Những tưởng trẻ sơ sinh chỉ biết ngủ và bú là một sai lầm. Loạt nghiên cứu mới cho thấy em bé vài tuần hoặc vài tháng tuổi đã có thể biết nhiều hơn người ta nghĩ. Phản ứng của chúng đối với thế giới bên ngoài có thể đem lại nhiều bất ngờ thú vị.

nguồn Washington Post

Mái tóc vàng và đôi mắt xanh làm cho bé Victoria Bateman trông thật kháu khỉnh. Sáu tháng tuổi, bé dường như chẳng cảm nhận được gì. Vào một buổi chiều nóng nực tháng 6 tại Lubbock, Texas, bên trong phòng thí nghiệm khoa học tại Ðại học Công nghệ Texas, hai mẹ con Victoria bắt đầu tham gia một thí nghiệm. Giáo sư Sybil Hart đang hướng máy quay vào hai mẹ con. Mọi thứ đã xong. Hart đặt vào tay bà mẹ, Cheryl Bateman, quyển sách thiếu nhi và yêu cầu cô làm ra vẻ chăm chú đọc. Khi hai người lớn trò chuyện, bé Victoria nhìn quanh phòng, tỏ ra thụ động và hơi buồn. Sau vài phút, Hart rời phòng và trở lại với con búp bê trông y như thật. Hart đặt nó vào tay Cheryl và bảo cô ôm búp bê, giả vờ không để ý tới Victoria. Cheryl làm bộ đu đưa, ôm ấp và thì thầm với búp bê. Chẳng lâu sau, bé Victoria quẫy đạp và khóc nức nở như thể ganh tị. Hơn 10 tháng, giáo sư Hart làm đi làm lại tình huống trên hàng trăm lần. Ðiểm giống nhau trong loạt thí nghiệm là các bé luôn thể hiện sự ghen tị.

Nghiên cứu trên có thể giúp các bác sĩ nhi đồng và nhà tâm lý trẻ em hiểu rõ hơn về khả năng cảm xúc và mức độ phát triển trí tuệ của bé sơ sinh. Suốt hàng chục thập niên, người ta từng tin rằng trẻ chỉ biết bắt chước người lớn và thể hiện những cảm xúc cơ bản nhất như buồn, vui, hờn, giận. Bây giờ khoa học mang lại nhiều bức tranh khác nhau về những gì diễn ra trong tâm hồn trẻ. Chúng có suy nghĩ phức tạp hơn được tưởng. Những đứa trẻ chỉ bốn tháng đã có khả năng suy luận và đoán những mô hình khó. Chúng còn có một “bảng màu” vô cùng hấp dẫn giúp nhận ra các chi tiết dù rất nhỏ, đặc biệt ở khuôn mặt – điều mà người lớn và những đứa lớn hơn không thể nhìn thấy được! Hơn thế nữa, một bé ba tháng tuổi có thể nhận ra mẹ trong một mớ ảnh lộn xộn…

Một trong những cảm xúc ít được biết ở trẻ là sự biểu hiện cảm thông. Martin Hoffman, giáo sư tâm lý Ðại học New York, nêu: “Mọi người luôn biết rằng bọn trẻ khóc khi chúng nghe những đứa trẻ khác khóc”. Một phần sự cảm thông có thể xuất phát từ kỹ năng nhận biết thế giới bên ngoài, bằng cách nhận ra cảm xúc từ biểu lộ nét mặt những người xung quanh. Diane Montague thuộc Ðại học Lasalle (Philadelphia) đã nhận biết vấn đề khi thực hiện một trò chơi ưa thích của trẻ. Ban đầu cô nhìn trẻ với nụ cười. Bọn trẻ tỏ ra rất vui và nhìn cô chăm chú. Nhưng khi cô nhìn chúng với vẻ mặt buồn bã thì sự đáp lại của trẻ cũng tương tự. Montague cho rằng những đứa trẻ nhỏ hơn sáu tháng có thể nhận thấy ý nghĩa trong biểu lộ cảm xúc…

