chiến tranh em Long vẫn còn sống.

Tôi chẳng biết phải nói gì khi nghe câu bình luận có vẻ “hòa tiền” của anh tôi.

Cứ thấy người chết thì buồn, cứ thấy người sống thì vui!

Cách suy nghĩ cũng như cách giải thích của anh tôi sao mà giản dị quá vậy?

Quà mà anh Tỉnh mang lên thăm nuôi tôi là một bao cát chứa 10 ký lô gạo ruộng mới xay cùng cái bao giấy xi măng bọc kỹ 20 con cá mối phơi khô.

Tôi lấy làm lạ khi thấy những người tù được thăm nuôi và thân nhân của họ còn đang quây quần bên nhau chuyện trò, ăn uống, thì anh Tỉnh đã ôm tôi rồi nói câu từ biệt,

– Thôi! Anh phải về. Sợ nhỡ chuyến tàu hỏa Phủ- Lý, Hà- Nội tối nay. Lại còn phải lo chuyện đi nhờ xe vận tải xuôi Hải-Dương nữa chứ!

Trước lúc bước đi, anh lại cầm tay tôi lần nữa,

– Của ít, lòng nhiều. Trong khả năng của anh, anh chỉ có chút quà này đem cho em, mong em đừng chê.

Trong màn mưa mỏng giữa trưa, hình bóng anh tôi mờ dần, mờ dần, rồi biến mất sau con dốc dẫn xuống phân trại C.

Thì ra, để có thời gian chừng nửa giờ để thăm đứa em con bà cô đang bị giam giữ ở Nam-Hà A, người công nhân Bùi Tiến Tỉnh đã phải rời Ngã Sáu Hải Dương từ nửa đêm qua. Sau khi quá giang theo một chiếc xe vận tải để tới Hà Nội, anh liền nhảy tàu hỏa nhưng không mua vé để về Ga Phủ-Lý. Ở bến đò Phủ-Lý, anh năn nỉ người kiểm soát vé phà để được miễn trả tiền qua Hát Giang.

Rồi vác 10 ký lô gạo trên vai, tay xách 20 con cá khô, anh cuốc bộ một hơi từ bến phà sông Ðáy tới Nam Hà.

Thăm em chưa được nửa giờ anh đã phải về. Trên con đường ngược chiều ấy, anh sẽ cuốc bộ, sẽ qua phà, sẽ nhảy tàu, sẽ quá giang xe tải xuôi về quê tôi, Hải-Dương.

Con đường trở về của anh có lẽ không còn vất vả như lúc anh đi. Trên vai anh nhẹ tênh, không còn gạo, không còn cá.

Xem thêm:   Lối đi trong vườn (kỳ 2)

Tôi nghĩ rằng, chắc chắn trên đời này hiếm có người anh con cô con cậu nào tốt bụng như ông anh của tôi. Tội nghiệp anh tôi!

Nhìn màn mưa đang giăng trên những đỉnh núi đá vôi, rồi mường tượng ra đoạn đường gập ghềnh lầy lội từ đây ra Phủ-Lý, tôi bỗng thấy thương anh tôi quá.

Tới chiều, tù được thăm nuôi xếp hàng đi về trại.

Ai cũng gánh nặng, gánh nhẹ, riêng tôi chỉ cần một tay xách, một tay ôm.

Không biết các bạn được thăm nuôi cùng ngày với tôi có được thân nhân thông báo cho chút tin tức quốc nội, quốc ngoại gì không, chứ tôi thì chẳng có chuyện gì vui lạ để mà kể lại cả.

Lần thăm nuôi trước cách nay hơn nửa năm, mẹ tôi và vợ tôi từ Nam ra, tôi đã chia sẻ đồ ăn cho một số bạn thân.

Kỳ này vì “Của ít, lòng nhiều” nên tôi chỉ mời một người bạn là Lê Văn Chánh. Từ ngày đi tù tới giờ này, chưa có ai ra thăm Chánh.

Hoàng Trai, Lê Văn Chánh, Vương Mộng Long – USA 2007

 

Nghe tôi mô tả chặng đường mà bao gạo 10 ký lô đã đi để tới Nam Hà, bạn tôi đã đưa tay chùi nước mắt,

– Tội nghiệp ông anh của Long!

Lê Văn Chánh là một nghệ sĩ, nó mau nước mắt lắm!

Nghe một câu chuyện thương tâm là nó khóc, thấy một chuyện thương tâm là nó khóc.

Bưng bát cơm, nghe kể nguồn cơn đường đi, nước bước của bát cơm, nó cũng khóc.

Rồi nó tiếp tục vừa khóc tỉ tê, vừa kể cho tôi nghe một chuyện thăm nuôi, cũng rất buồn ở phân trại B.

Nó nghe được chuyện này khi đi đổ thùng sáng nay.

Mới cách đây hai hôm, có một bà vợ ông cựu đại úy dẫn một đứa con gái từ trong Nam ra thăm chồng.

Cháu bé mừng vui vô cùng vì sau bao tháng ngày nhung nhớ, cháu đã được gặp mặt bố cháu. Trên đường về, cháu vui, cháu nhảy chân chim…

Đại úy Trần Đức Lợi, Đại úy Đỗ Dũng, Đại úy Nguyễn Phương Đức, Đại úy Trần Tiến Bích – Houston USA (nguồn Đỗ Dũng)

Nhưng ông cựu đại úy vừa về tới buồng giam thì đã có tin con gái ông mới bị bắn chết!

Cháu chết ở chân dốc Ba Sao, nơi đây Trại Nam Hà C và Trại Tâm Thần ở sát nhau.

Ðã xảy ra ẩu đả giữa nhân viên giữ tù tâm thần và cai tù Trại C.

Sau khi đánh nhau bằng tay, chúng nó đã bắn nhau bằng súng.

Một viên đạn lạc đã cướp đi sinh mạng đứa bé gái vừa vượt cả ngàn cây số đường dài từ Nam ra Bắc để thăm bố.

Cháu bé đã được chôn bên cạnh mộ những người bạn tù của bố nó trong nghĩa địa tù Trại C.

Hai ngày sau khi tôi được thăm thì anh bạn cựu phi công Trần Tiến Bích nằm sát bên tôi cũng được thăm. Khách mời của Bích chiều hôm đó là một thương binh cụt một chân tên là Trần Văn Hòa.

Cựu Ðại úy Trần Văn Hòa là phi công của Phi Ðoàn 215 Thần Tượng, đồn trú ở Nha Trang. Thời 1968 tôi thường được phi cơ của đơn vị này chuyển vận trong các cuộc hành quân ở Cao Nguyên Vùng 2.

Thấy anh Hòa bị què một chân, tôi thắc mắc,

– Ủa! Anh là thương binh mà cũng bị bắt đi cải tạo ư?

Anh Hòa lắc đầu,

– Tôi không phải là thương phế binh. Tôi mới bị cưa chân đó!

Rồi Hòa từ từ tường thuật cho tôi nghe nguyên do vì sao anh đã bị què…

Thời gian mà tôi còn bị giam ở Trại 4 Liên Trại 4 thì Hòa bị giam ở Trại 9.

Ðói quá, nên hàng đêm Hòa thường chui rào ra vườn sắn moi mấy củ sắn vào nấu, nướng để ăn cho đỡ lòng.

(còn tiếp)