Ngày xưa người ta chỉ cần có ăn là vui. Rồi sau đó, người ta ăn vì ngon. Nhưng ngày nay đa số ăn vì “trend” (phong trào), cái gì “hot”, “viral” (phổ biến) là người ta ăn cái đó.

Bánh đồng xu phô mai – món “hot trend” suốt mấy tháng khắp Việt Nam rồi thành “lạnh trend” – Nguồn: Facebook      

Trong năm qua, phong trào đồ ăn, thức uống “mới lạ” trồi sụt liên tù tì nhờ sự “thao túng” mạnh mẽ của mạng xã hội. Đầu năm người ta đua nhau ăn gỏi gà măng cụt, chưa bao lâu thì người ta quên mất gỏi gà lẫn măng cụt mà tìm cà phê muối uống, tiếp tới là trà mãng cầu, bánh đồng xu, trà chanh giã tay Quảng Đông, mì gói thanh long… Lúc món nào “hot” thì món đó được ưu ái nằm ở trang nhất menu của các hàng quán lớn nhỏ, những chiếc xe bán nước rong cũng thay đổi “màu áo” liên tục theo màu của các món ăn đang “nóng” cho hợp phong trào.

Trích báo trong nước: “Chỉ trong khoảng 300 m đầu đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh, TP.HCM), gần 10 xe đẩy bán nước giải khát đậu san sát nhau. Điều đặc biệt là cứ vài tháng, những chiếc xe đẩy này lại đổi bảng hiệu hoặc sửa menu.

Trà chanh giã tay Quảng Đông “mọc” lên khắp nơi – Nguồn: Facebook  

Trương Quý, chủ của một trong những hàng nước, giải thích: “Không phải ‘mùa nào thức nấy’, mà là ‘trend nào thức nấy’. Vì khách trong khu này phần đông là sinh viên nên cứ có món gì hot trên mạng là tôi lại thêm vào menu”. Hiện tại, toàn bộ các hàng nước này đều đã thay bảng hiệu thành “trà chanh giã tay”, thay vì những thứ liên quan đến trà mãng cầu, trà dâu hay trà chanh thái xanh, trà tắc thái đỏ như thời gian trước. Một vài nơi chưa kịp thay bảng hiệu cũng vội vàng in hình hoặc phóng to menu để giới thiệu món mới.”

Xem thêm:   Liên minh phòng thủ chống Iran

Đu theo phong trào là một chuyện vô thưởng vô phạt, có hại hay không là do trí khôn của người “đu”, so với thời gian người người nhà nhà rủ nhau … tự tử hoặc chơi ngu theo phong trào đã xảy ra (như đút tay vào ổ điện, livestream tự tử, nhảy lầu, quậy làng phá xóm …) thì các phong trào ăn uống ở trên vừa vui vừa … no. Như có một sự thật đáng buồn là những món ăn “hot trend” dầu đàng hoàng hay không thì khi phổ biến ở khắp các xe bán lề đường đều thành món độc hại. Độc hại từ thành phần dỏm mua từ chợ (cho rẻ), tới cách lưu trữ và chế biến món ăn đó, sau đó là hàng tỷ tấn rác thải nhựa lẫn các mầm bệnh giới trẻ truyền cho nhau …

Thanh long chiếm mọi ngóc ngách trên mạng xã hội VN – Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mặc dù chịu nhiều phản hồi tiêu cực như không ngon, giá cao, phải chờ lâu, độc hại, chế biến mất vệ sinh … nhưng có phong trào thì theo, không ai chê cả, không chỉ người trẻ mà cả người già, bất kể hậu quả phía sau. Như mới đây, có nhiều người bất bình khi cam sành ngon ngọt loại nhứt ở miền Tây ế chỏng ế chơ, bán tháo với giá dưới 5,000 VND/ký, được người ta mua với tâm lý thương hại/giải cứu … Còn một ly trà chanh Quảng Đông có mùi … nước rửa chén được bán trung bình từ 40,000VND-70,000VND lại đắt như tôm tươi vì giới trẻ Việt đang “đu phong trào” thi nhau uống món trà chanh giã tay Quảng Đông. Và loại chanh Quảng Đông này tới từ đâu, từ Quảng Đông. Bạn nghĩ xem vì sao đất nước tỷ dân mà loại chanh này ế tới mức “lưu lạc” tới Việt Nam? Lý do là loại chanh thì rất ít nước, không người ngu nào bỏ tiền mua loại chanh này để dùng trong khi Trung Quốc có hàng trăm loại chanh khác … Rồi tự nhiên một ngày có một người nổi tiếng trên mạng xã hội tiktok quay lại cảnh làm nước chanh này phải giã tay để cho ra nước, tạo thành phong trào “Trà chanh giã tay”. Hương vị trà chanh này được cộng đồng ví như “nước rửa chén” vì mùi chanh và vỏ hoà nhau. Người Quảng Đông không cần giải cứu loại chanh này nữa vì người Việt Nam mình đã kịp thời “đu trend”, nhập hàng nhiều về trữ để bán, chờ một phong trào khác … Cam giã tay hay xay sinh tố luôn vỏ chưa được người nổi tiếng nào tạo ra, tiếc thay!

