Đàn Sitar, là loại đàn nhiều dây, xuất xứ từ Ấn Độ, dùng trong âm nhạc cổ điển Hindustani. Nhạc cụ này được phát minh từ thời Trung cổ, sử dụng khắp nước Ấn trong thế kỷ 16, 17 cho đến nay.

Anoushka Shankar, con gái của Ravi Shankar. Nguồn. gratefulweb.com   

Năm 1968-1970, Sài Gòn bắt đầu xuất hiện những cặp trai gái tóc dài, áo cổ Ấn Ðộ may bằng vải xô, dài phủ mông, áo bông quần loe. Trên các bửng xe Honda, Suzuki, gắn hình hoa thị đủ màu, cam, vàng, xanh lá, mắt đeo kính tròn (kiểu John Lennon), cột khăn lụa ngang đầu; có cô còn dán hoa trên má. Họ là những Hippies Sài Gòn.

Thời gian này, nhiều ban nhạc ra đời, hát nhạc Pop của Mỹ, Pháp. Giới trẻ khoái các ban nhạc nổi tiếng thế giới như The Beatles, Rolling Stones, Monkees, Janis Joplin, Cher, Jimi Hendrix, The Who, Bob Dylan, Simon.

Vào lúc đó, George Harrison của ban nhạc The Beatles, chơi đàn Sitar trong nhạc phẩm nổi tiếng “Norwegian wood”, “Strawberry Fields Forever”. Brian Jones của Rolling Stones cũng chơi đàn Sitar trong nhạc phẩm hàng đầu “Paint it Black”.  Ðây là các ca khúc nhạc Mỹ đầu tiên, với tiếng đàn Sitar huyền hoặc, xuất hiện tại Sài Gòn.

Đàn sitar xưa. Nguồn. Amazon

Tôi mê mẩn nghe với bạn bè.

Cuối những năm 50-60, đàn Sitar đã phổ biến khắp thế giới qua các tác phẩm của Ravi Shankar. Trong thập niên 1960, xu hướng sử dụng Sitar trong nhạc Pop phương Tây nảy sinh, được các ban nhạc nổi tiếng lúc ấy chơi trong nhạc phẩm của mình, như The Beatles, The Doors, The Rolling Stones.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Theo Hồi Giáo thì đàn Sitar do Amir Khusrow (1253-1325), một nhà thơ Hồi Giáo, phát minh trong thế kỷ 13.

Vào cuối thời kỳ của Ðế quốc Munghal (1707-1858), đàn Sitar bắt đầu có hình dáng kiểu mới. Cổ đàn rộng hơn. Bầu đàn trước đây làm bằng những lát gỗ dán keo bây giờ làm bằng quả bầu khô, các cung đàn bằng kim loại, với vành xương dọc 2 bên cần đàn.

Đàn sitar cổ. Nguồn. pinterest.fr

Cho tới năm 1725, Sitar được phổ biến, lúc này thì đàn có 5 dây, và loại Sitar mới có 7 dây cũng ra đời. Từ đó, đàn Sitar liên tục được cải tiến có tới 18, 19, 20 hoặc 21 dây. Sáu hoặc 7 dây chính để chơi, nằm trên phím đàn cong bằng kim loại và phần dây phụ còn lại, nằm dưới phím đàn để tạo thêm âm điệu khi chơi. Các dây chính gắn vô cần điều chỉnh nằm ở đầu cây đàn. Những dây phụ, dài, ngắn khác nhau, chui qua dưới phím đàn tới các lỗ dọc thân đàn để gắn vô cần điều chỉnh.

Ðàn Sitar có 2 cầu đàn, cầu lớn cho các dây chính, cầu nhỏ cho các dây phụ. Khi một dây được gảy, nó rung lên và thay đổi độ dài một chút, dây chạm vô cầu đàn, tạo ra tiếng đàn cao và ngân nga đặc biệt.

Khi chơi, đàn Sitar được đặt giữa chân trái và đầu gối phải của người chơi nên hai tay di chuyển tự do, khỏi phải ôm đàn. Người chơi gảy đàn bằng một miếng kim loại gọi là mizaraab.

