Stephen Edwin King sinh ngày 2-9-1947, nhà văn Mỹ chuyên viết tiểu thuyết kinh dị, siêu nhiên, hồi hộp và giả tưởng. Nhiều tác phẩm đã được dựng thành phim, phim truyền hình, truyện tranh. King đã xuất bản 61 tiểu thuyết (kể cả 7 bộ dưới bút danh Richard Bachman) và hơn 200 truyện ngắn… Stephen King được xưng tụng “Vua truyện kinh dị”.

Hồ Đắc Vũ

Họ lấy nhau đã 10 năm, không xảy ra chuyện gì. Nhưng bây giờ thì cãi nhau, cãi nhiều, cãi các điều giống nhau, cãi lòng vòng. Ray thấy, giống trường đua chó. Khi cãi, họ như chó săn rượt bắt con thỏ máy. Chạy qua khung cảnh giống nhau mấy lần mà không biết, chỉ nhìn thấy con thỏ.

Và họ cãi hoài.

Ray nghĩ, nếu hai người có con thì đã khác, nhưng cô vợ Mary bị vô sinh. Họ đã xét nghiệm và bác sĩ nói như vậy.

Chừng một năm sau, anh mua cho vợ một con chó, loại Jack Russell. Mary đặt tên là Biznezz, có ai hỏi, cô đánh vần tên nó ngay. Cô thích con chó, nhưng cũng cãi nhau như thường.

Hai người ra Walmart mua hạt cỏ giống. Họ quyết định bán nhà, vì không còn khả năng giữ, nhưng Mary nói rằng việc cũng chưa đến đâu, cho đến khi sửa lại hệ thống nước và sân cỏ. Cô cho rằng mấy mảng cỏ trọc làm căn nhà giống như cái chòi Ái Nhĩ Lan. Cũng tại hạn hán. Suốt mùa Hè quá nóng, không có cơn mưa nào ra hồn. Ray nói với Mary là hạt giống cỏ sẽ không mọc nổi nếu trời không mưa, cho dù có tốt tới cỡ nào đi nữa. Mình nên đợi.

Một năm qua đi, tụi tôi vẫn còn ở đây.

– Ray! Tụi mình không đợi thêm năm nữa, sẽ bị sụp tiệm thôi.

Khi Mary nói, con chó Biz, ngồi ghế sau nhìn, đôi lúc nó nhìn Ray, nhưng thường thì nhìn Mary, chắc nó khoái cô ta.

– Em nghĩ sao? Trời sắp mưa rồi, khỏi lo chuyện bị sụp tiệm.

Họ chạy ngang Castle Rock, một khu nghèo của Maine. Tiệm Walmart nằm phía bên kia thành phố, gần trường trung học, nơi Ray làm nghề coi trường. Walmart có đèn stop riêng. Người ta giễu về điều này: “Keo xu nhỏ, bỏ tiền lớn”.

Ray hỏi.

– Em nghe điều đó chưa?

– Anh nói cả triệu lần rồi.

Ray im.

Anh có thể thấy con chó nhìn Mary từ kính chiếu hậu, anh không thích điều này, làm như nó rình hai người đang nói gì.

Mary:

– Ghé lại Quik-Pik, em muốn mua quả bóng cho sinh nhật của Tallie.

Tallie là con gái của em trai Mary, cháu của Mary.

Ray nói:

– Ở Walmart cũng có bóng, rẻ hơn Wally World.

– Bóng ở Quik-Pik màu tím. Con nhóc khoái màu tím lắm. Em không chắc ở Walmart có bóng màu tím.

– Nếu không có thì khi về mình ghé Quik-Pik.

Ray cảm thấy nặng đầu. Mary luôn làm theo ý cô. Cô thường như vậy.

Ðôi khi anh thấy lấy nhau giống như đá banh, anh là người ném banh, phải thắng, tự chọn nơi ném, gần nhất, hay nhất.

– Khi về, Mary càu nhàu, thì ở ngược phía! Tiệm đang bán hạ giá. Em chạy vô, mua trái banh, rồi chạy nhanh ra.

Mập cỡ 200 pounds như Mary, Ray nghĩ, chuyện chạy vô chạy ra đã qua rồi.

