Lời Giới Thiệu: Hiện thời, hàng năm, cứ tới ngày 15 tháng 4 thì chính quyền Cộng-Sản của Thành Phố Pleiku lại tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến Thắng Cứ Điểm 711 tháng 4 năm 1974. Tuy vậy, đa phần dân chúng Pleiku đã không biết rõ vì sao lại có lễ hội này. Trong hồi ký “Cao Nguyên sau ngày đình chiến” của Vương Mộng Long có một chương đặc biệt tường thuật thật chi tiết diễn tiến của trận ác chiến đã xảy ra trên Cứ Điểm 711 năm xưa. Hy vọng hồi ký này sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của dân chúng Pleiku và giúp các bạn trẻ Việt-Nam đang lưu tâm tới công việc sưu tầm chiến sử có thêm tài liệu để tham khảo.
Trong thời gian giải lao giữa giờ họp, tôi kéo áo Trung tá Huấn giựt giựt mấy cái rồi lớn tiếng nói đùa,
– Nếu Việt Cộng mà bao vây Pleime, tôi sẽ kêu ông vào cứu đó nghe!
Ông Huấn nhanh nhảu giơ tay cam kết,
– Ô kê đô! Nếu ông bị đánh, cứ hô một tiếng là tôi đem cả liên đoàn vào cứu ngay!
Thấy thế, anh Nguyễn Ngọc Di đứng gần đó cũng buồn rầu góp lời,
– Còn tôi thì chỉ trông cậy vào sự hên xui của số mạng. Chia tay lần này, không biết mai đây chúng mình có còn nhìn thấy nhau nữa hay không?
Nghe ông bạn vong niên thở than, tôi bỗng chạnh lòng an ủi anh Di,
– Anh là người nhân hậu thật thà, chắc chắn Trời Phật sẽ che chở cho anh. Ðừng lo lắng quá làm gì cho nó khổ cái thân già.
Anh Di người Huế, lớn hơn tôi gần chục tuổi; tôi và anh quen nhau từ năm 1966. Ngày đó anh Di là Trung úy Ðại đội trưởng Ðại Ðội 311 còn tôi là một thiếu úy chân ướt, chân ráo mới từ Ðà Nẵng vừa vào Pleiku chưa có chức vụ gì. Anh Di thường cho tôi quá giang trên chiếc Jeep của anh từ Biển Hồ đi Pleiku. Vợ anh Di là chủ một tiệm tạp hóa nằm trên đường Lê Lợi, tôi thường mua thuốc lá ở cửa hàng này. Tôi và anh Di đã trải qua gần chục năm sát cánh, chiến đấu bên nhau.
Tôi đã biết, hiện thời tiền đồn Dak Pek đang nằm heo hút tít mù xa, cách tỉnh lỵ Kon-Tum hơn 80 cây số đường chim bay, yểm trợ thì khó khăn, hạn chế, không thể cứu viện, không đường rút lui, chắc chắn không sớm thì chầy, căn cứ này cũng rơi vào tay Cộng Quân.
Ðã có lần, trong một buổi họp với quân đoàn, tôi mạnh miệng đề nghị đóng cửa tiền đồn này, rút Tiểu Ðoàn 88 Biên Phòng về Kon-Tum để tiết kiệm xương máu của quân mình nhưng ý kiến của tôi không được Tư Lệnh Quân Khu chấp thuận.
Tôi móc túi lấy bao Lucky đưa cho anh Di,
– Trước ngày lên đường anh hãy hút một điếu Lucky của tôi để lấy hên!
Bạn tôi rút một điếu thuốc kẹp vào giữa hai ngón tay, rồi nhìn tôi với ánh mắt đượm buồn,
– Lần đầu tiên mình gặp nhau tháng 10 năm 1966 Long mời mình một điếu Lucky không đầu lọc. Vì “gu” của mình là Salem nên mình đã không chịu nhận điếu thuốc Long cho, vì thế mà Long đã giận mình cả tuần lễ sau mới nguôi. Kỳ này thì mình sẽ hút thuốc Long mời, biết đâu có thể đây là lần cuối cùng bạn còn nhìn thấy mình, mời mình hút thuốc.
