Chiến tranh Việt-Nam chấm dứt đã gần nửa thế kỷ rồi.

Nhưng đối với những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa, thì kỷ niệm của những ngày gian khổ ấy không dễ gì có thể bị xóa nhòa trong ký ức của họ.

Mỗi trang hồi ký của những người tham chiến chính là những tiểu đoạn của bộ phim dài ghi lại toàn bộ những gì đã xảy ra trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài hai mươi năm trên đất nước chúng ta.

(tiếp theo – kỳ 6)

Mười phút sau khi 821 và 824 xuất phát, trong máy PRC 25 của tôi có 2 tiếng “Xẹc! Xẹc!” đó là dấu hiệu quân trinh sát của tôi đã tới sát bìa rừng.

Cũng mười phút sau nữa, tôi nghe tiếp 3 tiếng “Xẹc! Xẹc! Xẹc” đó là dấu hiệu báo rằng 824 ngừng lại vì thấy địch, còn 821 vẫn tiếp tục tiến lên.

Bẵng đi hai mươi phút sau, tôi mới nghe được 4 tiếng “Xẹc!Xẹc!Xẹc!Xẹc!”  đó là tín hiệu của Mom Sol báo rằng 821 đã đi qua hết tuyến dàn quân của địch.

Tôi với tay cầm ống liên hợp, bóp ba cái, “Xẹc!Xẹc!Xẹc!” sau đó ba giây đồng hồ, tôi lại bóp tiếp ba tiếng nữa, “Xẹc!Xẹc!Xẹc!”

Tín hiệu này là lệnh rút lui ban ra cho 821 và 824.

Sau đó, tôi bò lên dốc, đưa tay vỗ nhẹ một cái lên vai chú Phước, Phước tiếp tục vỗ lên lưng người bên cạnh, cứ thế người được báo tin cuối cùng là Trung sĩ Thon. Như vậy, tất cả anh em trong tiểu đội cận vệ đều đã được thông báo tránh ngộ nhận. Chúng tôi chuẩn bị đón quân bạn tụt xuống đồi bất cứ lúc nào.

Tôi hồi hộp, bồn chồn.

Từng giây đi qua, từng phút trôi qua, trăng lên đã cao, dưới thung lũng vẫn chỉ có tiếng dế kêu, xen lẫn tiếng gió lùa.

Rồi từ hướng Nam của con thông thủy vọng lại tiếng “Xoẹt! Xoẹt! Xoẹt!”

Ðó là âm thanh tạo thành bởi những vật nặng vừa lao từ trên đồi xuống, chạm phải bụi cỏ lau dưới thung lũng.

Toán 824 của Binh 1 Yang đã về! Ba ông Viễn Thám này xuống đồi bằng cách nằm ngửa, chong súng lên trời, xuống đồi bằng lưng!

Xuống dốc bằng lưng nhanh gấp mười lần xuống dốc bằng bụng! Ngày xưa, tôi học được kỹ thuật này của Việt-Cộng! Trong một lần tiếp viện cho quân bạn, tôi đứng bên này suối, thấy Việt-Cộng “chém vè” bằng cách nằm ngửa, ôm súng tụt xuống dốc, vừa nhanh lại vừa an toàn.

Về hậu cứ, tôi đem quân ra Biển Hồ tập thử, thì thấy cách xuống núi này quả thực là hay, nhất là cho các ông Viễn Thám.  Ông lính Viễn Thám nào dưới quyền tôi cũng rành cách xuống núi thoát hiểm này.

Gần 2 giờ sáng ngày 29 tháng 9 tôi mới có tin tức của 821. Khi bóng trăng đã xế, toán 821 của Hạ sĩ 1 Mom Sol mới về tới ngã ba thông thủy, đầu nguồn suối Dak Boun Bring.

Tôi ra lệnh đạp lau sậy xuống để đánh dấu điểm chạm suối của Binh 1 Yang và điểm chạm suối của Hạ sĩ 1 Mom Sol.

