Cho tới trước ngày 7 tháng 10 năm ngoái, Iran được cho là quốc gia bị cô lập nhất trong khu vực Trung Đông. Chính quyền Joe Biden ngày càng tỏ ra thân thiết hơn với Ả Rập Saudi, quốc gia đối thủ mạnh nhất của Iran. Israel, kẻ thù lâu năm của Iran, cũng đã ký một thỏa thuận ngoại giao dưới thời chính quyền Donald Trump với Bahrain, Ma Rốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Về phần Iran, quốc gia này từ nhiều năm qua tài trợ cho một mạng lưới bao gồm các nhóm dân quân cực đoan như Hamas, Hezbollah và Houthis để đối đầu với Israel cũng như tạo sự bất ổn.
Gộp chung lại, tất cả những diễn biến nói trên chỉ ra cho thấy sự xuất hiện của một liên minh rộng lớn – giữa các quốc gia Ả Rập, Israel, Hoa Kỳ và Tây Âu – để chống lại cũng như kiểm soát sự ảnh hưởng và tính cách hung hăng của Iran.
Thế rồi cuộc tấn công Hamas vào Israel ngày 7 tháng 10 đã làm đảo tung tình hình trong khu vực. Và phản ứng bằng quân sự ở quy mô lớn của Israel đã thu hút sự chú ý của thế giới đối với hoàn cảnh nghiệt ngã của người dân Palestine tại dải Gaza – và điều này đã đẩy Israel vào tình thế bị cô lập. Các nhà lãnh đạo Ả Rập lên án Israel, trong khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác gây áp lực lên các nhà lãnh đạo Israel phải giảm bớt cường độ và thiệt hại ở Gaza và tìm giải pháp để chấm dứt chiến tranh.
Liên minh phòng thủ chống Iran dường như bắt đầu có sự rạn nứt.
Rồi tuần trước, chính xác là ngày thứ Bảy 13 tháng 4, Iran đã bắn đi một loạt hoả tiễn và máy bay không người lái nhắm vào Israel để trả đũa cho vụ Israel ám sát một nhóm chỉ huy quân sự cao cấp của Iran – đây là nhóm điều hành các hoạt động của những tổ chức khủng bố như Hamas và Hezbollah – vào ngày 1 tháng 4 trước đó. Việc trả đũa này là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào Israel. Và liên minh chống Iran đã tập hợp lại để đẩy lùi cuộc tấn công.
Liên minh chống Iran
Liên minh phòng thủ chống Iran là kết quả nỗ lực trong nhiều năm của Hoa Kỳ nhằm phá bỏ các rào cản chính trị và kỹ thuật khiến gây trở ngại cho sự hợp tác quân sự giữa Israel và các chính phủ Ả Rập theo hệ phái Sunni. Thay vì một phiên bản Trung Đông giống như liên minh NATO, Hoa Kỳ tập trung vào sự hợp tác phòng không toàn khu vực ít chính thức hơn để đối phó với kho vũ khí máy bay không người lái và hoả tiễn ngày càng gia tăng của chính quyền Tehran – cũng chính là những vũ khí đã tấn công Israel hôm thứ Bảy 13 tháng 4.
Những nỗ lực để nhằm xây dựng một hệ thống phòng không mang tính liên hợp cho khu vực thực ra đã bắt đầu từ nhiều thập niên trước. Sau một số thất bại liên tiếp trong nhiều năm, sáng kiến liên minh phòng thủ này đã đạt được tiến bộ sau khi Hiệp định Abraham năm 2020 do chính quyền Donald Trump làm trung gian đã thiết lập được mối quan hệ chính thức giữa Israel với một số quốc gia Ả Rập đã nói tới ở trên.
Hai năm sau đó, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã chuyển Israel và khu vực Trung Đông từ Bộ Tư lệnh Châu Âu sang Bộ Tư lệnh Trung ương, quyết định này cho phép một hợp tác quân sự rộng lớn hơn giữa Israel với các chính phủ Ả Rập dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ.
Sự hợp tác phòng không giữa Israel và một số chính phủ Ả Rập với Hoa Kỳ đóng vai trò trung gian đã trở thành hiện thực và là điều cần thiết, trong đó bao gồm luôn cả Ả Rập Saudi, quốc gia cho đến nay vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, trong khi tình hình an ninh trong khu vực biến chuyển không ngừng.