Tôi xoè bàn tay ra để bịt miệng anh Di,
– Ðừng nói gở! Ðừng nói gở!
Quả thực tôi không biết hôm đó anh Di đã buột miệng “nói gở” hay anh Di vừa linh cảm thấy điều gì đó không tốt đẹp sắp xảy ra?
Buổi sáng ngày cuối cùng của tháng 3 năm 1974, một chiếc trực thăng cất cánh từ Kon-Tum ghé sân Biệt Ðộng Quân Pleiku đón tôi. Trên tàu đã có sẵn hai hành khách, đó là ông Trung tá Chính, Liên đoàn phó Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân và ông Chuẩn úy Nguyễn Tiến Dũng, Sĩ Quan Trợ Y mới ra trường.
Bộ chỉ huy Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân hiện thời trú quân ở đồi Ba Chấm trên Kontum, Trung tá Từ Vấn, Liên đoàn trưởng đang bận họp hành quân nên nhờ Trung tá Chính đưa tôi vào Pleime.
Ngày đầu ở tiền đồn Pleime thật là dở khóc, dở cười.
Tôi đã không chịu ký vào ba xấp giấy phụ bản bàn giao chỉ vì:
Trên phụ bản quân số thì có 92 quân nhân chỉ có tên mà không có mặt khi điểm danh.
Trên phụ bản tiếp liệu ghi còn tồn kho 400 bộ đồ hoa nhưng trong kho thì trống rỗng. Anh em trong đơn vị than phiền rằng cả năm nay không có quần áo mới. Khi có phái đoàn thanh tra tới thì những người áo quần rách rưới quá bị dẫn ra suối để tránh mặt.
Trên phụ bản ẩm thực ghi rõ món nợ trùng dụng gần nửa triệu đồng chưa chứng minh. Mỗi khi lãnh lương thì tiểu đoàn trưởng phải ký nợ tiền ăn tháng sắp tới, vì tiền ăn tháng đó đã bị Ngân Khố trừ nợ hết rồi.
Tôi đòi hỏi phải có ba phụ bản mới, trong đó Trung tá Chính phải ký tên làm chứng. Ba phụ bản đó gồm có:
Bản ký nhận quân số tại hàng. Ông cựu tiểu đoàn trưởng phải chịu trách nhiệm báo cáo vắng mặt hay báo cáo tầm nã 92 người vắng mặt ngày hôm đó.
Bản danh sách xin bổ sung quân trang khẩn cấp cho tất cả quân nhân tại hàng. Trung tá Chính sẽ đem về trao cho Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân giải quyết.
Bản danh sách ứng tiền ăn mới, không liên quan tới những nợ nần đã có trước của đơn vị.
Trong danh sách ứng tiền ăn này, tôi ra lệnh trừ tiền ăn tất cả mọi người, không ai được miễn trừ, kể cả tôi, tiểu đoàn trưởng. Tới kỳ nhận tiếp tế, thực phẩm sẽ được chia đồng đều, phần của ông thiếu tá tiểu đoàn trưởng cũng giống y như phần của anh binh nhì, không khác gì nhau.
Xưa nay, trong đơn vị này, hàng chục quân nhân thân cận tiểu đoàn trưởng và cả ông tiểu đoàn trưởng đã được ông ta cho miễn trừ tiền ăn. Những người này cuối tháng được lãnh toàn số lương, không bị trừ đồng nào, nhưng khi tiếp tế thì họ vẫn được lãnh phần như người khác. Như thế có nghĩa là những người khác đã đóng tiền để nuôi họ. Ðây là một hành động ăn cắp bỉ ổi không thể chấp nhận được.
