Mỗi khi nghe ai đó hát “Anh đã lầm đưa em sang đây” (bài “Lầm” của nhạc sĩ Lam Phương) là tôi lại ngồi tự vẽ ra cái cảnh dẫn đến sự “lầm” đó trong đầu, rồi thở dài thườn thượt… Ra vẻ như là mình sâu sắc lắm.

Túy Hồng và Lam Phương khi còn trẻ – Ảnh: Danviet.vn

Không tính đến sự liên quan giữa câu chuyện tôi tưởng tượng, câu chuyện tôi được đọc về bài hát trên và câu chuyện thật đã “khai sanh” ra bài hát. Vì chỉ “người trong kẹt hiểu người trong cuộc”, “lầm” ra sao thì hai “cựu” vợ chồng nhạc sĩ tài hoa và đa tình Lam Phương biết rõ nhất. Cái sự “lầm” trong bài hát trên, được nhiều người coi là một cái lầm… kinh điển. Nó lặp đi, lặp lại với nhiều người, nhiều cuộc hôn nhân. Có thể vì vậy mà bài hát này mới… nổi tiếng, là cảm hứng cho bao câu chuyện tình dang dở, là “mồi lửa” để ai đó nhen nhóm lên một bài thơ, áng văn, câu hát bi lụy, trách hờn… Kiểu như:

“Ai đưa con sáo sang sông 

Ðể cho con sáo sổ lồng bay luôn…”

Theo “kinh nghiệm” của một người dành cả thanh xuân để đi …  bà tám, từ “lầm” luôn ám chỉ “điềm không lành” trong một câu chuyện. Ðối với mấy bà tám (như tôi), khi nói xấu ai đó, chẳng có lựa chọn nào tốt hơn mấy câu cảm thán “Coi vậy chứ không phải vậy!”, “lầm chết bây ơi…”. Từ lầm được “ưa chuộng” khi các “bà tám” cần “bôi đen”, nói xấu một người, một mối quan hệ, một sự kiện nào đó. Giống như những từ “lầm” gây đau đớn trong bài hát trên, khiến ai cũng tin rằng tác giả dùng chữ “lầm” để tô đen một tình yêu từng là màu hồng của mình.

“ Lời yêu thương nồng cháy 

của hai mươi năm đầy 

ngày yên vui hạnh phúc 

ước vọng đến tương lai 

đã vùi trong giấy ngủ say …”

Nhưng hôm nay thì… vì những tâm hồn cao đẹp. “Bà tám” Du Uyên sẽ kể những câu chuyện, nơi mà chữ “lầm” được dùng để “tẩy trắng” chớ không phải “bôi đen” người đời.

  1. Bỗng dưng nổi tiếng

Ngày 21/10, một video được chia sẻ “chóng mặt” với lời tựa “Thanh niên xăm trổ xin đểu không được, cà khịa ô tô giữa đường”. Nội dung video ghi lại cảnh một chàng trai chạy xe không đội nón bảo hiểm, tay kín hình xăm, gõ liên tục vào cửa kính xe hơi và gọi “Anh ơi! Anh ơi!” trong khi tài xế nhai kẹo cao su và tỏ thái độ không quan tâm. Một giọng người phụ nữ ở trong xe (có lẽ là người đã quay clip) nói: “Coi chừng nó làm gì mình đó anh. Nó đi theo mình đó.” Xe hơi tiếp tục chạy, chàng trai cũng chạy xe máy đuổi theo rồi tạt đầu xe hơi ra hiệu dừng… Nhưng chàng trai vẫn bị cặp trong xe hơi nhìn bằng ánh mắt vô cùng “kỳ thị” và xa lánh, bỏ rơi giữa đàng.

Người đăng video giải thích thêm: “Vụ việc vừa xảy ra trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình). Thủ đoạn chờ xe dừng chờ đèn thì tấp vào gõ cửa xin tiền. Nếu không cho thì tiếp tục chạy theo chặn đầu thách thức ăn vạ. Ai đi qua đoạn này hãy thận trọng với chiêu thức trên”

Anh Bình trong đoạn clip, anh Bình trên báo vào cái “vè xe” bị đụng hư – Ảnh: báo Pháp Luật

Tin không? Tin chứ! Nhơn chứng, vật chứng, hình … chứng rõ ràng như vậy mà! Ai mà không tin cho đặng? Nên sau khi đoạn video đó được đăng lên mạng, chàng “thanh niên xăm trổ” kia lại tiếp tục nhận được những lời mắng mỏ, ghét bỏ của cộng đồng mạng. Cư dân mạng và truyền thông quyết tâm tìm cho ra “thanh niên xăm trổ” kia để hỏi cho ra lẽ, thời nào rồi mà còn đi “xin đểu”.

