Ngày 8-4-75, Tôi đi làm về, chạy chiếc Vespa từ xưởng phim của anh Nguyện Vị (Đang sản xuất phim Hoa Lư, phim vẽ đầu tiên của LIDAC Films, Sài Gòn) qua cầu Thị Nghè trên đường Hồng Thập tự, quẹo Bưu Điện, tính mua bánh mì về ăn tối với gia đình, vừa tới Nhà thờ Đức Bà thì có 2 tiếng nổ lớn, tôi ngừng xe gần tượng Đức Mẹ, chung quanh mọi người tỉnh bơ, như không gì xảy ra. Trước mặt, ngay cửa chính Nhà thờ, 2 chiếc xe Hoa Kỳ (Loại xưa thường cho thuê đám cưới ở SG) một đỏ, một xanh dương, mạ kền bóng loáng, Tướng Nguyễn Cao Kỳ, đang đứng chỉ chỏ lên trời với các cận vệ mặc thường phục.

Dân SG leo qua tường Tòa Đại Sứ Mỹ để ăn theo di tản. Nguồn. Neal Ulevichap photo. 

Tivi buổi tối, tin trung úy phi công VNCH, Nguyễn Thành Trung phản trắc, chơi 2 trái bom xuống Dinh Ðộc Lập.

Sáng mai tôi đi làm, Sài Gòn rất bình thường, hình ảnh mỗi đêm của cuộc chiến Tống Lê Chân, Bình Long đẫm máu vẫn chưa làm rung rinh thủ đô yêu mến này.

Cuối tuần tôi chở vợ con trên chiếc xe hơi Citroen ghé ăn bò bía ở hồ con rùa, hoặc phở Quyền Võ Tánh, Phú Nhuận.

“Ngày 28-4-1975, Tổng Thống Gerald Ford, Ngoại Trưởng Henry Kissinger, Phó Tổng Thống Nelson Rockefeller, những đạo diễn của tuồng “Dzọt khỏi Sài Gòn” họp khẩn tại Tòa Bạch Cung để bàn luận và hoạch định cuộc di tản của người Mỹ. Ðây là màn cuối trong bi kịch chiến tranh Việt Nam”

Ðùng một cái, chiều 28-4-75, ông anh họ bên Không Quân: Mầy chuẩn bị cho vợ và 2 con, tao ghé là dzọt lên phi trường TSN, C130 đợi sẵn, tao có ưu tiên.

Người bạn Trung Úy Hải Quân ghé nhà 8 giờ tối: Cha thu vén gọn nhẹ, tui ghé đưa cả nhà qua Nhà Bè, tàu đợi sẵn, đi thôi, mất nước rồi!

“Ngày 28-4-75, bao nhiêu thường dân Sài Gòn nhốn nháo trước cửa Tòa Ðại Sứ Mỹ xin xỏ Visa trốn qua Mỹ trước khi  Cộng quân xơi tái Sài Gòn

Tối 28-4-75, 10 giờ đêm. Một người bạn thân tới nhà: Ông rành tiếng Anh, khi tui cần, giúp giùm, lúc anh ra cửa, tôi thấy khẩu súng ngắn lận sau lưng. (Anh là bạn thân thời đại học Vạn Hạnh).

“Dân SG leo tường, cố lọt vô Tòa ÐS Mỹ để tới khu vực trực thăng di tản trong khuôn viên, thậm chí họ còn leo tới sân đáp trực thăng trên nóc tòa ÐS Mỹ để ăn theo những chuyến di tản cuối cùng ngày 29-4-75”

29-4-75. Sài Gòn nghẹt thở, mùi chiến tranh khét lẹt, tôi lại chơi một vòng Vespa. Dân Phú Nhuận nhào vô các chung cư, tư gia của Mỹ đã bỏ đi dọc đường Công Lý (Khu phi trường) khiêng hết mọi thứ. Tôi chạy lên Hội Việt Mỹ. Tan nát! Cả một thư viện đẹp đẽ ngày nào, thành bãi rác. Mấy chú nhóc khiêng hết sách bỏ ra sân, chỉ lấy kệ gỗ, bàn ghế.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Tôi hỏi một em.

– Cho anh xin mấy quyển sách kia?

– Khiêng đi cha! Nặng thấy mẹ!

Nhưng tôi cũng đành tiếc nuối nhìn bộ tự điển bách khoa Britannica lăn lóc dước sân, không chở đi được.

Ra cổng sau Hội Việt Mỹ, quẹo phải là đụng ngay tư dinh Ðại Sứ Mỹ (Martin), mọi người đang lấy đồ, tủ lạnh, giường ngủ, salon, đồ xưa giả cổ, cả kho thực phẩm đông lạnh nằm bên bãi cỏ, xe Lam, xe 3 bánh, xe hơi nhà tới chở đi. Tôi ghé vô, coi thử nhà Ðại Sứ ra sao.

Căn phòng lớn bên phải.

