Có nhiều lý do để người ta cảm thấy câu nói “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam.” là châm biếm và không có thực. Mỗi ngày, chỉ cần mở báo trong nước ra đọc là biết trời Việt Nam cũng tối hù.

Nước miễn phí – nét đẹp quen thuộc ở Sài Gòn – Nguồn: Hung Tran    

Quan chức thì bị bắt hàng loạt, chủ các đại doanh nghiệp vướng lao lý sau các đại án, chủ các tiểu doanh nghiệp bể nợ vì tin chủ các đại doanh nghiệp, dân tình thất nghiệp ngày càng đông vì các công ty thi nhau phá sản, dân lành ít dữ nhiều, người ta nhìn đâu cũng ra án mạng, tự tử, cướp giật … Mỗi một vấn đề là một cụm mây đen, vậy nhiêu đó có đủ che khuất hết bầu trời xứ Việt? Có câu, khi con người ta cảm giác mình chạm đáy rồi thì mọi thứ tiếp theo đều là đi lên, không biết sau đợt “đui thèn lèn” này, trời Việt Nam và thế giới có khá khẩm chút nào không?

Cũng may, tôi vẫn còn bầu sữa bao dung của những đồng hương Sài Gòn để bú mớm, nâng niu, bấu víu. Mây đen phủ lên toàn đất Việt nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Sài Gòn nhờ những bài viết nho nhỏ về lòng tử tế của người Sài Gòn dành cho nhau. Dẫu biết giúp nhau trong cuộc sống, san sẻ tình yêu thương là điều bình thường trong sách giáo khoa, trên tivi, nhưng không biết sao ai cũng đọc sách, ai cũng coi tivi mà người tốt ngày càng ít. Điều hiển nhiên là tử tế lại bị thần thánh hóa, nhưng sau những áng mây đen, ai mà không thèm nguồn sáng?

  1. Sài Gòn tử tế – Hung Tran

Một giờ trưa trời nắng nóng như đổ lửa, một bạn shipper tấp xe vào “quán nước 0 đồng” trước nhà thờ Mạc Ty Nho, bạn lấy ra chai nhựa rỗng chồm người tự mở vòi hứng nước từ bình, bạn ngửa cổ uống một hơi rồi lại hứng nước tiếp cho đầy và lên xe đi tiếp.

Mùa nắng khắp lề đường người dân tự nguyện đặt nhiều bình nước đá lạnh free bên lề cho người đi đường ghé lấy nước uống cho đỡ cơn khát. Hai bình nước một mát một lạnh trước nhà thờ Mạc Ty Nho rất độc đáo nó đặt dưới một mái lá nhỏ có hai chậu trồng nhiều dây bí thả bò phủ lên mái trông thật mát mắt làm dịu hẳn cái nóng chói chang. Quán nhỏ xinh xắn dễ thương còn có hai rổ lớn một đựng ly sạch một đựng ly dơ xài rồi.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Người thiết kế quán nước nhỏ rất tinh tế làm mát rượi người lỡ đường. Trong ly nước free còn có cả tấm lòng và sự tử tế của người Sài Gòn.

Tủ đồ ăn miễn phí ở ngã tư  – Nguồn: Phượng Hoàng

  1. “Chiếc thùng không rõ chủ – Phượng Hoàng

Một chiếc thùng ‘kỳ lạ’ được đặt ở ngã tư Hóc Môn bỗng được mạng xã hội chia sẻ ào ạt những ngày qua khiến nhiều người ấm lòng vì dòng chữ đặc biệt trên đó: “Ai cần lấy. Dư bỏ vào”.

Theo nhiều cư dân mạng, chiếc thùng xuất hiện ở khu vực này cách đây không lâu. Nhiều người dân địa phương, những người tốt bụng gần đó thường mang bánh mì, bánh kẹo, nước uống… đặt vào trong thùng để những người cần, đặc biệt là người sống cơ nhỡ, bán vé số, ve chai hay bất cứ ai cần có thể mở thùng để lấy dùng. Theo lời một tài xế xe ôm kể từ ngày chiếc thùng “kỳ lạ” được đặt ở đây, bất kể sáng hay tối, nhiều người sống gần khu vực này thường mang bánh mì, bánh kẹo, nước uống đủ loại đặt vào bên trong để ai có nhu cầu sẽ nhận.

