Đôi mắt quả là một trong những kỳ công tuyệt vời nhất của Tạo hóa. Từ thời cổ đại, mắt đã trở thành đề tài tranh luận sôi nổi. Đến khi khoa học đạt những thành tựu ban sơ, chuyện về mắt càng gây tranh cãi nhiều hơn bao giờ hết.

nguồn: unsplash

Có người cho rằng mắt xuất hiện cùng lúc với các cơ quan khác của cơ thể nhưng cũng có ý kiến mắt là sản phẩm của quá trình tiến hóa trong thời gian dài. Năm 1802, nhà thần học William Paley xuất bản quyển sách mà trong đó nguyên một chương đã dành ra để nói về mắt. Ngày nay, những vấn đề liên quan đến mắt vẫn tiếp tục khơi ra nhiều hấp dẫn…

Nhìn thẳng vào mắt kẻ đối diện, bạn thấy gì trong đó? Một biển trời mênh mông, huyền ảo? Một tư tưởng bí ẩn nhưng chứa đựng ý nghĩa sâu xa toát lên từ tâm hồn? Một tình cảm nồng nàn không cần nói bằng lời?… Thật ra, hai cánh cửa tượng trưng cho tâm hồn ấy, dưới lăng kính của nhà khoa học, chỉ đơn thuần là hai cái chấm đen mà người ta gọi là con ngươi.

Thời xa xưa, người ta từng lấy mắt người chết và mổ xẻ xem con ngươi chứa gì mà lại có màu đen. Tất nhiên, họ chẳng tìm thấy gì. Tất cả đều trong suốt: từ giác mạc bên ngoài, qua ngăn chứa dịch lỏng, rồi đến thủy tinh thể và cuối cùng là ngăn chứa chất giống như keo. Những thành phần này đóng vai trò như thấu kính để hội tụ ánh sáng lên võng mạc.

Nghe có vẻ đơn giản nhưng chỉ riêng phần võng mạc đã phân ra nhiều loại: võng mạc phần thể mi, võng mạc phần mù, võng mạc phần mống mắt, võng mạc phần thị giác. Bản thân võng mạc cũng chẳng có màu đen. Lớp ngoài võng mạc chứa các sắc tố có thể làm thay đổi cấu trúc võng mạc khi tiếp nhận ánh sáng. Sự hấp thụ ánh sáng của các sắc tố cùng với sự sắp xếp các thành phần trong suốt và cấu trúc hẹp của con ngươi khiến cho con ngươi trông như toàn màu đen.

Màu nắng hay là màu mắt em… (savethestorks.com)

Nếu con ngươi trong suốt thì tại sao mắt có màu? Màu mắt tùy thuộc vào lượng sắc tố nằm ở sau mống mắt (sắc tố này ổn định) và lượng sắc tố nằm ở phần trước mống mắt (sắc tố này có thể thay đổi). Bởi mắt trẻ em da trắng không có tế bào sắc tố ở trước mống mắt nên ánh sáng được phản chiếu từ phía sau mống mắt rồi tản ra, khiến mắt chúng có vẻ như màu xanh.

Sau vài tháng, mắt xuất hiện loại sắc tố gọi là melanin nằm tập trung ở trước mống mắt. Lượng melanin này khác nhau tùy từng người. Nếu nhiều melanin, mắt sẽ có màu nâu hay đen; ít hơn một chút thì mắt có màu xanh và rất ít thì mắt có màu xanh dương hay xám. Người bạch tạng có mắt màu hồng bởi mống mắt của họ không có sắc tố ở trước cũng như phía sau. Từ 6 tuổi, màu mắt bắt đầu ổn định và mờ dần cùng với năm tháng.

Mắt sáng thì thông minh, lanh lợi và mắt lờ mờ thì chậm chạp, ngốc nghếch? Ðúng thế, “dáng vẻ” của mắt bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tâm sinh lý. Hơn nữa, các nhà khoa học còn khám phá rằng mắt sẫm thì hoạt động nhanh nhẹn trong khi mắt nhợt nhạt là biểu hiện của ù lỳ. Ðiều này đúng gần như trong mọi trường hợp, bất luận người thuộc sắc dân hay giới tính nào. Sở dĩ như thế là bởi có sự liên hệ-phối hợp giữa lượng melanin ở mống mắt và lượng neuromelanin trong hệ thần kinh trung ương.

Neuromelanin là chất có chức năng “tăng tốc” cho xung động tế bào thần kinh. Qua nghiên cứu động vật, người ta nhận thấy các loài thú săn như ó, diều hâu… (mắt sẫm) thì rất chịu khó đuổi theo con mồi bằng được, trong khi mèo (mắt màu sáng) thì thường nằm ườn một chỗ và chỉ hoạt động mạnh khi mồi nằm trong tầm “chắc ăn”.

Trang điểm mắt theo kiểu Hy Lạp đang là mốt (eyemakeupvideos)

Một thế kỷ trước Công nguyên, một người La Mã giàu có đã viết rằng ông không thể tự đọc và phải nhờ nô lệ đọc hộ. Vấn đề của ông chỉ đơn giản là khi ấy chưa có kính cận! 100 năm sau, nhà hùng biện-triết gia-chính khách lỗi lạc Lucius Annaeus Seneca đã có thể đọc hết sách La Mã nhờ một quả cầu chứa đầy nước. Cùng thời này, người Trung Hoa đã sáng chế được kính nhưng chỉ dùng để ngăn chận sự thâm nhập của tà ma vào nhà mình.

