Lời giới thiệu: 

Tháng 5 năm 1975 chiến tranh đã hoàn toàn chấm dứt. Trên toàn cõi Việt-Nam không còn nghe bom nổ, không còn thấy đạn bay. Nhưng giữa tháng 5 năm 1975 cũng có những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa đã bị đem đi mất biệt, mãi mãi không về…

Bảo Huân

Nhiều kỳ – kỳ 2

Anh chị Bền là người Nam chính gốc, còn tôi lại là dân Bắc (Di Cư) chính gốc; vậy mà chỉ qua vài ngày sơ giao chúng tôi đã thấy thân thiết nhau.

Vợ chồng Trung sĩ Bền coi tôi như em, ba đứa con của anh chị Bền thì gọi tôi là “Chú Long”

Ngoài tên ông Bền ra, tới nay tôi chỉ còn nhớ, ông Thiếu úy Thám Báo tên là Bổn, một ông sĩ quan Ban 2 chi khu tên Nghĩa, ông phản gián tên Phụng; tên của hai người còn lại thì tôi quên mất rồi.

Những ngày sau đó cũng có vài người tới trình diện phòng Z, nhưng chỉ qua vài chục phút tiếp xúc thẩm vấn là họ được cho về. Quân số phòng Z hầu như cố định 7 người. Chúng tôi cứ 8 giờ sáng có mặt, cùng nhau tán gẫu, 6 giờ chiều lại chia tay, sau khi nghe một hồi kẻng báo giờ phát đi từ giữa sân cờ.

Hàng ngày, nhân dịp đi loanh quanh trong sân, tôi được biết những phòng đánh số khác cũng là chỗ quy tụ những quân nhân đặc biệt được gọi về chờ các cơ quan quân sự địa phương tới tiếp nhận.

Sau vài bữa, đã có nhiều bảng 40X40 cm được tháo gỡ, chỉ còn lác đác vài phòng là còn người đi vào, đi ra.  Chắc những người bị gọi tập trung thanh lọc trong những phòng bỏ trống đó đã được các cơ quan quân sự địa phương đem đi hết rồi.

Một hôm tôi đang trên đường từ nhà vệ sinh công cộng trở về phòng Z thì thấy tên cán binh người Hải Hưng đang đứng chờ tôi dưới một gốc phượng đầy xác hoa.

Y ngoắc tay ra dấu cho tôi đi ra đằng sau dãy nhà ngang. Mắt y đảo quanh một cái thật nhanh rồi nhỏ giọng, vừa đủ cho tôi nghe:  

“Anh Long à! Nếu anh mà bị đưa về Quân Khu 5 thì khó toàn mạng đó! Có trốn được thì trốn đi! Cố gắng kín miệng, đừng cho ai biết tôi đã nói với anh điều này!”

Tôi chưa mở miệng nói được tiếng nào thì y đã hấp tấp phẩy tay đuổi tôi đi.

Suốt ngày hôm đó tôi cứ băn khoăn suy nghĩ. Cứ theo lời tên cán binh này thì chắc chắn tôi nằm trong số những nhân vật đặc biệt mà Quân Khu 5 Cộng-Sản nhắm vào.

Chắc chắn tình trạng của tôi và những anh bạn cùng phòng sẽ lành ít dữ nhiều trong những ngày sắp tới.

Tối đó, về tới nhà, nhìn thấy 3 đứa con nheo nhóc, đứa lớn nhất mới 3 tuổi rưỡi, đứa thứ nhì 2 tuổi rưỡi, đứa thứ ba vừa chập chững biết đi, vợ tôi lại đang mang bầu sắp tới ngày sinh, tôi không dám nghĩ tới chuyện bỏ vợ con mà đi trốn.

Ngày Ban Mê Thuột thất thủ tôi những tưởng vợ chồng tôi sẽ chẳng còn gặp lại nhau. Trong những ngày khói lửa ở Ban Mê Thuột, một quả bom từ máy bay thả xuống giữa phố, đứa con gái lớn của tôi đã bị một mảnh bom ghim vào cánh tay. Hơn hai tháng nay vết thương trên tay con tôi còn đau, mảnh bom còn nằm trong cánh tay nó. Nay mẹ tôi vừa đón được vợ tôi và 3 đứa bé về Sài-Gòn chưa được mấy ngày, tôi đã bị cấm túc.

Suy đi, tính lại, dù gì thì hiện giờ đêm đêm tôi vẫn nhìn thấy vợ thấy con, còn hạnh phúc.

Thôi đành kệ! Ai sao mình vậy! Ngày mai muốn ra sao thì ra!

Tuy thế, trong thâm tâm, tôi vẫn lo lắng không yên.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Tôi cũng không dám chia sẻ những gì mà tên cán bộ Việt-Cộng đã tiết lộ cho tôi, vì thời buổi này tôi không tin ai, lỡ mình phơi bày tâm tư cho người ta biết, người ta quay sang phản mình, đi tố cáo mình để lập công thì mình chết chắc.

