Má ơi, thằng Tý đánh con!” – con bé Ty 9 tuổi khóc rú, chạy vào bếp méc mẹ khi bị thằng em  tuổi thụi một quả đau điếng vào lưng… Ðó là cảnh chắc chắn thường thấy trong bất kỳ gia đình nào. Hiện tượng anh chị em ruột cãi nhau chí chóe, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, hoặc yêu thương nhau nhất mực đều có thể được giải thích bằng luận cứ khoa học. Loạt nghiên cứu tường tận thời gian gần đây đã đem lại nhiều phát hiện bất ngờ…

Cha mẹ sinh con, trời sinh tính – người ta vẫn thường nói thế, khi đề cập khác biệt tính tình giữa anh chị em trong cùng gia đình. Dù cá tính không giống nhau nhưng có điều chắc chắn rằng anh chị em ruột là những người bảo vệ nhau, bạn chơi với nhau hoặc… “kẻ thù” của nhau. Vợ chồng sống với nhau tương đối muộn trong cuộc đời mỗi người; bậc sinh thành rồi cũng chia tay ra đi vĩnh viễn nhưng “anh chị em sẽ đi cùng chúng ta đến trọn con đường” – theo nhà xã hội học Katherine Conger thuộc Ðại học California-Davis.

Với các nhà khoa học, nghiên cứu về anh chị em ruột thật ra không mới. Trong nhiều thập niên, có không ít công bố khoa học liên quan quan hệ huynh đệ nhưng hầu hết nghiên cứu đều hạn chế chủ yếu ở quan điểm về thứ tự sinh. Anh/chị thường được xem là người có khuynh hướng phấn đấu; các em áp út và út thường được xem là bọn nổi loạn; và thành phần sinh giữa là đối tượng được đánh giá mất khả năng kiểm soát bản thân. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy…

nguồn: clker.com

Loạt nghiên cứu gần đây tại Mỹ, Canada và châu Âu đã soi rọi thêm nhiều bí ẩn – về cách mà anh chị em đưa nhau vào hoặc giúp nhau thoát ra tình huống khó khăn nguy hiểm nào đó; cách mà họ tạo ra “đệm hơi” bảo vệ nhau khi gia đình có biến cố; cách mà họ dạy bảo nhau về đủ thứ chuyện trên đời trong đó có cả chuyện mấp mé yêu đương tuổi dậy thì; cách mà họ tranh nhau để lấy lòng bố mẹ…

Từ đó, giới khoa học bắt đầu hiểu rõ hơn những yếu tố bên trong, trong quá trình con người trưởng thành, và ứng dụng thực tiễn, chẳng hạn nhà quản lý có thể dàn xếp lục đục nội bộ cơ quan theo cách  giải quyết xung đột gia đình; học sinh có thể học được cách làm cho giáo viên chú ý theo lối tương tự trong cuộc chiến với bà chị tranh giành sự chú ý từ bố; vợ chồng rút tỉa kinh nghiệm từ thăng trầm quan hệ trước kia giữa anh chị em trong nhà…

Không như nhiều ý kiến trước đây, việc thằng Tý-con Ty trong gia đình nào đó choảng nhau thật ra chẳng mấy tệ hại. Trước khi lên 11, anh chị em trong nhà thường dành 33% thời gian rảnh cho nhau, hơn khá nhiều so với thời gian dành cho bố mẹ, bạn bè, thầy cô và thậm chí cho chính bản thân chúng – theo nghiên cứu từ Ðại học công Pennsylvania.

Khảo sát gần đây một lần nữa cũng củng cố thêm tính xác thực của nghiên cứu trên, khi cho biết thậm chí đến tuổi dậy thì, anh chị em cũng dành ít nhất 10 tiếng/tuần cho nhau (thể hiện tình cảm lẫn xung đột) – khoảng thời gian không ít nếu xét đến thời gian cho trường học, thể thao, hẹn hò và sinh hoạt cá nhân (tại các gia đình Mỹ gốc Mễ, nơi nhân khẩu thường đông, thời gian anh chị em dành cho nhau lên đến 17 tiếng).

