Kukeri là lễ hội truyền thống có từ hàng trăm năm trước của người Bulgaria nhằm tôn thờ thần Dionysus và xua đuổi tà ma.
Lễ hội của mặt nạ
Chữ “Kuker” xuất phát từ tiếng La tinh “Cuculla” là mũ trùm đầu, nó biểu hiện cho một quái vật trong dân gian. Các Kukeri này đeo mặt nạ bằng gỗ, chạm khắc hình mặt thú và chim, treo các chuông đồng quanh người khi họ nhảy múa trong một nghi lễ để xua đuổi ma quỷ đem mất mát và xui xẻo tới cộng đồng.
Kukeri thường bắt đầu từ lúc bình minh. Họ nhảy múa khắp đường làng để cầu chúc sức khỏe, hạnh phúc và 1 năm bội thu, họ cũng đến thăm các ngôi nhà, các gia đình để thực hiện các cầu nguyện phước lành theo truyền thống từ ngàn năm xưa.
Một số người khi còn nhỏ, họ mô tả chuyến thăm nhà của Kukeri là một thể nghiệm kinh hoàng kỳ lạ, với những linh hồn, ma quỷ có bộ mặt dễ sợ.
Những người biểu diễn Kukeri này thường dành cả năm để tự làm ra những bộ trang phục và mặt nạ ghê rợn này. Trang phục, buổi biểu diễn, và ngày diễn của lễ hội khác nhau giữa các vùng của Bulgaria. Ở phía Tây, kukeri đến giữa giáng sinh, phía Đông được tổ chức vào ngày Chúa Nhật trước mùa chay. Nhưng lại có nơi đặc biệt, mà các Kukeri của toàn Bulgaria tập hợp lại, đó là lễ hội Surva hàng năm ở Pernik. Tôi rất muốn tới đó vào mùa Đông lạnh để chứng kiến tận mắt lễ hội độc đáo này của Bulgaria.
Nghi lễ Kukerovden
Nghi lễ Kukerovden là màn kịch câm rất biểu tượng, gồm một ông vua và một cặp vợ chồng, có khi già, cũng có khi trẻ, với một nhóm Kukeri phục vụ. Khi chú rể đang chăm sóc cho cô dâu mới cưới, thì bị Kukeri nhảy múa chung quanh tấn công bằng kiếm và gậy có đầu nhọn màu đỏ, quả chùy và các bộ phận của khung dệt.
Sau đó, 2 Kukeri trong đám, được cột vào một cái cày bằng gỗ, người thợ cày thúc đi, họ cày 3 vòng tròn theo nghi lễ, ông vua theo sau trên một chiếc xe kéo, có các Kukeri làm động tác tượng trưng như rải hạt ngũ cốc, gieo lúa mì trên đồng ruộng, trong khi các Kukeri khác nhảy múa sau lưng ông. Trong một lúc bất ngờ, một Kukeri đánh gục ông vua bằng con quay dệt vải, đây là biểu tượng cho mặt trời tàn lụi giữa mùa Đông, sau đó các Kukeri vây lại nâng ông ta lên tượng trưng cho sự xuất hiện của mùa Xuân. Lúc này, chiếc váy của cô dâu bỗng phồng lên dị thường, một báo hiệu của sự trở dạ, và đứa trẻ từ trong váy bước ra (Thường là búp bê lớn, hoặc con rối bằng vải), là lúc buổi lễ coi như hoàn tất. Trong khi mọi chuyện xảy ra, các Kukeri nhảy múa minh họa chung quanh về diễn biến của câu chuyện, họ lăn trên sàn như thu hút sức mạnh của quả đất, nhảy nhót, vươn lên cao như cho cây cối mùa màng xum xuê lớn mạnh, rung những chiếc chuông đỏ để xua đuổi tà ma …
Kukeri với cuộc sống
Trong lễ hội ở miền Đông của Bulgaria, mặt nạ của những Kukeri thường có nhiều màu sắc hơn. Đôi khi chúng được gắn những vật trang trí, đính hạt cườm và các mảnh kính lấp lánh với những màu sắc rất tự nhiên, màu đỏ tượng trưng cho lửa, mặt trời và khả năng sinh sản, màu trắng là nguồn năng lượng tinh khiết, mang lại sự sống, ánh sáng và nước.
Buổi lễ cũng có liên quan đến những Kukeri trẻ tuổi, theo lịch sử, thì những người Kukeri là những thanh niên độc thân, trong suốt buổi lễ những Kukeri lớn tuổi sẽ chỉ cho anh ta nghi lễ đâm dương vật để gieo hạt. Ở một số cộng đồng, các thanh niên mà trở thành Kukeri trẻ cũng là điều kiện ưu tiên để kết hôn, các thanh niên chưa bao giờ là Kukeri trong lễ hội bị coi là loại chồng hạng 2, thường lấy trúng những cô không khỏe mạnh, góa bụa, không được như ý. Theo truyền thống, ông vua và các nhân vật chính luôn do một người lớn tuổi thủ vai, anh ta có gia đình vợ con nghiêm túc, sở hữu đất đai, tài sản, nhà cửa trong làng. Đây là sự kết hợp giữa quyền lực, giàu sang và khỏe mạnh, những tiêu chuẩn lớn nhất trong đời.
Nghi thức Dionysus
Kukeri là một lễ hội xưa, ra đời từ thời Thracia cổ đại nhằm tôn thờ thần Dionysus – thần bảo hộ cho xứ sở, cũng là thần rượu nho, thần sinh sản và tái sinh.
Khi lễ hội kết thúc, đám đông tràn qua hàng rào và đổ ra đường. Các Kukeri giải tán, một số người lập tức thay trang phục, số khác thì giữ nguyên họ chạy qua đám đông cùng nhau nốc bia bí tỉ, trong khi các nhạc sĩ hòa nhạc rộn ràng ngay góc phố.
Và đến gần chiều, khu vực uống bia đã chật ních người, đủ loại say, đứng, ngồi, nằm, đôi khi cũng có bò. Đây là phần vui nhất, không bao giờ thiếu sót của lễ hội Kukeri.
Đến tối, trời lạnh thấu xương, nhưng vẫn còn những quầy hàng chung quanh, múc ra những vại rượu bốc khói, mọi người trong men cay, đầu óc bừng bừng họ đứng dậy và nhảy múa. Những điệu nhảy dân gian của Bulgari sẽ tăng nhanh nhịp điệu khi nhiều người được kéo vào tham gia. Nghi thức có đoạn 2 người đàn ông, nhìn có vẻ vô gia cư, đang núp trong một góc, tay cầm cái chai, nhưng bây giờ họ nhảy ra tham gia vũ hội, khoác tay nhau và dẫn đầu đoàn diễn hành ngoằn ngoèo quanh vỉa hè trong tiếng kèn và đàn phong cầm.
Lễ hội Kukeri đã có từ 4,000 năm tuổi. Một số người Bulgaria tin rằng nó đã tồn tại 8,000 năm.
Sự trường tồn của lễ hội Kukeri
Sau những áp đặt 500 năm của văn hóa Ottoman, lễ hội Kukeri đã được phục hồi mạnh mẽ và phổ biến khắp nước những năm gần đây và tôi tin rằng lễ hội Kukeri là một chứng tích văn hóa có bề dày như lịch sử của đất nước Bulgaria.
HĐV