Tuy vậy, tôi thấy trong hoàn cảnh này, chính tôi và những người đồng cảnh của tôi cũng rất cần những sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Trưa hôm sau, vào giờ ăn trưa, trong quán cháo của bà Bền, tôi đứng lên hỏi ý mấy ông bạn cùng phòng,

– Các bác ơi! Nếu bất ngờ tụi mình bị đưa đi chỗ khác thì các bác có cách gì báo tin cho gia đình biết?

Vừa nghe tôi hỏi, ông Huỳnh Thanh Bền đã nói ngay,

– Các ông cứ chuẩn bị sẵn một lá thư có địa chỉ gia đình rồi giao cho bà xã tôi cất. Ngày nào mình bị bốc đi thì nhà tôi sẽ chuyển thư của quý vị tới tận nhà để thân nhân quý vị biết mình đã đi khỏi đây rồi.

Anh Thiếu úy Thám Báo Tỉnh bổ sung thêm,

–  Tôi có ý kiến là các ông nên viết sẵn một lá thư mở đầu với câu: Nhờ ai nhặt được thư này thì ghi giùm địa danh nơi thư này rơi, rồi gửi nó về địa chỉ của gia đình tôi ở địa chỉ sau đây…Ða tạ! 

Sau đó các ông cuốn lá thư trong một tờ giấy bạc 500. Tới địa điểm mới thì mình đánh rơi thư này. Thấy tiền, người ta sẽ lượm, rồi có thể, người ta sẽ giúp gửi thư đi cho mình, gia đình mình sẽ biết mình bị đưa đến đâu.

Tôi nghĩ thầm:

Công nhận ông Bổn Răng Vàng này đa mưu thật!”

Anh chàng Thiếu úy Bổn là người ăn nói rất lưu loát, miệng anh ta lại có cái răng nanh bịt vàng, quen nhau rồi, tôi cứ gọi anh ấy là “Bổn Răng Vàng”.

Thế là sáng hôm sau trước giờ chúng tôi trình diện ở phòng Z thì trong túi bà vợ ông Huỳnh Thanh Bền đã có 6 lá thư nhắn tin, và trong túi của 7 anh em trong phòng Z đều có sẵn một cuộn giấy tròn như cái pháo tép, bên ngoài lá thư được bao bởi tờ giấy bạc 500 đồng do Ngân Hàng Quốc Gia Việt-Nam phát hành.

Một buổi chiều giữa tháng 5, tôi vừa mở khóa chiếc Honda chuẩn bị đi về thì một người khách qua đường dừng chân bên quán cháo lòng,

– Ðại ca! Ðại ca!

Tôi quay mặt lại, nhận ra ngay người vừa gọi mình là ông Trung úy Ðại đội trưởng một Ðại Ðội Ðịa Phương Quân của tỉnh Bình-Long. Suốt trận Xuân-Lộc tháng 4 năm 1975, đơn vị Ðịa Phương Quân của ông này đã nằm dưới quyền chỉ huy của tôi. Tôi và ông trung úy này chia tay nhau chiều 23 tháng 4 tại căn cứ Long-Bình.

Ông trung úy người Cái Sắn nắm tay tôi thật chặt,

– Em đi kiếm đại ca cả tuần nay. May quá giờ gặp rồi! Gặp rồi!

Tôi cũng cảm động,

– Chú bình an chứ? Ði đâu đây? Kiếm anh làm gì vậy?

Người đàn em ghé tai tôi thì thầm,

– Ðại ca ơi! Về Cái Sắn với em! Ba ngày nữa tụi mình sẽ vượt qua Cao Miên rồi trốn sang Thái Lan. Em có đường dây đưa đi an toàn trăm phần trăm. Ðại ca đi với em nhé! Gia đình em sẽ trang trải hết mọi phí tổn cho anh em mình!

Thật bất ngờ, nhưng tôi vẫn còn tỉnh trí. Tôi buồn rầu nói,

– Anh không đi được! Tình cảnh gia đình của anh không cho phép! Chú đi một mình đi! Chúc chú thượng lộ bình an! 

Từ ấy tôi không rõ người anh em này phiêu dạt nơi đâu. Tôi luôn cầu mong cho chú ấy luôn luôn gặp những điều may mắn.

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Vậy là, trong khoảng thời gian không đầy nửa tháng sau chiến tranh tôi đã có những cơ duyên được bạn bè và cả người phía bên kia giúp đỡ. Nhưng tôi đã không dám hành động để tự cứu mình. Thời gian này, hầu như tôi đã xuôi tay, nhìn cái thòng lọng cứ từ từ siết chặt dần quanh cổ mình.