Khoảng cách của hai dấu mốc này sẽ là tuyến dàn quân của tôi ngày tiến công.

Tình hình địch trên Mục Tiêu 1 đã được Mom Sol mô tả một cách thật chính xác như sau:

Sau khi rời vị trí của toán 824, thì 821 tiếp tục men theo bìa rừng, đi về hướng Ðông Nam.

Ðịch rải quân thành một tuyến dài, trong bụi, đằng sau lề đường.

Tuyến dàn quân này dài khoảng gần hai trăm thước. Mom Sol không biết chiều sâu của trận địa ra sao. Nhưng điều chắc chắn là trên đỉnh đồi không có địch.

Ðịch canh gác rất ơ hờ, có nhiều tên còn đốt lửa sưởi ấm và cất tiếng ca hát giữa đêm khuya.

Mom Sol cũng ngửi được cả mùi khói bùi nhùi bay ra từ các hố cá nhân. Ðịch đốt bùi nhùi để chống muỗi rừng.

Xem thêm:   Nhật Thực toàn phần tại Dallas - Fort Worth,Texas

Sáng sớm ngày 29 tháng 9 tôi cùng tiểu đội cận vệ đi cùng Ðại Ðội 1/82 của Thiếu úy Ðặng Thành Học, len lỏi trong rừng theo bờ Ðông của con thông thủy lên chiếm ngọn đồi có hình hạt đậu hướng Nam.

Ngọn đồi này nằm bên bờ Ðông con suối, đối diện với đồi 898 và cách Mục Tiêu 2 chừng tám trăm mét.

Ðồi này có nhiều cây thân mộc, khá cao, từ đây với cái ống nhòm, tôi nhìn rõ mồn một từng hố cá nhân, từng tấm vải nhựa che mưa của địch trên Mục Tiêu 2.

Tôi đưa cái ống nhòm cho Học,

– Chú nhìn cho rõ nhé! Theo anh thì chỉ cần một trung đội hàng ngang tiến thật nhanh rồi đánh bằng lựu đạn là tụi nó chạy có cờ!

Trưa ngày 29 tháng 9 tôi đã có trong tay bản ghi chép chi tiết tình hình địch và kế hoạch tiến quân.

Chiều 29 tháng 9 tôi đang ngủ say trên võng thì Ðại tá Vấn tới lều, dựng tôi dậy.

Giọng nói của ông liên đoàn trưởng rất nhẹ nhàng, nhưng có vẻ không vui,

– Sắp hết thời hạn rồi mà sao anh không thấy chú có động tĩnh gì cả? Chú bị bịnh hay sao mà ngủ giữa ban ngày?

Tôi ngáp một cái rồi dụi mắt,

– Niên trưởng để tôi ngủ chút đi! Còn tới bốn ngày nữa mới hết kỳ hạn, tôi đã hứa là tôi sẽ hoàn thành công tác trước 7 ngày, hôm nay mới là ngày thứ ba.

Nói xong, tôi nằm xuống võng ngủ tiếp.

Ðại tá Vấn ra chiều thất vọng. Tôi nghe ông thở dài, rồi chui ra khỏi lều, lững thững xuống đồi.

Kế đó tôi nghe dưới đường có tiếng léo nhéo,

– Hai ngày nay tôi thấy thằng Thái Sơn cứ ngủ li bì. Chắc nó sợ không dám đánh rồi! Hay mình cho thằng Chí Tôn vào trận đi!

Người vừa nói là Ðại tá Vấn.

(Chí Tôn: là danh hiệu truyền tin của Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân)

– Thì cứ chờ xem! Tôi biết tính thằng Long, nó đã hứa thì thế nào nó cũng giữ lời!

Ðó là tiếng Trung tá Hoàng Kim Thanh.

Ngủ dậy, đánh răng, rửa mặt xong, tôi ôm tấm bản đồ đi sang khu pháo binh để gặp mặt Ðại tá Vấn.

