Phong trào biểu tình tại Hồng Kông nay đã bước sang tháng thứ bảy, và có thể nói, ngay từ những ngày đầu không ai dám nghĩ rằng phong trào này có thể kéo dài cho đến ngày hôm nay vẫn chưa dứt.

Biểu tình ôn hoà – nguồn Civil Human Rights Front  

Sáu tháng là khoảng thời gian đủ để người biểu tình có thể ngồi kiểm điểm lại những thắng, thua, mạnh, yếu của phong trào, nhất là sau mấy tuần lễ đầy căng thẳng và bạo động đạt tới đỉnh điểm cùng với cuộc bao vây của cảnh sát quanh khuôn viên của trường Ðại học Bách khoa trong 12 ngày, với nhiều người biểu tình, hầu hết là người trẻ, cố thủ ở bên trong. Nhìn chung, Tháng 11 đầy biến động vừa qua đã cho người biểu tình chứng nghiệm được hai sự kiện quan trọng và cũng là hai bài học quý giá: bạo động gia tăng và sự thất bại về chiến thuật đưa đến một vài bất đồng nội bộ, và một cuộc bầu cử diễn ra trên khắp thành phố mà một số phân tích gia nói rằng có thể sẽ làm cho phong trào biểu tình xẹp bớt đi. Tuy nhiên cho đến nay, con số đông người dân Hồng Kông vẫn tiếp tục xuống đường. Nhờ có được niềm tin mãnh liệt vào những điều họ đang theo đuổi nên những người biểu tình nghĩ rằng phong trào có khả năng tự phục hồi, được sự ủng hộ rộng rãi trong dân chúng và có đoàn kết – và vì vậy họ sẽ không bỏ cuộc dễ dàng.

Tháng trước, phong trào biểu tình, mặc dù không có lãnh đạo nhưng nhanh lẹ, biến hóa với câu châm ngôn “thị thủy” (hãy là nước) và cũng là chiến thuật đấu tranh của họ – đã làm một quyết định sai lầm gây nhiều tổn thất. Sau khi kêu gọi tổng đình công, người biểu tình đã cho chặn hai con đường chính nhằm tạo cơ hội cho người đi làm có cớ để ở nhà. Họ dựng lên những rào chắn nối tiếp nhau trên trục xa lộ kéo dài tới khu Tân Giới, điểm nối giữa bán đảo Cửu Long với Trung Quốc đại lục, và trên con đường hầm xuyên cảng nối liền Cửu Long và đảo Hồng Kông – cả hai địa điểm đều nằm gần những trường đại học. Nhưng khi người biểu tình sử dụng khuôn viên của các đại học để làm căn cứ đối đầu với cảnh sát, họ đánh mất đi khả năng di động đã giữ một vai trò hết sức quan trọng trong các cuộc biểu tình của những tháng trước đó, tạo cơ hội cho cảnh sát siết chặt vòng vây những vị trí cố định kia và mở những đợt tấn công khốc liệt vào người biểu tình.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Chỉ riêng tại Ðại học Bách khoa Hồng Kông đã có hơn 1,000 người biểu tình bị bắt, nâng tổng số người bị bắt có liên quan tới các cuộc biểu tình kể từ Tháng 6 lên tới gần 6,000 người. Cảnh sát cáo buộc tất cả những người bị bắt bên trong khuôn viên đại học là những người nổi loạn – điều này có nghĩa là họ có thể sẽ phải đối diện với những tội danh đưa đến mức án tù 10 năm.

Biểu tình ôn hoà biến thành bạo động khi cảnh sát bắn khói cay – nguồn Getty Images

Tình hình của Hồng Kông trong những ngày sắp tới tốt hơn hay xấu đi thì khó có thể đoán trước vào lúc này. Phong trào biểu tình bắt đầu với hàng trăm ngàn người xuống đường vào Tháng 6 bằng những cuộc tuần hành đầy ôn hoà và trật tự, nhưng rồi những tháng kế tiếp sau đó đã biến thành những cuộc đối đầu trực diện giữa cảnh sát và các nhóm biểu tình. Phi trường quốc tế Hồng Kông đã buộc phải đóng cửa hồi đầu Tháng 8 là điều chưa từng xảy ra trước đó, kế đến là toàn bộ dịch vụ xe điện lần đầu tiên kể từ năm 2007 đã phải ngưng hoạt động nguyên một ngày trong Tháng 10. Tình hình hỗn loạn tăng cao vào giữa Tháng 11 khi khu trung tâm thương mại và các trường đại học trở thành điểm nóng của các vụ đụng độ. Sự kiện hai cái chết khơi dậy nhiều xúc động cũng như nỗi hoang mang: một người là sinh viên đại học bị rớt ngã trong khu đậu xe nhiều tầng, người kia là một lao công dọn dẹp đường phố cao tuổi bị đánh trúng đầu bằng một vật cứng do người biểu tình ném ra. Một số đoạn video của điện thoại thông minh ghi lại một vài cảnh tượng bạo động về những vụ cảnh sát bắn vào người biểu tình hay người biểu tình tấn công một số người đại lục đã lan truyền trên mạng được nhiều triệu người theo dõi.