“Nhất là vào buổi tối muộn, mấy người ngủ ngoài đường, người khó khăn người ta tới lấy nhiều. Sài Gòn mấy ngày qua trưa nắng gắt, có người đi ngang cũng lấy nước uống cho giải nhiệt. Cứ hết đồ là hằng ngày sẽ có người đến tiếp, dễ thương lắm”, anh xe ôm bày tỏ …

Tỉnh không quên rủ bạn, say cũng không bỏ bạn về trước  – Nguồn: Facebook

  1. Chuyện cũ – Vương Quốc Tuấn

19g30, trên đường Nơ Trang Long – Bình Thạnh về nhà, bỗng dưng chiếc Vespa của tui dở chứng tắt máy, đề hoài nó không nổ … thôi đành dẫn bộ về, sẵn tiện thể dục luôn.

Mới dẫn được một đoạn có đôi bạn trẻ chạy kè lại hỏi: “Xe chú sao vậy? Để tụi cháu đẩy giùm cho”. Tui cười nói: “Cám ơn mấy cháu, thôi để chú dẫn bộ, tập thể dục luôn”. Hai bạn trẻ lịch sự chào: “Vậy tụi cháu đi nghen”. “Tui chào và cám ơn lần nữa”. Đôi bạn trẻ vừa mới chạy đi, lại có một bạn trẻ khác ghé lại hỏi: “Để cháu đẩy giùm cho chú”. Tui lại từ chối: “Cám ơn, để chú tự dẫn được rồi”. Bạn trẻ ấy cười nói: “Chú đừng ngại, cháu đẩy giùm cho”. Tui cũng cười và để bạn trẻ ấy yên tâm: “Nhà chú gần đây thôi, không sao đâu, để chú dẫn bộ về.” Nói vậy bạn trẻ ấy mới chịu đi.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Tui dẫn được một đoạn lại có một bạn nữa đến hỏi: “Chú có cần đẩy giùm không”. Dĩ nhiên, tui cũng từ chối và bạn này trước khi đi, cười nói: “Vậy thôi, chú gắng nghen”.

Cũng cái tật sĩ diện, không thích làm phiền người khác, nên cố sức dẫn chiếc Vespa 140kg nặng thấy bà cố về tới nhà trên 2 cây số chắc là vẹo xương sống, mới đi được vài chục mét mồ hôi mồ kê đổ ra như tắm, thở hổn hển … nghỉ mệt một chút, tui bèn đề lại thử hên xui sao? May sao, trời thương, đề một hồi lâu hơn 5 phút nó nổ.

Không phải đây là lần đầu, tui đã nhiều lần gặp những người Sài Gòn tốt bụng như thế đó các bạn. Đang trong mùa dịch virus Vũ Hán dễ bị lây nhiễm, thế mới thấy người Sài Gòn thật bao dung, độ lượng …

Người Sài Gòn chưa bao giờ hết dễ thương …

Tình yêu thương của người bán vé số tàn tật là ánh sáng rạng rỡ trong đời lũ chó – Nguồn: Facebook

  1. Người quen – Thuan Vuong Tran

Đi bộ kiếm cơm ăn. Qua một ngã tư, có cô gái (không biết đúng không, người ấy trùm kín hơn cả mấy cô A Phú Hãn), gọi mình, nói “chú, cho con nhờ…”. Cổ nói gì đó, âm thanh phát ra sau lớp khẩu trang dày rất khó nghe. Mình loáng thoáng nghe, “sinh viên”, “bến xe miền Tây”, lặp lại nhiều nhất là “sinh viên” và “đói muốn xỉu”. Thường thì mình móc tờ tiền nhỏ ra cho, nhưng nay xui rủi, cái quán cơm ngay sát ngã tư. Mình nói “thôi, đừng xỉu, tui cũng định ăn cơm, vô ăn luôn đi, tui trả tiền, rồi nói tiếp”. Cổ ráng nhướng đôi mắt nhỏ lên nhìn mình, chắc cổ nghĩ “thằng cha nội này mà cũng ăn cơm, cũng đói xỉu hả!”. Xời, không những đói xỉu mà còn từng là sinh viên nữa nha!