Tôi cho ông đại tá hay rằng đêm mai, 30 tháng 9 tôi sẽ bắt đầu khai hỏa.

Tôi hứa rằng sau hai ngày, tôi sẽ hoàn tất nhiệm vụ.

Tôi nhờ ông liên đoàn trưởng, trong ngày 30 tháng 9 gắng xin cho tôi hai phi tuần tiền oanh kích; sau đó là 100 viên đại bác 105 ly trực xạ từ Ðạo-Trung đánh trên Mục Tiêu 1.

Ông đại tá vui mừng ra mặt, chấp thuận tất cả những gì mà tôi yêu cầu.

Trước khi về lều, tôi khẩn khoản đề nghị với Ðại tá Vấn rằng xin ông giữ kín kế hoạch điều binh của tôi, đừng cho thượng cấp biết vội, vì tôi e rằng hệ thống truyền tin mà bị tiết lộ thì quân của tôi sẽ bị nguy to.

oOo

Tiến chiếm mục tiêu

Về tới lều, tôi gọi ông Ðại úy Tiểu đoàn phó cùng ba ông Ðại đội trưởng 2, 3, và 4/82 tới họp bàn.

Kế hoạch hành quân đề ra là:

Chiều 30 tháng 9 tôi sẽ xin không quân tiền oanh kích Mục Tiêu 1, tiếp theo là 100 trái đại bác 105 ly sẽ dội trên bìa rừng của đồi 898.

Cùng giờ đó, Ðại úy Tiểu đoàn phó sẽ dẫn hai Ðại Ðội 2 /82 và 4/82 len lỏi  trong rừng, tới ém quân trong vùng hai cây số hướng chính Tây vị trí hiện tại của các đơn vị này.

Chờ đêm xuống, hai đại đội này sẽ leo lên trải quân án ngữ con đường xe be, cũng là đường rút của địch.

Chắc chắn những tên Việt-Cộng đang chạy về khu hướng Tây sẽ bị cánh quân của ông tiểu đoàn phó tóm hết.

Xem thêm:   Lối đi trong vườn

Sau trận Pleime thì hai Ðại Ðội 1/82 và 4/82 chịu ít tổn thất hơn hai đại đội còn lại.

Kỳ này Ðại Ðội 1/82 của Thiếu úy Học được tôi cho đi đơn độc.

Còn Ðại Ðội 4/82 của Thiếu úy Thủy sẽ đi kèm Ðại Ðội 2/82 của Trung úy Danh.

Tôi dặn dò ông tiểu đoàn phó phải ưu tiên cho Ðại Ðội 2/82 đi phía sau.

Ðại Ðội 3/ 82 có một nửa quân số là tân binh, nên tôi sẽ cho đơn vị này nằm dưới quyền trực tiếp chỉ huy của tôi.

Ðúng tám giờ tối ngày mai tôi sẽ dẫn quân xuống núi.

Trong thời gian tôi dàn quân ở chạm tuyến, thì khẩu cối 81 ly của Thượng sĩ Năng và Trung sĩ Minh sẽ liên tục bắn 100 trái trên Mục Tiêu 1.

Sơ đồ tiến quân đêm 30/9/1974 của TĐ 82 BĐQ tại Đạo Trung, Quảng Đức.

Ngày 30 tháng 9 năm 1974 trời nắng ráo.  Mười giờ sáng, tôi đang ngồi uống cà phê thì từ hướng Tây có tiếng “ì ầm!”  của đại bác bắn đi. Vài giây sau thì “Vèo! Vèo! Xè! Xè! Oành! Oành!” những viên trái phá 105 ly theo nhau bay qua đầu tôi, rơi trên mặt Liên Tỉnh Lộ 8B và khu rừng thưa bên kia đường.  Bụi khói bắt đầu bốc cao. Không ai bảo ai, mọi người đều lao xuống hố cá nhân.

Tôi còn đứng trên đồi, miệng tôi la lớn,

– Anh em Ðại Ðội 3 và Viễn Thám nhớ mở mắt cho to, thấy thằng Việt-Cộng nào xung phong thì phải bắn ngay!