Thế rồi…

Sáng 20 tháng 5 tôi vòng xe sang đường Lê Thánh Tôn để mua một ổ bánh mì thịt, rồi chạy thẳng lên Tòa Ðô Chánh để cho anh Thiếu úy Thám Báo Tỉnh quá giang. Nhà anh này ở trong con hẻm cách Toà Ðô Chánh chừng một trăm thước. Anh này không có xe, cả tuần lễ nay anh ta phải tới Trại Lê Văn Duyệt bằng hai chặng xe Lamb chuyển tiếp.

Ba tuần lễ sau ngày Miền Nam sụp đổ, Tòa Ðô Chánh Thủ Ðô Sài-Gòn đã có bộ mặt mới, với lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam to tổ bố cùng toán bộ đội nón cối, dép râu ôm súng AK47 gác trước cổng.

Tới cổng Tòa Ðô Chánh, tôi giảm ga cho xe chạy từ từ theo bảng chỉ đường giới hạn 5 Km/ Giờ.

Ðoàng! Ðoàng! Ðoàng!”

bất thình lình, một tên bộ đội Việt-Cộng từ hiên Tòa Ðô Chánh nhảy ra giữa phố.

Tên Việt-Cộng này có lẽ là sĩ quan, vì bên hông y có đeo một cái cặp da tòn ten.

Y giơ một tay chận xe tôi lại, tay kia giương cao khẩu K54 bắn ba phát chỉ thiên, miệng la,

– Ðứng lại! Ðứng lại!

Chẳng hiểu chuyện gì, tôi vội răm rắp tuân lệnh của người cầm súng, tấp xe vào lề đường, thắng lại.

Thằng Việt-Cộng chĩa súng ngay đầu tôi, rồi nhảy lên, ngồi trên yên sau, miệng y hét lớn,

– Anh khẩn trương chở tôi lên Bộ Tổng Tham Mưu Ngụy! Nhanh lên! Nhanh lên!

Tôi im lìm nhấn chân sang số, xe đi tới.

Chạy được vài chục thước, tôi thấy trước mặt, bên đường, là anh bạn Bổn Răng Vàng, Thám Báo Tỉnh. Tôi đạp thắng cho xe chạy chậm lại, thì thằng Việt-Cộng hét to,

– Ði! Ði! Cấm dừng!

Thấy một thằng Việt-Cộng vừa kê súng vào đầu tôi, vừa la hét oang oang, ông Thiếu úy Thám Báo Tỉnh cũng hoảng hồn, vội vàng bước thối lui vào lề đường.

Thế là tôi phải vặn tay tăng ga cho chiếc Honda vọt lên. Bạn tôi đứng ngẩn người nhìn theo.

Tôi đâu có biết đường nào lên Tổng Tham Mưu? Tôi cứ chạy vòng vo trong khu Yên Ðổ, Hai Bà Trưng hoài.

Thấy thế, thằng Việt-Cộng lớn tiếng ra lệnh,

– Anh chạy theo lệnh tôi! Chạy thẳng! Rẽ phải! Rẽ trái! Chạy thẳng! Rẽ phải! … 

Xe qua cầu Trương Minh Giảng một lúc lâu mới tới Bộ Tổng Tham Mưu…

“Kia rồi! Dừng lại!” 

Vương Mộng Long và Mẹ tháng 4 năm 1993

Hóa ra một thằng Việt-Cộng vừa ra khỏi rừng mấy ngày mà đã thông thuộc đường sá Sài-Gòn hơn một thiếu tá tiểu đoàn trưởng Biệt Ðộng Quân Vùng 2 của Việt-Nam Cộng-Hòa!

Tới cổng sau của Bộ Tổng Tham Mưu, tôi tưởng mình thoát nạn, nào ngờ,

– Anh đỗ xe ở đây! Không được thoái bộ! Chờ tôi họp xong, tôi sẽ quay ra! Nghe rõ chưa?

Y chỉ chỗ cho tôi tắt máy và đậu xe sát vọng gác bên hông của Bộ Tổng Tham Mưu rồi ra lệnh cho mấy tên bộ đội trong điếm canh,

– Tôi giao cho các đồng chí nhiệm vụ quản chế anh này! Giữ anh ta tại đây cho tới khi hội họp xong tôi sẽ trở ra. Nếu anh ta thoái bộ thì các đồng chí cứ việc bắn! Ðừng bắn chết là được! Cứ bắn gãy chân thôi! Nghe rõ chưa?

Tôi ngồi xuống bờ cỏ bên vọng gác, móc túi lấy điếu thuốc Ruby ra hút đốt thời giờ. Tôi hút tới điếu thuốc thứ ba mà tên cán binh Việt-Cộng vẫn chưa ra. Ðã tới 8 giờ, giờ điểm danh của ban tiếp quản Quân Khu 5, mà tên Việt-Cộng vẫn chưa ra.