Cổ không muốn vô quán cơm ăn, cổ chỉ muốn ít tiền. Mình lắc đầu, không ăn cơm thì khỏi nói tiếp. Mình vô quán, kêu dĩa cơm, ngó ra thấy cổ nhìn mình, lần khân chút rồi có cái xe máy tới, một ông nào chở cổ đi.
Mình từng thấy một ông tay bó bột xin vé xe tiền về Biên Hòa. Ông bó từ thời mình còn sinh viên cho tới giờ, ông bó từ khi tóc ông còn xanh giờ bạc “trắng cả Biên Hòa, trắng kịp không”. 30 cây số, ông đi hai mấy năm vẫn loanh quanh Quận 3-Sài Gòn.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Mình từng thấy một bà, xin vé xe bus về bến xe miền Tây, bà xin từ lúc vé xe bus còn 1k, cho tới giờ là … bao nhiêu rồi nhỉ. Mình từng thấy cha tóc vàng mắt xanh, cầm cái bảng mất hộ chiếu xin giúp đỡ suốt mấy tháng ròng, mà bao nhiêu người ghé vô đề nghị liên lạc giùm lãnh sự quán cho, y đều gạt đi cả. Mình từng thấy gánh đậu hũ đổ luân phiên trên mấy cây cầu đông người qua lại và một cô ngồi thẫn thờ, nức nở.

Mình không có vấn đề gì với họ, thi thoảng gặp, mình vẫn cho ông bó bột tờ tiền, mình khâm phục sự kiên định với kịch bản đời ông. Những kịch bản của họ, cũng là một loại dịch vụ cung cấp sự thanh thản. Mỗi người tự chịu trách nhiệm với lòng tốt của mình, đừng để lòng tốt lại khiến mình bực tức, tổn thương vì cho rằng mình bị lừa. Mình chọn cách hiểu hoàn cảnh và kịch bản rồi chủ động cho họ lừa luôn khi mình muốn, mình không bực gì cả!

Chỉ có điều, mình ở thành phố này lâu quá rồi, mình biết, rất khó kiếm một sinh viên nào đói xỉu dám ra đường xin tiền mà không có nổi một người bạn sẵn sàng san sẻ nửa dĩa cơm cho mình. Mình nhờ ăn loại cơm đó rồi nên mình mới ở thành phố này lâu vậy!

  1. Ánh sáng…

Nếu còn sự nhân bản, chính mỗi nhân loài là một nguồn sáng bất tận. Ánh sáng của sự tử tế không rõ ràng như ánh nắng hay ánh đèn điện, nhưng nó ấm áp, lấp lánh, đem lại một làn hương ngào ngạt tới người cho, người nhận lẫn người không liên quan nhưng chứng kiến hoặc đọc được nó. Như câu chuyện dưới đây:

Một hôm, người chồng trở về nhà. Lúc đó trời đã khuya lắm rồi, nhưng chiếc đèn bên hiên nhà vẫn sáng rực, chiếu rọi một đoạn đường phía ngoài ngôi nhà. Anh cho rằng vợ mình ngủ quên, định bụng vào trong nhà tắt đèn, nhưng không ngờ lại bị vợ cản lại. Anh chưa kịp hỏi nguyên do thì chị vợ đã chỉ tay ra ngoài cửa sổ cho chồng nhìn.

Ven đường bên ngoài cửa sổ là một chiếc xe ba bánh chở đầy rác. Ngay cạnh đó, một cặp vợ chồng đang ngồi nghỉ dưới ánh đèn ấm áp bên hiên nhà. Họ vừa nói vừa cười, và cùng nhau ăn chút gì đó để lót dạ đêm khuya.

Nhìn thấy cặp vợ chồng ấy đang chuyện trò vui vẻ dưới ánh đèn, cả anh và vợ đưa mắt nhìn nhau rồi nhẹ nhàng rút lui. Có lẽ hai vợ chồng người gom rác ấy sẽ vĩnh viễn không biết rằng, ở đâu đó trong thành phố này, có một ngọn đèn vẫn hàng đêm vì họ mà thắp sáng.

DU