Nhìn qua căn cứ hỏa lực, tôi không thấy bóng dáng ông lính nào trên mặt đất, không thấy ai chuẩn bị phản pháo cả.

Hai phút sau khi pháo địch ngừng, tôi nghe ông Ðại tá Vấn gọi,

– Thái Sơn đây Hai Lẻ Chín! Vừa rồi tụi nó chọi đá có trúng đầu con cái của Thái Sơn không? Chú có bị thiệt hại gì không?

Tôi ra dấu cho anh hiệu thính viên không trả lời Ðại tá Vấn. Vì nếu tôi trả lời thì địch sẽ nghe được, và sẽ truy ra vị trí đóng quân của tôi; trong tương lai chúng sẽ không còn bắn trật nữa.

Tôi cất bước đi quanh ngọn đồi, những anh lính cũ thấy tôi thì toét miệng ra cười, những anh lính mới thấy thế cũng nhe răng cười theo. Tôi hỏi một tân binh,

Chú em có sợ không!

– Dạ! Lúc đầu em cũng run, nhưng thấy Thiếu tá còn đứng trên đồi, kêu tụi em coi chừng địch xung phong thì bắn ngay, em không còn sợ nữa!

Sau cơn mưa pháo chừng mười phút, cây đàn guitar Vọng Cổ của anh nhạc sĩ cận thị Lao Công Ðào Binh tên là Phan Thành Hoàng đã bắt đầu “Tửng! Từng! Tưng!”  trở lại. Ði hành quân, các ông Lao Công Ðào Binh là sướng nhất, không canh gác, không xung phong, không súng ống, chỉ loanh quanh bên hầm khẩu 81 ly, nằm giữa bộ chỉ huy tiểu đoàn.

Hai giờ chiều 30 tháng 9 trên trời có chiếc thám thính cơ L19.

Tôi vào tần số Không Lục, có tiếng ông Thiếu úy Ðịa Phương Quân của Tiểu Khu đang bay trên trời,

– Thái Sơn cho tọa độ, chúng tôi đánh ngay!

Lúc này tôi và Ðại tá Vấn đang đứng bên ụ súng 105 ly; ông Ðại tá vội cầm máy,

-Yêu cầu chú đánh ngay trái khói của pháo binh. Ðánh cho ngọn đồi đó tan hoang thành bình địa cho tôi!

Tôi liền ghé tai ông Vấn,

– Ðánh sát các bìa rừng, không đánh trên đỉnh. Ðịch không đóng trên đỉnh!

Ông Ðại tá vội lớn tiếng,

– Ðiều chỉnh lại, yêu cầu đánh sát bìa rừng, không đánh trên đỉnh! Nghe rõ không trả lời!

Một trái khói từ khẩu 105 được bắn đi. Ðạn nổ vừa xong, chiếc L19 cũng chúc xuống bắn thêm một trái khói nữa.

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

Phút sau, hai chiếc A 37 sà xuống trút bom. Hôm đó tôi không nghe tiếng phòng không của địch.

Hai chiếc A 37 thả bom thật là chậm rãi, từng trái một, nhìn như đang thực tập.

Cây cối gãy đổ, cành lá đua nhau bay lên trời, đồng cỏ tranh bắt đầu bốc cháy.

Cạn bom rồi, hai con tàu còn bay vần vũ trên trời một hồi lâu, rồi mới bay đi.

Ông Ðại tá quay qua tôi,

– Hết không yểm rồi! Mình xin hai phi tuần, bốn phi xuất, nhưng họ chỉ cho một phi tuần thôi!

Vị sĩ quan pháo đội trưởng chui ra khỏi lều hỏi tôi,

– Tới giờ mình “chơi” chưa Thiếu tá?

Tôi nói,

– Mình chờ chừng năm phút nữa, đợi tụi nó chui ra khỏi hầm mình đánh tiếp.