Ðể nhằm ngăn cản người biểu tình, chính quyền Hồng Kông cho áp dụng một đạo luật có từ thời thuộc địa để ra lệnh cấm đeo mặt nạ, nhưng ngay lập tức đã bị người biểu tình làm ngơ coi như chưa từng nghe thấy, sau đó lệnh này đã bị toà án bác bỏ cho là không hợp lệ và nay đang trong quá trình kháng cáo. Một vài chính trị gia thuộc cả hai phía chống và ủng hộ biểu tình đã bị tấn công ngay trước khi có cuộc bầu cử hội đồng khu vực vào ngày 24 Tháng 11, nhưng ngay trong ngày bầu cử thì hoàn toàn không có một vụ bạo động nào xảy ra; với con số người đi bầu đông kỷ lục và các ứng cử viên ủng hộ dân chủ đã toàn thắng.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Chức vụ hành chánh trưởng quan, chức vụ cao nhất trong hệ thống chính quyền Hồng Kông, là do một uỷ ban bao gồm 1,200 thành viên, đa số thân Bắc Kinh, tuyển chọn. Nay, các uỷ viên hội đồng khu vực mới bầu lên được quyền kiểm soát 117 trong tổng số ghế trên, và nếu kết hợp với khoảng vài trăm thành viên dân chủ khác – mặc dù vẫn là nhóm thiểu số, nhưng là một thiểu số có sức mạnh – họ có thể gây ảnh hưởng lên vị hành chánh trưởng quan. Vị trưởng quan hiện nay là bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) chỉ đánh bại các đối thủ của bà với 777 phiếu vào năm 2017. Các uỷ viên hội đồng khu vực có thể trở thành nhóm thiểu số nắm giữ những lá phiếu quyết định cho cuộc bầu chọn vị trưởng quan vào năm 2022. Các ứng cử viên cho chức vụ hành chánh trưởng quan tương lai thường sẽ là những nhân vật thân Bắc Kinh, nhưng các uỷ viên hội đồng khu vực vẫn có hy vọng đòi hỏi một số lời hứa cũng như nhượng bộ từ các ứng cử viên kia và họ có khả năng ngăn chặn những nhân vật quá thân Bắc Kinh để không cho đắc cử.

Biểu tình bạo động – Hong Kong Free Press

Riêng về phản ứng của chính quyền Bắc Kinh ra sao? Một số đơn vị trực thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân đã có mặt ở Hồng Kông từ năm 1997 sau khi Trung Quốc tiếp nhận lại từ Vương quốc Anh, nhưng cho đến nay nhóm quân đội này chỉ đóng một vai trò hết sức tối thiểu. Trước đây đã có một số lo ngại rằng những đơn vị này có thể được huy động để lập lại trật tự, đặc biệt sau khi một đồn trú tại đây đã cho đăng tải một đoạn video vào Tháng 8 cho thấy binh lính Trung Quốc đang tập dợt chống bạo loạn. Cả Bộ Quốc phòng lẫn Văn phòng Sự vụ Hồng Kông và Ma Cao ở Bắc Kinh đều không lên tiếng là trong tương lai họ có cho sử dụng biện pháp trên hay không. Ðối với một số người, nỗi sợ hãi lớn nhất là một cuộc đàn áp đẫm máu giống như cuộc đàn áp xảy ra ba thập niên trước để chống lại người biểu tình, chủ yếu là sinh viên, tại Quảng trường Thiên An Môn. Thêm một lo ngại khác là Bắc Kinh có thể mạnh tay nếu như Hoa Kỳ rút lại quy chế thương mại đặc biệt mà qua đó Hồng Kông được đối xử như một khu vực tách rời khỏi Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến kinh tế và thương mại. Trong tháng qua, Tổng thống Donald Trump đã ký một đạo luật bày tỏ sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với người biểu tình, và điều này có thể làm cho giới chức an ninh không dám đàn áp mạnh tay. Trong một đoạn ghi âm mà hãng thông tấn Reuters nhận được, bà Carrie Lam có phát biểu trong một cuộc họp nội bộ rằng Trung Quốc không có dự định đưa quân đội vào đàn áp là vì “cái giá phải trả sẽ quá lớn.” Tuy nhiên, không ai dám chắc là Trung Quốc sẽ không phản ứng mạnh nếu như họ không còn một lựa chọn khác.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Trước đây, những phong trào biểu tình thu hút được số đông người tham gia và ủng hộ thì thường dễ đạt được thành công, tuy nhiên kết quả gần đây thì lại khác. Năm 2003, phong trào biểu tình đã ngăn cản không cho thông qua luật an ninh quốc gia và góp phần đưa tới sự từ chức của vị trưởng quan lúc đó là ông Ðổng Kiến Hoa (Tung Chee-hwa). Chín năm sau, nhiều nhóm học sinh trung học, phụ huynh và giáo viên đã phá hỏng âm mưu của chính quyền Hồng Kông tính đưa môn chính trị vào trong học đường. Nhưng phong trào ủng hộ dân chủ bị rạn nứt sau khi chính quyền Hồng Kông đã thành công giải tán được những nhóm biểu tình do học sinh và sinh viên lãnh đạo khi những người này chiếm đóng nhiều đường phố trong suốt 79 ngày vào năm 2014 để đòi được hưởng một nền dân chủ rộng mở hơn. Kể từ đó, Bắc Kinh đã ngầm ra lệnh ngăn cản một số nhà hoạt động không cho ra tranh cử, truy tố một số nhà lãnh đạo biểu tình và cấm một đảng chính trị ủng hộ độc lập được hoạt động.

Tuy nhiên, phong trào biểu tình lần này khác với năm 2014 là họ không có lãnh đạo, thế nên sẽ không có mục tiêu rõ rệt để chính quyền có thể tìm cách vây bắt và giải tán. Người biểu tình lần này giống như nước vậy: ngăn đầu này thì họ chuyển qua đầu khác, chặn đường này thì họ rẽ qua đường khác. Và các cuộc biểu tình – nhỏ có, lớn có, ôn hoà có, bạo động có – cứ thế tiếp tục không dứt.

VH

Arlington, TX