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Nói đi cũng phải nói lại, nông sản Việt Nam năm nào cũng chết lên chết xuống, được giá thì mất mùa, được mùa thì mất giá, không giải cứu món này cũng phải giải cứu món kia … “Giải cứu nông sản” 4 chữ từng gây nên nỗi xót xa nay lại tạo nên sự thở dài ngán ngẩm. Mấy năm trước người ta nô nức giải cứu thanh long, vải, bơ, khoai lang, mít … năm nay giải cứu cam chưa xong mà râm ran chuẩn bị lại phải giải cứu… cán bộ nữa! Người lớn còn mệt huống chi giới trẻ, nên khó mà trách…

Người Sài Gòn ‘giải cứu’ cam miền Tây – Nguồn: tuoitre.vn

Tuy nhiên, đừng nhìn thị trường thực phẩm nhảy múa mà nghĩ Việt Nam đã qua thời đói kém, giữa thành phố lớn nhất Việt Nam vẫn có nhiều tin tức về việc người dân tự tử do mất việc, đi ăn cướp do thiếu tiền đóng học phí cho con … Có những người làm quần quật cả ngày để kiếm từng đồng lo cho đứa con khoái những món “hot trend” ở trên, nhưng chỉ “tiện đường” mua cho bản thân một ổ “Bánh mì sân bay” lót bụng. Như tác giả Huỳnh Văn viết:

“Tiêu điểm: Bánh mì sân bay.

Đã là một tài xế taxi cho dù là truyền thống hay công nghệ mà bạn chưa nếm thử món Bánh mì sân bay là chưa thử nghiệm hết hương vị trong nghề đó nhe. Tài xế taxi thì không có thời gian và tiền để ăn tô phở hay những món ở nhà hàng sang chảnh, món trong sân bay thì quá mắc, không thể chạm tay tới. Có những lúc vào bãi chờ mấy tiếng mà chưa có chuyến bay đáp, bụng đói meo, lúc này ăn được ổ bánh mì là không có gì sung sướng bằng. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nói về hương vị của ổ bánh mì đúng lúc này thì nó là cực phẩm.

Xem thêm:   Chó...

“Đặc sản” buộc phải ăn, không cần phong trào của các tài xế ở sân bay Tân Sơn Nhất  – Nguồn: Facebook Huỳnh Văn

Trong Bánh mì sân bay của cánh tài xế: tỉ lệ hàn the và bột trong miếng chả chắc không có chỗ nào ở Sài Gòn sánh bằng. Còn bánh mì thì được giấu ở 2 “lò”, một cái ở gầm cầu vượt bên ga quốc tế, một cái ở sàn nhà của cái … toliet. Mỗi nơi đều có vị đặc trưng, ở dưới gầm cầu thì ám mùi khói của xe dầu (lên dốc mấy cái xe dầu đạp ga khói xả ra bay tùm lum dính vô bánh mì). Còn bên “tô lét” thì khỏi phải bàn, toàn nước xả tinh hoa của mấy anh tài xế uống bò cụng chợ Kim Biên với cà phê bắp. Cá nhân mình ăn nhiều lần đều ngon, nếu kiếp sau vẫn làm tài xế vẫn vô sân bay vẫn còn bán thì mình vẫn ăn. Chỉ sợ bệnh viện ung bướu chào đón mà không có tiền đáp lễ.” – Hết trích.

Nhiều người lại lạc quan cho rằng, ở Việt Nam bây chừ cái chi cũng có độc, chi bằng ăn hết cho thỏa miệng rồi tính sau. Thậm chí, câu đầu tiên khi người ta hỏi mua đồ nông sản không phải là giá hay phẩm chất món hàng, mà thường là: Trái này nhiều thuốc trừ sâu không chị?
Chủ cửa hàng mà nhanh miệng liền đáp: Không nhiều đâu em, muốn ăn thêm thì tự bỏ vào.

DU