Khi trẻ gần đến sinh nhật đầu tiên, chúng dần trở thành thành viên của xã hội phức tạp hơn. Chúng bắt đầu đoán ra người khác nghĩ gì thông qua ánh mắt mọi người xung quanh. Andrew Meltzoff, giáo sư tâm lý tại Ðại học Washington, cho biết bọn trẻ sẽ quan tâm đến cái gì và chúng dự định làm gì tiếp theo bằng cách quan sát. Meltzoff tin rằng kỹ năng trên không chỉ là cầu nối quan trọng tạo ra sự phát triển về mặt tình cảm và xã hội của trẻ mà còn giúp tiên đoán được sự phát triển ngôn ngữ về sau. Theo nghiên cứu Meltzoff, những đứa trẻ nào không quen quan sát trước sinh nhật đầu tiên thì kỹ năng ngôn ngữ ít phát triển hơn. Ðiều này giải thích tại sao ngôn ngữ xuất hiện chậm ở trẻ khiếm thị cũng như ở đứa trẻ mà mẹ chúng luôn buồn rầu.

Tại Ðại học Minnesota, nhà khoa học thần kinh Charles Nelson tiến hành một thí nghiệm thú vị. Ông cho nhóm trẻ sáu tháng tuổi xem ảnh một con tinh tinh và cho chúng thời gian để chúng ngắm cho tới khi hết hứng thú. Sau đó, ông lại cho chúng xem ảnh một tinh tinh khác. Bọn trẻ cảm thấy vui và lại nhìn chăm chú vào bức ảnh mới. Bọn trẻ dễ dàng nhận ra mỗi con tinh tinh như là một cá thể khác nhau. Khoảng 9 tháng, bọn trẻ bắt đầu mất đi khả năng nhận ra các chi tiết cực nhỏ (như trong thí nghiệm tinh tinh) nhưng đồng thời lại gia tăng khả năng quan sát các sự vật-hiện tượng khác. Lâu nay, người ta tin rằng trẻ dưới 9 tháng thì không thể nắm bắt được ý niệm về “sự vĩnh viễn của vật thể”. Nghiên cứu mới đây của nhà tâm lý học Su-hua Wang thuộc Ðại học California-Santa Crus cho thấy bọn trẻ có thể hiểu được khái niệm rất sớm khi chúng chỉ khoảng 10 tuần tuổi. Wang biểu diễn một màn múa rối cho nhóm trẻ hai-ba tháng tuổi. Mỗi trẻ đều nhìn thấy con vịt trên sân khấu. Sau đó cô che con vịt rồi lại lấy tấm che ra. Khi phát hiện con vịt biến mất, chúng chăm chú nhìn sân khấu trống rỗng và tìm kiếm. Su-hua Wang khẳng định: “Khi hai tháng tuổi, trẻ đã có ý nghĩ rằng đồ vật tồn tại vĩnh viễn”.

Lâu nay người ta biết rằng khoảng 15-20% trẻ em thường nhút nhát và lo sợ. Nghiên cứu gần đây của Nathan Fox thuộc Ðại học Maryland cho thấy nguyên nhân nhút nhát là do yếu tố môi trường. Lối sống và cách giáo dục của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến việc đứa trẻ sẽ trở thành như thế nào. Những đứa trẻ luôn được cha mẹ đùm bọc và không được khuyến khích vượt khỏi sự nhút nhát thì thường rất nhạy cảm và yếu đuối khi trưởng thành. Trong khi đó, trẻ được sinh ra bởi bậc bố mẹ tự tin thường giúp trẻ mạnh dạn khi chúng được thuyết phục thoát khỏi cái vỏ để có thể vượt qua các yếu tố được xem là hiểm họa ở thế giới bên ngoài. Gút lại, con của bạn mẫn cảm hơn bạn nghĩ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa bé sẽ bị tác động xấu nếu òa khóc trong vài phút khi bạn trả lời điện thoại; hoặc bé sẽ chấm dứt việc học nếu chứng kiến vài vụ tranh cãi giữa bố mẹ. Trẻ thường phát triển nhanh nhờ sự tương tác, nhưng cũng không có nghĩa chúng luôn cần đầy đồ chơi. Cuộc sống tình cảm và xã hội của trẻ thường bắt đầu bằng những cuộc trò chuyện sớm nhất giữa bố mẹ và trẻ. Chẳng sự tương tác nào giá trị hơn ánh mắt, nụ cười và cuộc trò chuyện thường xuyên giữa bố mẹ và trẻ…

MK

WestminSter, CA.