NHIỀU KỲ – KỲ 2

Tới đầu dốc, đột nhiên tên khinh binh ngừng lại, dò dẫm từng bước. Rồi nó thận trọng ngồi xuống, giơ tay ra dấu cho toán Việt-Cộng đi sau đừng vội tiến lên.

Mặt trời mùa này nằm chếch về hướng Tây Nam, tên địch cũng tiến tới từ hướng Tây Nam, mặt trời ở sau lưng nó.

Thằng Việt-Cộng đi mở đường đã nhìn thấy một sợi dây cước phản chiếu ánh mặt trời, sáng lấp lánh căng ngang đường. Sợi dây cước này nối chốt nổ của hai cái bẫy sáng do Hạ sĩ Lác đã gài!

Chắc thằng Việt-Cộng rất ngạc nhiên khi thấy giữa rừng già có một sợi cước câu cá!

Chắc nó dừng lại vì nghi ngại trước mặt nó có một cái bẫy mìn hay lựu đạn.

“Ðoàng! Ðoàng!”

Tên Việt-Cộng đang lom khom, bị hai viên đạn bắn vỡ đầu, ngã ngửa về đằng sau.

Những tên đi sau vội ù té chạy.

“Ðùng! Ðùng!Ðùng!”

Ba khẩu M16 đua nhau bắn. Góc bắn hơi cao, nên không có tên địch nào chết thêm. Trên đường mòn có hai cái ba lô bị rớt lại…

Tôi có sẵn một hỏa tập tiên liệu ngay cái khe giữa hai đỉnh đồi hướng Nam.

Thời gian này đạn dược thừa mứa, muốn bắn bao nhiêu cũng có. Một pháo đội Hoa Kỳ nhanh chóng đáp lời tôi yêu cầu, tưới gần một trăm trái đạn đại bác 105 ly trên tọa độ.

Tôi nghĩ rằng, đang chạy bán sống, bán chết, mà bị một trận mưa pháo dội lên đầu thì những tên giặc dù có thoát chết thì cũng sợ tới ướt quần mất!

Tôi bắt đầu buổi chiều ngày thứ nhì ở Bích-Khê bằng một cơn sốt cao.

Trên cái nền nhà cũ, tôi ngồi thu mình trong chiếc poncho line, cả người nóng bừng bừng. Xưa nay tôi cứ cho rằng khi đau đớn mà phát ra tiếng rên thì mắc cỡ lắm. Ðau mà rên là hèn, là thỏ đế.

Ngày Mùng Một Tết Mậu Thân, dù bị Việt-Cộng bắn lủng ngực, tôi cũng không rên.

Ấy vậy mà hôm nay, tôi giơ cả hai tay bịt miệng, bịt mũi lại, mà vẫn không ngăn được những tiếng “Hừ! Hừ! Hừ!”

Bệnh sốt rét rừng quả là vô cùng lợi hại! Tôi thường tự hào là một tay đi rừng cự phách mà cũng bị mấy con vi trùng nhỏ tí ti, nhỏ hơn cả cái đầu kim, quật ngã phải nằm run bần bật.

Trung đội 3 của Thượng sĩ Lược trấn giữ mặt Bắc, đồng thời chốt ngay đầu cây cầu khỉ bắc ngang con suối.

Mặt trời vừa gác núi thì ông Lược lò dò từ dưới dốc leo lên, tay xách một con cá lóc dài cỡ hai gang tay.

Ông ta giao con cá cho Hạ sĩ Thọ, người nấu cơm cho tôi,

– Tụi nó cắm câu được con cá lóc này. Mày đem nấu cháo để Thái Sơn ăn cho dã cảm. Nhớ cho nhiều tiêu vào! Cho ổng ăn cháo thật nóng để ra mồ hôi mới bớt được.   

Sau khi gắng ăn một bát cháo nóng, tôi trùm thêm cái poncho đi mưa che kín từ đầu tới chân. Chỉ vài phút sau thì cả người tôi ướt đẫm mồ hôi giống như người đang tắm hơi.

Những tưởng mồ hôi thông thương thì bệnh tình của tôi sẽ bớt, nào ngờ vừa lau người xong, tôi bỗng lạnh run; tôi không bị cơn sốt nóng hành hạ nữa, mà ngược lại, tôi khốn khổ vì bị rét.