Mary:

– Chỉ có 99 xu, đừng keo kiệt quá!

– Mua giùm anh gói thuốc, hết rồi!

– Nếu bỏ thuốc, anh có thêm 40 đô một tuần, hoặc nhiều hơn.

Ray đã trả tiền cho người bạn ở Nam Carolina, nhờ mua cho anh 12 cây thuốc một lần. Ở đó một cây thuốc rẻ hơn cả 20 đô. Tiết kiệm được nhiều tiền.

Ray đã nói điều này với Mary rồi nhưng anh biết sẽ còn nói nữa.

– Hồi đó anh hút 2 gói một ngày, bây giờ ít hơn nửa gói một ngày.

Thật ra thì Ray hút nhiều hơn, Mary biết.

Ray nghe nặng đầu. Anh thấy con chó nhìn Mary. Chính anh cho nó ăn và mua thực phẩm cho nó bằng tiền của mình nhưng không hiểu sao con Biz lại chăm chăm nhìn Mary hoài, lạ thiệt! Giống chó Jack Russel lúc nào cũng thông minh.

Ray quẹo vô Quik-Pik, Mary nói:

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

– Sao anh không mua ở vùng mọi da đỏ? Rẻ hơn.

– Họ không còn bán thuốc lá miễn thuế ở đó cả 10 năm rồi, anh đã nói từ lâu, em không chịu nghe.

Ray qua khỏi trạm xăng và đậu sau tiệm. Không một bóng mát, mặt trời ngay trên đầu, máy lạnh hiu hiu, hai người chảy mồ hôi, con chó Biz thở khò khè trên ghế sau.

Mary:

– Anh phải bỏ hút cho rảnh nợ.

Ray:

– Còn em thì bỏ bánh ngọt đi.

Anh không muốn nói ra, nhưng lời nói tự tuột ra khỏi miệng như phép lạ.

Mary nói:

– Em hết ăn rồi. Không bao giờ ăn nữa!

Ray dặn:

– Mary, cây thuốc lá trên kệ cao, 24 gói, phía sau bao bột. Anh càu nhàu.

– Vô mua trái banh, nhớ mua gói thuốc lá giùm! Vận động lên.

– Bộ anh không đợi được cho đến khi về nhà à?

– Không! Em mua loại rẻ tiền, không thương hiệu, họ gọi là “Premium Harmony”.

Ray tiếp:

– Hương vị như cứt, nhưng tạm được.

– Rồi sẽ hút chỗ nào? Trên xe hả? Không, em còn phải thở.

– Lúc nào anh cũng mở cửa sổ.

– Em mua banh xong, trở lại, nếu anh muốn đầu độc phổi mình bằng gói thuốc 4 đô 50 xu, anh tự vô mua, em ngồi với con em.

Ray ghét khi Mary gọi chó Biz là con em, nó chỉ là con chó, vẫn ỉa lung tung ở ngoài và liếm dái như thường. Nó chỉ nổi bật khi Mary tâng bốc với bạn bè.

– Nhớ mua ít bánh kem.

Ray nói với Mary. Cô làu bàu:

– Ðồ ác độc.

Mary ra khỏi xe, đóng cửa cái rầm. Ray đậu xe sát bên mấy khối bê tông cản đường của tòa nhà làm cho Mary xoay người đi dọc theo hông xe. Cô biết Ray cố tình như vậy. Ray cũng biết. Anh nhìn cô len ra khỏi thân xe một cách khó khăn.

Ray nhìn con chó.

– Biz! Bạn cũ, bây giờ chỉ có tao với mầy.

Biz nằm xuống ghế sau, nhắm mắt. Ray nhớ có lần Biz đứng trên hai chân sau, quay vòng khi Mary mở nhạc và gọi nó múa. Hoặc khi Mary nói “Biz không ngoan”, nó tới góc nhà, ngồi quay mặt vô tường.

Ray ngồi chờ vợ. Mary vẫn chưa ra. Anh mở ngăn đựng găng tay, bới đống giấy lung tung như ổ chuột, tìm thuốc lá. Anh hy vọng mình có thể bỏ quên trong đó. Nhưng không có điếu nào hết. Ray tìm được một bao bánh dừa còn trong gói, anh thọc cái bao, bánh cứng như xác chết, chắc nó đã cũ cả ngàn năm, từ thời đại hồng thủy. Anh xé bao bánh, ném ra ghế sau.

