Lời Giới Thiệu:  Hiện thời, hàng năm, cứ tới ngày 15 tháng 4 thì chính quyền Cộng-Sản của Thành Phố Pleiku lại tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến Thắng Cứ Điểm 711 tháng 4 năm 1974. Tuy vậy, đa phần dân chúng Pleiku đã không biết rõ vì sao lại có lễ hội này. Trong hồi ký “Cao Nguyên sau ngày đình chiến” của Vương Mộng Long có một chương đặc biệt tường thuật thật chi tiết diễn tiến của trận ác chiến đã xảy ra trên Cứ Điểm 711 năm xưa. Hy vọng hồi ký này sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của dân chúng Pleiku và giúp các bạn trẻ Việt-Nam đang lưu tâm tới công việc sưu tầm chiến sử có thêm tài liệu để tham khảo.

Là một sĩ quan cấp nhỏ, nhưng vì có cái tật bao sân, bao đồng, nên tôi lo lắng băn khoăn, không biết tương lai của Cao Nguyên sẽ ra sao.

Tôi thấy, chỉ vài tháng sau Ngày Ðình Chiến 27 Tháng 1 Năm 1973 do Hiệp Ðịnh Paris được ký kết, trên lãnh thổ Vùng 2 Chiến Thuật của Việt-Nam Cộng-Hòa đã bắt đầu có những vụ chạm súng nhỏ do lấn đất giành dân.

Rồi địch mỗi ngày mỗi đông hơn, mạnh hơn, chiến tranh từ từ leo thang trở lại.

Trong các cuộc giao chiến, quân số và hỏa lực yểm trợ của địch mạnh hơn ta gấp nhiều lần.

Cứ mười đánh một, trận nào địch cũng chiếm thế thượng phong.

Một đơn vị cấp tiểu đoàn của ta bị tan tành chỉ sau vài tiếng đồng hồ giao tranh không còn là chuyện hy hữu nữa.

Vì lý do đó, chuyện mất tiền đồn đã xảy ra hàng tháng, hàng tuần.

Tôi là người đã tận mắt chứng kiến những trận đánh bất cân bằng lực lượng ở Cao Nguyên diễn ra như thế nào, và tôi cũng là người đã từng chiến đấu trong tình trạng một chống mười như thế nào.

Chiến tranh qua lâu rồi, giờ đây nhìn lại, bỏ chút thời giờ nghiên cứu và phân tách tình hình, chúng ta sẽ nhận ra ngay lý do vì sao an ninh Cao Nguyên thời gian đó lại suy sụp như vậy.

Chỉ vì, sau đình chiến, viện trợ bị cắt giảm, yểm trợ của Không Lực Ðồng-Minh cũng chấm dứt, do đó, quân ta hoàn toàn ngưng các cuộc hành quân tấn công quy mô tốn kém.

Các đại đơn vị thì bị chia nhỏ để phòng thủ thành phố, quận lỵ, hay chốt giữ trục lộ, cầu đường.

Quân ta tối ngày cứ phải lo chuyện tiếp tế lương thực, đạn dược, xăng dầu.

Trong khi đó thì địch cứ thảnh thơi dưỡng quân, tự do canh tác hoa màu.

Ðường tiếp vận của địch không còn bị oanh tạc, đánh phá, nên lương thực, đạn dược thừa mứa khỏi lo.

Thêm vào đó, Việt-Cộng còn được Liên-Xô và Trung-Cộng tranh nhau viện trợ để giành ảnh hưởng, nên ta có yếu thế hơn địch cũng là lẽ đương nhiên.

Vì không phải phòng thủ, không phải chia quân giữ đất, nên địch có thể tập trung tối đa lực lượng mỗi khi cần.

Ðịch ở vào thế hoàn toàn chủ động nên những khi quyết định khai triển một chiến dịch, chúng đều cho trinh sát điều nghiên mục tiêu thật kỹ càng, rồi mới tổ chức lực lượng, phân nhiệm.

Ðợi khi các đơn vị tham chiến đã thực tập thật nhuần nhuyễn, chúng mới định ngày ra quân; ra quân là chắc thắng.

Trong hai năm 1973-1974, trước ngày xảy ra cuộc rút lui tự sát của Quân Ðoàn II trên Liên Tỉnh Lộ 7B tháng 3 năm 1975 thì trên chiến trường Cao Nguyên chỉ có duy nhất một lần Việt-Cộng bị thua, đó là trận Pleime 33 ngày đêm diễn ra từ cuối tháng 7 tới đầu tháng 9 năm 1974.