Y tá Ðào của Trung đội 3 mon men tới bên tôi, anh ta rụt rè,

– Thái Sơn bị lờn thuốc ký ninh rồi! “Chích” hoài không khỏi thì Thái Sơn cho em “châm” cho ông thầy, thử xem có khá không nhé!

Tôi thắc mắc,

– Châm là cái gì vậy?

– Dạ! Châm cứu ấy mà! Em biết châm cứu! Ðể em châm cho Thái Sơn nhé!

Lúc này thì tai tôi đã bị ù, mắt tôi nhìn chỗ nào cũng thấy sao sáng nhấp nháy, chớp chớp.

Thôi thì, cũng đành liều…

Tôi nằm sấp trên cái poncho, để mặc cho chú Ðào tự do thoải mái dùng kim muốn châm chỗ nào thì châm.

Tiếp theo màn châm cứu, chú Ðào quay qua nghề giác hơi.

Sau màn giác hơi là mục xoa dầu Nhị Thiên Ðường. Hạ sĩ Ðào vận hết sức vào hai bàn tay, vừa xoa vừa véo trên da lưng tôi liên tục.

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Tôi thấy da lưng mình có vẻ còn dày hơn da trâu! Mặc cho Y tá Ðào bấu, véo, vặn vẹo, cách nào tôi cũng không thấy đau.

Kỳ diệu thay! Sau khi xoa hết hai chai dầu Nhị Thiên Ðường thì tôi…hết sốt rét!

Còn anh Y tá Ðào thì ngồi phờ người, như đã kiệt lực.

Ông Lược ngồi cạnh Y tá Ðào, chợt phát thanh,

-Thằng Ðào giỏi quá ta! Nếu biết nó chữa được sốt rét thì Chuẩn úy Biện đâu cần đi nằm nhà thương, tui đâu có phải vất vả chỉ huy trung đội!

Hạ sĩ Thọ cười,

– “Thượng sĩ Tía” nhớ con rể rồi hả?

Nghe Hạ sĩ Thọ chọc quê, ông già cự liền,

– Cái thằng này chỉ hay nói bậy!

Tôi nghe ông Lược mạnh miệng nói vậy nhưng tôi nghĩ rằng, có lẽ lúc này trong lòng ông già cũng đang nhớ người chỉ huy trẻ tuổi của ông lắm.

Chuyện nhớ nhung này duyên cớ cũng bình thường…

Vào một ngày tháng Sáu vừa qua, có chiếc xe đò chạy đường Sài-Gòn Ðà-Lạt ngừng bên phía đối diện xưởng cưa Ðức-Trọng. Một cô nữ sinh áo dài trắng, tay xách cái giỏ mây, bước xuống, nhìn trước, nhìn sau, rồi băng qua lộ.

Tới vọng gác bên cổng, cô nhỏ nhẹ hỏi hai ông lính,

– Hai chú làm ơn cho hỏi, có phải Ðại Ðội 1/11 đóng quân ở đây không?

– Phải! Cô cần gì?

– Dạ! Em muốn gặp ông chỉ huy ở đây để xin phép thăm người nhà.

Anh lính gác gọi lớn,

– Chuẩn úy ơi có người cần gặp!

Trung đội 3 là đơn vị trực gác ngày hôm đó, Chuẩn úy trung đội trưởng Ðinh Quang Biện vội chui ra khỏi lều,

– Thưa cô cần gặp ai?

– Dạ! Em muốn gặp “Tía”!

– Ðể tôi gọi ổng ra cho cô nhé!

– Dạ!

Anh sĩ quan trẻ quay mặt về hướng mấy cái bếp lộ thiên đang bốc khói nghi ngút bên rào rồi bắc loa tay gọi,

– Ông Tía ơi! Ông Tía ơi!

Cô bé vội níu tay anh chuẩn úy người Bắc,

– Tía là bố đó!Bố em tên là Lược!

– Vậy là Thượng sĩ Lược! Ðại đội này chỉ có một ông tên là Lược!

Lại bắc loa tay,

– Ông Lược ơi! Ra đây ngay! Có người nhà tới thăm!