Thử thách đầu tiên
Có điều là liên minh phòng không còn quá mới này vẫn chưa từng được thử nghiệm trên một chiến trường thực sự cho đến ngày 1 tháng 4, một cuộc tấn công bằng hoả tiễn tại Damascus, Syria, giết chết một số sĩ quan cao cấp Iran, trong đó có ông tướng Mohammad Reza Zahedi, mà theo truyền thông nhà nước Iran và một số giới chức quân sự Hoa Kỳ, là người chỉ huy và điều hành các hoạt động bán quân sự của Iran ở Syria và Lebanon. Israel cho đến nay vẫn chưa lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Chính quyền Tehran ngay lập tức tuyên bố là sẽ đáp trả, và các giới chức cao cấp của Hoa Kỳ đã kêu gọi các chính phủ Ả Rập chia sẻ thông tin tình báo về kế hoạch tấn công Israel của Iran và hỗ trợ đánh chặn máy bay không người lái và hoả tiễn phóng đi từ Iran và từ một số quốc gia khác trong vùng như Syria tới Israel.
Hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel cho thấy có đủ khả năng tự bảo vệ trước các đợt tấn công riêng lẻ hoặc nhỏ của máy bay không người lái và hoả tiễn. Tuy nhiên, các phân tích gia và giới chức quân sự cho rằng hệ thống phòng không này có thể bị áp đảo bởi một loạt thật nhiều máy bay không người lái và hoả tiễn cùng phóng tới một lượt.
Hai ngày trước cuộc tấn công, Iran đã thông báo cho Ả Rập Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác về thời gian cuộc tấn công với quy mô lớn vào Israel để các quốc gia này có thể bảo vệ không phận của họ. Thông tin này đã được chuyển tới cho các giới chức quân sự Hoa Kỳ, cho Washington và Israel biết trước lời cảnh báo quan trọng này.
Với một cuộc tấn công gần như chắc chắn của Iran, Toà Bạch Ốc đã ra lệnh cho Ngũ Giác Đài tái bố trí một số chiến đấu cơ và hệ thống phòng thủ hoả tiễn tới khu vực, đồng thời Hoa Kỳ sẽ nắm vai trò chỉ huy việc điều phối các kế hoạch phòng thủ giữa Israel và các chính phủ Ả Rập.
Thành công bước đầu
Ngay từ khi vừa được phóng đi, các hoả tiễn và máy bay không người lái của Iran đã bị theo dõi bởi các hệ thống radar đặt tại các quốc gia trong vùng Vịnh Ba Tư. Hệ thống radar này được kết nối với trung tâm điều phối của Hoa Kỳ ở Qatar, là nơi chuyển thông tin tới các chiến đấu cơ của các quốc gia tham gia đang bay trong không phận Jordan và một số nơi khác, cũng như tới các tàu chiến đang đậu ngoài khơi và các khẩu đội phòng thủ hoả tiễn của Israel,
Khi các máy bay không người lái di chuyển chậm của Iran tiến vào tầm bắn, chúng liền bị bắn hạ ngay sau đó, chủ yếu là do chiến đấu cơ của Israel và Hoa Kỳ và một số lượng nhỏ hơn bởi chiến đấu cơ của Anh, Pháp và Jordan.
Đã có lúc, với hơn 100 hoả tiễn đạn đạo của Iran bay trên không cùng một lúc hướng về phía Israel. Hầu hết trong số này đã bị hệ thống phòng không của Israel bắn hạ trong không phận Israel cũng như ở bên ngoài.
Chiến đấu cơ của Hoa Kỳ đã bắn hạ hơn 70 máy bay không người lái và 2 khu trục hạm có trang bị hệ thống chống hoả tiễn của Hoa Kỳ đậu ở phía đông Địa Trung Hải cũng đã đánh chặn được 6 hoả tiễn của Iran khi đang bay qua khu vực.
Trong số hơn 300 máy bay không người lái cùng hoả tiễn hành trình và hoả tiễn đạn đạo được Iran bắn về phía Israel, chỉ có một hai hoả tiễn lọt qua hệ thống phòng không bay tới đích, gây thiệt hại nhỏ cho một căn cứ quân sự nằm ở phía nam của Israel.
Sau cuộc tấn công, Israel đã trả đũa lại một cách cầm chừng, nhắm vào một khu vực thuộc thành phố Isfahan nằm sâu trong nội địa Iran không gây thiệt hại bao nhiêu. Cuộc tấn công nhỏ không đáng kể của Israel và sự lên tiếng lấy lệ của Iran cho thấy nỗ lực của cả hai bên nhằm xoa dịu căng thẳng và tránh cho cuộc xung đột leo thang. Thêm một lý do nữa cho sự trả đũa mang tính biểu tượng là vì Israel cũng cần phải duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia Ả Rập hiện nay còn rất mong manh đã giúp Israel ngăn chặn được cuộc tấn công quy mô của Iran và là hàng rào bảo vệ an ninh cho nhau trước kẻ thù chung là Iran.
VH