Bất chấp nhiều ý kiến chỉ trích rằng đa thê là hủ tục lạc hậu cần bỏ, chế độ nhiều vợ lắm con trong thế giới Hồi giáo vẫn bùng nổ và phát triển mạnh. Malaysia là một ví dụ…

Thế hệ phụ nữ Malaysia hiện đại dĩ nhiên không ủng hộ chế độ đa thê. ảnh: Total Sportek

Khi ông chồng không về nhà sau giờ làm việc, Zawiah Ismail 45 tuổi chẳng cần phải thức khuya chực cửa và lo lắng không biết ông la cà với ai. Bà chỉ cần gọi điện cho “bà cả” hoặc “bà hai” xem ông ấy có ở nhà họ không. Zawiah là cô vợ thứ ba của Mokhtar Samad 59 tuổi, một doanh nhân thành công, lập gia đình lần đầu năm 1970, lần hai 1981 và lần ba 1983. Bởi có ba vợ nên Mokhtar phải chia lịch “trực đêm” cho từng người. “Tôi cố hết sức có thể để làm họ vui và công bằng. Cứ thử hỏi họ xem thì biết” – Mokhtar nói…

Ða thê đang là một trong những đề tài xã hội nóng nhất Malaysia, với sự lên án ngày càng nhiều của các tổ chức nhân quyền và nữ quyền. Tuy nhiên, cán cân cuộc chiến chống luật đa thê, mặc nhiên như một phần trong luật Hồi giáo trong đó cho phép đàn ông được phép lấy bốn vợ, có vẻ đang nghiêng về phe ủng hộ nó! Cách đây vài năm, Nik Aziz, thủ lĩnh tinh thần đảng Parti Islam se-Malaysia, đã phát biểu trên tờ New Straits Times (Malaysia) rằng các lãnh tụ tinh thần Hồi giáo nên làm gương trong việc thực hiện chế độ đa thê. Một tổ chức xã hội cổ súy đa thê – Câu lạc bộ đa thê Ikhwan – thậm chí được thành lập để khẳng định tính “đúng đắn” của đa thê. Tổ chức này nằm dưới sự điều hành từ Global Ikhwan, doanh nghiệp kinh doanh bánh mì, mì ăn liền, thịt gà, thuốc tây, cà phê, dây chuyền siêu thị…

Sự xuất hiện Câu Lạc Bộ Ikhwan lập tức bị chỉ trích bởi người ta tin rằng nó đang cố làm sống dậy Al-Arqam, phong trào Hồi Giáo cực đoan bị Chính phủ Malaysia cấm hoạt động từ năm 1994 (Al-Arqam tin vào quyền lực siêu nhiên, từ chuyện bất tử đến khả năng có thể “bắn hạ” máy bay chỉ bằng cách chĩa ngón tay lên nó!). Tuy nhiên, CLB Ikhwan với hội viên khoảng 1,000 người (từ Malaysia, Indonesia, Úc, Singapore, Thái Lan, Trung Ðông…) nói rằng họ chẳng liên quan đến sự phục hưng Al-Arqam và rằng mục đích họ là giúp những bà mẹ đơn thân và phụ nữ độc thân tìm được chồng trước khi quá muộn. Hội viên CLB Ikhwan thường xuyên gặp gỡ và tư vấn nhau kinh nghiệm đời sống đa thê…

Ða thê không đơn giản là chuyện lấy nhiều vợ. Trong khi một số bang Malaysia yêu cầu chồng phải có tờ đơn chính thức đồng ý từ (những) người vợ hiện tại trước khi được tòa cho phép đăng ký kết hôn với người vợ khác nhưng, theo Sa’adiah Din (luật sư gia đình chuyên luật hôn nhân Hồi giáo), có không ít bang nay không còn tuân theo quy định trên. Hơn nữa, thân phận phụ nữ trong cuộc sống hôn nhân đa thê khó có thể hạnh phúc. Ðó là điều ai cũng có thể thấy.

Theo tác giả Mariam Mokhtar trong bài viết trên Asia Sentinel, tổ chức nữ quyền Hồi giáo Sisters in Islam mới đây đã công bố nghiên cứu cho thấy nhiều ông chồng lấy thêm vợ cốt chỉ để các bà nai lưng gánh vác thêm vấn đề tài chính cho gia đình vốn đã đông đúc và nặng gánh trách nhiệm của ông ấy. Ðó là lý do tại sao trong nhiều gia đình đa thê, người vợ hai thường có trình độ và thu nhập cao hơn vợ cả; vợ ba hơn vợ hai và vợ bốn hơn vợ ba!

Một ông chồng “may mắn” (Mohamad Ikram Ashaari và bốn người vợ cùng các con) ảnh: International Herald Tribune

Tác giả Mariam Mokhtar còn chỉ thêm rằng, đa thê không là giải pháp để kiểm soát các loại bệnh xã hội truyền nhiễm như nó hằng được tưởng. Khảo sát cho thấy nhiều ông chồng Malaysia dù chẳng “thiếu thốn” gì với “menu” phong phú “bốn món” nhưng vẫn thỉnh thoảng sang Thái Lan tìm của lạ. Hậu quả, phụ nữ nội trợ Malaysia hiện là một trong những nhóm nhiễm HIV dương tính cao nhất (và tiếp tục tăng). Ða thê cũng không giúp làm giảm tỉ lệ mại dâm, ngoại tình và ly dị…

Năm 1984, Chính phủ Malaysia ban hành Luật gia đình Hồi giáo quốc gia, yêu cầu nam giới Hồi Giáo phải thuận theo các điều kiện sau đây trước khi lấy vợ hai (hoặc ba, bốn): khả năng tài chính đảm bảo nuôi nổi tất cả thành viên gia đình; không được ngược đãi các vợ; rằng cuộc hôn nhân có thêm phải “đúng đắn và cần thiết”; rằng nó không làm ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến những người vợ đang có cũng như tiêu chuẩn sống của những người lệ thuộc (con cái)… Năm 1996, điều quy định cuối cùng bị hủy; và năm 2004, quy định “đúng đắn VÀ cần thiết” được thay bằng “đúng đắn HOẶC cần thiết” – vô hình trung tước mất sự đòi hỏi về công bằng và lý lẽ trong kinh Koran.

Xét về mặt tâm lý nữ giới, việc bị thay thế đối với họ thật sự là cơn ác mộng. Nó chẳng khác nào bị làm nhục và phản bội một cách công khai. Trong khảo sát Sisters in Islam, sự thực hành giliran (phân bố thời gian sinh hoạt chăn gối giữa các bà vợ) thật ra là điều khó có thể thực hiện “chu đáo” và “công bằng”. Hẳn đó là lý do tại sao nhiều bà vợ ít học đã bỏ không ít tiền mua “bùa” để “yểm” cốt giữ chân chồng lâu hơn với mình… Dù thế nào, đa thê vẫn đang bùng nổ, không chỉ ở Malaysia hoặc châu Á mà còn tại các cộng đồng Hồi Giáo phương Tây…

“Tôi á, lấy đủ bốn bà rồi đó, cứ 5 năm một bà. Ấy thế mà còn muốn thêm nữa cơ!” – một ông chồng tên Mohamad Ikram Ashaari nói đùa.

MK

WestminSter, CA.