Thượng sĩ Lược đang ngồi đánh cờ tướng với Hạ sĩ Ðào, ông đang ở vào thế hạ phong, nghe tiếng người gọi tên, ông mừng quá, vội vàng xóa bàn cờ đứng lên,

– Chuẩn úy chờ chút! Tôi ra liền!

Y tá Ðào cằn nhằn,

– Ông già sắp bị chiếu bí rồi! Sao không để xong việc tiếp người nhà, thì mình đánh tiếp, mà lại xóa bàn cờ đi! Bộ ông tính ăn gian sao?

Trưa hôm đó, trong cái nhà kho lớn, có mái lợp tôn, nhưng không có vách, dùng để chứa ván, nơi ông chủ xưởng cưa dành cho gia đình binh sĩ của Ðại Ðội 1/11 tới thăm chồng con ở nhờ, có ba người ngồi ăn cơm bên nhau, trông họ giống như gia đình một nhà, gồm ông bố và hai đứa con, một trai, một gái.

Ðại đội tôi thời gian này có bốn sĩ quan, vậy mà ông Thượng sĩ Nguyễn Lược chỉ mời một mình Chuẩn úy Ðinh Quang Biện ngồi ăn cơm chung với ái nữ của ông ấy. Thật là chẳng công bằng chút nào!

Cơm nước xong, ông Lược lên ban chỉ huy mời tôi và Thiếu úy Duyên xuống nhà kho uống nước trà và giới thiệu cô con gái của ông,

– Nhỏ này là bé Hai trong nhà tôi. Năm nay nó học Ðệ Nhị. Nó nhớ tía quá nên vội chạy lên đây thăm tôi, chiều nó về lại Sài-Gòn.

Sau khi rót đầy hai bát trà để trên bàn, cô gái nhỏ nhẹ,

– Cháu mời hai chú uống trà.

Chỉ qua vài phút tiếp xúc, tôi đã nhận ra rằng, cô con gái của ông Lược có thể coi như đại diện cho nét đẹp của gái Hậu-Giang. Cô ấy ăn nói thật nhẹ nhàng, và thật dịu dàng. Cô có mái tóc thề ngang vai, đôi mắt nhung huyền. Cô có nụ cười hiền hòa, đôn hậu, trên khuôn mặt trái xoan với làn da trắng hồng đặc biệt của những người con gái xứ Nha-Mân.

Xem thêm:   Hậu quả của chính sách một con

Vì nghe ông Lược nói rằng cô bé chỉ có vài giờ thăm cha rồi phải về Sài-Gòn ngay, nên tôi và anh Duyên giữ ý, chỉ ngồi chơi một lúc cho có lệ, rồi rút lui cho cha con người ta tâm sự với nhau.

Cô nữ sinh con ông trung đội phó Trung đội 3 cứ bịn rịn mãi bên ông bố tới chiều mới chịu lên chuyến xe đò cuối cùng trong ngày để xuôi Nam.

Trước khi lên xe, cô nhắn ông bố,

– Tía cho con gửi lời cám ơn anh chuẩn úy người Bắc ở cùng trung đội với Tía nhé! Trông mặt anh ấy thấy ngồ ngộ quá Tía à!

Từ ấy, ông Thượng sĩ trung đội phó Trung đội 3 mang thêm cái tên phụ là “Thượng sĩ Tía” của Ðại Ðội 1/11 Biệt Ðộng Quân.

Từ ấy trong đơn vị, ông thượng sĩ già được nhiều người thương hơn, nhiều người kính nể hơn, đặc biệt là các chàng trẻ tuổi độc thân.

Tôi nghe anh em bàn tán rằng, người được Thượng sĩ Tía có cảm tình nhứt chính là anh chuẩn úy người Bắc mặt trông “ngồ ngộ” tên là Ðinh Quang Biện.

Trú quân trong Bích-Khê Thôn được hai ngày thì tôi nhận lệnh chuyển quân sang một bãi đáp khác.

Chúng tôi lên tàu ở cuối làng Bích-Khê và nhảy xuống một bãi trống cách bến Kinh Ðà nửa cây số về hướng Tây.

Kinh-Ðà là tên Thượng, tên chữ của làng này là Kinh-Ðức, nơi đây chỉ cách làng Bích-Khê hơn mười cây số.