Xem thêm:   Ham & hố

Sáng 24/10, “nhân vật chính” của câu chuyện, anh Lê Văn Bình (28 tuổi, ngụ quận 12, SG) xuất hiện trên khắp các tờ báo ở Việt Nam. Và lại một lần nữa làm “dậy sóng” cộng đồng mạng với một nửa sự thật còn lại. Theo anh Bình, sự việc xảy ra vào khoảng 4 giờ 30 ngày 20/10 ở quận Tân Bình: “Lúc đó, tôi đang chạy xe máy ở làn xe hơi (thời điểm này xe máy được phép) đến giao lộ với đường Phan Huy Ích thì dừng đèn đỏ. Chiếc xe ô tô biển số 51G-82… do người đàn ông khoảng 40 tuổi cầm lái không hiểu sao lại lùi lại va trúng xe của tôi khiến vè xe bị vỡ, văng ra đường”.

Tài xế xe hơi sau đó bước xuống, nhìn ra đuôi xe của mình có bị gì không, thấy không xây xước thì bước lên xe đóng cửa. Anh Bình thấy vậy tháo nón bảo hiểm, dừng xe và chạy tới với mong muốn tài xế dừng lại để giải quyết. “Nhưng tôi gọi cửa hoài mà người tài xế không bước xuống. Trong lúc đó, người phụ nữ trong xe quay phim tôi. Tôi có đuổi theo yêu cầu họ dừng lại để giải quyết nhưng do ở làn đường xe hơi, chưa kịp đội nón bảo hiểm nên không đuổi kịp”.

Ðến ngày hôm sau, anh Bình bất ngờ nhận được nhiều cuộc điện thoại của người thân, bạn bè ở quê với nội dung: “Sao bảo vô Saigon làm công nhân mà giờ lại đi ăn cướp”. Anh tá hỏa kiểm tra thì phát hiện hình ảnh của mình tràn lan trên mạng xã hội với nội dung như trên.

“Em chỉ là công nhân làm đá hoa cương. Cả đời chưa từng xin đểu ai, lấy cái gì của ai giờ mang tiếng tăm rất khổ sở. Ðặc biệt cả làng, cả xã em đều xem clip và đồn đại rất nhiều, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của em”. Anh Bình cho biết chỉ mong muốn các tài khoản mạng xã hội gỡ clip và minh oan cho mình, riêng chiếc xe máy bị vỡ vè chắn nước thì sẽ tự đi sửa.

Ðừng trách cộng đồng mạng quá cả tin, chưa gì mà đã mắng nhiếc anh Bình. Cũng đừng trách người quay video, đã đâm cho xe người ta hư rồi còn “trao tặng” anh Bình thêm một cái tội. Những sự hiểu lầm này xuất phát từ sự bất an của lòng người, sự rối loạn của xã hội VN hiện nay và sự lơi lỏng của cái được gọi là luật pháp. Tất cả tạo nên một bức tranh bi hài, người ta sẽ không biết nên vui hay nên khóc khi nhìn vào nó. Ngay cả bản thân tôi hiện thời, khi gặp ai hỏi đường cũng không dám chỉ. Vì hồi xưa chỉ sai đường thì người ta còn hoan hỉ mà đi hỏi người khác. Chớ giờ tôi lo, chỉ sai đường một cái, họ quay lại tìm tôi đánh gãy răng. Không còn xinh đẹp để tiếp tục hành trình thoát… ế nữa.

Xem thêm:   Chó...

Thôi… cũng mừng cho “thanh niên xăm trổ” tên Bình, vì nếu anh không vô tình “nổi tiếng”, bị mắng nhiếc nặng nề thì anh sẽ không được lên báo nói sự thật, anh sẽ bị bà con ở quê đồn đoán coi “nó lên Saigon làm chuyện gì?” thêm nhiều năm nữa, và anh cũng sẽ bị cặp vợ chồng kia cùng một đám đông sau máy tính hiểu lầm mãi… mãi… Chỉ tiếc cho anh phải bỏ tiền thay cái “vè xe”, không biết có quá nhiều so với đồng lương công nhân hay không?

  1. Thay đổi số phận

Khi nhìn thấy một cậu bé lượm ve chai, đội mũ, mặc cái áo xám nhàu nát (tất cả đều thùng thình) bước đến một đống dép bạn sẽ nghĩ gì? Nếu là tôi, tôi sẽ cho rằng nó muốn lấy một/hai đôi dép mang thử hoặc đem bỏ vào trong cái bịch ve chai của mình, như cách của mấy bà mua ve chai hay đi ngang xóm tôi. Cứ thấy bất kỳ thứ gì mà người ta lỡ để “hớ hênh” ngoài sân là cầm lấy, bẻ gãy/đập bể rồi cho vào xe ve chai. Lý do mà mấy bà này phải làm hư hỏng những món đồ đó là, nếu gia chủ có muốn đòi thì cũng sẽ không đòi được món đồ nguyên vẹn. Chỉ có hai lựa chọn, nhận lại món đồ hư hoặc cho người bán ve chai cầm đi. Nhưng với cậu bé này thì không.

“Bé đứng nhìn các bé mầm non được trường đưa đi dã ngoại. Khi thấy cô giáo và các bạn bỏ dép không đúng vị trí sắp dép, bé đi lại cầm đôi dép cô giáo để cạnh các đôi dép của các bạn rồi đứng nhìn.”. – Người quay lại cảnh cậu bé bán ve chai 4 tuổi đang “cần mẫn” sắp xếp những đôi dép bị các bạn học sinh và cô giáo vứt lung tung kể lại.

