Gần đây, kể cả trong mùa Covid-19, Ai Cập liên tục đăng tải những khám phá mới về những ngôi cổ mộ, các xác ướp cùng các ngôi đền vừa được khai quật, mục đích gây sự chú ý của thế giới và du khách. Thật vậy, sau cơn đại dịch, rất nhiều quốc gia cần du khách ghé thăm xứ mình, để có thêm thu nhập ngoại tệ, trong đó có Ai Cập.

Great Sphinx of Giza Photo: Trịnh thanh Thủy / trẻ 

Bạn có bao giờ mơ được đặt chân lên cát nóng sa mạc và đối mặt một Kim Tự Tháp vĩ đại, khi học sử về Ai Cập cổ đại ngày còn bé thơ chưa? Bạn có từng ước ao được thấy bức tượng Nhân Sư tận mắt hơn là xem hình ảnh trên mạng hay phim ảnh không?

Hồi nhỏ, tôi thường tròn mắt, say sưa nghe thầy dạy sử kể những truyền thuyết kỳ bí hay các câu chuyện hấp dẫn về nền văn minh hùng mạnh của sông Nile. Tôi vô cùng thán phục sự thông minh tuyệt đỉnh của người Ai Cập cổ. Ngay kỹ thuật kiến trúc, toán học hay y học, họ đều đi tiên phong, kể cả việc tạo ra một hệ thống chữ viết độc lập tượng hình. Khi đi du lịch Ai Cập, tôi có dịp trò chuyện và tiếp xúc với nhiều người Mỹ cùng đoàn, họ tiết lộ: “Hầu như đứa bé Hoa Kỳ nào khi học sử cũng ước muốn được tới Ai Cập như tôi vậy”.

Ðịnh cư ở Hoa Kỳ, tôi có đọc và tìm hiểu về nền văn minh cổ đại của họ, và biết thêm những khai quật các di tích gần đây nhất. Tôi quyết định sẽ bước vào trong khu cổ mộ Valley of the Kings để nhìn tận mắt những công trình kiến trúc đầy mỹ thuật và văn minh của người xưa. Sẽ đứng dưới chân ngọn Kim Tự Tháp để xem sự vĩ đại đến dường nào khi nó sừng sững hiên ngang giữa đất trời sa mạc hàng ba, bốn ngàn năm. Tuy nhiên, khi đi mua tour với đoàn du lịch, tôi chợt khựng lại khi đọc được những thông tin không mấy tốt đẹp về sự an ninh của du khách khi tới Ai Cập.

Great Sphinx of Giza Photo: Trịnh thanh Thủy / trẻ

Những vụ đánh bom khủng bố và sát hại khách du lịch gần những địa điểm thăm viếng chính yếu như Luxor và Cairo đã làm chùn chân du khách. Với tình hình chính trị bất ổn, Ai Cập đã mất sức hấp dẫn đối với khách du lịch vì vấn đề an ninh. Năm 2018, chính phủ đã mở cửa cho phép du khách trở lại sau 7 năm vắng bóng. Tuy nhiên, một vụ khủng bố đánh bom xe bus xảy ra ngày 28 tháng 12 năm 2018 gần Kim Tự Tháp Giza khiến 4 người thiệt mạng và 12 người bị thương, trong đó có 3 du khách Việt Nam đã khiến nhiều du khách đặt lại vấn đề.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Trước khi đi, tôi cũng đã hỏi bạn bè và những người vừa mới viếng thăm Ai Cập: “Có nên đi hay không?”. Tôi xin kể lại chuyến đi này dưới góc nhìn của riêng tôi, còn đi hay không tùy bạn đọc quyết định.

Chuyến đi của tôi bắt đầu với một hãng tour du lịch nổi danh của Hoa Kỳ với giá rẻ được tổ chức chặt chẽ, đàng hoàng và uy tín. Tất cả những người đi du lịch Ai Cập đều khuyên bạn nên đi theo tour thì an ninh bảo đảm hơn. Tôi đồng ý với ý kiến này trăm phần trăm, dù tôi có một cô bạn trẻ đi du lịch bụi tới đó một mình. Cô tỉnh bơ bảo: “Em thấy rất an toàn, mà có thể còn an toàn hơn bất cứ quốc gia nào khác em đã đi qua”.

Kom ombo Temple Photo: Trịnh thanh Thủy / trẻ

Qua những cuộc khủng bố xảy ra cho du khách, tôi tận mắt thấy chính quyền Ai Cập đã thắt chặt mạng lưới an ninh rất chặt chẽ quanh những địa điểm du lịch. Chiếc xe bus chở đoàn du lịch khoảng 33 người của chúng tôi, lúc nào cũng có một cảnh sát mặc thường phục đi theo, trang bị súng trong người. Tôi thấy cảnh sát và những quân nhân với súng AK có mặt ở khắp các tụ điểm có thắng cảnh và đông du khách lui tới. Họ cố gắng bảo vệ du khách tối đa giống hệt tình trạng ở Colombia, nơi tôi mới viếng thăm hai năm trước. Dĩ nhiên vì du lịch là nguồn lợi tức khổng lồ, một chén cơm ngon, nên chính phủ xứ nghèo như Ai Cập phải cố gắng hết sức bảo vệ.