Ðại Ðội 4 và bộ chỉ huy tiểu đoàn đã xuống bãi này trước tôi nửa giờ. Họ sẽ đóng tại đây giữ lưng cho tôi tiến lên phía trước.

Ông tiểu đoàn trưởng trao cho tôi cái phóng đồ mới và lệnh hành quân mới. Ðại khái nhiệm vụ của tôi vẫn là tìm và triệt phá các khu sản xuất và trạm giao liên của địch.

Ngay trên bãi đáp là một đường voi thồ rộng cỡ hai thước, dấu xe đạp chở hàng đè lên nhau chằng chịt còn rất mới trên mặt đường.

Rời bãi, tôi dẫn quân xuống một cái thông thủy cạn.

Theo đường xe thồ, chúng tôi tiến về bờ sông.

Chúng tôi rời điểm đổ bộ được một đoạn đường xa chừng hai cây số thì chợt trước mặt tôi có tiếng gà gáy “Te! Te! Te!”

Thiếu úy Duyên đi sau, vội nhấn bước tới, hớn hở kéo áo tôi,

– Thái Sơn ơi! Có tiếng gà rừng gáy! Anh cho phép tôi bắn một con làm nồi cháo nghen!

Tôi lắc đầu,

Khoan đã! Gà rừng gáy thì mình chỉ nghe “Te! Te!” ngắn ngủn thôi!  Còn tiếng gáy của đàn gà này vừa thanh, vừa cao, vừa dài, chắc là gà nhà, gà nuôi, không phải gà rừng.

Tôi ra lệnh cho đơn vị ngừng lại, bố trí hai bên đường chờ.

Một toán thám sát được gửi lên phía trước, toán phát giác bên trái đường có một khu vườn, với hai ba mái tranh và một sân đất rộng.

Nhiệm vụ tấn kích được giao cho Thiếu úy Duyên và Trung đội 1.

“Ðùng! Ðùng! Ðùng!” – “Ðoàng!  Ðoàng! Ðoàng!” Hơn hai chục tay súng dàn hàng ngang vừa bắn vừa phóng vào sân cỏ.

Bảy, tám cán binh Việt-Cộng từ trong căn nhà tranh lớn nhất chạy ra, bốn tên bị hạ, một tên nhanh chân phóng qua đường xe be rồi nhảy ùm xuống sông, những tên còn lại lao vào rừng, biến mất.

Căn nhà tranh này là khu nhà bếp và nhà ăn tập thể. Giờ này bọn chúng đang quây quần chuẩn bị ăn cơm trưa nên cổng trước, cổng sau không có người canh gác.

Ðàn gà đang ăn trong sân vung cánh bay loạn xạ, cùng với tiếng gà kêu “Quang quác!”

Trong rừng hình như có tiếng “Éc! Éc!” của mấy con heo đang cắm đầu chạy trốn.

Chiến lợi phẩm tịch thu được hôm đó là ba khẩu súng trường Mas 36, bốn khẩu AK 47 cùng năm sáu quả lựu đạn chày. Ngoài ra chúng tôi còn nhặt được một quyển sổ ghi số lượng chi thu lúa gạo, đạn dược của huyện đội Di-Linh Việt-Cộng.

Xem thêm:   Ăn năn - mặc kệ

Toán quân xung phong cũng hạ được chín, mười con gà. Thượng sĩ Ngọ dành cho tôi và Thiếu úy Duyên con gà trống to nhất.

Tôi báo cáo cho tiểu đoàn biết kết quả cuộc tấn kích, đồng thời đề nghị tiểu đoàn chấp thuận cho đại đội tôi ngủ qua đêm tại đây sau khi mở rộng vùng kiểm soát để truy kích những tên địch đang đào thoát.

Chưa tới nửa giờ sau, qua máy vô tuyến tôi đã nhận được lời nhắn, “Bạch Mai gửi lời khen ngợi Thái Sơn và các anh em chiến sĩ thuộc Ðại Ðội 1/11” (Bạch Mai: Trung tá liên đoàn trưởng)

Ðể đề phòng những tên địch sống sót có thể quay về dọ thám tình hình, tôi cho các trung đội luân phiên tuần tra vòng quanh khu vực một cách liên tục từ trưa cho tới chiều.

