Nếu ái nữ của Tổng thống Donald Trump, Tiffany Trump 25 tuổi, lập gia đình và tổ chức hôn lễ trong Tòa Bạch Ốc thì đó sẽ là đám cưới thứ 19 trong Dinh Tổng thống Hoa Kỳ, kể từ lần đầu tiên năm 1812…

Đám cưới Tricia Nixon. nguồn: People

Và nếu cậu con trai Tổng thống, Donald Trump Jr. (ly dị vợ cuối năm 2017 và hiện thấy cặp kè với tình nhân Kimberly Guilfoyle) tổ chức đám cưới khi Donald Trump vẫn còn tại vị thì đó có thể là lần thứ hai trong lịch sử Mỹ mà Tòa Bạch Ốc chứng kiến đám cưới con trai một Tổng thống. Lần trước là năm 1828, khi John Adams II (con trai của Tổng thống John Quincy Adams) tổ chức hôn lễ với Mary Catherine Hellen trong Elliptical Salon (nay gọi là Phòng Xanh – Blue Room).

Dĩ nhiên đám cưới trong Tòa Bạch Ốc là sự kiện đặc biệt. Hồi đám cưới Alice Roosevelt năm 1906, tờ Washington Post dành nguyên trang nhất để tường thuật sự kiện này. Ðám cưới Alice Roosevelt diễn ra suôn sẻ. Trong khi đó, đám cưới đầu tiên của con gái một tổng thống trong Tòa Bạch Ốc (Maria Monroe – ái nữ của Tổng thống James Monroe, hồi năm 1820) đã gây ra cái mà báo chí gọi là một cuộc “khủng hoảng ngoại giao quốc tế” dù thực chất sự việc không có gì quá nghiêm trọng. Chuyện là bà chị của cô dâu, chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động xã hội trong Tòa Bạch Ốc, đã yêu cầu không mời khách nước ngoài. Do đó, không đại sứ nào được phép dự hôn lễ này.

Tiệc cưới trong Tòa Bạch Ốc gần đây nhất là năm 2013, khi chánh nhiếp ảnh gia Tòa Bạch Ốc – Pete Souza – tổ chức đám cưới với Patti Lease trong Vườn Hồng. Trước đó, năm 1994, Vườn Hồng đã được bày 250 ghế đặt dưới tấm rạp trắng, trong lễ cưới giữa Nicole Boxer (con gái của Thượng nghị sĩ Dân chủ Barbara Boxer) và Tony Rodham (em trai đệ nhất phu nhân Hillary Clinton).

Năm 1971, ái nữ Tổng thống Richard Nixon, Tricia, cũng tổ chức lễ cưới trong Tòa Bạch Ốc với Edward Cox (sinh viên luật Ðại học Harvard). Theo tác giả Monica Hesse (Washington Post), đám cưới Tricia Nixon là một trong những sự kiện hiếm hoi thời điểm đó mà những người phản đối cuộc chiến Việt Nam “cắm trại” trước Tòa Bạch Ốc đã nhất loạt tạm thời ngưng gào thét, cho đến khi tiệc tàn.

Ðám cưới Tòa Bạch Ốc chẳng phải luôn trang trọng và thiếu phần cụng ly côm cốp. Năm 1906, tiệc cưới Alice Roosevelt tại Phòng Ðông trở nên náo nhiệt tưng bừng đến mức nhiều vị khách quá chén đã “cho chó ăn chè”!

Không phải tất cả con cái nguyên thủ Mỹ đều tổ chức lễ cưới trong Tòa Bạch Ốc. Luci Baines Johnson (con Tổng thống Lyndon B. Johnson) tổ chức tiệc cưới tại một nhà thờ (dù lễ đón khách được thực hiện tại Tòa Bạch Ốc). Với người Mỹ, đám cưới Tòa Bạch Ốc có lẽ được chú ý hơn bất kỳ sự kiện nào liên quan người nổi tiếng. Tờ Washington Post từng dành nguyên trang nhất để tường thuật đám cưới của Alice Roosevelt, gọi cô dâu là “con gái của tất cả dân Mỹ”, và việc cô lên xe hoa là “sự kết hợp thiêng liêng của trái tim và bàn tay theo cách mà chẳng nơi đâu ngoài Mỹ có được”…

Dù tổ chức tốt thế nào và bất chấp lực lượng mật vụ (Secret Service-SS) để mắt đến mọi thực khách, không khí tiệc cưới có thể mất kiểm soát khi tất cả bắt đầu chếnh choáng hoặc do cô dâu trở chứng làm nũng. Bess Abell – thư ký của Ðệ nhất phu nhân Lady Bird Johnson (vợ Tổng thống Lyndon Johnson); người từng tổ chức lễ cưới của Lynda (con gái gia đình Johnson) và sau đó là lễ đón khách cho tiệc cưới Luci năm 1966 (đều tại Tòa Bạch Ốc) – kể rằng, trong khi Lynda giao phần thiết kế váy cưới cho nhà thiết kế Geoffrey Beene, Luci lại đòi bát phố đến các cửa hàng áo cưới để thỏa thích lựa.