– Biz! Muốn ăn không?

Biz cắn hai cái, bánh bể, Nó liếm mấy vụn dừa văng trên ghế. Mary sẽ la, nhưng cô không có đây.

Ray nhìn đồng hồ xăng, còn phân nửa. Anh định tắt máy, quay cửa xuống, nhưng nóng quá. Ngồi giữa trời nóng gắt, đợi Mary mua trái banh màu tím, giá 99 xu trong khi anh biết giá chỉ có 79 xu ở Walmart, màu vàng hoặc đỏ, không đúng ý Tallie, phải là màu tím cho cô bé.

Ray vẫn ngồi đó, Mary chưa trở ra. “Cô không nghĩ tới ai hết”, Ray nói thầm.

Hơi mát thổi nhẹ, anh lại tính tắt máy, tiết kiệm xăng. Thôi, kệ mẹ nó!

Chắc Mary không muốn mua thuốc lá, cho dù loại rẻ tiền, điều này Ray biết.

Ray thấy một cô gái qua kính chiếu hậu, đang đi về phía xe của Ray. Cô có vẻ nặng nề hơn Mary. Bộ ngực tưng tưng dưới lớp áo sơ mi xanh. Con  Biz thấy cô chạy tới, bắt đầu sủa.

Ray hạ kính cửa xuống 2 inch.

– Có phải anh đi với bà tóc vàng mới vô tiệm? Vợ anh hả?

Cô nói không ra hơi, mặt đầy mồ hôi.

Ray trả lời.

– Ðúng! Bả mua trái banh cho con cháu.

– Bà té xỉu, ông Ghosh nghĩ rằng bả bị đau tim, nên đã gọi 911, anh vô đi!

Ray khóa cửa xe, theo cô gái vô tiệm.

Tiệm mát lạnh. Mary nằm dưới sàn, hai chân mở, hai tay xuôi theo mình, sát bên một giỏ to đựng đầy banh có bảng ghi “Niềm vui nóng bỏng của mùa Hè”. Mắt Mary nhắm nghiền như đang ngủ. Ba người đứng quanh. Một người da màu mặc quần ka ki, áo trắng, bảng tên trên túi áo ghi “Quản lý GOSH”. Hai người kia là khách hàng: một ông già ốm, tóc lưa thưa, ít nhất 70 tuổi; kế bên là bà mập, mập hơn cả Mary, hơn cả cô gái áo sơ mi xanh luôn. Ray nghĩ, lý ra bà mập mới là người nằm dưới sàn.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 4 tháng 4 năm 2024

Ông Gosh hỏi:

– Thưa! Ông là chồng bà này?

– Vâng! Ðúng là tôi.

– Xin lỗi, bà ta có thể đã chết, tôi có làm hô hấp nhân tạo, nhưng…

Ray nghĩ rằng cha da màu này đã chạm môi Mary, đại loại như hôn cô, thổi hơi vô miệng cô.

Ray quỳ xuống kêu:

– Mary! Mary. Giống như cố làm cô thức dậy sau một đêm mất ngủ.

Mary vẫn im lặng. Ray để tai vô miệng cô, không nghe thấy gì. Anh cảm thấy hơi mát lăn tăn trên tay, nhưng đó là hơi máy lạnh.

– Ông này đã gọi 911. Bà mập nói.

Ray la lớn:

– Mary!

Anh nhìn lên mọi người, như hối lỗi.

– Cổ không bao giờ bệnh, khỏe như ngựa.

Ông già lắc đầu:

– Sao biết được.

Cô gái áo xanh:

– Bà ta chỉ té xuống.

Bà mập hỏi:

– Bả có ôm ngực không?

Cô gái lắc đầu:

– Chắc là không! Bả chỉ té xuống thôi.

Có một giá treo áo thun lưu niệm gần giỏ banh, in những câu: “Ba má tôi được đối xử như quý tộc ở Castle Rock. Còn tôi thì chỉ có cái áo thun rẻ tiền này”.

Ông Gosh lấy một cái, hỏi:

– Anh muốn tôi che mặt cổ không?