Tới chiều, tôi cho đóng năm cái chốt chặn với bẫy sáng và lựu đạn gài đầy đủ để bảo đảm an ninh cho vị trí đóng quân đêm của đơn vị.

Nắng chiều xế tà, mấy con gà mon men về sân. Chưa có lệnh của tôi, không ai dám bắn chúng.

Thượng sĩ Ngọ đề nghị với tôi,

-Thái Sơn đừng cho ai bắn. Cứ để đó, tối nay tôi sẽ bắt hết tụi gà này!

Sau đó ông Ngọ xúc hai ba ca thóc trong kho của địch ra, rồi vãi thóc đầy sân.

Ðàn gà ngây thơ, vô tội “Cục! Cục! Cục!” lớn tiếng gọi nhau về tụ họp trong vườn.

Anh chàng Hạ sĩ 1 Lác tìm được hũ rượu mà tụi cán binh đang ủ, anh ta lôi ra chắt hết rượu vào cái nón sắt, sau đó anh đem bỗng rượu (bã rượu) đổ vào cái nồi nấu cám heo.

Lác cho thêm vào nồi hai gói cơm sấy và một rổ thân cây chuối xắt lát rồi nổi lửa, hì hục nấu cám heo.

Cám heo được đổ vào cái máng đan bằng tre để trong chuồng. Mùi cám heo bốc lên thơm lừng bay trong rừng. Hai con heo đánh hơi thấy mùi cám nóng thì ủn ỉn rủ nhau về chuồng.

Thế rồi đêm đen buông xuống, cùng với tiếng heo kêu, rồi tiếng gà kêu.

Không rõ ông Ngọ và anh Lác làm cách gì mà bắt gà, bắt heo, gọn gàng, nhanh nhẹn thế!

Hai con heo to bị trói nằm trên sàn bếp kêu “Eng éc!”

Gần hai chục con gà vừa trống vừa mái cũng bị trói chặt nằm bên nhau, con này chúi đầu vào dưới cánh của con kia rồi há mỏ, “Ục! Ục! Ục!” chờ người ta cắt cổ.

Vài phút sau thì hai bó đuốc bằng nứa khô được đốt lên giữa sân cỏ soi sáng liên tục.

Trong bếp có tiếng mài dao, rồi có tiếng heo rít lên, “É! É! É” thật là thảm thiết vì bị thọc huyết; những con gà thì chết nhanh hơn và âm thầm hơn.

Chưa tới mười giờ khuya thì các trung đội đã chia nhau đồng đều số gà và những miếng thịt heo.

Tôi nói Thiếu úy Duyên dành ra một cái đùi heo tặng ông tiểu đoàn trưởng, và một con gà trống đã làm lông sạch sẽ để dành cho thằng bạn cùng khóa của tôi đang là sĩ quan Ban 3 của tiểu đoàn.

Ðúng là “Buồn ngủ mà gặp chiếu manh!” Còn hai ngày nữa mới tới kỳ tái tiếp tế, chúng tôi đã hết đồ ăn, hết thuốc lá. Cái nông trại này của Việt-Cộng có đủ cả, gạo lức, heo, gà, chuối, ổi, ớt và rau cỏ, lại thêm ba bốn giàn treo thuốc lá phơi khô trên nóc bếp.

Sau này, nhân lúc rảnh rỗi tôi có thắc mắc hỏi ông Thượng sĩ Ngọ,

– Bác có bí quyết gì bắt heo, bắt gà, mà chúng nó không kêu?

Tôi ngẩn người, ngạc nhiên khi nghe ông Ngọ tình thực trả lời,

– Nào có gì khó đâu Trung úy! Ban đêm, chỉ cần một cục mắm tôm hay mắm ruốc to bằng đầu ngón chân cái, bóp nát ra, thêm chút nước, rồi xoa mắm cho kín hai bàn tay tới khuỷu tay là mấy con gà, con heo không đánh hơi được mình, mình nắm cẳng, nắm cổ nó là xong.  

Ông Ngọ còn cho tôi hay, nếu dùng mắm tôm, mắm ruốc trải trên đường, ta có thể làm cho những con chó săn mất thính giác để theo dõi.

Nghe xong tôi cũng tin, nhưng chưa có dịp nào thí nghiệm xem kết quả thực tế sẽ như thế nào.

(còn tiếp)