Hôm nay, chúng ta tới Gdansk, một thành phố đẹp của Ba Lan.

Thành phố Gdansk ban đêm. Nguồn. mytouringdansk.com

Gdansk là thành phố cổ nhất của nước này được thành lập vào thế kỷ 10. Từ năm 1308 đến năm 1454, một phần thành phố thuộc về các hiệp sĩ Teutonic, sau đó là thành phố tự trị của Ba Lan.

Gdansk là thành phố cảng, trung tâm giao thương ngũ cốc quan trọng của Châu Âu. Sau Thế chiến 2, Gdansk là nơi sinh sống của nhiều dân Ðức tại Ba Lan. Năm 1945, thành phố xây dựng các công ty đóng tàu cỡ lớn và tại đây, sức mạnh của Công đoàn Ðoàn kết đã đập tan chế độ cộng sản Ba Lan, năm 1989.

Khu khách sạn xưa ở Gdansk. Nguồn.polska.travel

Gdansk như một mệnh phụ Ba Lan quý phái về già! Thành phố có 500 ngàn dân này nằm ở vùng biển Baltic, với những bãi biển tuyệt đẹp. Khu phố cổ đậm chất quý tộc Châu Âu xa xưa với tháp nhà thờ Victorian, những cánh cửa gỗ sồi nặng nề của các bar rượu ấm cúng; tiếng giày cồm cộp trên mặt đường hẹp lót đá đen dưới những ngọn đèn đường lung linh sương đêm, dẫn ra quảng trường đầy các tiện nghi của một thành phố lớn.

Trước kia, Gdansk đã từng thuộc về Ðức trong nhiều năm. Vì thế, đây là thành phố nửa Ba Lan, nửa Ðức được sát nhập vô Ba Lan sau Thế chiến 2, năm 1945. Nếu dạo chơi ngoài đường, bạn sẽ nghe nhiều người nói tiếng Ðức vì thành phố này là điểm du lịch hấp dẫn của du khách Ðức. Nhiều người dân Gdansk thông thạo tiếng Ðức và đặc biệt, rất nhiều người sinh tại Gdansk nhưng mang quốc tịch Ðức.

Tòa Đô Chính ở Gdansk. Nguồn.tapeciarnia.pl

Có những chuyện về thành phố Gdansk, mà có thể bạn chưa hề biết:

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Trước hết, Gdansk là thành phố duy nhất tại Ba Lan được tự do trong thời cộng sản. Cũng giống như Vatican và Singapore, thành phố này riêng biệt như một quốc gia, hoàn toàn tự do và độc lập 2 lần trong lịch sử: Lần thứ nhất vào thế kỷ 19 (1807-1814), lần thứ hai là giữa thế chiến (1920-1939).

Khách sạn ở Gdansk. Nguồn. handluggageonly.co.uk

Gdansk là thành phố yêu chuộng tự do, hai nước Ba Lan và Ðức đều muốn kéo thành phố này về cho mình. Nếu bạn hỏi một người Ba Lan về Gdansk, câu trả lời đầu tiên của họ là “Ðoàn kết”.

Tuy nhiên, chiến tranh thế giới thứ 2 lại bắt đầu tại Gdansk. Ðức chiếm Ba Lan ngày 1-9-1939 khởi đầu bằng cuộc tấn công vào Gdansk và sau đó lan ra khắp thế giới. Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, ngược với ước muốn của dân Ba Lan, chính quyền Liên Xô đã tóm cổ Ba Lan, biến nước này thành cộng sản với một chút độc lập, nhưng các quyết định quan trọng đều do Liên Xô duyệt xét cho dù họ tuyên bố rằng “Ba Lan tự do”. Do đó, dân Ba Lan thù sự thống trị của Liên Xô. Họ đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống lại Liên Xô ở Ba Lan và rất tiếc, đều bị dập tan nát trong biển máu. Mãi cho đến năm 1980, Công đoàn Ðoàn kết được thành lập ở Gdansk, dưới sự lãnh đạo của Lech Walesa và được sự ủng hộ của Ðức Giáo Hoàng Paul II, Ba Lan được tự do vào năm 1990.

Cô gái Gdansk. Nguồn. themasculinetraveler.com

Nhưng đâu phải chỉ Ba Lan, cả đám Liên bang Xô Viết kéo nhau sụp tiệm vào năm 1991. Giấc mơ thế giới đại đồng cộng sản của Stalin tan thành tro bụi. 15 nước mới ở Châu Âu và Châu Á hình thành sau khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ. Ngoài ra, có 5 nước không thuộc Liên Xô như Ba Lan, Hungary, Czechoslovakia, Romania và Bulgaria đã tuyên bố dẹp bỏ cộng sản. Như vậy, khởi thủy từ Gdansk, cả thế giới đã thay đổi.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Một điểm đặc biệt nữa là theo các nhà nghiên cứu xã hội, Gdansk là thành phố có cuộc sống và làm việc ngon lành nhất Ba Lan nên thu hút nhiều người từ các nơi khác tìm tới.

Tiệm bia ở Gdansk. Nguồn. xperiencepoland.com

Du khách đến Gdansk dễ dàng nhận thấy đài phun nước Neptune với pho tượng kim loại đen nằm ngay trung tâm khu phố cổ của Gdansk. Ðây là một biểu tượng của Gdansk. Có nhiều huyền thoại về pho tượng này, phổ biến nhất là “Goldwasser”, tên của loại rượu vodka nổi tiếng ở đây. Chuyện cổ kể rằng, dân Gdansk quá giàu nên họ thường ném đồng xu vàng vô đài phun nước. Họ làm điều này với niềm tin sẽ mang lại may mắn cho mình. Sau một thời gian, Neptune nổi giận vì đài phun nước quá lào xào. Ông cho xay các đồng xu ấy thành bột vàng thật nhuyễn và biến nước trong đài thành rượu vodka, đó là lịch sử của rượu “Goldwasser”.

Đài phun nước Neptune. Nguồn. polskieszlaki.pl

Một truyền thuyết khác lại cho rằng, có một lần, tất cả những nhân vật bằng đá được chạm khắc đẹp đẽ trên nóc các căn phố tại Gdansk sống lại trong một đêm. Họ liên hoan ăn uống và người đứng đầu liên hoan hẳn là Neptune rồi.

Ngoài ra, Gdansk là nơi xuất  cảng hổ phách lớn nhất thế giới, nổi tiếng với nhiều loại hổ phách đẹp và độc đáo. Hổ phách là loại nhựa cây hóa thạch, dùng làm đồ nữ trang và trong kỹ nghệ thuốc và mỹ phẩm. Sản phẩm hổ phách ở đây cũng mang nhiều truyền thuyết đậm chất lãng mạn. Người dân Gdansk thường nhắc tới huyền thoại Juraté, nữ hoàng biển cả, của Lithuanian. Cô yêu đắm đuối chàng ngư phủ Kastytis nhưng cha cô phản đối, trừng phạt bằng cách phá nát cung điện làm bằng hổ phách nguy nga, tráng lệ của cô và biến cô thành bọt biển. Ðó là truyền thuyết nhưng người dân Gdansk vẫn cho rằng, hiện nay những mảnh vỡ của cung điện thỉnh thoảng được tìm thấy dọc bờ biển Baltic.

Món ăn đường phố ở Gdansk. Nguồn. Flickr

HĐV

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

(Nguồn: travelpolandtours.com)