Hổm tôi đọc được chuyện này: Socrates là một triết gia Hy Lạp. Một trong những người được coi là nhà sáng lập ra trường phái Triết học phương Tây, đồng thời cũng là người nổi tiếng thông thái. Một hôm, khi nghe mọi người tán tụng: “Không ai trên mặt đất mà lại thông thái hơn Socrates”. Socrates đáp: “Hoặc là tất cả mọi người đều ngu ngốc như nhau, hoặc rằng là ông khôn ngoan hơn người khác vì ông là người duy nhất thấy được sự ngu ngốc của mình”.

“Tôi chỉ biết một điều là: Tôi chẳng biết gì cả”, Socrates nói.

“Chiếc kéo kiểm duyệt, chiếc kéo của nhà cầm quyền chưa cho bác sĩ Lý ra đi, buộc anh phải lưu lại trần thế vài tiếng nữa, để cứu chữa cho sinh mệnh chính trị của họ” – Duan Dang viết (Từ Facebook)   

Từ hồi đi học, tôi vốn đã không “thân” với những gì gọi là “Triết học”. Nên đối với tôi, Socrates là một cái tên xa lạ, tôi không thật sự hiểu về nhân vật này. Nên cũng không biết câu chuyện trên có bao nhiêu phần trăm là sự thật. Nhưng câu nói được cho là của Socrates ở trên, ngẫm thấy cũng đúng với… xã hội hiện tại. Dĩ nhiên, với trí thông minh có hạn, tôi đang nói về cái nghĩa đen thui lui mà tôi đọc được từ câu trên. Còn các suy luận//nghĩa bóng mà người đời thường dùng câu này để dạy tha nhân thì tôi không rành.

Quả tình, khi vừa đọc xong câu “Tôi chỉ biết một điều là: Tôi chẳng biết gì cả”. Cái tự dưng tôi bật cười, nghĩ: Ông này rất thích hợp sống ở các nước… độc tài. Vì câu trên luôn ngầm được coi như một tôn chỉ sống cho những người đang ở các đất nước độc tài và muốn an toàn, an phận. Ở nơi đây, ngoài biết kiếm ăn ra thì bạn chỉ cần biết một điều là… chẳng biết gì cả!

Khi biết rồi, bạn sẽ lo sợ, hoài nghi, mệt mỏi, chán nản… đôi khi còn bị kỳ thị, xa lánh hoặc bị bắt lên phường để cam kết là bạn không hề biết điều bạn biết. Hoặc đi tù vì nói/suy nghĩ điều bạn biết.

Khi đọc được câu chuyện đó, có những suy nghĩ trên. Tôi đã không viết về nó. Tôi nghĩ, đã có quá nhiều ví dụ sống để chứng minh những điều tôi vừa nói, không cần nêu thêm. Nhưng mới đây, đã có thêm một ví dụ, không thể không nhắc tới trong các bản tin của bất kỳ tờ báo nào trên thế giới trong tuần qua – tin về cái chết của bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng (Li Wenliang). Người đã phát đi những cảnh báo đầu tiên cho nhân loại về virus Corona, cũng là người đầu tiên “lên phường” vì virus này. Câu chuyện quá trình từ lúc phát hiện “một loại bệnh mới” đến lúc chết vì chính căn bệnh này của bác sĩ Lý Văn Lượng được rất nhiều người nhắc lại, nhưng tôi vẫn xin nhắc thêm một lần. Ðể thấy rõ cái sự cần thiết của việc “chẳng biết gì cả” của con người phải sống trong một đất nước độc tài, trong thời đại được xem là văn minh (và văn vẻ) này !

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Ngày 30-12-2019, bác sĩ Lý gửi tin nhắn cho một nhóm đồng nghiệp, cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch bệnh do một loại virus tương tự như SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng, từng gây ra trận dịch giai đoạn 2002-2003 trên toàn cầu), cảnh báo họ mặc đồ bảo hộ và cẩn thận khi làm việc để tránh bị lây nhiễm. “Căn bệnh lạ” thời điểm đó đã lây tới 7 bệnh nhân trong viện. “Họ bị cách ly trong phòng cấp cứu rồi”, bác sĩ Lý nhắn.

“Bác sĩ Lý không có tự do để nói lên sự thật. Không có cả tự do để chết”. (Hình từ Facebook)

Thay vì lắng nghe lời cảnh báo này thì một người trong nhóm đã chụp màn hình lại… Chỉ trong vài giờ, ảnh chụp màn hình đoạn chat từ nhóm chat nội bộ đã được phát tán và lan truyền nhanh trên mạng. “Khi tôi thấy độ lan từ thông điệp của mình trên mạng Internet, tôi nhận ra vụ việc đã vượt ngoài tầm kiểm soát, và tôi có khả năng bị phạt”, bác sĩ Lý nói khi đã mắc bệnh và đang nằm viện.