2 thằng nhóc đẩy cửa, tôi bước theo.

Tổng Thống Ford, Kissinger, Phó TT Nelson quyết định cuộc di tản người Mỹ tại VN, 1975. Nguồn. Getty Images

Mẹ ơi! Toàn bộ súng ngắn, dài đủ loại trên giá, nón sắt, quân trang, tôi biết đây là phòng bảo vệ của đơn vị TQLC Mỹ.

Thằng nhỏ nói giọng Quảng Nam.

– Chú biết bén hông?

Nó đưa cái hộp, có khẩu P-38 và 5 viên đạn.

– Biết.

Tôi cầm lấy, vô đạn, chĩa lên trời.

– Vậy là bắn được.

Thằng nhỏ đòi khẩu súng, tôi đưa.

Ði một vòng ra sau, nhà bếp vẫn còn đồ ăn tươi bày trên bàn với rượu chát đỏ, bia lạnh, 2 anh trai trẻ ngồi ăn, nốc rượu ngon lành.

– Ăn không chú? Nhiều lắm, toàn thịt bò nướng.

Tôi cười.

Qua căn phòng trống, tới dãy phòng tắm, nghe tiếng nước xì xèo, cửa mở.

Một anh thanh niên trần truồng, đầy bọt trên người nhe răng.

– Ở tù quận nhất mới ra, 3 tháng chưa tắm… Mẹ! đã thiệt!

Có tiếng piano thưa thớt văng vẳng.

… Ai chơi piano vào lúc này? Không lẽ Beethoven?

Tôi theo tiếng đàn, qua hành lang tới một phòng toàn bộ màu xanh như bàn Bi Da, từ thảm, tới màn cửa, mỗi cửa sổ dài có 2 chân đèn đồng cao, giữa phòng là chiếc piano thật lớn bằng gỗ nâu đậm, nắp đàn mở lên cao.

– Tưng! Tưng, từng! Tứng.

Tiếng piano rời rạc.

Tôi bước vòng ra trước đàn

Một anh có tuổi, tóc bạc, quần ka ki lính, đang đục cây đàn, ngước lên nhìn tôi.

– Gỡ hết bộ dây này là kiếm bộn bạc, toàn đồng thau đắt tiền, còn mới là cả vài cây vàng!

Tôi lặng người nhìn chiếc đàn Steinway quý giá, to nhất, đẹp nhất mà tôi từng thấy đang rung rinh tình tang dưới chiếc búa nhỏ lộc cộc.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Ra tới sân, mọi người vẫn khiêng vác bàn ghế giường tủ sa lông, đèn, thực phẩm chất lên xe …

Thằng nhỏ khác kéo tới 1 thùng gỗ.

– Chú! Máy cát sét phải không?

Nó chỉ qua thằng có súng P-38.

– Nó hên lấy được 2 máy cát sét với khẩu súng, tui chưa có gì!

Tôi nhìn thùng gỗ, nổi da gà.

– Nhỏ! Thùng lựu đạn, bỏ đi.

– Sao chú biết? Tui đập ra coi cái gì

Tổng Thống Dương V Minh bị dẫn độ khỏi Dinh Độc Lập. Nguồn. AFP Getty Images

Tôi phóng lẹ ra xe Vespa, quay lại thấy thằng nhỏ lấy cái chân đèn lớn đập ầm ầm vô thùng lựu đạn, đạp máy, xe không nổ, tôi đành dắt xe chạy thẳng tới đường Hai Bà Trưng, chạy mấy bước.

– Chú! Coi tui bén!

Thằng nhỏ chĩa khẩu P-38 lên trời, chơi liền 5 phát.

Vespa nổ máy, tôi tống hết ga về nhà.

– Sao ác nhơn vậy? Người ta bắn giết, súng đạn khó lường, đi lông nhông làm gì?

Ngày 29-4, Cộng Sản nằm vùng đã ló mặt khắp nơi, thắt vải đỏ, vải xanh, đứa nào cũng súng ngắn. Trưa thằng bạn nối khố, độc thân muôn thuở, Ðại Úy Không Quân ghé nhà ăn cơm, làm vài lon bia.

Nó muốn khóc.

– Mầy cất giùm tao khẩu P-38, 20 viên đạn, 5 lượng vàng, tao về Cần Thơ thăm gia đình, nếu tao không trở lại, thì chừng đó thuộc về mầy, có thể tao biến luôn…

Nó leo lên chiếc Honda 90, tôi treo bình 4 lít xăng, bỏ túi vải 6 lon bia, mấy lon xúc xích, thằng bạn chạy đi, mắt tôi khô ran, cô vợ thút thít.

– Vậy là Sài Gòn tiêu rồi anh!

“Ngày 30-4-75, sau khi tuyên bố đầu hàng trên radio, Tổng Thống Dương Văn Minh và các tùy tùng, bị quân Cộng Sản dẫn độ ra khỏi Dinh Ðộc Lập. Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ khi chiếc Xe tăng Cộng Sản đã húc ngã cánh cổng sắt, nhào vô chiếm Dinh.”