Xem thêm:   Allen PAC

Trước Pleime 1974, không có trận nào quân ta trụ được quá một ngày.

Nhưng trên thực tế, dù là trận chiến nửa ngày hay trận chiến một ngày thì những trận chiến này cũng là một phần của lịch sử chiến tranh Việt-Nam.

Tình hình Cao Nguyên 1973 

o O o

Trận Lệ Minh 1973…

Lệ Minh là một Căn Cứ Biên Phòng nằm cách thành phố Pleiku hơn 40 cây số về hướng chính Tây. Tên nguyên thủy của căn cứ này là Camp Plei Djereng.

Thời kỳ còn sự hiện diện của Quân Ðội Ðồng-Minh thì Camp Plei Djereng được Lực Lượng Ðặc Biệt Hoa-Kỳ xây dựng lên và giao cho một đơn vị Dân Sự Chiến Ðấu trấn giữ.

Năm 1970, đơn vị Dân Sự Chiến Ðấu này được cải tuyển thành Tiểu Ðoàn 80 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng; Camp Plei Djereng cũng đổi tên thành Căn Cứ Biên Phòng Lệ Minh.

Cuối năm 1970 tôi đã từng vào căn cứ này giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 80 Biên Phòng, nhưng vì lý do riêng, tôi đã sớm rời khỏi nơi đây. Người kế nhiệm tôi là Ðại úy Khánh.

Sau khi tôi ra đi ít lâu, ông Khánh đã chết trong một vụ pháo kích. Tiếp đó, một vài vị sĩ quan theo chân nhau nhận nhiệm vụ chỉ huy Lệ Minh. Người ở lâu nhất là Thiếu tá Nguyễn Công Thông, với thời gian trên, dưới một năm.

Ít lâu sau Hòa Ðàm Paris 1973, Ðại tá Phạm Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân Quân Khu 2 giao quyền chỉ huy Tiểu Ðoàn 80 và Căn Cứ Biên Phòng Lệ Minh cho Ðại úy Lê Văn Chương, khóa 19 Võ Bị.

Thời gian Lệ Minh nằm dưới quyền của Ðại úy Chương thì quân ta và quân địch không hề có cuộc giao tranh nào xảy ra.

Cơ quan An-Ninh Quân-Ðội của ta được mật báo rằng, sở dĩ tình hình vùng này yên tĩnh là vì hai bên có hiệp ước bất tương xâm, Việt-Cộng sẽ không bắn phá hay pháo kích vào căn cứ, nếu chúng không bị đánh trước.

Ðáp lại, nếu ta vi phạm tấn công trước thì ta sẽ bị địch đáp trả gấp 10 lần.

Do tin tức này mà một phái đoàn thanh tra đã được gửi vào Lệ Minh để tìm hiểu sự tình.

Biết tin sẽ có thanh tra, Ðại úy Chương đã nhiều lần báo cho Ðại tá Tất biết rằng tình hình Lệ Minh rất nguy hiểm. Nếu phái đoàn bất chấp khuyến cáo của ông Chương thì ông ta sẽ không chịu trách nhiệm đối với những bất trắc sẽ xảy ra.

Theo chương trình vạch sẵn, một ngày tháng 8 năm 1973 phái đoàn thanh tra của Quân Ðoàn II có mặt tại sân trực thăng Biệt Ðộng Quân. Trung tá Lương Văn Hơi, sĩ quan phụ tá của chỉ huy trưởng sẽ là người hướng dẫn đoàn thanh tra này.

Sáng hôm đó Trung tá Hơi bị bệnh bất ngờ, tôi được lệnh bay theo phái đoàn thay thế ông Hơi.  Khi trực thăng sắp cất cánh tôi lại được lệnh lên Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II đi bay  thám sát vùng Tây Nam Pleime cùng ông sĩ quan chỉ huy Biệt Ðội Tác Chiến Ðiện Tử của Quân Ðoàn II,  do đó Trung úy Lập, Sĩ quan Không Trợ Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 sẽ thay thế tôi đi bay.

Ngay giờ phút chiếc trực thăng chở phái đoàn thanh tra quân đoàn hạ cánh trên sân bay Lệ Minh thì hai khẩu đại bác 105 ly Biên Phòng đồng loạt khai hỏa cho bốn viên đạn bay vào trong núi.