Tuy nhiên, nếu bạn là người ít đi du lịch hay đi du lịch để thư giãn hoặc đặt vấn đề an ninh lên hàng đầu, thì hãy để Ai Cập là một lựa chọn sau chót hoặc sau nhiều nơi khác. Nghĩa là theo tôi, Ai Cập là một nơi khách du lịch không có cảm giác thoải mái, an tâm, không có cảnh đẹp thiên nhiên mà chỉ có sa mạc khô cằn, cát bụi, ô nhiễm và bị người bán hàng rong làm phiền đến bực mình và kinh hãi. Ðã vậy, thức ăn lại ít hợp khẩu vị người mình và hầu như thứ gì bỏ và miệng cũng có lẫn sạn cát vì gió bụi sa mạc. Thành phố Cairo thì mịt mờ bụi cát, mở miệng là cát bay vào, nên dân ở đó chết sớm vì bệnh phổi. Văn hoá và tín ngưỡng của họ hơi khó cho du khách hoà đồng. Tôn giáo của họ là đạo Hồi, có nhiều điều cấm kỵ và bó buộc du khách, nhưng nếu bạn là người từng lê gót đi khắp nơi và đã trải qua kinh nghiệm sống của nhiều quốc gia, bạn sẽ tự động dung hợp.

Xem thêm:   Đông dược

Ai Cập là nơi dành cho những người có óc tò mò, thích nghiên cứu, thích phiêu lưu, đam mê lịch sử và ngành khảo cổ học. Những người đồng hành cùng tôi trong đoàn phần lớn đến từ Hoa Kỳ, Canada và các nước Tây phương. Họ là các giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, hoạ sĩ, nhà sử học, kiến trúc sư và khoa học gia… Họ từng được học về Ai Cập trong lịch sử. Họ ao ước được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc vĩ đại mà thế giới ngày nay vẫn khâm phục, vẫn đang mò mẫm khám phá.

Pyramids of Giza Photo: Trịnh thanh Thủy / trẻ

Các công trình kỳ vĩ ấy còn đứng vững hiên ngang qua 3, 4 ngàn năm do kỹ thuật kiến trúc điêu luyện, sắc sảo và nhờ vào điều kiện khô ráo của khí hậu sa mạc. Ngay cả ngày cuối, khi tôi rời Ai Cập, người ta vẫn tiếp tục khai quật được nhiều ngôi cổ mộ mà các xác ướp còn nguyên vẹn, kể cả các bảo vật trang trí và các đồ trang sức quý giá chưa bị cướp đi. Người hướng dẫn chỉ cho tôi khu vực xây thêm của viện bảo tàng để lưu trữ các cổ vật và xác ướp mới khai quật được. Viện Bảo tàng Cairo là một trong những viện bảo tàng lớn nhất khu vực, là nơi trưng bày bộ sưu tập khổng lồ các di vật trong thời kỳ Ai Cập cổ đại. Nó có hơn 120 ngàn vật thể đang được trưng bày, các vật còn lại được lưu giữ trong kho. Có biết bao nhiêu điều hay, vật lạ cho bạn học hỏi và nghiên cứu khi bạn đến chốn này. Các dấu tích của một nền văn minh siêu việt hiện hữu tự ngàn xưa đuợc lưu lại ở khắp nơi. Các kỹ thuật điêu khắc, nghệ thuật tạo hình, nữ trang chạm trổ mỹ thuật tinh vi, cách ướp xác người, làm giấy, dùng hương liệu và chế tạo nước hoa… đã chứng minh được điều đó.

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

Có những kiến trúc sư và nhà khảo cổ học bỏ cả gia đình, việc làm lương cao để đến đây làm việc trong điều kiện khắc nghiệt của sa mạc bên các ngôi mộ cổ. Quả thật Ai Cập là một ước mơ lớn của nhiều người, mong có một lần đặt chân đến.

Felucca of Aswan Photo: Trịnh thanh Thủy / trẻ

Ai Cập là một thế giới mà độ khác biệt rất lớn với những con người sống trong nhà lầu xe hơi. Bạn có thể tìm thấy một vài ngôi làng đơn sơ và nghèo khổ cùng phương tiện sống và giao thông thật thô sơ. Người ta cưỡi lừa để di chuyển. Tôi cũng chụp được những cỗ xe ngựa cũ kỹ chở vật dụng, rau cỏ và hàng hoá hiện đại như nước ngọt hay rượu bia. Có đến đây bạn mới cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những con người sinh sống giữa vùng hoang mạc khô cằn toàn gió cát.

Ai Cập là xứ sở đòi hỏi bạn phải có sự say mê và vô cùng yêu thích lịch sử mới đủ nhiệt tâm viếng thăm. Ngược lại, bạn sẽ vô cùng bực mình khi bị những người bán rong không ngừng chèo kéo và bị lừa đảo khi mua bán, hay giao dịch thuê mướn với họ. Ý kiến trao đổi của những người đã từng đi du lịch Ai Cập về cũng khác nhau. Có người vẫn khao khát trở lại vì chưa được khám phá hết cái hay cái đẹp của Ai Cập. Có người thề sẽ không bao giờ trở lại nơi này vì những trải nghiệm đắng chát của họ.

Tôi xin chia sẻ tất cả những gì tôi đã trải qua cùng bạn đọc trong các bài viết tới về Ai Cập, mong những chia sẻ của tôi giúp được chút gì cho các bạn.

TTT