Ray kêu lên:

– Chúa ơi!

Anh tiếp:

– Không! Chắc cô ta xỉu thôi, chúng ta không phải bác sĩ.

Sau lưng ông Gosh, Ray thấy ba thằng nhóc nhìn qua cửa sổ, một đứa lấy phone chụp hình.

Ông Gosh đi tới cửa, đập tay:

– Biến đi giùm.

Tụi nhóc cười, chạy qua trạm xăng.

Phía trước tụi nhóc, khu phố gần như bỏ hoang. Một chiếc xe chạy ngang chơi nhạc Rap. Với Ray, tiếng bass giống như nhịp tim bị mất của Mary.

– Ủa? Xe cứu thương đâu?

Ông già hỏi.

– Tại sao nó chưa tới?

Ray quỳ bên vợ, lưng đau, đầu gối đau.

Chiếc xe cứu thương là một xe Chevy Suburban sơn trắng, sọc cam, có cái đèn đỏ chớp nháy, “Cấp Cứu quận Castle” in ngược, trước đầu xe, bạn có thể đọc xuôi qua kính chiếu hậu của mình.

Hai người bước vô mặc áo trắng như bồi bàn, một người đẩy bình oxy.

Anh ta nói:

– Xin lỗi, mới lo xong vụ đụng xe ở Oxford, nên trễ.

Người kia nhìn Mary đang nằm dưới sàn, hỏi Ray:

– Bả còn sống không? Hay chỉ xỉu? Nếu xỉu thì anh phải cho thở oxy, nếu không sẽ hư não.

Ông Gosh lắc đầu. Cô gái mặc áo xanh khóc.

Mắt của Mary không phản ứng với tia đèn kiểm tra. Một nhân viên cấp cứu cố nghe nhịp tim không còn đập của cô; người kia thì đo máu không có áp suất.

Ðám nhóc con trở lại với tụi bạn, cả những người khác nữa. Ray đoán là họ bị thu hút bởi ánh chớp trên xe cấp cứu giống như những con bọ hay bu ánh đèn, ông Gosh lại đập tay đuổi đi, nhưng khi ông Gosh quay lại với Ray và Mary thì tụi nhóc bu trở lại.

Người cấp cứu hỏi Ray.

– Bà là vợ anh?

– Ðúng.

– Thưa ông, rất tiếc phải nói rằng bà ta đã chết.

– Mary, Ôi Ðức Mẹ!

Bà mập lầm bầm, làm dấu thánh giá.

Ray đứng dậy, đầu gối đau.

Ông Gosh đưa cái áo thun cho người cấp cứu để che mặt Mary, nhưng anh ta lắc đầu, đi ra. Anh nói với mọi người rằng không có gì để coi, nếu thấy rằng một bà nằm chết trên sàn tiệm Quik-Pik là điều hấp dẫn.

Anh kéo cái cáng từ phía sau xe cứu thương, lật tay, mấy cái chân tự động rớt xuống, ông già hói giữ cánh cửa, anh cấp cứu đẩy cáng vô trong, than thở.

– Mẹ, nóng quá!

Ray nhìn họ khiêng Mary lên cáng. Một tấm vải dài tới chân, họ kéo lên, che mặt cô ta.

Xem thêm:   Đông dược

Bây giờ thì Mary giống như xác chết trong phim, họ đẩy cô ra ngoài trời nóng, lần này thì bà mập giữ cánh cửa. Ðám đông đã tản qua bên kia đường.

Khi Mary đã được đặt vô xe, nhân viên cấp cứu trở lại với bảng ghi chú. Anh ta hỏi Ray chừng 25 câu. Ray trả lời hết, nhưng quên tuổi vợ mình, chợt nhớ Mary trẻ hơn Ray 3 năm, nên anh nói cô ta 35 tuổi.

– Chúng tôi đưa bà tới St. Stevie’s. Anh có thể đi theo, nếu không biết đường.

Ray trả lời:

– Tôi biết, nhưng các anh muốn khám ngiệm à? Mổ bả ra hả?

Cô gái áo xanh thở dài, ông Gosh ôm, cô gục mặt trong áo ông ta.

– Không phải do chúng tôi quyết định.

Anh nhân viên cấp cứu nói.