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

Vì không có ai đón tiếp nên các vị thanh tra đành tụ họp trước cổng trại Lê Minh để đợi chờ.

Nào ngờ, bị 105 ly của quân ta pháo kích, Việt-Cộng bèn đáp lại bằng cối 120 ly. Từ hướng Tây, bốn khẩu cối của địch cứ nhẩn nha gởi đạn đi. Trong thời gian năm phút đồng hồ, 40 viên đạn 120 ly đã nối đuôi nhau xé gió rớt trên căn cứ và trên sân bay. Ðịch quân đã giữ đúng giao ước là bị bắn 1 viên, sẽ đáp trả đúng 10 viên!

Kết quả vụ đọ súng hôm đó đã khiến cho vài vị sĩ quan thanh tra quân đoàn đền nợ nước, vài vị khác bị thương, anh Trung úy Lập thoát chết vì kịp thời nhảy xuống núp dưới cái mương thoát nước.

Hồi tưởng lại chuyện này, tôi thấy số tôi và số ông Trung tá Lương Văn Hơi quả là rất may mắn!

Ngày hôm sau Ðại úy Lê Văn Chương bị triệu hồi về Pleiku để nhận cái giấy phạt 40 Trọng Cấm cùng tờ sự vụ lệnh lên đường xuôi Nam đáo nhậm đơn vị mới.

Tôi hỏi anh Chương rằng cấp trên đã nại lý do gì để phạt anh, thì anh cho tôi hay, trên giấy phạt ghi chú là: “Tắc trách trong công tác bảo vệ an ninh cho phái đoàn thanh tra.”

Ðại úy Chương cũng than phiền với tôi và vài bạn khác rằng anh ấy bị phạt oan, sở dĩ anh cho bắn bốn phát đại bác vào núi là để chào mừng phái đoàn thanh tra, chứ không phải để khiêu khích Việt-Cộng. Tôi nghĩ rằng không ai tin lời anh Chương cả.

Sau khi vào Nam, anh Lê Văn Chương được giao cho giữ chức vụ Trưởng ban 3 Liên Ðoàn 7 Biệt Ðộng Quân, và tiếp tục ở vị trí này với cái lon đại úy cho tới ngày chiến tranh chấm dứt.

Người thay thế Ðại úy Lê Văn Chương để chỉ huy Lệ Minh là Ðại úy Nguyễn Ngọc Quang, biệt danh là “Quang Con”. Ông đại úy này xuất thân khóa 15 Thủ-Ðức.

Một tuần lễ trước ngày Lê Minh bị tấn công, tôi đã gặp Trung tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Ðoàn II và được Trung tá Tiếu cho hay rằng, theo tin A2 thì trong tương lai gần, địch sẽ tấn công Lệ Minh. Lực lượng địch tham chiến sẽ gồm Trung Ðoàn 48 của Sư Ðoàn 320A và một trung đoàn pháo hỗn hợp. Thêm vào đó còn có sự trợ lực của một đơn vị xe tank và Tiểu Ðoàn 631 Pháo của Tỉnh Ðội Gia-Lai Việt-Cộng.

Ông Tiếu dặn dò tôi phải khuyến cáo ông tiểu đoàn trưởng hãy lưu tâm chuẩn bị hầm hào để chống lại một cuộc tấn kích của Tiểu Ðoàn 631 Pháo. Tuyệt nhiên tôi không được hé răng nhắc tới tên Trung Ðoàn E48 và các đơn vị yểm trợ khác của Việt-Cộng như Tiểu Ðoàn D14 súng cối và Tiểu Ðoàn D16 xe tank trang bị súng cao xạ.

Sở dĩ có chuyện che giấu này chỉ vì Trung tá Trịnh Tiếu e ngại rằng, nếu biết địch quá đông, quá mạnh, ông tiểu đoàn trưởng sẽ mất tinh thần không dám chiến đấu, sẽ dẫn quân bỏ đồn mà chạy trước khi có tiếp viện.

Thời gian này có một đại úy từ trong Nam thuyên chuyển ra. Ðây là một sĩ quan đàn em của tôi, anh ta tên là Hoàng Nghĩa Hội, dân Bắc Di Cư 1954, tốt nghiệp khóa 21 Võ Bị. Năm 1964 tôi là người huấn luyện anh Hội những ngày đầu quân ngũ.