Theo Laurie Kramer (giáo sư gia đình học thuộc Ðại học Illinois), trung bình, anh chị em từ 3-7 tuổi thường chí chóe 3.5 lần/tiếng; bọn nhóc từ 2-4 tuổi chửi lộn và nện nhau tưng bừng khói lửa 6.3 lần hoặc hơn mỗi 10 phút. Và chính cách mà chúng dàn xếp mâu thuẫn sau mỗi lần đụng độ, có hay không có sự can thiệp phụ huynh, đã đem lại nhiều điều.

Trong một khảo sát, nhóm nghiên cứu tiếp xúc gia đình của 90 bé lên hai tuổi có ít nhất một anh/chị em để quan sát cũng như ghi nhận quan hệ và cách chúng giao tiếp với nhau. Họ trở lại khi 90 đứa trẻ trên lên 5 tuổi, lại quan sát và lập bảng thang điểm cho mức độ xung đột (điểm một khi chúng cãi cọ đôi chút và điểm năm khi đánh nhau tơi bời). Năm sau nữa, nhóm nghiên cứu đến trường và phỏng vấn thầy cô để tìm hiểu về thái độ cư xử trong trường của các đối tượng nghiên cứu. Qua đó, các nhà khoa học kết luận rằng kỹ năng giải quyết xung đột tại nhà đã được đứa trẻ ứng dụng ở trường và phần nào đó giúp chúng kinh nghiệm hơn trong quan hệ giao tiếp nói chung.

nguồn: ideasthroughwords.com

Một gia đình đông con chẳng khác gì hậu cung triều đình, nơi tồn tại những liên minh, bè phái, lòng thù hận hoặc sự trung thành. Tất cả biến đổi từng ngày từng giờ. Ðỉnh điểm hầu hết xung đột là chính sách ân sủng và thái độ thiên vị của “phụ hoàng” và “mẫu hậu”, khiến đứa này vênh váo khi được cưng trong khi đứa kia giẫy nảy khi có cảm giác bị ghét bỏ (nhiều phụ huynh thú nhận họ quả tình có thương thằng Tý hơn con Ty hoặc ngược lại và chẳng hiểu tại sao như thế!).

Theo các nghiên cứu mới, bản chất sự việc thật ra nằm ở yếu tố liên quan tiến hóa. Gia đình – như một đơn vị sống còn trong thế giới tự nhiên – được hình thành trong đó bố mẹ có nhiệm vụ lo cho con cái, bảo đảm không đứa nào bị tên sói già rình cuỗm mất, và chúng luôn được no bụng trước khi chui vào hang ngủ.

Tuy nhiên, nguồn thức ăn có hạn; và thực tế khoa học chứng minh rằng tình cảm cũng không phải mênh mông không biên giới – theo nhà tâm lý học Mark Feinberg thuộc Ðại học Pennsylvania. Do đó, bố mẹ được “lập trình” để quan tâm đến một vài trong bọn trẻ mà thôi (theo cách tương tự xã hội chỉ có thể giúp một số chứ không thể tất cả người nghèo).

Theo nhà xã hội học Katherine Conger, sự tồn tại của chính sách ân sủng thật ra cũng đem lại nhiều điều lợi. Ðứa trẻ bị “hất hủi” sẽ nhanh chóng thích nghi “thực tế phũ phàng” và lần hồi học được cách lợi dụng. Chẳng hạn khi muốn đi siêu thị, nó sẽ nói với thằng em (được cưng chìu) rằng: “Tại sao mày không đi hỏi mẹ xem vì có bao giờ mẹ từ chối mày điều gì đâu nào”. Tuy nhiên, ở góc độ sâu hơn, đứa trẻ “hạng hai” có thể trả giá. Chúng có khuynh hướng buồn tủi và sống co rút hơn – theo Conger. Chúng có cảm giác như mình là thứ vất đi và cố tìm hiểu tại sao. Áp dụng nghiên cứu này vào môi trường xã hội, có thể thấy phản ứng tương tự đối với nhân viên nào bị sếp thất sủng hoặc bị thù ghét và trù ếm.