Xem thêm:   Tân trang nhà cửa

Tôi mon men tới bên vọng gác,

– Anh bộ đội ơi! Ðã tới giờ tôi phải có mặt ở Ủy Ban Quân Quản Thành Phố, tôi có thể đi được không? 

“Crách! Crách!” cùng với tiếng lên cò súng là khẩu lệnh,

– Ngồi xuống đó! Cấm di chuyển! Anh mà bước khỏi đây một bước là tôi bắn!

Thế là tôi đành ngồi xuống.

Tôi dự trù nếu thằng cán binh ác ôn mà trở ra, tôi sẽ đòi nó ký cho tôi tờ giấy chứng nhận lý do vì sao tôi tới phòng Z trình diện trễ.

Thoáng chốc mặt trời đã tới đỉnh đầu. Sài-Gòn tháng Năm trời vừa nắng cháy da, vừa ẩm ướt hầm hầm như đang trông chờ những cơn mưa bóng mây.

Gặm xong ổ bánh mì thịt, tôi thấy cổ khô ran, khát nước. Tôi lại mon men tới bên vọng gác,

– Anh bộ đội ơi! Tôi xin phép đi sang bên kia đường để mua nước uống có được không?

– Ngồi xuống đó! Ði là tôi bắn! Không có nước nôi gì hết! Nghe rõ chưa?

Tới hai giờ chiều thì bụng tôi căng như cái trống, tôi lại mon men tới bên vọng gác,

– Anh bộ đội ơi! Tôi xin phép vào nhà xí của trại để đi tiểu tiện có được không?

– Cần gì phải vào nhà xí! Anh cứ ngồi xuống vạch cu ra mà đái! Không ai thèm nhìn anh đái đâu!

Cố nín thêm chừng một giờ sau nữa, tôi cũng đành phải mở nút quần. Tôi nhắm mắt, đái đại ngay trên lề cỏ bên đường.

Ðồng hồ tay của tôi chỉ đúng 4 giờ chiều thì tên cán bộ mới xuất hiện. Vừa phóng lên yên sau, y đã hối,

– Khẩn trương lên! Họp hành gì mà lâu quá! Tôi đói lắm rồi! Anh mau mau chở tôi về lại Tòa Ðô Chánh! Mau lên! Mau lên!

Trên đường về, thằng Việt-Cộng không còn kê súng lên đầu tôi nữa.

Vì đã biết đường đi, nên lúc về tôi không bị lạc. Tới cổng Tòa Ðô Chánh tên cán bộ xuống xe, rồi mở cái cặp da,

– Anh tính tiền xe ôm thuê bao cả ngày hôm nay là bao nhiêu? Tôi sẽ trả cho anh! Anh làm việc có lương tâm lắm! Tôi tuyên dương anh đấy!

Thì ra thằng Việt-Cộng này tưởng lầm tôi là một anh chạy xe ôm! Tôi nói,

– Anh nhầm rồi! Tôi không phải xe ôm! Nhưng thôi! Anh không cần trả tiền tôi, mà hãy ký cho tôi cái giấy chứng nhận rằng anh đã trưng dụng tôi chạy xe đưa anh đi công tác suốt ngày nay để tôi xuất trình cho Ủy Ban Quân Quản Thành Phố. 

Nghe tôi nói, tên cán bộ hơi ngẩn người ra một giây, rồi nhẹ giọng,

– Vậy thì xin lỗi anh nhé! Ðược rồi! Tôi sẽ ký giấy làm chứng cho anh.

Nói xong, y mở cái cặp da, rút ra một quyển sổ công lệnh của Quân Khu 7, tờ nào cũng có con dấu đỏ chót.

Y xé một tờ rồi ghi trên đó mấy chữ:

“Chứng nhận đã sử dụng nhân công này từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều ngày 20 tháng 5 năm 1975” 

Y ký tên rồi đưa tờ công lệnh cho tôi,

– Ði đi! Yên chí sẽ không có ai làm khó dễ anh đâu!

Quá 5 giờ chiều tôi mới tới cái lều bán cháo lòng của chị Bền. Thấy tôi, chị Bền lo lắng hỏi,

– Ủa! Sao giờ này chú mới tới? Trưa nay anh Bền và mấy ông phòng “ZÉT” không ra ăn cơm. Chú vào trong đó xem có gì lạ thì ra báo cho chị hay.

Tôi khóa xe rồi đi vào trại. Khu doanh trại của bộ đội vẫn sinh hoạt bình thường. Dãy nhà ngang là khu tiếp quản chỉ còn một phòng Y là có người. Phòng Z cửa cũng mở toang, cái bảng carton 40X40 cm có chữ “Z” đã bị gỡ bỏ, trong phòng không thấy bóng dáng ai.

(còn tiếp