Câu chuyện này khiến cho nhiều người thương cảm vào năm 2017, vì đáng lẽ cũng sẽ được đến trường như những người bạn cùng trang lứa, nhưng bởi hoàn cảnh khó khăn, hàng ngày bé phải theo mẹ đi lượm ve chai kiếm sống khắp nẻo đường Saigon. Nhờ một hành động nhỏ và vô tư, không những đã phá tan những hiểu lầm, kỳ thị của phần lớn người về trẻ em đường phố, trẻ em lang thang mà còn đã tự thay đổi số phận của mình. 2018, 2019, bé lại được lên báo, nhưng bây giờ mẹ bé đã được một người tốt bụng nhận vào làm việc sau câu chuyện trên và bé đã được đến trường như ước mơ của mình. Cậu bé có tên Nguyễn Danh Thành Ðạt, một cái tên mang thật nhiều sự kỳ vọng.

Nguyễn Danh Thành Đạt – cậu bé “ngăn nắp” – Ảnh: Kenh 14

  1. Làm vì đam mê…
Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Có những người làm việc chỉ vì đam mê, nhưng họ luôn bị người ta hiểu lầm! Như hai vụ dưới đây:

Thứ nhất, sau gần một năm vụ án “gian lận thi cử” ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… bị phanh phui và điều tra. Dư luận bỗng nhận ra mình đã hiểu lầm các quý thầy cô giáo có “công” trong “công cuộc” nâng điểm này rất nhiều. Bởi ngoài việc các cơ quan điều tra chứng minh rằng họ đã cố hết sức nhưng vẫn chưa tìm được bằng chứng xác định có sự vụ lợi trong việc nâng điểm cho toàn con quan lớn, con chủ doanh nghiệp to này. Thì lời khai của các bị cáo cũng lấy đi không ít nước mắt của độc giả.

Ví dụ, theo như bị cáo Lê Thị Dung – cựu phó đội trưởng thuộc Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang – nói trước tòa: “12 người nhờ và 20 thí sinh đều là người thân, ân nhân, bị cáo nhờ nâng điểm để… tạo phúc” Chẳng ai biết được bà Dung có hay rằng để ‘tạo phúc’ cho bà, cho 20 thí sinh và 12 người nhờ vả, bà đã lấy đi cơ hội vào đại học của ít nhất từng ấy thí sinh, niềm hy vọng của biết bao gia đình khác hay không? Nhưng lý do của bà đưa ra thật là nhân văn, dễ đi vào lòng người quá xá.

Cầm Thị Bun Sọn. – Người nâng điểm là do… thương đồng nghiệp vất vả – Ảnh: Báo Lao Động

Không chỉ bà Dung, một bị cáo nữa cũng có lý do nâng điểm nhân văn không kém. Ðó là bà Cầm Thị Bun Sọn: “Bị cáo thấy thương bà Nga làm việc sửa điểm thi vất vả và áp lực nên mới giúp đỡ chứ không có động cơ nào khác. Với lại, việc đi sửa điểm ngày 30.8.2018 là do cả nể sếp. Nếu không làm tôi sẽ bị đồng nghiệp chê trách”. – Trong đó, Nguyễn Thị Hồng Nga – cựu chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục Sơn La) là người tổng hợp danh sách các thí sinh cần sửa bài thi nâng điểm theo địa điểm. Cũng là người nhận 1,040 tỉ đồng” vì làm việc vất vả chứ không phải để nâng điểm”.

Thứ hai, xưa nay chúng ta cứ hiểu lầm những cán bộ nhà nước, cho rằng họ chạy chọt, mua danh bán chức để vào “biên chế” là do công việc này giúp họ kiếm được số tiền gấp bội. Nhưng không, sáng 24/10, tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) đã cho chúng ta biết một sự thật “chấn động”:  “Dù thời cuộc có thay đổi, trong cơ chế thị trường, đồng tiền len lỏi vào từng người, từng nhà, từng cơ quan, nhưng chúng tôi – những nhân sĩ trí thức, nhà khoa học, cán bộ viên chức đang làm việc trong Nhà nước không phải vì tiền mà vì lòng tự tôn dân tộc, vì lòng yêu nước giống hệt các nhân sĩ cách đây 70 năm”.

Không biết người ta sao chớ riêng bản thân tôi, sau khi đọc được những lời trần tình trên thấy thương những con người ở trên quá. Những con người làm việc không vụ lợi, tất cả vì đam mê thời nay rất hiếm thấy. Chúng ta hãy thôi phán xét, ngưng ngược đãi và hiểu lầm họ, hãy thả họ tự do… từ tầng 8 của toà nhà nào đó!

Nguyễn Quang Tuấn – Người kết nạp Đảng, làm cán bộ nhà nước không phải vì tiền – Ảnh: Zingnews

DU – Saigon