Thông minh và trình độ học thức cao nhưng với hình ảnh cặp kính cận luôn gắn trên sống mũi đã khiến họ từng trở thành đề tài của những tiếng cười khúc khích chọc quê sau lưng, khi bị đánh giá là “nhà quê” với thói quen suốt ngày cửa đóng then cài với quyển sách không rời khỏi mắt. Tuy nhiên, thục nữ thế hệ mới sẵn sàng biểu diễn kỹ năng chơi hi-tech…
Trời nắng như chảy mỡ tại Boston và cảnh hơn 10 cô sinh viên Ðại học Tufts trong áo thun bó sát và quần đùi đứng ngoài trời chang chang khiến mọi người bắt đầu chú ý. Họ hè nhau đẩy một cỗ máy hơn 500kg trông như con tàu du hành không gian. Thật ra đó là chiếc xe chạy bằng năng lượng mặt trời mà họ vừa ráp xong với hy vọng có thể tham gia cuộc đua sang năm. Bất ngờ động cơ bị xẹt lửa và các cô nhanh chóng nhảy giật lùi. Họ gọi thầy đến giúp giải quyết ‘vấn đề’ để Alex McGourty có thể an toàn ngồi sau vô-lăng chạy thử. Cô sinh viên tóc vàng với khuôn mặt lốm đốm tàn nhang này từng tự thiết kế một động cơ xe đầu tiên thời trung học, sử dụng dầu rán cá (biodiesel) làm nhiên liệu! Màn thử nghiệm của nhóm McGourty đã khiến sinh viên trường bu đen bu đỏ…
Không ngại bị gọi là “gái khờ” do ham học (tạm dịch từ chữ “nerd girl”, thuật từ có nghĩa gần tương đương và được dùng với thái độ nhạo báng), những cô gái như Alex McGourty giờ đây không chỉ là con mọt sách mà còn là “dân chơi” thứ thiệt. Trong nhóm Alex McGourty còn có Cristina Sanchez, sinh viên thạc sĩ khoa kỹ thuật hóa sinh, người có thể say mê huyên thuyên hàng giờ về khí động học; Caitrin Eaton, sinh viên năm nhất, người từng hỏi cậu bạn trai về cách hàn kim loại; hoặc Courtney Mario và Perry Ross, từng cười khúc khích khi có lần nói về điều mà họ thích nhất trong phim No Country for Old Men là cách hoạt động khẩu súng hơi của tên sát thủ!
Họ là hình mẫu mới của thế hệ những cô gái hiện đại thuộc týp “sống là không chờ đợi”, lấy từ những hình mẫu hiếm hoi về giới khoa học gia nữ trong điện ảnh hoặc đời thật, như trường hợp Ellen Spertus, giáo sư Ðại học Mills, nhà nghiên cứu hiện làm việc tại Google, từng đoạt giải “Hoa hậu Sexiest Geek Alive” năm 2001 do Thung lũng Silicon tổ chức (trong đêm nhận giải, Spertus xuất hiện trên sân khấu với bộ áo ngực làm bằng bảng vi mạch và chiếc váy gắn đèn lấp lánh!). Họ bật truyền hình không để xem những bộ phim nhiều tập sướt mướt được phóng đại quá mức mà để xem chương trình khoa học lý thú hoặc đi gặp những kẻ đồng hội đồng thuyền tại chương trình tiệc tối Girl Geek Dinners mà đêm ra mắt đầu tiên đã thu hút hơn 600 cô (và hiện mở rộng hoạt động tại 25 quốc gia)…
“Trong thời gian dài, các cô dạng này thường được liên tưởng đến hình ảnh thông minh, ham học nhưng xấu xí nhưng bây giờ họ xinh chẳng thua gì người mẫu” – phát biểu của Annalee Newitz, người đồng biên tập She’s Such a Geek!, một biên khảo ghi nhận thành tích của giới nữ trong lĩnh vực toán, kỹ thuật và khoa học nói chung. Xã hội đã một phần giúp định dạng thế hệ thục nữ mê hi-tech hiện nay. Họ trưởng thành cùng sự xuất hiện những bộ phim đề cập đến các cô gái sử dụng hi-tech như đồ chơi. Cần nói thêm, cách đây vài năm, phe tóc bím đã toàn thắng trong cuộc thi Siemens Competition ở hạng mục đồng đội lẫn cá nhân (tổ chức trong hệ thống trung học Mỹ, với các môn toán, khoa học và kỹ thuật), lần đầu tiên trong lịch sử cuộc thi này.