– Nhưng cũng không cần, cô ta đâu chết vì bất cẩn, đúng là bị đau tim, có thể đưa thẳng tới nhà xác.

Nhà xác? Mẹ, một giờ trước tụi này đang cãi nhau trên xe mà?

Ray bực bội.

– Tụi này không có thuê nhà xác, không đất chôn, không có gì hết! Cái quỷ gì vậy? Cổ mới 35 tuổi hà!

Hai nhân viên cấp cứu nhìn nhau:

– Ông Burkett, có người sẽ giúp ông mấy chuyện đó tại Stevie’s, đừng lo.

Chiếc xe cấp cứu chạy đi với đèn chớp, không kèn hụ. Ðám đông trên đường dãn ra. Cô gái áo xanh, ông già, bà mập, ông Gosh nhìn Ray như một người đáng nhìn.

– Cô ta muốn mua trái banh màu tím cho sinh nhật cháu gái, 8 tuổi, tên là Tallie, tên giống một diễn viên.

Ông Gosh lấy trái banh, cầm 2 tay đưa cho Ray.

– Cám ơn ông.

Ray nói nghiêm chỉnh. Bà mập khóc.

– Mary! Ôi Ðức Mẹ!

Họ đứng đó nói chuyện một lúc. Ông Gosh lấy nước ngọt trong tủ lạnh mời họ uống, Ray kể vài điều về Mary, về chuyện cô làm cái chăn vải, đạt giải 3 tại hội chợ Castle.

– Vợ tôi thì ngủ – ông già tóc thưa nói – Bả nằm ngủ trên ghế dài và đi luôn. Tụi này cưới nhau 37 năm, tôi nghĩ là mình sẽ đi trước, nhưng Chúa không muốn…

Cuối cùng thì Ray không còn gì để kể cho họ, mà họ cũng không có gì kể với anh. Khách hàng bắt đầu vô, ông Gosh giúp vài người. Cô gái áo xanh giúp mấy người khác. Bà mập nói cần phải đi. Bả hôn Ray trên má trước khi đi.

– Bây giờ anh coi lại chuyện của mình, ông Burkett.

Bả nói với giọng tán tỉnh.

Ray nhìn cái đồng hồ có hình quảng cáo bia ở quầy. Hai tiếng đồng hồ đã trôi qua kể từ lúc Mary mở cửa xe vô tiệm Quik-Pik. Ray bắt đầu nghĩ tới con chó Biz.

Khi Ray mở cửa xe, luồng hơi nóng hổi ùa ra. Anh cầm tay lái, lui xe. Trong xe phải nóng cỡ 130 độ.

Anh quay lại: con chó Biz đã chết ngắt ở ghế sau.

Mắt nó đục ngầu, lưỡi le dài một bên miệng, răng nó nhe ra, có chút bánh dừa dính trong mấy cọng râu. Ðó là điều không cười được.

Ray kêu:

– Biz ơi! Bạn thân ơi. Tao xin lỗi, đâu có nhớ mầy ở trong xe.

Nỗi buồn lớn đổ xuống Ray khi anh quay lại nhìn con chó Jack Russel bị nướng chín.

– Giờ thì mầy về ở cùng với bả rồi! Phải hông?

Ray buồn phát khóc. Như một cơn bão dữ.

Khi anh khóc, chợt thấy bây giờ mình được hút thuốc thả giàn, bất cứ chỗ nào trong nhà, ngay tại bàn ăn luôn.

– Bây giờ mầy ở với Mary, Biz.

Ray nói qua nước mắt, giọng như bị nghẹt lại trong cổ họng, rất phù hợp với hoàn cảnh.

– Tội nghiệp Mary, tội nghiệp Biz…

Vừa khóc với trái banh màu tím giấu dưới tay, Ray trở lại Quik-Pik. Anh nói với ông Gosh rằng mình quên mua thuốc lá và chắc ông Gosh sẽ cho anh một cây thuốc Premium Harmony, nhưng ông Gosh không quá tử tế như vậy.

Ray hút thả cửa từ đó đến bệnh viện, với cửa xe đóng kín, máy lạnh chạy hết ga.

HĐV (dịch, rút gọn)

Stephen King

(www.newyorker.com)