Bốn ngày sau, 3-1, công an mời bác sĩ Lý lên làm việc vì “gieo rắc tin đồn thất thiệt” và “gây xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội”. Họ bắt ông phải ký một cam kết (quen ha) trong đó ông phải lên án chính hành vi của mình và cam kết không “thực hiện một hành vi phạm pháp” nào nữa. “Phải ký hoặc ông sẽ bị bắt”. Dĩ nhiên, ông phải ký. Vì ông còn phải nuôi vợ đang mang thai đứa con thứ hai của anh và đứa con nhỏ của ông chỉ mới 5 tuổi.

Trong những tuần đầu, chính quyền địa phương đã buộc các bác sĩ và những ai cố gắng cảnh báo phải im lặng. Các quan chức đã hạ thấp mức độ nguy hiểm, khiến 11 triệu dân Vũ Hán không biết là cần phải bảo vệ mình. Thành phố Vũ Hán đóng cửa chợ hải sản được cho là nơi bắt nguồn của virus, nhưng lại thông báo lý do là để sửa chữa. Ngay cả khi số ca nhiễm vẫn tăng, các quan chức liên tục tuyên bố không có ca mới. Không cảnh báo công chúng và các nhân viên y tế một cách quyết liệt, các chuyên gia y tế cộng đồng nói chính phủ Trung Quốc để mất cơ hội tốt nhất, “thời gian vàng” để khống chế dịch.

Ngày 10-1: Bác sĩ Lý bắt đầu ho và bị sốt sau khi vô tình điều trị một bệnh nhân nhiễm vi rút Corona mới.

Ngày 12-1: Bác sĩ Lý nhập viện và vài ngày sau được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt.

Ngày 20-1: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra lệnh toàn quốc “nỗ lực ngăn chặn bệnh dịch lây lan”, đánh dấu lần đầu tiên nhà lãnh đạo công khai về dịch bệnh.

Ngày 23-1: Thành phố Vũ Hán, từ lúc này được xem là tâm dịch, bị phong tỏa.

Ngày 28-1: Tòa án Tối cao Trung Quốc chỉ trích cảnh sát Vũ Hán đã xử sai  những người “gieo rắc tin đồn ban đầu”.

Xem thêm:   Biden & Trump

30-1: Bác sĩ Lý được chẩn đoán dương tính với Corona.

Theo thông tin “chính thống”, ngày 7-2, Việt Nam có bệnh nhân thứ 13 nhiễm virus corona. (Hình từ báo Tuổi Trẻ)

Ðến 21 giờ 30 phút đêm thứ Năm, 6-2, thông tin bắt đầu loan ra là bác sĩ Lý đã qua đời. WHO và nhiều hãng thông tấn thế giới đã đưa tin này nhưng phải rút xuống vì sau đó phía Trung Quốc nói là bác sĩ Lý chỉ đang nguy kịch nhưng chưa chết. Những bản tin buồn lần lượt biến mất, nhiều người tin vào một phép lạ. Nhưng sau đó, 3h48 sáng thứ Sáu, bệnh viện Trung Tâm Vũ Hán thông báo chính thức trên Weibo:

“Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng đã không may nhiễm coronavirus trong suốt quá trình làm việc để chiến đấu chống dịch. Ông qua đời vào lúc 2h58 ngày 7-2 sau khi những nỗ lực chữa trị không thành công”.

Vì không bỏ chạy một mình khi phát hiện sự việc, vì không nói “tôi chẳng biết gì cả” thay vì nói sự thật. Bác sĩ Lý đã chết hai lần. Ðể lại người vợ mang thai bị lây nhiễm coronavirus và đứa con 5 tuổi của mình. Tôi không biết bản thân ông có hối hận, có nghĩ tới kết cục này hay không. Và có thay đổi nó nếu thời gian quay lại hay không. Tôi cũng không biết người đăng đoạn chat nội bộ kia lên mạng có hối hận vì việc làm của mình hay không, có chút gì gọi là cắn rứt lương tâm hay không. Tôi cũng không biết chính quyền Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc nghĩ sao về việc này. Một mạng sống trong nhiều mạng sống đã mất đi. Hay chỉ là một cuộc “khủng hoảng truyền thông” như cách báo chí hay nói? Nói chung, tôi không biết nhiều thứ lắm. Nhưng tôi biết một điều, cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng không vô nghĩa.