Trong các chuyến đi “khảo sát” bí mật được nhân viên SS cặp kè, Bess Abell phải giả làm người đi chọn áo cưới cho em gái. Cuối cùng, cô dâu chọn một kiểu thiết kế của Priscilla Kidder. Vấn đề ở chỗ nhà thiết kế Priscilla không có chân trong liên đoàn lao động (một chi tiết dễ bị “liên đới chính trị” dưới mắt những người chỉ trích). David Dubinsky – lúc đó là chủ tịch Liên đoàn công nhân dệt may phụ nữ quốc tế – thậm chí giận dữ gọi điện cho Tổng thống Johnson. Thế là người ta dàn xếp bằng cách, từng phần chiếc váy cưới được tháo ra, gửi đến các nhà máy thuộc phạm vi quản lý liên đoàn, để được ráp lại thành chiếc váy cưới “đúng chuẩn liên đoàn”!

Ðám cưới Tricia Nixon cũng có vài chi tiết thú vị. Không lâu sau lễ cưới Tricia, Tòa Bạch Ốc tung ra công thức chế biến chiếc bánh cưới. Tờ New York Times đã chơi cắc cớ thử làm một bánh cưới theo công thức trên và ngày 2-6-1971, họ tung ra bài báo, cho biết chẳng ai có thể ăn được chiếc bánh như thế cả, vì bên ngoài nó là “cháo ngô” và bên trong nó là “súp”!

Vào ngày cưới Tricia, trời cảm động đến mức đã mưa xối xả, khiến giây phút trang trọng nhất trong lễ thành hôn, khi cô dâu và chú rể thề yêu nhau trọn kiếp, có thể không thực hiện được ngoài trời. Lucy Winchester Breathitt – tùy viên của đệ nhất phu nhân – kể rằng bà phải thiết lập “ban xử trí tình huống khủng hoảng” mà nhiệm vụ chính là theo dõi và cập nhật các bản tin thời tiết từ một chuyên gia khí hậu thuộc Không quân! Cuối cùng, chuyên gia khí hậu thông báo rằng trong khoảng 23 phút sẽ có 14 phút ông trời “đồng ý” ngưng làm mưa. Thế là, “chúng tôi lật đật phóng ra vườn, bày ghế và các thứ” – Breathitt kể…

Grover Cleveland là tổng thống đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện nay tổ chức đám cưới mình trong Tòa Bạch Ốc (ngày 2-6-1886). Cleveland có cuộc đời tình ái khá lộn xộn trước khi làm tổng thống và trước khi lấy vợ. Theo Smithsonian Magazine, Cleveland biết cô dâu tương lai từ khi “em” còn nằm nôi. Lớn hơn “em” 27 tuổi, Cleveland là bạn của bố cô dâu tương lai.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Cleveland, báo chí phanh phui rằng ông là cha của một đứa bé ngoài giá thú. Cleveland thừa nhận điều đó nhưng nói thêm rằng mẹ của đứa bé có quan hệ với nhiều người khác, trong đó có cả Oscar Folsom, tức cha của cô dâu tương lai của ông. Khi vô Tòa Bạch Ốc vào nhiệm kỳ một hồi tháng 3-1885, Cleveland vẫn còn độc thân. Với sự cho phép của mẹ cô dâu tương lai, Cleveland viết thư bày tỏ tình cảm “biết em từ thuở lọt lòng” với “cô bé nằm nôi” ngày xưa. Cuối cùng, tháng 6-1886, họ kết hôn.

Ðám cưới tổ chức trong Phòng Xanh, với chỉ 28 khách mời. Chú rể Grover Cleveland 49 tuổi với bộ ria mép rậm, vận tuxedo, thắt nơ trắng, đã thề thốt yêu em trọn đời với cô dâu Frances Folsom 21 tuổi vận chiếc váy trắng ngà. Dàn U.S. Marine Band dưới sự điều khiển của nhạc trưởng John Philip Sousa phụ trách phần âm nhạc. Tân lang và tân nương đi tuần trăng mật 6 ngày ở Deer Park, Maryland.

Cánh báo chí, bị cấm dự hôn lễ, đã “trả thù” bằng cách bám theo đôi uyên ương gần như 24/24. Vài người thậm chí dùng cả ống nhòm để theo dõi hoặc rình ở cửa nhà hàng để “tiết lộ” tổng thống và đệ nhất phu nhân ăn gì…

Gia đình Cleveland có 5 con. Họ yêu nhau đến răng long đầu bạc đúng nghĩa. Chỉ cái chết mới chia lìa lứa đôi. Ðó là khi Grover Cleveland từ trần năm 1908 khi 71 tuổi. Dù bà Frances tái giá vào 5 năm sau nhưng bà cũng để lại di chúc, yêu cầu chôn mình cạnh Cleveland tại Princeton, New Jersey…

MK

Westminter, CA.