Cuộc khảo sát Pew Internet & American Life cho thấy, trong số đối tượng sử dụng từ 12-17 tuổi, nữ hiện chiếm đa số trong thế giới blog và mạng cộng đồng tại Mỹ; và thậm chí đang hạ gục nam giới khi tự thành lập website. Thậm chí nữ cũng nhỉnh hơn nam (độ tuổi 25-34) trong tỉ lệ thành phần chơi game trực tuyến. Cách đây 40 năm, tại Mỹ, nữ chỉ chiếm 3% các vị trí kỹ sư và khoa học; bây giờ, tỉ lệ tương tự là khoảng 20% (nữ cũng giành 56% bằng đại học ở các lĩnh vực trên). Tuy nhiên, việc một số cô có ngoại hình quá đẹp cũng là một… bất lợi bởi nó khiến không ít người tỏ ra hoài nghi khả năng thật của họ. Trong tiệc họp mặt Girl Geek Dinner tổ chức tại San Francisco năm 2007, Leah Culver (25 tuổi, chuyên gia phần mềm thuộc công ty Pownce) kể rằng mình luôn thủ bản sao bằng đại học trong ví để khi cần có thể chứng minh trình độ! Ðến nay thì gần như không ai hoài nghi năng lực của các cô có ngoại hình xinh xắn. “Em đẹp em có quyền”, đặc biệt khi em đẹp mà em không có… “ngu”, nha!
Không gì có thể giúp thấy rõ khuynh hướng mê hi-tech của giới nữ bằng doanh số (tăng dần) các thiết bị điện tử mang lại từ khách hàng nữ. “Phụ nữ ảnh hưởng hầu hết doanh số thiết bị điện tử tiêu dùng của chúng tôi” – theo Rudy Provoost, viên chức điều hành Philips Consumer Electronics, nơi từng tung ra tivi màn hình siêu phẳng Aurea với thiết kế rất “nữ tính”. Hiệp hội điện tử tiêu dùng Mỹ cho biết, giới nữ tại nước này có thể chiếm 40% thị trường điện tử tiêu dùng (trị giá 200 tỷ USD). Với các cô bây giờ, việc nhận quà tặng là chiếc điện thoại iPhone có lẽ còn thích hơn nhiều con búp bê cao cấp Barbie (có khi có giá đến 1,000 USD hoặc hơn).
Chẳng riêng tại Mỹ, khảo sát tại châu Âu và châu Á cũng cho thấy xu hướng giới nữ mê hi-tech, vốn được xem là “đồ chơi của con trai”. Chẳng phải tự nhiên mà một số hãng, chẳng hạn Samsung (phân nhánh điện thoại di động), đã kết hợp với những nhà thiết kế thời trang tên tuổi để tung ra mẫu sản phẩm đặc biệt dành riêng cho phái nữ. Cách đây hơn 10 năm, hồi còn sản xuất laptop, Sony đã tung ra thế hệ laptop với màu đỏ, hồng, xanh, trắng, vàng… để nhắm vào đối tượng nữ, và mới đây nhất, iPhone thế hệ mới ra mắt với nhiều màu sắc khác nhau, cũng chỉ nhằm mục đích nhắm vào thị trường phái nữ thời đại hi-tech.
MK
Westminster, CA.