Trưa 30-4, ở cư xá cầu Công Lý, Phú Nhuận, mọi người đổ ra đường như ngày xưa coi duyệt binh, tôi đứng với máy hình và cuộn phim duy nhất, chứng kiến phút giây sụp đổ của Sài Gòn, của miền Nam, của đất nước tôi…

Mọi người yên lặng, nhìn qua bên kia đường Công Lý, khỏi ngã tư Nguyễn Huỳnh Ðức là một trung đội Dù, quần áo, nón, ba lô vũ khí đầy đủ và chỉnh tề đang yên lặng đi về hướng Dinh Ðộc Lập, người đi đầu, lon Thiếu Úy, có một chiến sĩ mang đại liên M60, và người khác mang M79.

Từ hướng Dinh Ðộc Lập, bên kia cầu Công Lý, ngay chùa Vĩnh Nghiêm, 2 xe molotova, chở đầy lính Cộng Sản với cờ Mặt Trận Giải Phóng, băng qua cầu. ngừng lại.

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

Trung đội Dù cũng ngừng lại.

Mọi người bên đường ngừng thở!

Trên chiếc molotova đầu, một người lính đội nón tai bèo, nhảy xuống, bước qua bên kia cầu, nơi trung đội Dù đang đã dừng lại bên đường.

Họ nói với nhau điều gì, không ai nghe, lịch sử cũng không biết.

Nhưng.

Trung đội Dù lặng lẽ, cởi ba lô, vũ khí, nón, đặt xuống đất.

Ðoàn molotova Cộng Sản chạy nhanh về hướng phi trường (Sau này tôi biết được đám quân CS này muốn đi chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân ở bến Bạch Ðằng, đi lạc về hướng phi trường, nên đụng trung đội Dù ngoài dự tính)

Xe tăng CS Bắc Việt bị bắn cháy ở Ngã tư Bảy hiền ngày 30 tháng 4

Giây phút tắt hơi lịch sử của Sài Gòn nẩy lên khi các chiến sĩ Dù, ném vũ khí, bỏ ba lô, cởi áo quần chạy qua bên này đường, bà con ôm lấy, ôm lấy, ai cũng khóc.

Tôi cũng khóc.

Và tôi chụp hình.

Hôm 1-5-75.

Tôi mang một máy hình, một máy quay Bolex 16, tới khu công viên trước Dinh Ðộc Lập.

Lính Bắc Việt và lính Mặt trận Giải phóng đầy mọi nơi, cách phân biệt là lính Mặt trận Giải phóng không đội nón cối, đen thui, quê mùa, nói giọng Nam và ít nói; lính Bắc Việt chơi nón cối, răng vẩu, nói nhiều văng nước miếng, hay nói địt mẹ, thường hỏi mua đồng hồ đeo tay (Mà túi không có tiền!).

Khu vườn cây trước Dinh Ðộc Lập đã trở thành chợ trời ngay từ sáng 30-4, người ta gạ bán đồng hồ (thiệt và giả), radio 2 băng, dép da, nón vải, khăn tắm…

Tôi chụp hình, quay phim tới tấp, Mẹ! làm gì có cơ hội quay, chụp những biến cố lịch sử này, tôi mê mẩn hành nghề, tôi bấm máy lia lịa bên mấy cô giải phóng.

– Ê!

Bàn tay chụp cổ áo tôi.

– Ê! Làm gì mà chụp hình quay phim tứ tung dzậy? Báo nào, Ðài Nào? Tay sai bọn Mỹ hả?

Tôi quay lại.

– Không! Tôi quay kỷ niệm, ngày thống nhất mà.

Trước mặt tôi là tay lính Giải Phóng, súng ngắn, trên tay cầm máy hình cũ mèm.

– Không có kỷ niệm gì ở đây! Tôi là cán Bộ Văn Hóa…Tịch thu máy quay và máy hình của anh vì vi phạm luật cấm.

Tôi lên cơn.

– Mẹ! Luật gì?

– Ơ ơ!

Thằng Giải Phóng ngọng, nó đưa khẩu K 59 lên.

– Luật này!

Tôi ngọng, im, đưa máy, biến lẹ.

Về nhà buồn thúi ruột.

Bao nhiêu hình, phim về ngày tôi và chúng ta mất Sài Gòn cũng mất luôn.

Tôi ngồi im trong phòng tắm.

– Ê! Cha ngủ trưa hả?

Vợ tôi đập cửa.

Tôi chửi.

– Tổ cha thằng Giải Phóng, cướp máy tao!

Vợ tôi cười khà khà.

– Tụi nó lấy cả Sài Gòn, chơi luôn cả nước, máy anh ăn thua gì! Quên đi.

Làm sao tui quên được trong cả cuộc đời còn lại!

HĐV