Ðến năm 1000 (sau Công nguyên), các tu sĩ châu Âu bắt đầu nghĩ ra việc dùng quả cầu thủy tinh để áp lên trang sách mà đọc. “Hòn đá đọc” này là tổ tiên của kính lúp sau đó. Mãi đến thế kỷ XIII, người ta mới vỡ lẽ ra rằng thấu kính có thể phản xạ ánh sáng. Không lâu sau, dân thành Venice bắt đầu dùng mảnh thấu kính lồng vào khung xương để cầm cho dễ. Tuy nhiên, chẳng ai biết chính xác kính cận gọng ra đời từ lúc nào nhưng trên bức tranh năm 1352 của Modena, có hình một tu sĩ với cặp kính cận có gọng gác lên mũi. Năm 1887, nhà vật lý Ðức Adolf Eugen Fick phát minh kính cận sát tròng (contact lenses). Năm 1954, kính sát tròng bằng plastic ra đời.

Nhờ kính cận, rồi kính hiển vi và kính viễn vọng, tầm nhìn của nhân loại trở nên rộng mở hơn. Tuy thế, với bệnh mù màu thì không loại kính nào có thể giúp gì được. Bệnh mù màu gây ảnh hưởng chủ yếu ở đàn ông (hơn là với phụ nữ), phổ biến nhất là đỏ-xanh và xanh dương-vàng. Với bệnh achromatopsia (mù màu hoàn toàn), tỉ lệ mắc phải ít hơn (1/33,000 người).

Do 6 triệu thụ thể thị giác hình nón nằm ở trung tâm võng mạc gần như hoàn toàn không hoạt động, người mắc phải achromatopsia chỉ có thể nhìn thấy vật thể bằng thụ thể thị giác hình que nằm ở rìa võng mạc. Thụ thể hình que giúp chúng ta nhìn lúc tranh tối tranh sáng và chỉ phân biệt được màu trắng-đen.

Quả đôi mắt là trung tâm của tư tưởng. Ánh mắt có thể bộc lộ sự yêu thương, giận dữ, căm hận, thù oán, giận dỗi hoặc thậm chí nũng nịu. Ở mọi nền văn hóa, nhìn trừng trừng được xem là biểu hiện của sự thô thiển hoặc bỉ ổi. Còn trong thế giới động vật, trừng mắt là dấu hiệu của sự đe dọa. Nhiều loài động vật đã biết sự lợi hại của cái nhìn trừng trừng như thế nào nên đã tạo ra đôi mắt giả (rắn hổ mang…) nhằm hù hè con mồi hay kẻ tấn công.

Mắt không chỉ để nhìn mà còn để… ăn – như trong món mắt cừu (flickr)

Không như từng tưởng, đôi mắt trợn trừng không phải nằm cố định mà luôn di chuyển qua lại rất nhiều lần trong một giây. Tại sao phải chuyển động như thế? Các thử nghiệm cho thấy nếu mắt “cứng đờ” khi nhìn thì hình ảnh sẽ nhòe đi trong vài giây sau đó. Mắt chỉ chịu đứng yên một chỗ khi toàn bộ cơ thể đã chết.

Ngay cả khi ngủ, mắt vẫn chớp nháy liên tục, gọi là sự chuyển động nhanh của mắt (REM). Cho đến nay, người ta vẫn chưa hiểu rốt ráo cơ chế nào tạo ra REM và nếu không có hiện tượng REM thì sức khỏe cơ thể cũng như não bộ có bị ảnh hưởng gì không. Có người cho rằng REM làm cho não phát triển và có ý kiến cho rằng REM giúp bộ nhớ khỏi bị tình trạng quá tải. Ðiều lạ nhất là REM xuất hiện mạnh vào những lúc chúng ta mơ hoặc có những hành động như nghiến răng hay tiểu dầm.

Mắt không chỉ để nhìn mà còn có thể trở thành… món ăn cực ngon, tất nhiên đó là mắt động vật. Ở Pháp, người ta rất thích món mắt cừu, được chế biến như sau: ngâm mắt cừu trong nước lạnh vài giờ. Sau đó, lẩy mống mắt và giác mạc ra bằng con dao bén rồi lấy nấm bằm nhuyễn nhét vào. Nhúng toàn bộ mắt vào trứng đánh nổi có chứa vụn bánh mì rồi vớt ra chiên trong dầu sôi và sau đó… ăn (kèm với hành tây và mũ nấm xào).

Món mắt nhồi này có thể trộn với trứng và bơ Gruyere (hay bơ Parmesan cũng được) rồi cho vào lò nướng cho đến khi thấy màu đỏ nâu thì đem ra dùng, với rượu vang trắng. Món mắt nhồi nghe qua khá hấp dẫn. Tuy nhiên, không hiểu sao người ta chưa dùng đến mắt mực biển để ăn cho đã. Loài mực khổng lồ Architeuthis dux ở Ðại Tây Dương nặng khoảng 2 tấn có mỗi con mắt với đường kính tới 40cm.

Cuối cùng, nói đến mắt nhồi mà không nói đến mắt nhung thì vẫn còn thiếu sót. Thời Ai Cập cổ đại, việc trang điểm mắt không chỉ dành riêng cho nữ giới. Mọi người đều phải tô mắt bằng kohl (chứa hỗn hợp đồng) để ngăn mắt khỏi bị ánh sáng quá mạnh gây chói và làm hư mắt. Phía dưới mắt được tô bằng malachite (đồng xanh nghiền trộn với dầu hay mỡ). Phía trên mi mắt và cả lông mày được tô bằng chất chì xám gọi là galena. Bút tô thường làm bằng gỗ hay ngà. Ngày nay, các loại mỹ phẩm trang điểm mắt nhiều đến nỗi phải cần đến một quyển sách mới kể hết!

MK

WestminSter, CA.