Xem thêm:   Sân bên Side Yard

Tôi có ý giới thiệu Hội về Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân giữ chức Tiểu đoàn phó cho Ðại úy Nguyễn Lạn khóa 20 Võ Bị, nhưng Hội lại muốn vào Lệ Minh làm phó cho ông Quang Con vì Hội và Quang là bạn thân ở trong Nam.

Dịp này tôi nhận được một chuẩn úy vừa thụ huấn xong lớp Tình Báo Cây Mai. Ông chuẩn úy này tên là Dao, cũng là dân Bắc Di Cư nhưng tuổi còn rất trẻ. Tiểu Ðoàn 80 hiện thời không có sĩ quan Quân Báo nên Chuẩn úy Dao được chỉ định bổ sung làm sĩ quan Ban 2 cho đơn vị này.

Ngày 19 tháng 9 tôi đã đích thân đưa Ðại úy Hội và Chuẩn úy Dao vào Lệ Minh.

Vì đã được lệnh giấu kín tin tức địch và tình hình nguy kịch mà Lệ Minh sẽ hứng chịu trong tương lai, nên tôi chỉ còn cách trao cho hai ông Hội và Dao tần số riêng của tôi với lời dặn dò:

“Danh hiệu của tôi là Thái Sơn, nếu có gì thì gọi tôi trên số nhà này.”

Trước khi nhảy xuống phi đạo Lệ Minh, chú Hội bóp chặt bàn tay tôi,

– Danh hiệu của Hội là Hoàng Hoa. Niên trưởng nhớ đấy nhé!

Thế rồi, chuyện gì phải đến, đã đến… địch tấn công Lệ Minh.

Trưa 22 tháng 9 năm 1973 sĩ quan trực Trung Tâm Hành Quân hớt hải tìm gặp tôi,

– Thái Sơn vào máy, có ông phó của Lệ Minh xin gặp.

Tôi xuống hầm cầm ống nghe, qua máy 74, chúng tôi có thể nói chuyện bằng bạch văn,

– Hoàng Hoa có gì thì nói đi! Thái Sơn nghe!

Ðầu máy bên kia, tiếng của Hoàng Nghĩa Hội rất nhỏ, có vẻ như chú ấy đang lo lắng lắm,

– Niên trưởng ơi! Tôi mới nghe tụi lính nói rằng, từ ngày niên trưởng Chương về làm tiểu đoàn trưởng ở đây thì Biệt Ðộng Quân và Việt Cộng vẫn tắm chung một con suối nhưng không bắn nhau. Hôm nay tụi Việt Cộng không xuống suối tắm mà lại bảo mấy thằng lính của mình mau chạy về đồn, chui xuống hầm mà trốn, sắp đánh nhau rồi!

– Ông Quang đâu? Ông Quang có phản ứng ra sao?

– Quang đang cho báo động.

Rời trung tâm hành quân, tôi lên văn phòng chỉ huy trưởng, gặp Ðại tá Tất. Nghe tôi kể chuyện Ðại úy Hội vừa báo cáo, Ðại tá Tất nói,

– Cậu lấy C&C lên vùng, tui sẽ nói chuyện với ông Toàn xin yểm trợ và tăng viện.

Chỉ mười phút sau tôi và toán viễn thám của Hạ sĩ Nguyễn Ba đã có mặt trên sân trực thăng.

Ðúng 1 giờ 30 trưa, máy bay của tôi cất cánh.

Trời trong xanh, mây quang nên còn cách Lệ Minh cả chục cây số tôi đã thấy những cột khói đen, khói trắng cao ngút bốc lên từ căn cứ này. Lệ Minh đang bị địch pháo kích!

Tôi vào tần số gọi Lệ Minh nhưng chỉ nghe được tiếng trái phá, tiếng lựu đạn và tiếng súng tay nổ giòn, người đầu máy bên kia nói gì tôi không nghe rõ.

Cứ nhìn những tia lửa cầu vồng theo đuôi nhau bay vào ngọn đồi chỉ huy của Lệ Minh tôi đã thấy hoa cả mắt.

Tôi và Hạ sĩ Ba, trưởng toán viễn thám thay nhau gọi hết hơi mà không nghe được tiếng người dưới đất trả lời.

Tôi bay vòng vòng hướng Ðông của Lệ Minh một thời gian chừng nửa tiếng đồng hồ thì thấy máy bay trinh sát của ta xuất hiện.

(còn tiếp)