Chẳng có gì bất thường khi anh chị em ảnh hưởng lẫn nhau. Ðám em thường bắt chước vài thái độ và cung cách từ anh/chị mình trong khi anh/chị lại thích tỏ ra tài giỏi hơn em út (tuy nhiên, cũng có vài trường hợp mà bọn trẻ trong cùng gia đình không bắt chước nhau mà cố tình tạo ra sự khác biệt lẫn nhau; và hiện tượng này thậm chí xảy ra đối với trẻ song sinh). Ảnh hưởng lẫn nhau đôi khi mang đến tác hại xấu. Như người ta thường nghe bố mẹ mắng con: “Mày tệ như thế thì em mày rồi cũng hỏng theo mất!”.

nguồn: NPR.org

Theo nghiên cứu ấn hành trên Journal of Drug Issues, người em có khuynh hướng uống rượu gấp hai lần so với bình thường nếu thường xuyên chứng kiến cảnh anh nó xiểng liểng như Lưu Linh. Với trường hợp thuốc lá, tỉ lệ trên gấp bốn lần… Ảnh hưởng anh chị em (khác phái) thậm chí thể hiện ở việc chọn lựa bạn đời trăm năm; và họ tỏ ra tinh khôn trong quan hệ tình cảm với đối tượng bên ngoài, có lẽ do họ học được từ chính việc quan sát bà chị hoặc thằng em trong nhà.

Nhà tâm lý học William Ickes thuộc Ðại học Texas đã ấn hành nghiên cứu trong đó ông phân cặp nam-nữ sinh viên (tất cả đều lớn lên trong gia đình có anh chị em khác phái) và cho họ chat với nhau. Khi hỏi về các chủ đề của buổi nói chuyện, Ickes nhận thấy nam sinh có chị hoặc nữ sinh có anh thường ít lúng túng trong giao tiếp với người khác phái cũng như duy trì sự trao đổi một cách tự nhiên hơn.

Cuối cùng, nghiên cứu huynh đệ huyết thống cũng cho thấy thời gian gần như luôn làm cho tình cảm anh chị em trong nhà đậm đà và mâu thuẫn ít hơn. Sau những cuộc chiến, thậm chí có khi rất kinh khủng, tưởng chừng có thể “thù nó đến chết”, tổn hại để lại thật ra dường như không đáng kể; và sau mỗi lần như vậy, anh chị em càng thương nhau nhiều.

Và tình cảm huynh đệ lớn dần theo tuổi tác, đặc biệt đúng với những trường hợp gia đình có bố/mẹ mất sớm và người anh/chị phải thể hiện trách nhiệm và vai trò của “quyền huynh thế phụ”. Những mối liên kết máu mủ mạnh mẽ như vậy càng trở nên quan trọng khi xảy ra biến cố bệnh tật hoặc tình trạng góa ở tuổi về già (vợ hoặc chồng của người anh/chị em mình mất), khiến người ta chỉ còn biết dựa vào người thân ruột rà.

Quan hệ trên đặc biệt mạnh đối với các chị em gái – theo nhà tâm lý Judy Dunn thuộc Kings College (London). Những kỷ niệm buồn vui thời ấu thơ luôn đi theo họ và phủ bóng lên đời họ. Bóng che – như tất cả hình thức bóng che khác – là thứ được tạo thành bởi ánh sáng và ánh sáng ở đây chẳng gì khác hơn là sợi dây máu mủ thiêng liêng. Nó tồn tại bất biến và vĩnh cửu với dòng chảy thời gian…

MK

Westminter, CA.