Sau khi đưa tôi đi quanh doanh trại một vòng để quan sát hệ thống bố phòng, lúc trở về, Thiếu tá Bé cho tôi biết tin rằng cái đơn xin thuyên chuyển về phục vụ nơi nguyên quán của ông ta đã được thượng cấp chấp thuận.
Do đó, ông Bé xin tôi cho ông ta theo chân Trung tá Chính trên chuyến bay rời Pleime ngay sau khi bàn giao.
Trung tá Chính cũng cho tôi biết người thay chỗ cho Thiếu tá Bé sẽ là một đại úy gốc Lực Lượng Ðặc Biệt, sĩ quan Võ Bị, khóa đàn em của tôi.
Từ ngày thứ nhì, tôi bắt đầu hướng dẫn đơn vị tập cho quen với nếp sinh hoạt mới.
Ðiều cấm kỵ nghiêm ngặt thứ nhất là lính gác tuyệt đối không được hút thuốc trong phiên trực, dù là ban ngày, hay ban đêm.
Ðiều cấm kỵ thứ hai là không được uống rượu đế, rượu trắng trong doanh trại.
Ðiều cấm kỵ thứ ba là không được bài bạc dưới bất cứ hình thức nào.
Trong mười năm chỉ huy, tôi đã thấy những cái chết thảm khốc, mất đồn, mất chốt, chỉ vì quân ta cứ ham mê đỏ đen, tụ tập say sưa, bù khú, lơ là canh gác, nên Ðặc Công mới chui được vào vị trí đóng quân mà đánh phá.
Ngay buổi trưa ngày thứ nhì, tôi đã ra lệnh tất cả dụng cụ phục vụ các trò chơi như xóc đĩa, bài cào, tứ sắc, xập xám, và cả những bộ Domino đều bị tịch thu và thiêu hủy.
Tôi thẳng thắn tuyên bố rằng, những ai thấy không thể tuân theo những luật lệ trên thì cứ trình diện tôi xin đi đơn vị khác, tôi sẽ cấp sự vụ lệnh cho đi ngay.
Hình như sự có mặt của tôi đã làm đảo lộn nhiều thói quen trong sinh hoạt hằng ngày của đơn vị này. Những nhân viên làm việc trong bộ chỉ huy tiểu đoàn, trừ ông Thiếu úy Trần Văn Phước và Thượng sĩ Nguyễn Phường của Ban 2 từng làm việc dưới quyền tôi, thì người nào cũng lộ vẻ e dè, giữ kẽ mỗi khi tôi bước vào văn phòng, hay trung tâm hành quân.
Trung đội Trinh Sát 82 có khoảng gần hai chục quân nhân do Chuẩn úy Nguyễn Văn Trâm làm trung đội trưởng và Thượng sĩ Nguyễn Ngọc Sơn làm trung đội phó. Ngày tôi nhận tiểu đoàn, đầu tóc ông nào cũng dài thậm thượt, vậy mà thoáng cái, hai hôm sau, tóc ông nào cũng húi cua, ngắn như tóc tân binh.
Những ngày kế đó tôi phải đích thân đi tới quan sát ba cái tiền đồn cố định, trên Chư Hô, Chư Gô và đồi Bắc Pleime. Tại đây tôi trực tiếp hướng dẫn từng chuyện phải làm cho ba ông trung đội trưởng chỉ huy tiền đồn cách báo cáo tin tức, cách bố trí canh gác cũng như cách thiết trí con đường rút chạy khi bị địch tấn công quá mạnh.
Tôi đã biết ưu điểm của các đơn vị biên phòng là thám sát và cố thủ. Nhược điểm cần khắc phục là thiếu kinh nghiệm hành quân tấn công.
Thay đổi thói quen tác chiến của một đơn vị không phải là công việc dễ dàng.
Từ ngày thứ tư, tôi bắt đầu huấn luyện kỹ thuật dàn quân tấn công cho các đại đội. Dự trù thời gian huấn luyện dành cho mỗi đại đội sẽ là mười ngày, mười đêm.