Năm phút sau, bốn khẩu 105 ly đua nhau giựt cò, cứ một viên chạm nổ, tiếp theo là một viên nổ cao, đồi 898 hóa thành một cột bụi ngùn ngụt dâng cao.

Trời nóng quá, tôi cởi cái áo ngoài ra vắt trên nóc hầm. Thấy thế, Ðại tá Vấn cũng theo tôi, cởi áo ngoài, vắt trên nóc hầm.

Lúc này một ông Thiếu tá và một ông Ðại tá mặc áo thun trắng, mặt mũi nhễ nhại mồ hôi, cứ chạy đi, chạy lại, giúp các ông xạ thủ vác đạn, giựt cò.

Dưới giao thông hào, ông liên đoàn phó giơ máy ảnh lên chụp lia chụp lịa. Năm 2009 ở Mỹ, ông cựu liên đoàn phó có cho tôi biết rằng ông ấy mới tìm ra cuộn phim có cái ảnh ngày đó tôi và ông Vấn mặc áo may-ô trắng, đứng trong đám khói bụi mịt mù giữa bốn khẩu pháo. Ông nói sẽ sang tấm ảnh kỷ niệm ấy ra, rồi gửi cho tôi, nhưng tôi chờ hoài mà không thấy thư của ông.

Trong lúc pháo binh đang bắn thì Ðại úy Nguyễn Hữu Tài báo cáo rằng cánh quân chặn địch của ông ta đã bắt đầu di chuyển. Từ đó qua đêm, tới sáng 1 tháng 10 tôi không nghe được đài nào của cánh quân này.

Nhá nhem tối 30 tháng 9 tôi cho lệnh xuống đồi, Viễn Thám 821 dẫn đường, rồi tới Ðại Ðội 3/ 82.

Tới chân dốc tôi ngạc nhiên ngừng lại, vì thấy Thiếu úy Hổ đang bạt tai một tân binh, miệng la,

– Ðù mạ! Mi định trốn hả! Ði lên! Mau lên!

Tôi hỏi,

– Gì đó Hổ?

– Dạ! Trình Thiếu tá! Thằng này cứ lủi lủi lại đàng sau tính trốn!

Tôi vỗ vai Hổ,

– Chú cứ đi lên chỉ huy đại đội. Ðể thằng này lại cho anh.

Nghe lệnh tôi, Thiếu úy Hổ lừ lừ nhìn anh tân binh rồi quày quả bước đi.

Tôi gặng hỏi anh lính đang đứng trước mặt,

– Em sợ lắm hả!

– Dạ! Trình Thiếu tá em sợ lắm!

Trước mắt tôi giờ đó, không phải là một anh lính Biệt Ðộng Quân kiêu hùng, mà là một cậu bé rất đáng thương. Thằng bé rõ ràng đang sợ hãi lắm! Hai vai nó run run như đang lên cơn sốt rét.

Tôi ra lệnh,

– Thiếu úy Phước đem nó về bộ chỉ huy, giao cho Thượng sĩ Năng!

Thiếu úy Phước hằm hè kéo cổ áo anh tân binh lôi đi.

Chúng tôi an toàn tiến sát tới cọc mốc xa nhứt mà 821 đã đánh dấu đêm hôm trước.

Thật nhanh chóng, 18 Viễn Thám viên và tiểu đội cận vệ vào đội hình hàng ngang.

Trong lúc tôi và Thiếu úy Hổ lo trải quân cho Ðại Ðội 3 /82 thì Thiếu úy Trần Văn Phước quay trở lại, sau lưng Phước là anh chàng Trung sĩ Nguyễn Minh của khẩu đội 81 ly.

Tới sát bên tôi, Phước nói nhỏ,

– Em giao thằng lính chết nhát cho ông Năng rồi, còn ông Minh này cứ kèo nài xin đi theo Thiếu tá.

Tôi nói,

– Cho nó theo nhóm cận vệ luôn!

(còn tiếp)