Đàn sitar tiêu chuẩn. Nguồn. dulcimershofar.com

Ðàn Sitar thường được làm bằng gỗ dày, đôi khi được làm bằng gỗ Teak của Miến Ðiện. Người ta cho rằng gỗ để làm đàn Sitar hay nhất là gỗ Teak phải có trên 10 năm tuổi của Miến Ðiện. Vì vậy những người làm đàn Sitar cố săn lùng gỗ Teak cũ, đã được dùng làm cột, đà trong những căn biệt thự xưa để làm những đàn Sitar đặc biệt. Nguồn gỗ Teak lâu đời là một bí mật thương mại được giữ kín, những người làm đàn Sitar chuyên nghiệp không bao giờ hé môi.

Xem thêm:   Sân bên Side Yard

Ðàn Sitar có nhiều loại. Loại dành cho học sinh, cho người mới học, người chơi rành, và cho dân nhà nghề, các tay tổ. Giá cả tùy hiệu sản xuất, không do dáng kiểu và vật liệu sử dụng, có vài loại Sitar do những công ty danh tiếng sản xuất, có giá trị rất cao, hầu hết là hiệu Rikhi Ram (tại thủ đô Delhi), và hiệu xưa Hiren Roy (Kolkata). Sitar hay hay dở có giá trị hay không, tùy vô bậc thầy nào đã làm ra.

Đàn sitar điện. Nguồn. blogspot.com

Vào cuối những năm 1950 đầu 1960, Ravi Shankar cùng với Alla Rakha bắt đầu giới thiệu âm nhạc cổ điển của Ấn Ðộ với văn hóa phương Tây. Ðàn Sitar xuất hiện trong âm nhạc phổ thông do David Crosby tổ chức trình diễn. George Harrison đã chơi Sitar rất thành công trong các ca khúc nổi tiếng của The Beatles, “Norwegian wood”, “Strawberry Fields Forever”, “Love you, too” được thu âm giữa các năm 1965-1967. Những tác phẩm của ban nhạc này, đã giúp phổ biến âm điệu cổ điển Ấn Ðộ ra giới trẻ phương Tây. Ðặc biệt là George Harrison thọ giáo Sitar với Ravi Shankar và sau đó là Shambhu Das, năm 1966. Cũng trong năm này, Brian Jones của ban nhạc lừng danh The Rolling Stones đã dùng Sitar trong nhạc phẩm hàng đầu “Paint it Black”. Một tay guitar khác của Anh, Dave Mason cũng chơi Sitar trong hai bài hát được xếp hạng cao năm 1967 là “Paper sun”, “Hole in my shoe”.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Những thành công trên cho thấy, nhạc cụ này đã phối hợp rất nhuần nhị nhạc phổ thông phương Tây. Ravi Shankar mô tả đây là “vụ bùng nổ Sitar”: “Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ phương Tây, nghe đàn Sitar kể từ lúc George Harrison, một người trong ban nhạc The Beatles nổi tiếng với đàn Sitar, anh là đệ tử của tôi, bây giờ anh là một người chơi Sitar có tiếng”.

Đàn sitar điện. Nguồn. blogspot.com

Robby Krieger, tay ghi ta của ban nhạc The Doors đã chơi Sitar trong bài “The End”, năm 1967, và bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự du dương của đàn Sitar Ấn Ðộ. Nhiều tay chơi ghi ta đã sử dụng đàn Sitar điện, giống như ghi ta điện bình thường và có vẻ khác với cây đàn Sitar truyền thống.

Cây đàn Sitar truyền thống của Ấn Ðộ đã chuyên chở văn hóa, âm nhạc cổ điển của nước này tới phương Tây và làm cuộc bùng nổ trong âm nhạc phổ thông phương Tây suốt thời kỳ Hippie như ông thầy Sitar Ravi Shankar đã nói.

Cho tới bây giờ, khi nghe “Norwegian wood” “Strawberry Fields Forever”, tôi vẫn thấy bay bay. Tiếng đàn Sitar như chất xúc tác, kéo tôi vô, bơi trong ảo giác…

Ravi Shankar lúc lớn tuổi. Nguồn. fanart.tv

HĐV

(Nguồn. Wikipedia)