Suốt thời gian huấn luyện này, Trung đội Trinh Sát 82 là thành phần trừ bị, sẵn sàng ứng phó với những biến cố xảy ra.
Tôi dự tính, sau khi 4 đại đội tác chiến đã được huấn luyện, tôi sẽ giải tán Trung đội Trinh Sát và thay vào đó là 6 toán viễn thám, đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu úy Trần Văn Phước.
Cũng trong thời gian này tôi nhận được một thuộc cấp cũ tới tiếp tay đó là Trung úy Trần Dân Chủ. Ông Chủ, khi còn mang lon thiếu úy, đã bị Việt Cộng bắt trong trận Ben-Het tháng 5 năm 1969.
Ông Chủ mới được trao trả tù binh cách nay vài tháng và được đưa về Tiểu Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân; nghe tin tôi vừa nhận chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 82 thì ông Chủ xin về làm việc với tôi.
Tôi cho Trung úy Nguyễn Trọng Thọ, sĩ quan Ban 3 tiểu đoàn giữ chức Ðại đội trưởng Ðại Ðội 2/82 thay thế cho Thiếu úy Phạm Ðại Việt đang nằm bệnh viện Pleiku; còn Trung úy Trần Dân Chủ sẽ thay thế Trung úy Thọ.
Phụ tá cho Trung úy Chủ là một hạ sĩ quan tham mưu rất siêng năng và lanh lẹ, đó là Trung sĩ 1 Lưu Ðức Hoàn.
Ðôi khi rảnh rỗi, tôi thường chỉ vẽ cho Trung úy Chủ và Trung sĩ Hoàn những nguyên tắc tham mưu binh đoàn; nhân dịp này mà Trung sĩ Hoàn có cơ hội mở mang kiến văn.
Nửa năm sau tôi đã ký tên chấp thuận cho chú Hoàn theo học Khóa Sĩ Quan Ðặc Biệt.
Tiếc thay, đúng thời điểm Trung sĩ Lưu Ðức Hoàn có mặt ở Tiền cứ Ban Mê Thuột để chờ nhận tờ Sự Vụ Lệnh theo học khóa Sĩ Quan Ðặc Biệt thì thành phố này bị Việt-Cộng tấn công.
Vì lý do đó mà tới ngày chiến tranh chấm dứt, Biệt Ðộng Quân Lưu Ðức Hoàn vẫn còn là một trung sĩ.
Rút kinh nghiệm từ các trận Lệ Minh và Bu Prang, địch thường dùng xe tank để uy hiếp tinh thần quân ta, do đó, song song với việc huấn luyện đơn vị tôi phải đích thân đi thám sát những đường tiến sát mà xe tank địch có thể sử dụng để uy hiếp Pleime.
Kế đó, một khóa huấn luyện cấp tốc được tổ chức ngay trong sân cờ. Huấn luyện viên là Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng, học viên là năm sĩ quan Ðại đội trưởng, Trưởng ban 2, Trưởng ban 3, Trung đội trưởng Trinh Sát, và Trung đội trưởng Pháo Binh Biên Phòng.
Tôi đã đích thân hướng dẫn thật chi tiết cho từng người nắm vững thứ tự công việc phải làm và từng động tác phải làm để gài một quả mìn.
Tôi nhấn mạnh công tác ngụy trang một quả mìn một cách thật tỉ mỉ, vì đây mới là mục đích sau cùng của bài học.
Bí quyết ngụy trang này chỉ là một mẹo vặt rất dễ thi hành, nhưng ít ai nghĩ tới. Có thể Viễn Thám của Phòng 2/Biệt Ðộng Quân Quân Khu 2 là đơn vị độc nhất của Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa đã áp dụng bí quyết đó một cách hiệu quả trong suốt thời gian tôi giữ chức vụ chỉ huy đơn vị này.