Nó là bằng chứng sống, là nhát dao chí mạng đâm thủng bức tường kiểm duyệt, luôn được tự hào là “vạn lý trường thành” của Trung Quốc. Từ đêm thứ Năm, 6-2, dân Trung Quốc đã bày tỏ rõ ràng sự tức giận khi nhìn thấy những thông báo chết, sống rồi lại chết của bác sĩ Lý do hai tờ báo lớn hàng đầu Trung Quốc đăng và rút. Một việc chưa từng có tiền lệ, Weibo và Wechat chỉ còn lại duy nhất một chủ đề: cái chết của bác sĩ Lý. Một post viết: “Các người nghĩ là chúng tôi ngủ hết rồi sao? Không! Chúng tôi còn thức”

2h sáng thứ Sáu, ngày 7-2. Hashtag “Chúng tôi muốn tự do ngôn luận” trở thành trend trên Weibo, nhưng nó mau chóng bị trang mạng xã hội này kiểm duyệt xóa sạch. Người dùng Weibo lập tức tạo ra hashtag mới: “Tôi muốn tự do ngôn luận”, và nó tiếp tục thành trend. Dĩ nhiên, nó cũng bị xóa sau đó, nhưng vẫn có nhiều hashtag mới được tạo ra. Trên Wechat, người dùng chia sẻ nhau một lời nhắn: “Tôi mong một ngày có thể đứng trên đường, cầm di ảnh của Lý Văn Lượng”. Lời nhắn này sau đó đã bị kiểm duyệt xóa đi. (Toàn bộ mốc thời gian ở trên đều do CNN liệt kê lại).

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Một post trên Weibo viết: “Tại sao họ vẫn dành thời gian để xóa những bài viết trong khi điều cần làm là xin lỗi? Bác sĩ Lý xứng đáng được xin lỗi. Chính phủ nghĩ chúng tôi ngu hết cả ư?”. Chính phủ Trung Quốc cố xóa đi những từ khóa, những bài viết họ cho là “phản động”. Vì không có bàn tay kiểm duyệt nào kiểm duyệt được lòng dân. Những lời chỉ trích ùa ra như thác lũ. Có người còn đăng cả ảnh sự kiện Thiên An Môn. Một bình luận trên trang mạng của bệnh viện trung tâm Vũ Hán viết: “Hôm nay tôi học hai từ mới: hồi sức chính trị và hồi sức biểu diễn”. Các nhà báo cũng bắt đầu lên tiếng. Muyi Xiao của tạp chí ChinaFile, viết trên Twitter: “Là một phóng viên, tôi từ chối ghi “giờ chết chính thức” của bác sĩ là rạng sáng ngày 7-2”.

Trần Khánh Khánh, phóng viên của tờ Hoàn Cầu thời báo giận dữ viết trên mạng: “Bác sĩ Lý không có tự do để nói lên sự thật. Không có cả tự do để chết”.

Người dân Hong Kong đốt nến cầu nguyện cho BS Lý Văn Lượng, ngày 7/2/2020. (Hình Reuters)

Trong lúc đó, ở Việt Nam và thế giới, cũng có rất nhiều người tức giận vì sự ra đi này. Trên BBC, Stephen McDonell gọi cái chết của bác sĩ Lý là “một thảm họa chính trị kinh điển”. Ông viết: “Cái chết của Lý nói lên những khía cạnh tồi tệ nhất trong cung cách lãnh đạo và quản lý của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ có mù mới không nhìn thấy điều đó”.

Facebooker Duan Dang viết: “Bác sĩ Lý không phải là một người hùng tạo thời thế, đội đất vá trời. Anh chỉ là người bình thường, anh không đăng tải thông tin công khai trên mạng hay là whistleblower đúng nghĩa, anh chỉ cảnh báo cho những người đồng nghiệp và anh cũng cam chịu khi bị trả đũa như đại đa số những người thấp cổ bé họng bình thường khác.

Nhưng chính sự bình thường đó khiến anh trở thành một nhân vật gây chấn động nhân tâm. Bởi người dân Trung Quốc nhìn thấy chính họ trong khổ nạn của anh, bất kỳ người bình thường có lương tri nào cũng có thể trở thành như bác sỹ Lý, cũng có nỗi phẫn uất như anh.

Và họ cảm thấy “đã đủ rồi”. Hậu quả kinh hoàng đã nhãn tiền và tình trạng này không thể kéo dài hơn được nữa.

Giới cầm quyền Trung Quốc đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất trong vài thập niên qua. Có thể họ sẽ không mất ngay vai trò lãnh đạo ở Trung Quốc trong tương lai gần, nhưng có một thứ họ đã mất đi rất nhiều trong đêm qua: sự chính danh…”

Ðặc biệt, ở cuối bài báo “Bác sĩ cảnh báo coronavirus vừa qua đời, đã bị “hành” như thế nào?”, Báo Công an TP.HCM cũng bình luận về vấn đề này: “Bài học từ vụ dịch viêm phổi của Vũ Hán cũng là bài học chung cho các chính quyền khi ứng phó với các trận dịch thời toàn cầu hoá: Minh bạch thông tin càng sớm càng tốt sẽ hạn chế thiệt hại nhờ ý thức cảnh giác trong cộng đồng được nâng cao thay vì… bưng bít”

Còn tôi, tôi ngồi chờ lời bình luận ở trên của Báo Công an TP.HCM thành sự thật. Hy vọng, nó xảy ra trước khi tôi kiếm được… chồng!

DU

Saigon