Muốn nguỵ trang một hố mìn, ta phải làm đúng theo thứ tự sau:
Gắn ngòi nổ xong thì ta phủ một lớp đất mỏng che mặt quả mìn.
Ðặt một cục đá dẹp lên trên quả mìn.
Kế đó, để một lưỡi xẻng hay một miếng kim loại rỉ sét lên trên cục đá.
Lấp một lớp đất mỏng lên trên lưỡi xẻng hay miếng kim loại.
Xóa dấu vết toàn khu vực trước khi rời đi.
Máy rà mìn của địch sẽ reo khi rà sát mặt đất có lưỡi xẻng hay miếng kim loại.
Vì thấy dưới miếng kim loại chỉ có cục đá nên chắc chắn chúng sẽ ơ hờ, bỏ qua.
Chúng đâu ngờ dưới cục đá còn có quả mìn!…
Máy dò của Việt-Cộng đi trước, tank của Việt-Cộng bò theo sau, bánh xích xe tank sẽ cán lên cục đá, thế là … “Ùm!”
Ðể tránh sự nghi ngờ của địch, ta phải đặt mìn với khoảng cách khá xa nhau, và đặt với vị trí dích dắc…
Ngay hôm sau ngày huấn luyện, đoạn đường xe be dốc Tây suối Ia Mê, đã có bốn quả mìn chống chiến xa được an bài.
o O o
Cứ Ðiểm 711 tháng 4 năm 1974: Một chống lại mười
Trong địa phận Pleiku thì tôi biết rõ ràng rằng, mục tiêu của địch sẽ là một trong ba trọng điểm: Quận lỵ Thanh-An, Quận lỵ Phú-Nhơn và Căn Cứ Biên Phòng Pleime.
Hiện thời, đại quân của Cộng-Sản đang tập trung trong thung lũng Ia Drang.
Vì thế, nếu đánh Thanh-An địch sẽ sử dụng Quốc lộ 19 còn đánh Phú-Nhơn hay Pleime thì chúng phải chuyển quân theo con đường vừa được phát quang.
Thời gian này Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Ðoàn II đã vinh thăng Trung tướng.
Một tuần lễ sau khi vào Pleime, tôi bị gọi về trình diện Trung tướng Tư Lệnh nhận nhiệm vụ đem quân ra Căn Cứ Hỏa Lực 711 để xây dựng một căn cứ hỏa lực mới rộng lớn hơn. Căn Cứ 711 hiện thời sẽ bị phá đi.
Tướng Toàn cho tôi biết trong thời gian sắp tới, địch sẽ tung quân cắt đứt Quốc Lộ 14 một thời gian để Trung Ðoàn 470 Vận Tải của chúng có thể dùng cơ giới thi hành một chuyến tiếp tế quân lương cho lực lượng Cộng Sản dưới duyên hải.
Nhiệm vụ của tôi là cố gắng phát giác và cầm chân, không cho đoàn xe của địch vượt qua sông Ia Tur.
Lệnh của quân đoàn đưa ra thật gấp gáp, tôi chỉ kịp tập họp Trung đội Trinh Sát và hai Ðại đội 2 và 3 rồi chuẩn bị lên đường. Ông tân Tiểu đoàn phó là Ðại úy Quách Cơ Bình mới thấy tên trên công điện thông báo, nhưng chưa đáo nhậm, do đó Trung úy Nguyễn Như, Trung đội trưởng Pháo Binh Pleime đương nhiên trở thành người chỉ huy phòng thủ căn cứ biên phòng này trong thời gian tôi dẫn quân xuất trại. Ðại đội 4 canh gác trại và giữ ba cái tiền đồn; Ðại đội 1 đóng trụ tại vùng 4 cây số Bắc Pleime.
Tiếp theo đây là diễn tiến trận đánh lịch sử đã xảy ra trên Căn Cứ Hỏa Lực 711 Pleiku vào tháng 4 năm 1974.
(còn tiếp)